In bài này
Nghiên cứu khoa học
Văn hóa xã hội
Lượt xem: 742

NGHỀ MƯU SINH CỦA CƯ DÂN VEN BIỂN Ở BẾN TRE TRƯỚC

SỰ XÂM NHẬP MẶN HIỆN NAY

ThS. Lê Văn Sao*ThS. Lâm Quang Vinh*

ThS. Sơn Kim Hà*CN.Nguyễn Thị Quế Châu[1]

Tóm tắt

Bài báo trình bày những vấn đề cơ bản về thực trạng mưu sinh của cư dân ven biển trước sự xâm nhập mặn ở Bến Tre hiện nay như mưu sinh từ nông nghiệp, từ hoạt động thương hồ; từ khai thác, đánh bắt, chế biến và nuôi trồng thủy sản, từ rừng ngập mặn và từ hoạt động mưu sinh khác. Kết quả nghiên cứu cho thấy đặc điểm mưu sinh của cư dân ven biển gắn với các đặc điểm tương ứng của môi trường sinh thái đa dạng và đặc thù nơi đây. Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết đề xuất một số khuyến nghị để duy trì và phát triển các nghề mưu sinh của cư dân ven biển trong bối cảnh xâm nhập mặn hiện nay.

Từ khóa: nghề mưu sinh, xâm nhập mặn, cư dân ven biển, Bến Tre

Giới thiệu

 Ngày nay, sự biến đổi khí hậu nói chung, sự xâm nhập mặn nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, được coi là thách thức lớn, đe dọa trực tiếp đến vấn đề an ninh lương thực, đời sống vật chất và tinh thần của con người, đến môi trường tự nhiên, kể cả môi trường xã hội. Những cư dân đang sinh sống và làm việc ở vùng ven biển được coi là dễ bị tổn thương nhất, trong đó có cư dân ven biển ở Bến Tre hiện nay. Mặc dù trong những năm qua khu vực ven biển ở Bến Tre đã được đầu tư nhiều chương trình, chính sách như xây dựng đê kè, thủy lợi, an sinh xã hội nhằm giảm tổn thương cho cư dân ven biển, bảo vệ rừng, đất đai, nguồn lợi thủy hải sản, sinh thái, động thực vật, và nguồn nước ngọt để cư dân có thể tiếp tục mưu sinh và phát triển ở nơi đây. Tuy nhiên, vấn đề xâm nhập mặn ngày càng có chiều hướng tăng dần đang trực tiếp quy hiếp, đe dọa đến đời sống cư dân nơi đây, mà vấn đề sinh kế của cư dân được coi là một ví dụ điển hình. Cho nên một trong những vấn đề quan trọng trước nhất là cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm giúp cư dân có thể tồn tại và phát triển trên vùng đất ven biển ở Bến Tre, đồng thời có thể bảo vệ môi trường tự nhiên trước sự xâm nhập mặn, góp phần thúc đẩy việc đảm bảo thức mưu sinh cho cư dân ven biển.

1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, dân số ở Bến Tre

Bến Tre là một trong 13 tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên là 2.394 km2, được hình thành bởi cù lao An Hoá, cù lao Bảo, cù lao Minh, và do phù sa của 4 nhánh sông Cửu Long bồi tụ mà thành (gồm sông Tiền dài 83 km, sông Ba Lai 59 km, sông Hàm Luông 71 km, sông Cổ Chiên 82 km). Tỉnh Bến Tre hiện có 9 đơn vị hành chính cấp huyện gồm thành phố Bến Tre và 8 huyện: Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Giồng Trôm, Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú. Trong đó có 164 đơn vị hành chính cấp xã, gồm có 7 thị trấn, 10 phường và 147 xã.

Địa hình của Bến Tre bằng phẳng, rải rác những giồng cát xen kẽ với ruộng, vườn, không có rừng cây lớn chỉ có một số rừng chồi và những dải rừng ngập mặn ở ven biển và các cửa sông. Phía Bắc tỉnh giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía nam giáp tỉnh Trà Vinh, phía tây giáp tỉnh Vĩnh Long, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía đông giáp biển Đông, với chiều dài bờ biển là 65 km.(Thuyết minh atlas trực tuyến)

Riêng vùng giáp biển ở Bến Tre có khu vực Định Trung, Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc và Thừa Đức (huyện Bình Đại); Tân Xuân, Bảo Thạnh, Bảo Thuận, An Hòa Tây và An Đức (huyện Ba Tri); An Quy, An Nhơn, An Điền, An Thạnh, Thạnh Phong và Thạnh Hải (huyện Thạnh Phú) (Thuyết minh atlas trực tuyến), còn Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam là những huyện gần các huyện giáp biển Thạnh Phú, Ba Tri và Bình Đại.

Theo kết quả sơ bộ Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tỉnh Bến Tre vào thời điểm 0 giờ ngày 01/4/2019 có 397.527 hộ với 1.269.518 nhân khẩu. Trong đó, có trên 126.300 nhân khẩu thành thị và 1.162.163 nhân khẩu nông thôn.

2. Thực trạng văn hóa mưu sinh của cư dân ven biển ở Bến Tre hiện nay

Từ lâu vùng ven biển ở Bến Tre được biết đến là vùng đất đặc thù về địa hình và hệ sinh thái đa dạng.

Trước nhất, địa hình nơi đây có hệ thống sông, kênh, rạch chằn chịt, dồi dào phù sa; đất đai màu mỡ; không khí trông lành, thoáng mát; có rừng ngập mặn rộng và là nơi cư trú của vô số loài thủy hải sản, côn trùng, bò sát và chim. Bên cạnh đó còn có các loài gia súc, gia cầm và nhiều loại động thực vật khác cũng được bàn tay cư dân nơi đây nuôi dưỡng và chăm sóc như trâu, bò, dê, heo, vịt, gà,...

Ngoài ra, vùng ven biển ở Bến Tre còn là vùng có nhiều bãi tắm, nhiều cồn cát (cồn ốc, cồn qui, cồn phụng,....), cù lao Bảo, cù lao Minh, cù lao An Hóa; cồn Bửng, cồn Lợi, cồn Lớn, vàm Khâu Băng khác. Nhờ vậy mà cư dân ven biển có thể mưu sinh, tồn tại và phát triển cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong những năm gần đây vấn đề xâm nhập mặn đã tác động rất lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, động thực vật, thủy sản, nguồn nước, đất đai của vùng ven biển ở Bến Tre, từ đó đã làm ảnh hưởng sâu sắc đến hình thức sinh kế của cư dân nơi đây.

2.1. Về mưu sinh từ nông nghiệp của cư dân ven biển ở Bến Tre

Bên cạnh mưu sinh về thủy hải sản, cư dân ven biển còn sinh sống bằng nghề nông nghiệp. Đây được coi là hoạt động chính của cư dân nơi đây. Thực tế cho thấy ở hầu hết địa bàn ven biển Bến Tre như Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại phần lớn đất đai được tận dụng để trồng lúa với mục đích cung cấp nguồn lương thực.

Cư dân ven biển còn tận dụng một vài nơi có đất đai màu mỡ có thể trồng hoa màu (rau, củ, quả,....) nhằm tăng cường nguồn thực phẩm đảm bảo cho bữa ăn hàng ngày trở nên đậm đà, ngon, bổ dưỡng và phong phú hơn, còn dư thừa họ có thể mang ra chợ bán để có thêm thu nhập mua hạt giống gieo trồng cho mùa vụ sau và một số ít nhu yếu phẩm cho cá nhân, gia đình. Những hoạt động như vậy vừa đảm bảo nguồn thực phẩm, vừa có tác dụng chống bạc màu của đất, vừa giảm thời gian rỗi, vừa có thêm thu nhập, vừa cải thiện cuộc sống tốt hơn.

Do nhu cầu phát triển kinh tế, nhiều cư dân ven biển còn tận dụng đất đai để trồng các loại hạt (lạc, đỗ, cà phê, điều, tiêu,....), trái cây (sa-pô-chê, bưởi, nhãn,...) có giá trị kinh tế cao nhằm tăng thêm thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, cho cá nhân, gia đình.

Bên cạnh mưu sinh từ trồng lúa, hoa màu, cư dân ven biển còn chăn nuôi gia súc, gia cầm như trâu, bò, heo, gà, vịt,....Trâu, bò chủ yếu phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp; còn heo, gà, vịt phục vụ cho bữa ăn hằng ngày, nhất là vào mùa gặt lúa hoặc tổ chức lễ giỗ, dịp cưới, đám tang không cần phải tốn tiền mua, còn dư có thể bán hoặc chia cho người khác cần. Nhờ vậy mà họ có thêm nguồn thu nhập bên cạnh thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Ngày nay, do ảnh hưởng từ nền kinh tế thị trường nên hình thức chăn nuôi gia súc gia cầm đã được cư dân ven biển ở Bến Tre bắt đầu chuyển đổi sang hình thức công nghiệp nhằm mang lại giá trị kinh tế cao hơn như bò, trâu chủ yếu không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn cung cấp thịt cho thị trường, nhất là nghề nuôi dê thương phẩm.

Mặt khác, để tăng sản lượng đàn gia súc cũng như để đảm bảo nguồn thức ăn cho chúng, cư dân ven biển còn tận dụng đất ruộng, đất vườn, đất ven rừng ngập mặn (đìa, bờ kênh, bờ mương, bờ rạch, bờ đê, bờ sông, kể cả bờ kè) để trồng cỏ, chuối, rau, củ, quả xen kẽ với cây ăn trái nhằm cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc. Từ đó mà nguồn thức ăn cho các loài gia súc gia cầm trở nên dồi dào và phong phú hơn. Kế đến, họ tận dụng lúa chét, gơm khô, rơm ủ bằng urê sau mùa gặt lúa nhằm có thêm nguồn thức ăn dồi dào dinh dưỡng cho gia súc ăn.

Hơn thế nữa, cư dân còn tận dụng nguồn sinh thái ngập mặn, từ nông nghiệp để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng với mục đích giúp du khách trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu, thư giãn giải trí, trị bệnh, nghỉ dưỡng vùng ven biển nơi đây, từ đó nhằm có thêm thu nhập, nâng cao mức sống, có thêm công ăn việc làm. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy, ở hầu hết các vùng ven biển, cư dân ở huyện Ba Tri đã sở hữu rộng rãi mảng xanh từ những dải rừng phòng hộ ven biển và những vườn dừa, cây trái sum suê. Cùng với đó, nơi đây còn có các khu di tích lịch sử, văn hóa; nằm giữa các tuyến cửa sông Ba Lai, Hàm Luông; cùng với vườn chim Vàm Hồ, khu sinh thái Lạc Địa, các bãi biển du lịch Cồn Ngoài, Cồn Hố, cù lao Đất… nên phù hợp với nhu cầu kinh doanh, sinh sống (Bạch Thanh. 2021. Cổng thông tin điện tử Tài nguyên và Môi trường).

Tuy nhiên, trong những năm gần đây vùng ven biển ở Bến Tre chịu ảnh hưởng nặng nề từ vấn đề xâm nhập mặn kéo dài và lấn sâu vào trong nội đồng tới vài chục cây số; hiện tượng sạt lở đất, xói mòn từ gió, bão, triều cường dẫn đến nhiều đê, kè, rừng ngập mặn bị phá vỡ, đất sản xuất, các loại gia súc, gia cầm, chim, bò sát, côn trùng, thực vật, nguồn nước ngọt, hoa màu, cây ăn trái cùng nhiều loài thủy hải sản đã bị biến mất, khó phục hồi trong thời gian ngắn. Do tình hình xâm nhập mặn kéo dài dẫn đến nghề mưu sinh bị mất, thu nhập giảm, chất lượng cuộc sống thấp dẫn đến tình trạng nhiều gia đình phải di dời đi nơi khác; đất ở, đất sản xuất không thể khai thác được hoặc không còn do bị xói mòn, lở đất gây ra; nguồn lương thực, thực phẩm không thể đảm bảo, mất việc, thu nhập thấp, điều kiện sống khó khăn,...Chẳng hạn, trong sản xuất nông nghiệp ở Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú phải chuyển đổi cây trồng, chuyển đổi mùa vụ, thay đổi phương thức tập quán sản xuất cũ, do đất đai, nguồn nước ngọt trên các cánh đồng bị nhiễm mặn nặng không thể trồng trọt; còn các cồn cát, cù lao, cửa sông bị khan hiếm nước ngọt, nhiều loại thủy sản không thể sinh sống vì bị nhiễm mặn, kéo theo nắng nóng. Căn cứ theo nguồn tài liệu cho biết thiệt hại do xâm nhập mặn năm 2019-2020 gây ra là rất lớn, tác động trên hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản có 27.985 ha cây ăn quả, 1,2 triệu hoa kiểng các loại, 600 ha cây giống, 168 ha hoa màu, 3.097 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại và ảnh hưởng (Bạch Thanh. 2021.Báo điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường)

2.2. Về mưu sinh từ rừng ngập mặn của cư dân ven biển ở Bến Tre

Cư dân ven biển ở Bến Tre cũng mưu sinh từ rừng ngập mặn, bởi nó là nơi cư trú và sinh tồn của nhiều loại sinh vật khác nhau. Đó là các loại thực vật được biết đến như đước, chà là, bần, mắm, phi lao (Nông trại Du lịch - Sân chim Vàm Hồ), dừa nước, có cây ô rô, lau sậy, cóc kèn, đồng thời là nơi tụ họp và sinh sống của các loài diệc xám, cò, vạc, le le, cồng cộc, quắm trắng về đây làm tổ, trú ngụ, sinh sản cùng nhiều loại thú hoang như kỳ đà, chồn, trăn, sóc, dơi, rắn. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn là nơi lí tưởng của nhiều nguồn thủy hải sản sinh sống và phát triển như sò, tôm, nghêu, cá rô phi, cua, tép, ba khía,......Nhờ nguồn tài nguyên thiên nhiên đó mà cư dân ven biển đã mưu sinh từ vùng rừng ngập mặn thông qua các hoạt động khai thác, đánh bắt, chế biến và nuôi trồng, với mục đích tạo cho bữa ăn có nguồn thực phẩm trở nên dồi dào và phong phú hơn. Chẳng hạn, cư dân nơi đây còn chế biến ra nhiều món ăn độc đáo, hấp dẫn bên cạnh các cách chế biến kho, chiên, nướng, luộc, đó là các loại mắm, khô được lấy từ nguồn thủy hải sản. Hai loại mắm, khô có thể để trong thời gian dài và dùng vào những ngày tháng nông nhàn, mưa dầm hoặc dùng vào ngày tháng sản xuất nông nghiệp, còn dư thừa có thể mang đi bán trong cồng đồng.

Rừng ngập mặn vốn là nơi sinh trưởng của nhiều loại cây thực vật khác nhau như mắm, đước, chà là, bần, mắm, phi lao, mà cư dân có thể tận dụng các loại cây, gỗ từ rừng ngập mặn để làm củi, để nấu và nướng thức ăn, để làm cột dựng nhà để ở, làm chuồng trại, làm cầu, làm bờ kè chống sạt lở, xói mòn đất và ngăn mặn xâm nhập hằng năm. Bởi đặc tính các loại cây từ rừng ngập mặn thường có chất lượng tốt, khả năng chịu phèn mặn, ẩm thấp, gió bão cao, từ đó giúp cho căn nhà có tuổi thọ lâu hơn, trở nên kiên cố hơn, vững chắc, sang trọng và đẹp hơn; vừa hạn chế việc tốn kém chi phí cho bản thân, gia đình; còn trong nấu nướng hay chế biến thức ăn thì củi lấy từ rừng ngập mặn có khả năng bắt lửa tốt, cháy lâu tàn và ít hao củi hơn. Thậm chí, nhiều cư dân còn tận dụng các loại đước làm than, vừa cung cấp chất đốt cho gia đình vào những tháng mưa dầm, gió bão, vừa có thể đem bán ra thị trường để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Ngoài ra, rừng ngập mặn còn là nơi sinh sống của nhiều loại cây khác nhau nên được coi là yếu tố quan trọng để chống gió xoáy, bão, xói mòn, lở đất và gió mùa từ biển. Nhờ vậy mà nhà cửa, ruộng vườn, cây trái, đất đai của cư dân giảm bớt thiệt hại, được bảo vệ, từ đó cư dân an tâm sinh sống, làm việc, ít lo lắng bởi gió bão.

Do rừng ngập mặn ở vùng ven biển ở Bến Tre khá đặc thù nên cư dân ven biển đã tận dụng hệ thống sinh thái nơi đây để phát triển du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa với mục đích có thêm nguồn thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình.

Mặt khác, do nhu cầu của nền kinh tế thị trường, cư dân nơi đây còn tận dụng đất rừng ngập mặn để nuôi mật, nuôi tôm, cá, tép, cua, sò, ốc,…nhằm cải thiện thu nhập bản thân, vừa tạo công ăn việc làm cho gia đình. Còn những lúc nông nhàn cư dân có thể đi khai thác, đánh bắt ba khía, ốc, tôm, cua, chim, chuột để cung cấp nguồn thực phẩm cho bữa ăn gia đình trở nên phong phú, đậm đà hơn.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây do tác động của sóng biển, dòng chảy làm hạn chế sự bồi tụ của đất hoặc gây xói lở nên không thể trồng rừng được (Phương Hiền.5/2021. Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống). Mặt khác, tình trạng chặt phá, lấn chiếm rừng ngập mặn để nuôi thủy sản vẫn còn diễn ra thường xuyên. Từ những yếu tố trên đã làm ảnh hưởng đến, nhiều hệ sinh thái, thực vật, chim, nguồn thủy sản, động vật hoang dã, côn trùng, bò sát không thể sinh sống, trú ngụ và phát triển do không còn đất, rừng che chắn, cây cối không thể sinh trưởng. Ngoài ra, rừng ngập mặn vốn là nơi trú ẩn và sinh sản của tôm cá, nhưng bây giờ có dấu hiệu sụt giảm, nghêu, sò không thể nuôi được, diện tích đất rừng bị thu hẹp, nhiều loại thực vật bị chết, đất rừng ven biển không còn nên nguồn thực phẩm, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo; nghề chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác đã bị biến mất, nhiều cư dân rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc làm, không thu nhập. Còn cây cối dùng để cất nhà ở, làm củi, làm vườn, làm chuồng không còn đành phải bỏ số tiền lớn để mua ga nấu, mua vật tư để xây cất, hoặc do mất đất phải di cư đến nơi khác ở, tìm kiếm việc làm. Riêng loại hình du lịch sinh thái đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi rừng ngập mặn hiện nay được coi là nơi lí tưởng hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm, khám phá có dấu hiệu suy giảm. Từ sự thực trạng trên cho thấy rừng ngập mặn đóng một vai trò cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến sự tồn tại, phát triển của cư dân ven biển ở Bến Tre, nhất là nghề mưu sinh từ rừng ngập mặn. Và ngược lại nhờ có cư dân ven biển mà rừng được bảo tồn, hệ sinh thái được duy trì, đất đai được phát triển, nguồn thủy sản và động vật tiếp tục được phát triển sinh sôi.

2.3. Về mưu sinh từ hoạt động thương hồ tại khu vực ven biển

Do vùng ven biển có địa hình đặc thù, dân cư tương đối đông đúc và văn hóa nông nghiệp đặc trưng nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán trên sông của cư dân. Qua khảo sát thực tiễn cho thấy vùng ven biển Bến Tre có lợi thế về hệ thống sông, kênh, rạch đa dạng nhờ giáp sông Tiền, sông Hậu, sông Mỹ Tho, Hàm Luông, Ba Lai Cổ Chiên, kênh Hưng Khánh Trung (Vĩnh Thành - Chợ Lách), kênh An Định (Tân Trung - Mỏ Cày), kênh chính A và B (Giồng Trôm - Ba Tri), kênh Hữu Định (Chẹt Sậy - Châu Thành), kênh An Hóa (Thới Lai - Bình Đại),.......nên cư dân đã tận dụng ghe, xuồng để hoạt động giao thương, buôn bán trên sông. Các phương tiện dùng để mưu sinh của cư dân ven biển như ghe bán tạp hóa, nước giải khát, cơm, bánh, cà phê, hàn tiện, điện tử; vật liệu xây dựng (sắt thép, gạch, cát, đá, xi - măng,....), ghe hàng đan đát (mê bồ, sàng, thúng, rổ, nia,..), ghe hàng xáo (gạo, lúa, cám, tấm,....), ghe hàng trắng (chén, dĩa, bằng sành, đồ gốm, sứ,..), ghe hàng bông (trái cây, rau củ: hẹ, bắp cải, khoai lang, dưa leo, bí rợ, hành,...), ghe mua tôm, ghe đổi nước, ghe mua heo, ghe đổi muối. Nghề giao thương, buôn bán trên sông có nhiều đặc thù như không cần vốn nhiều, chỉ bỏ ít công sức nhưng có thể có công ăn việc làm, thu nhập tốt hơn nên ngày càng có nhiều cư dân thích sinh sống bằng nghề này ở vùng ven biển ở Bến Tre hiện nay.

Do đặc thù có nhiều sông ngòi, lại thông thạo thủy mạo nên cư dân nơi đây còn tận dụng phương tiện là ghe, xuồng để đốn củi, phát bàng, bắt ba khía, tôm, tép, cá; ghe xuồng đi làm mướn; tàu, đò đưa khách qua sông hằng ngày. Các hoạt động mưu sinh này vừa tạo ra thực phẩm, vừa có củi đốt, vừa kiếm được tiền có thể tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống, giảm thời gian nhàn rỗi. Tuy đây là nghề nhẹ nhàng nhưng cũng được coi là nghề chân chính, không cần vốn liếng nhiều, và đối với họ đó còn là thú vui, niềm hạnh phúc, nhất là vào những tháng ngày kết thúc mùa vụ.

Hầu hết cư dân nơi đây đều sinh sống bằng nghề nông nghiệp nên nghề giao thương, buôn bán của cư dân diễn ra thường xuyên, liên tục, nhất là những địa phương khi chưa có hệ thống đường bộ phát triển, xe cộ không thể tới được thì việc tận dụng phương tiện ghe, xuồng trên sông với mục đích lấy hàng, chở đồ, đưa đồ tại các chợ đầu mối trong và ngoài tỉnh để bán hoặc chia lại cho những người dân không có điều kiện đi lại có mà dùng là điều cần thiết nhất. Các phương tiện được cư dân sử dụng làm phương tiện di chuyển chính như xuồng ba lá, ghe tam bản, xuồng năm lá, ghe máy, tắc ráng, tàu. Có thể nói đây là những hình ảnh quen thuộc đối với cư dân ven biển ở Bến Tre. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận xét của Trần Minh Thương (2017) trong cuốn “Đặc điểm văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ” khi ông viết: “Chợ nổi trên sông, nhiều ghe lớn đủ loại chở đồ ăn, đồ xài ở xứ khác đến đây bán. Nhưng ở quê, không phải ai ngày nào cũng chèo ra chợ. Phần đường xa, phần công việc” (Trần Minh Thương.2017,tr.85)

Ngoài ra, vùng ven biển còn được biết đến bởi hệ thống các cù lao rộng khắp như cù lao Bảo (Tân Hào - Giồng Trôm),....cùng với vô số cửa Tiểu, cửa Ba Lai, cửa Đại, cửa Hàm Luông, cửa Cung Hầu, cửa Cổ Chiên nên cư dân có thể lấy hàng hóa, nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt, vật liệu xây dựng, con giống, vật nuôi cây trồng cho các cư dân sinh sống ở nơi đây hàng ngày. Ngược lại các thương lái, tiểu thương có thể thu mua gà, vịt, heo, trâu, bò, dê để bán cho các chợ đầu mối khi có nhu cầu. Không những vậy, cư dân còn tận dụng cồn, cù lao là nơi có lượng thủy hải sản dồi dào như nghêu, cua, tôm, cá, tép có thể lập cơ sở để thu gom, kinh doanh, chế biến các loại thủy sản trên. Từ đó mà đời sống vật chất và tinh thần của cư dân ven biển được cải thiện hơn, có thêm công ăn việc làm, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống trong những tháng nông nhàn, rảnh rỗi không trồng trọt, chăn nuôi hay đánh bắt được.

Do có nhiều cửa biển, cù lao, cồn cát, nhiều sông ngòi nên cư dân nơi đây còn khai thác, đánh bắt hàng ngày sau giờ lao động nông nghiệp như kéo, chày, giăng câu, thả lưới, đặt đáy. Các loại thủy sản như cá lóc, cá trê, cá phi, cá rô, cá bống (bống dừa, bống cát,.....), tôm, tép, điêu hồng, với mục đích cung cấp nguồn thực phẩm cho cư dân ven biển trong bữa ăn hàng ngày. Còn dư thừa có thể đem bán kiếm tiền cho gia đình hoặc cơ sở thu mua khác (hay gọi là tiền cơm cá) nhằm có thêm thu nhập cải thiện cuộc sống hằng ngày.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây do địa phương có nhiều chủ trương phát triển hệ thống đê điều, cầu cống, mở rộng chợ búa, đường giao thông, xây dựng nhà máy nhiệt điện, khu du lịch sinh thái, khu công nghiệp, khu chế xuất, nhà cửa,…..đã san lấp nhiều cửa sông, kênh, rạch, vàm nên vấn đề mưu sinh từ hoạt động giao thương, buôn bán trên sông tại khu vực ven biển ít nhiều bị biến đổi do không thể lưu thông, chuyên chở hay đi lại được do đóng cống, san lắp vì bị nước mặn xâm nhập.

Đối với cư dân ven biển phần lớn dựa vào hệ thống giao thông chính là đường thủy nên phương tiện chính để đi lại, chuyên chở hàng hóa của cư dân, là ghe, xuồng (ghe bầu, ghe giàn, ghe cui, ghe vợi, ghe quyển, ghe lê, ghe ô, ghe cà vom, ghe đò, ghe buôn, ghe hàng, ghe câu, ghe lưới, ghe đáy, xuồng đục,...). Nhờ các phương tiện trên mà cư dân nơi đây có thể yên tâm đi lại, cảm thấy bình an và thoải mái hơn, không có cảm giác nóng nực hay bị oi bức, nhất là giúp cho việc đi lại trở nên dễ dàng, thuận lợi, rút ngắn khoảng đường đi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian, công sức, mua bán được nhiều hơn. Đặc biệt hơn đường thủy phát triển đã giúp cho cư dân có thể chuyên chở và mua bán thủy hải sản vào những tháng nông nhàn để có thêm ít tiền trang trải cuộc sống, có công ăn việc làm cải thiện thu nhập cho cư dân tốt hơn.  

2.4. Về hoạt động mưu sinh khác

Bên cạnh mưu sinh từ nghề khai thác, đánh bắt, chế biến, nuôi trồng thủy hải sản; mưu sinh từ nông nghiệp, mưu sinh từ hoạt động thương hồ, cư dân ven biển cũng mưu sinh từ nghề đưa đò, đưa ghe, đưa phà cho khách ở các ngã ba, ngã tư qua sông, kênh, rạch, bùng binh, bưng, trấp, bến, vàm, ngọn, ngả, long, cái, xẻo, cổ, đường, xép, xáng, nhất là vào những ngày tháng mưa dầm khi mà cư dân không thể đi lại bằng xe.

Ngoài ra, nhiều cư dân còn mưu sinh nghề bán vé số, chạy xe ôm, chở thuê hàng hóa, mua ghe chai, bán kem, mở hàng quán, tiệm cơm, nước giải khát,…để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Bên cạnh đó, cư dân nơi đây còn mưu sinh từ nghề trồng kiểng, cây cảnh, nuôi chim kiểng, nuôi gà đá,….để phát triển hình thức du lịch sinh thái. Tuy nhiên, tất cả các nghề mưu sinh trên hiện nay đều bị tác động nghiêm trọng do tình trạng xâm nhập mặn kéo dài, đất đai bị xói mòn, sạt lở, hệ động thực vật không còn nhiều, nguồn thủy hải sản bị chết cùng việc phát triển của cơ sở hạ tầng như xây dựng cầu, cống, đường, bệnh viện, trường học, du lịch, bờ kè cũng ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên, rừng ngập mặn, hệ sinh thái, nguồn nước, sông ngòi, nghề mưu sinh của cư dân nơi đây.

3. Một số giải pháp/định hướng phát triển nghề mưu sinh của cư dân ven biển ở Bến Tre hiện nay

Để phát triển văn hóa mưu sinh trước sự xâm nhập mặn của cư dân ven biển ở Bến Tre hiện nay cần có một số giải pháp cụ thể sau:

Thứ nhất, Đảng và Nhà nước cần có chủ trương, chính sách hỗ trợ vốn để đầu tư xây dựng hồ chứa nước ngọt, tăng cường công tác trồng rừng, xây dựng đê điều, bờ kè, thủy lợi kiên cố nhằm hạn chế tình trạng xâm nhập mặn tiến sâu vào trong nội đồng, cù lao, cồn cát, sông ngòi và ruộng đất nơi đây.

Thứ hai, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện và quan tâm hơn nữa cho cư dân ven biển có cơ hội tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ, hỗ trợ đất rừng ngập mặn,  tiếp cận các mô hình sản xuất nông nghiệp, trang trại gia súc gia cầm, các mô hình nuôi trồng thủy sản, các hoạt động kinh doanh du lịch nhằm cải thiện hoạt động mưu sinh từ nông nghiệp, từ rừng ngập mặn, từ hoạt động thương hồ, từ hoạt động mưu sinh khác tại vùng ven biển để đảm bảo cuộc sống cho bản thân và gia đình của họ. Đồng thời, địa phương cần thường xuyên tích cực tuyên truyền, vận động và giáo dục cư dân ven biển nâng cao nhận thức về vai trò của việc bảo vệ, gìn giữ sông ngòi, nước ngọt, phương tiện ghe xuồng, bảo vệ sông ngòi, kênh, rạch, xẻo là, vàm, cù lao, cồn cát góp phần bảo vệ nghề mưu sinh của cư dân ven biển.

Thứ ba, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông như trang mạng xã hội (Facebook, Twitter, Youtube, Messenger, Yume, Zingme, Zalo,..), internet, ti vi, ra-dio, báo (báo điện tử, báo giấy), sách, tạp chí đến với cư dân ven biển để họ hiểu sâu sắc hơn về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề mưu sinh, nhất là nghề mưu sinh từ du lịch gắn liền với rừng ngập mặn.

Thứ tư, cư dân ven biển cần tôn trọng và gìn giữ nguồn nước ngọt, bảo vệ môi trường tự nhiên, tái tạo nguồn thủy hải sản, hệ sinh thái, các loài gia súc gia cầm, tích cực bảo vệ rừng ngập mặn, chim, bò sát, côn trùng để góp phần bảo vệ nghề mưu sinh của mình. Bên cạnh đó, cần hạn chế việc khai thác mạch nước ngầm một cách hoang phí, việc khai thác phải có kế hoạch cụ thể, sử dụng nước ngọt phải tiết kiệm, nhằm hạn chế việc xâm nhập của nước mặn.

Thứ năm, địa phương cần có chính sách bảo vệ rừng ngập mặn, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sông ngòi, kênh rạch nhằm hạn chế việc khai thác, chặt phá rừng ngập mặn một cách bừa bãi của dân cư ven biển trong hiện tại và tương lai.

Thứ sáu, cần gắn kết giữa hoạt động mưu sinh với du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái nhằm phát triển nghề nông nghiệp; nguồn thủy hải sản, động thực vật, rừng ngập mặn, nguồn nước bên vững hơn.

Kết luật

Bài báo đã trình bày những hoạt động mưu sinh từ nông nghiệp; từ hoạt động thương hồ; từ rừng ngập mặn và từ hoạt động mưu sinh khác. Từ những thực trạng trên được coi là thách thức lớn đến phát triển nghề mưu sinh của cư dân ven biển ở Bến Tre hiện nay. Tuy nhiên, để phát triển nghề mưu sinh bền vững trước sự xâm nhập mặn ở Bến Tre thì một trong những giải pháp được coi là tối ưu nhất là cư dân ven biển cần thay đổi tập quán sản xuất cũ, chuyển đổi giống vật nuôi cây trồng, thay đổi hình thức mưu sinh, ra sức bảo vệ nguồn nước, hạn chế việc phá rừng ngập mặn, tăng cường công tác bảo vệ và xây dựng thủy lợi, đê kè là một trong những yếu tố cần thiết nhất. Ngoài ra, Đảng và Nhà nước ta sớm có những chủ trương, đường lối, chính sách, dự án, chương trình hành động cụ đối với việc phát triển rừng ngập mặn, chống sạt lỡ, bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo vệ nguồn nươc ngọt, đảm bảo sản xuất nông nghiệp thể để giúp cư dân ven biển ở Bến Tre ổn định cuộc sống, hoạt động sản xuất, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Đồng thời, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội khác cùng cộng đồng, xã hội khác cần phối hợp với cư dân ven biển cần quan tâm hơn nữa đối với việc bảo tồn, gìn giữ và phat huy văn hóa mưu sinh trước thời kì hội nhập hiện nay. Có như vậy văn hóa mưu sinh mới được đảm bảo, môi trường tự nhiên được giữ vững, hoạt động sản xuất nông nghiệp được phát triển thì đời sống vật chất và tinh thần cư dân ven biển sẽ được cải thiện tốt hơn.

 ---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Trần Minh Thương. 2017. Đặc điểm văn hóa sông nước miền Tây Nam Bộ. Hà Nội: Mỹ Thuật.
  2. Thông tin tóm tắt trên thuyết minh atlas trực tuyến của Cổng thông tin điện tử Bến Tre. http://vukehoach.mard.gov.vn/atlas/prov/bentre/bentre.html (truy cập ngày 26/8/2021)
  3. Trung Kiên. 24.9.2021.15 xã thuộc 3 huyện ven biển được trang bị hệ thống cảnh báo sớm. http://biengioibienbentre.vn/noi-dung/15-xa-thuoc-3-huyen-ven-bien-duoc-trang-bi-he-thong-canh-bao-som.html (truy cập ngày 26/8/2021)
  4. Bạch Thanh. 26. 5. 2021.Bến Tre: Thông tin quy hoạch, giá đất vùng ven biển không ngừng tăng. https://baotainguyenmoitruong.vn/ben-tre-thong-tin-quy-hoach-gia-dat-vung-ven-bien-khong-ngung-tang-324926.html (Ngày truy cập 1/9/2021)
  5. Nông trại Du lịch - Sân chim Vàm Hồ. https://sanchimvamho.vn/gia-tri-rung-ngap-man-ben-tre-mang-lai/ (Ngày truy cập 4/9/2021)
  6. Phương Hiền.5/2021. Bến Tre: Tăng cường các giải pháp trồng, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển. https://moitruong.net.vn/ben-tre-tang-cuong-cac-giai-phap-trong-bao-ve-rung-ngap-man-ven-bien/ (Ngày truy cập 24/9/2021)

 [1] Trung tâm Văn hóa Miền Tây, Trường Đại học Trà Vinh