Trao nghị quyết bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nhiệm kỳ 2021 - 2025

Trao quyền bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nhiệm kỳ 2021-2025  Chiều ngày 20/5, tại Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV), quyền ủy quyền của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Trường ĐHTV tổ chức lễ công bố và trao quyền bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng; các công nhận chức danh Phó Giáo sư. Đến dự, có ông Ngô Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh; ông Trần Hoàn Kim, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Trường; PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHTV, đại diện lãnh đạo các...

21-05-2022

Phúc Kiến (Phúc Kiến) Người th…

Atsuko Tshuchiya - Kobe University, Japan Bài báo này đã được trình bày tại Hội thảo Quốc tế, ngày 27-28 tháng 8 năm 2015 tại Trường Đại học Trà Vinh, Việt Nam. 1   ...

18-03-2021

Error: No articles to display

Error: No articles to display

VĂN BẢN VIẾT TRÊN KINH LÁ BUÔNG (SATRA) CỦA NGƯỜI KHMER TẠI TRÀ VINH

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Satra Slất Rịt hay còn được gọi là kinh lá buông là loại tài liệu cổ của người Khmer được lưu giữ tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đây là nguồn tài liệu quý báu của dân tộc Khmer, chứa đựng rất nhiều tri thức về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử,… Văn bản Satra cũng là nguồn tài liệu văn học của người Khmer tập trung nhiều nhất là những bản giáo huấn ca bao gồm như tục ngữ, luật răn dạy con người (Satra Chbắp). Tuy tài liệu lá buông được lưu giữ tại hầu hết các chùa Khmer tại Nam Bộ nói chung và tại tỉnh Trà Vinh nói riêng nhưng Satra vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn về giá trị, chưa được nghiên cứu với qui mô rộng, sâu nhằm thống kê cụ thể số lượng vẫn được lưu giữ và chưa thể sắp xếp phân loại để nghiên cứu về phần nội dung được khắc chép trên các lá buông. Hơn thế nữa, Satra Slất Rịt cần được nhìn nhận là di sản văn hóa của người Khmer.

  1. VÀI NÉT VỀ KINH LÁ BUÔNG

Kinh lá buông là tên gọi chung của tài liệu được khắc trên lá buông. Nếu theo tiếng Khmer gọi là Satra Slất Rịt, “Satra” có nghĩa là kinh và sách hay gọi chung là tài liệu, “Slất” là lá, “Rịt” là ép lại cho chặt. Người Khmer thường gọi tắt kinh lá buông là “Satra”. Còn loại lá được dùng để chép Satra được lấy từ cây “T’răn” (theo tiếng Khmer), loại cây này có hình dáng khá giống với cây thốt nốt, cả thân cây và lá. Do đó, không nên hiểu nghĩa hẹp của kinh lá buông là chỉ các kinh Phật giáo mà nên hiểu rộng hơn là nó bao gồm tất cả các kinh, sách của người Khmer.

Satra được lưu giữ tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, tuy nhiên số lượng lưu giữ tại các chùa khác nhau. Một số chùa hiện còn lưu giữ lại rất nhiều bộ Satra, còn đối với một số chùa chỉ lưu lại các mảnh ghép từng lá chứ không phải bộ Satra trọn vẹn. Theo khảo sát tại chùa Kompong Đôn, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần hiện còn lưu giữ các bộ Satra: Ma-hô-sat, Kao-va-đa, Thom-ma-sam-phôt, Lbơk Chhu-chuôk, A-ni-song-phi-đan, Chbắp Vithu-ban-đit, Chbắp Maha-nết-sua-sđây, A-ni-song Phrah,A-ni-song-phnum-khsach, Chbắp Krom, Vi-va-ră-thomabot, Kompi Phrah Viney, Neak-khă-sên, Mia-lai-khìa-tha, Phrah A-phi-thom, Vê-son-đo Chea-đok, A-ni-song Vê-son-đo Chea đok và còn một số bộ Satra chưa được sắp xếp theo từng loại; tại chùa Chum Nit, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú hiện lưu lại được một bộ Satra đó là Satra A-ni-song Vê-son-đo Chea đok; tại chùa Kosla, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú có lưu giữ một bộ Satra nhưng không phải bộ trọn vẹn mà là các lá Satra của các cuốn khác nhau, được chùa cất giữ để trưng bày. Qua đó cho thấy, Satra được lưu giữ tại các chùa có số lượng khác nhau, một số chưa được nghiên cứu để sắp xếp, phân loại phù hợp và công tác nghiên cứu nhằm thống kê, phân loại Satra hiện hữu tại các chùa là rất cần thiết.

  1. PHÂN LOẠI KINH LÁ BUÔNG

Các nhà nghiên cứu thường chia Satra thành bốn nhóm:

Satra Rương (Satra truyện): những mẩu truyện được ghi trên lá buông được các nhà sư đọc cho tín đồ nghe, hoặc do người kể lại dưới ánh đèn dầu, dưới ánh trăng. Ngoài ra, những tác phẩm văn học thuộc loại này thường được các nghệ nhân dựa vào để soạn thành kịch bản sân khấu nên nó còn được gọi là truyện tuồng Lô-khôn.

Satra Lơ-beng (Satra giải trí): ghi chép về các trò chơi dân gian, các trò thể dục thể thao cổ truyền. Ngoài ra, nó còn bao gồm những câu chuyện phản ánh những sinh hoạt lao động, vui chơi (đá gà, đánh cầu, đấu vật, đá kiện, thả diều), việc cưới xin, hội hè.

Satra Chơ-bắp (Satra luật giáo huấn): giáo huấn ca bao gồm giáo huấn ca cho người tu hành và giáo huấn ca cho người bình thường.

Satra Tes (Satra kinh, kệ): ghi chép Phật thoại và kinh Phật. [1; tr. 128,129]

Thông qua việc xem xét nội dung được khắc trên kinh lá buông và theo lĩnh vực sử dụng, Satra có thể chia theo ba nhóm sau đây: Satra tôn giáo, Satra Pa-vê-ney, Satra sêch-sa.

Nhóm thứ nhất: Satra viết về kinh Phật và Phật tích, bao gồm những cuốn kinh lá buông được khắc chép các kinh liên quan đến Phật giáo cũng như những mẫu truyện kể về cuộc đời Phật Thích Ca được gọi là Chea-đok. Satra này gốm có: Satra Tray-bi-đok (Kinh tam tạng), Satra Thom-ma-bot-that-thă-ka-tha (Kinh pháp cú), Satra Chea-đok (Phật tích).

Nhóm thứ hai: Satra Pa-vê-ney bao gồm các bộ kinh lá buông nói về văn hóa truyền thống của người Khmer gồm các lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, tập quán, chuyện kể, sử tích, thần thoại. Gồm có: Satra rương (truyện), Satra Cha-bắp (lời giáo huấn), Satra Khă-tês-lôk, Satra Lbơk, Satra lbeng, Satra tha-nam (thuốc chữa bệnh), Satra tục thờ niệm khác, Satra Chmuos-sat (Kinh lá buông tên các động vật). Những bộ Satra thuộc nhóm này là các tác phẩm văn học độc đáo của người Khmer, trong đó có thể kể đến các Satra nói về lời giáo huấn như Cha-bắp Pros (lời giáo huấn người đàn ông) và Cha-bắp Sa-rây (lời giáo huấn người phụ nữ), Cha-bắp Hay-Ma-ha-chun (Luật dạy dân chúng), Cha-bắp Bon-đam-âu-phụt (Luật dạy của người cha), Cha-bắp Kuon-chau-lbơk (Luật con cháu), Cha-bắp Thul-mean-khluon (Luật tu thân dưỡng tính), Cha-bắp Vi-thu-banh-đit (Luật dạy bảo người trí thức), Cha-bắp Pheak-chas (Luật người xưa), Cha-bắp Kê-kal (Luật dạy bảo kinh nghiệm nghề nghiệp). Riêng đối với Lbơk gồm có: Lbơk Chhuch Nưng Trây, Phê Nưng Cho-chot, Chke-cho-chot Nưng Kuon Chiem,… Thông thường nhất trong loại hình này sẽ có hai con vật đảm nhiệm vai chính, cốt lõi của các câu chuyện này thường xoay quanh một tuyến nhân vật tham lam, nóng nảy, cậy quyền thế và tuyến nhân vật còn lại thường là những trường hợp lương thiện, không biết tham lam, thích giúp đỡ người khác, đặc biệt luôn đề cao sự trong sạch. Còn đối với Satra Lbeng là bộ kinh lá buông viết về những câu truyện ngắn hoặc vừa để người đọc đọc hiểu nhằm giải trí, thư giản. Satra loại này cũng chứa đựng nhiều bài học kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế, lòng dạ con người. Một số câu chuyện trong Satra lbeng như: Hăng-don, Khdon-săng, Phôk-kul-ko-mar, Ka-kây, Phres-lek-sin-na-vong, Chin-na-vong,…Một số truyện dựa trên cốt lõi của kinh phật giáo, nêu cao tinh thần hành thiện, diệt ác, người tốt luôn hưởng được phúc lành, ngược lại người xấu phải gánh chịu nhiều án trừng phạt. Qua đó có thể thấy, Satra lbeng ảnh hưởng rất sâu rộng đến tinh thần của người Khmer từ nhỏ đến già, vì những câu truyện không dài, không ngắn vừa đủ để đọc hay kể lại bằng miệng cho nhau nghe mỗi khi có cơ hội. Do đó, người Khmer đã hình thành nhận thức về cách ứng xử trong cuộc sống là làm điều tốt, tránh xa điều ác.

Nhóm thứ ba: Satra sêch-sa là kinh lá buông sử dụng trong giáo dục, bao gồm các cuốn Satra ghi chép sách giáo khoa phục vụ trong việc giảng dạy và học tập. Satra sêch-sa có Satra Vai-dia-ko Pali (Ngữ pháp Pali), Theat-tu-sang-kros (Ngữ căn Pali).

  1. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG KINH LÁ BUÔNG

Satra Slất Rịt được lưu giữ lại tại các chùa là khối tài sản vật chất của văn hóa Khmer, nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ nói chung và đối với người Khmer Trà Vinh. Người Khmer coi Satra là một vật linh thiêng trước khi họ nhận lấy giá trị giáo của nó. Trong các dịp lễ hội thường niên, đặc biệt lễ hội Chol Chnam Thmây, người Khmer thường tìm đến chùa để nghe sư thuyết pháp về lịch sử Phật Thích Ca và tài liệu dùng để thuyết pháp chính là các cuốn Satra được lưu giữ. Qua đó, có thể thấy Satra ảnh hưởng rất lớn đối với lĩnh vực tôn giáo của người Khmer, nói cách khác Satra đóng góp một phần trong việc truyền bá triết lý đạo Phật, điều khiển một phần lớn sinh hoạt tôn giáo. Mặt khác, văn học Khmer được viết trên lá buông là kho tàng văn học dân tộc quý báu. Đó là những câu chuyện được gọi chung là Satra rương, đa phần đều là những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục cho con người sống tốt, tránh xa cái xấu, xây dựng một xã hội lành mạnh.

Việc đọc Satra hiện nay là một việc rất khó khăn, vì đa số người Khmer không thể đọc chữ được viết trên kinh lá buông. Trong số những người biết chữ Khmer hiện nay, bao gồm học sinh, sinh viên, tăng sinh tại các trường Phật học, trường Trung cấp Pali-Khmer, các sư là trụ trì, phó trụ trì, Achar tại các chùa phần lớn chỉ biết đọc một phần chữ viết trên lá buông, có những từ ngữ có thể hiểu nghĩa và có từ ngữ không hiểu ý nghĩa. Các sư được đào tạo, chỉ dẫn để đọc Satra rương (bao gồm Phật tích, các loại Satra kể về tiền kiếp của Phật Thích Ca) có thể đọc rành rọt chữ viết trên lá buông để thuyết giảng trong dịp lễ Chol Chnam Thmây hằng năm trong chùa đến Phật tử được nghe. Cách sử dụng các từ ngữ trong Satra có phần rất khác so với văn phong Khmer hiện tại, vay mượn nhiều từ ngữ có nguồn gốc tiếng Pali, San-Krit vẫn rất khó đọc và hiểu ý nghĩa. Qua đó, cho thấy việc mở lớp dạy đọc chữ trên Satra cũng là công việc cần được quan tâm thực hiện.

  1. CÔNG TÁC BẢO TỒN KINH LÁ BUÔNG

Hiện nay, Satra được lưu giữ nhiều nhất trong các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, một phần được lưu giữ tại nhà người dân, bảo tàng. Như đã trình bày, Satra tại các chùa có số lượng không giống nhau, thậm chí chênh lệch nhau rất nhiều. Một điểm chung của công tác bảo tồn Satra trong chùa là chỉ là cất giữ tài liệu cổ mà việc đọc chữ trên Satra hay việc nghiên cứu nội dung được khắc chép vẫn chưa được thực hiện. Tại chùa, nếu bộ Satra được giữ gìn nguyện vẹn từ trước đến nay thì các nhà sư vẫn giữ lại nguyên bộ, riêng các lá Satra bị rời rạc thì chưa được nghiên cứu sắp xếp. Các Satra có tuổi thọ khác nhau cũng chưa được phân loại rõ ràng, một số việc cất giữ không đảm bảo chất lượng, dễ dẫn đến tình trạng mục nát.

  1. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN KINH LÁ BUÔNG HIỆN NAY

Đối với nhà chùa

Ngoài lưu giữ cũng cần quan tâm đến việc đào tạo cho các sư trẻ mới vào tu tập đọc và hiểu ý nghĩa trong Satra để tiếp tục thuyết giảng, truyền đạt đến tất cả các phật tử được hiểu biết nhiều hơn. Những chùa đã có truyền thống đọc kinh lá buông vào mỗi dịp lễ Chol Chnam Thmây cần phải giữ gìn và không ngừng đào tạo các lớp sư sãi tiếp theo để tập đọc chữ trên Satra. Các chùa không còn hình thức đọc kinh lá buông nên có biện pháp phục hồi phong tục đọc kinh lá buông trong dịp Chol Chnam Thmây. Vì trong niềm tin của người Khmer, những gì họ được nghe từ những dòng chữ được các sư đọc từ Satra là những điều thiêng liêng, những bài học cần học tập theo, do đó có thể việc thuyết giảng thông qua kinh lá buông cũng là một hình thức truyền đạt lời dạy của Phật Thích Ca, làm cho các đạo lý của nhà Phật được truyền bá rộng rãi hơn trong cộng đồng. Mặt khác cũng tạo được các lớp sư sãi đọc được chữ Khmer viết trên lá buông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu kinh phật, tri thức dân tộc được khắc chép trên lá buông.

Nhà chùa cần tranh thủ sự hỗ trợ của ngành văn hóa địa phương và trung ương để có thể sưu tầm, thu gom tất cả kinh lá buông trong chùa kết hợp với các ngành chức năng có cách giải quyết cụ thể cho từng cấp độ: sưu tầm và lưu giữ, học tập, nghiên cứu, mà nhất là học cách đọc.

Đối với các ngành chủ quản về quản lý văn hóa

Đối với các cấp ngành liên quan đến văn hóa cần nghiên cứu xây dựng Đề án nhằm mở một cuộc tổng điều tra số lượng Satra còn được lưu giữ tại các chùa Khmer hay tại hộ gia đình người Khmer. Sau đó mới đến bước nghiên cứu phân loại từng cuốn Satra để có thể tìm hiểu một cách khoa học và cũng có thể nghiên cứu được những vốn hiểu biết, kiến thức sâu rộng có trong kinh lá đã bị bỏ quên nhiều thập kỉ vừa qua. Qua đó cũng mở ra một bước đầu trong công tác nghiên cứu di sản độc đáo của người Khmer.

  1. KẾT LUẬN

Satra Slất Rịt là tài liệu cổ, có giá trị trong văn hóa người Khmer Nam Bộ nói chung trong đó có người Khmer Trà Vinh. Văn bản Satra phần lớn mang nội dung giáo dục đạo đức con người trong xã hội, lời răn dạy thực hành tôn giáo Phật, đặc biệt nhất là khuyên răn con người sống tốt, tránh xa những điều ác. Mặt khác, Satra cũng là một trong những di sản văn hóa của người Khmer, nó mang cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của chiến tranh, một phần lớn Satra đã bị phá hoại chỉ lưu giữ được một phần nhưng một vấn đề đáng quan tâm đó là các lá Satra rời rạc hiện còn rất nhiều. Do vậy, cần phải có những hành động quyết liệt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Satra. Trong đó, cần nhất phải làm cho Satra được nhìn nhận là một di sản văn hóa của dân tộc. Mặt khác, việc giữ gìn và phát huy giá trị kinh lá buông cần được thực hiện đồng bộ giữ nhà chùa và các cơ quan quản lý văn hóa.

Tóm lại, song song với sự phát triển của thời kỳ công nghệ - kỹ thuật, các giá trị văn hóa truyền thống đã có từ lâu cũng cần được quan tâm nghiên cứu và phát huy giá trị hợp lý.

 

Tác giả: ThS. Kim Chane Tha

(Chùa Kós Sla, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Thạch Dương Trung. Kinh lá buông: Giá trị và giải pháp bảo tồn. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia: Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp. Đại học Trà Vinh; 2020.