Trao nghị quyết bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nhiệm kỳ 2021 - 2025

Trao quyền bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, nhiệm kỳ 2021-2025  Chiều ngày 20/5, tại Trường Đại học Trà Vinh (ĐHTV), quyền ủy quyền của Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Trường ĐHTV tổ chức lễ công bố và trao quyền bổ nhiệm chức danh Hiệu trưởng; các công nhận chức danh Phó Giáo sư. Đến dự, có ông Ngô Trường Giang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Trà Vinh; ông Trần Hoàn Kim, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Trường; PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHTV, đại diện lãnh đạo các...

21-05-2022

Phúc Kiến (Phúc Kiến) Người th…

Atsuko Tshuchiya - Kobe University, Japan Bài báo này đã được trình bày tại Hội thảo Quốc tế, ngày 27-28 tháng 8 năm 2015 tại Trường Đại học Trà Vinh, Việt Nam. 1   ...

18-03-2021

Error: No articles to display

Error: No articles to display

LỄ NHẬP THẦN - NIỀM TIN & THÂN PHẬN
(Trường hợp Khmer Tây Ninh)
Văn hóa tâm linh của người Khmer ở Tây Ninh có thể chia làm hai loại chính, đó là tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian. Tín ngưỡng tôn giáo có Phật giáo và Cao Đài, tín ngưỡng dân gian thì chủ yếu có tục thờ Neakta và Arak. Trong đó, lễ nhập thần Arak được xem là nhịp cầu kết nối giữa tổ tiên đã khuất với con người hiện tại. Ở chừng mực nào đó, đây không chỉ đơn thuần là nét tín ngưỡng mang tính truyền thống, mà còn là sự mong cầu hạnh phúc, sự che chở từ tổ tiên, cũng như xóa đi khoảng cách giữa hai thế giới vô hình và hữu hình trong quan niệm của người Khmer xưa.
 
nhap than
 
Trước khi đi vào lễ nhập thần Arak, xin nói sơ qua một chút về tín ngưỡng Neakta [អ្នកតា] và Arak [អារក្ស - អារក្ខ]. Hiện nay, trên địa bàn Tây Ninh, có rất nhiều miếu Neakta (Ông Tà) của cả người Khmer lẫn người Kinh, nhưng có điều lạ là họ thường gộp chung thành “Tà Á Rặc”. Mặc dù Tà (Neakta) và Á Rặc (Arak) đều là tín ngưỡng dân gian, nhưng thực ra hai đối tượng này hoàn toàn khác nhau. Theo quan niệm của người Khmer xưa, “Neak - អ្នក” là người không phân biệt nam nữ, “Ta - តា” là người đàn ông cao tuổi, hai từ này kết hợp lại đồng nghĩa với thần linh. Vị “Neakta” được quan niệm là tiền nhân đến ở vùng đất nào đó từ rất rất lâu đời, rồi mất đi, người đến sau phải biết tôn kính, xin phép và thờ phụng. Còn “Arak - អារក្ស - អារក្ខ” được hiểu là tổ tiên của một gia đình hay dòng họ, có chức năng bảo vệ con cháu. Có thể nói, dù ngày nay có ít nhiều thay đổi về việc dung hợp tín ngưỡng giữa hai loại hình này, nhưng về cơ bản thì Neakta có chức năng cai quản một vùng đất, con suối, cánh rừng…dưới góc độ này Neakta tương đương với Thổ Địa, Thổ Thần của người Việt, còn Arak thì chỉ có chức năng chính là bảo vệ gia đình hay dòng họ nào đó mà thôi. Về phạm vi quyền lực và tính phổ biến, Arak không thể bằng Neakta được.
Đối với quan niệm của người Khmer xưa, vạn vật đều hữu linh, ở mỗi con người có thể phách mà cũng có linh hồn. Khi chết đi, thể phách sẽ trở về với cát bụi, còn linh hồn sẽ chuyển kiếp tái sinh, nhưng nếu vì một lý do nào đó không hoặc chưa tái sinh được thì linh hồn sẽ ở lại dương gian trong trạng thái vô hình. Và cũng vì linh hồn vô hình nên con người không thể kiểm soát được, những gì may mắn, tốt đẹp thì cho rằng linh hồn phù hộ, còn những gì xui rủi, bất an, hiểm họa thì cho rằng linh hồn quấy phá, trừng phạt. Từ những lý do này mà con người vừa thương mà cũng vừa sợ thế giới của những linh hồn. Chính vì vậy mà con người luôn tìm cách để níu kéo linh hồn về phe mình, tìm cách vỗ về làm vui lòng họ để nhờ họ giúp đỡ, chở che…
Như trên đã nói, vì linh hồn là vô hình, cho nên con người muốn giao tiếp với linh hồn phải có một “nhân vật trung gian” gọi là Rub Arak [រូបអារក្ស]. Trong buổi lễ nhập thần, Arak nhập vào xác đồng này để bày tỏ yêu cầu nguyện vọng của mình với con người và ngược lại. Mặc dù cho rằng Arak chính là tổ tiên đã khuất, nhưng để giải thích hiện tượng này, người Khmer cũng có câu chuyện: “ Ngày xưa có một vị sư đi vận động bà con Phật tử đóng góp xây dựng một ngôi chùa. Trong khuôn viên chùa ông trồng nhiều loại cây. Nhưng chỉ có một nơi sư cho trồng cây chuối nhiều lần mà lần nào cây chuối vẫn chết. Quá ngạc nhiên, ông cho đào bới nơi ấy. Xuống sâu khoảng nửa thước, gặp hai phiến đá chồng lên nhau, ông cho lấy hai phiến đá lên, thấy ở dưới một bức tượng cũng bằng đá. Tin ấy đồn đi khắp nơi, bà con xúm nhau lại xem, rồi rủ nhau làm phước cho tượng đá ấy ba ngày đêm. Xong mới đem tượng đá rửa sạch bùn, thấy hiện rõ đó là bức tượng của một phụ nữ, có búi tóc ở đỉnh đầu, bà con cho là tượng nữ thần. Lúc đó ở gần chùa có một bà lão bị bệnh phù thủng hơn hai năm nay điều trị không hết. Khi nghe ở chùa có tượng nữ thần, bà cho đứa cháu gái đi xin nước thần, đem về thoa khắp thân mình. Lạ thay, bịnh tình của bà lão thuyên giảm dần, đến ngày thứ bảy thì dứt hẳn. Bà lão mới đến chùa và thắp nhang lạy tạ ơn cứu mạng của tượng nữ thần. Phút chốc bỗng bà lão gục gặc đầu, càng lúc càng nhanh, rồi đứng dậy múa hát quanh bức tượng và hỏi nhà sư rằng: - Nhà sư không nhận ra tôi à ? Nhà sư trả lời: - Thật tình tôi không biết bà từ đâu đến dây ? Bà lão trả lời: - Ta là nữ thần bảo vệ con người. Thật là hữu duyên, các ngươi mới tìm gặp ta ở dưới lòng đất, nên các ngươi có quyền được hưởng mọi sự bảo hộ của ta. Từ đó về sau, mọi người trong phum sóc có bịnh hoạn hoặc có điều gì không may thường đến xin cầu cúng bà lão nhập thần để chỉ bảo” (dẫn theo lời kể của Trần Ngưu Lạc).
Mặc dù về sau này vấn đề thờ Arak của người Khmer được nới rộng, tức là phạm vi ảnh hưởng của Arak có phần lớn hơn, nhiều loại Arak lấn sân của Neakta như Arak Rừng, Arak Ruộng, Arak Phum…nhưng thường thấy nhất vẫn là Arak của gia đình dòng họ. Khi nhà ai gặp hữu sự thì làm lễ nhập thần, cầu Arak lên giúp đỡ như chỉ cách chữa bệnh, giải hung, tìm lại vật bị mất trộm, trị rắn cắn…Trong nghi lễ này, tùy theo phum và tùy theo điều kiện gia đình mà có hình thức tổ chức khác nhau. Nếu nhà không có điều kiện, thì lễ vật chỉ cần bánh trái, nhang đèn, rượu trắng, nước ngọt...đơn giản thôi, Arak vẫn nhập về. Còn nếu phum nào thường tổ chức một cách bài bản thì phải chuẩn bị đủ lễ như nhang đèn, trầu cau, gà luộc, chè nếp, chuối xiêm chín, slathor… và quan trọng hơn phải có vị pháp sư làm chủ lễ để phối hợp với Rub Arak. Để tạo thêm không khí linh thiêng và có phần ma quái thì phải có thêm dàn nhạc lễ, bao gồm các nhạc công chơi trống arak, kèn peiâr, đàn chà pây…Khi Arak nhập vào xác đồng thì thường có hành vi nào đó khá quen thuộc được lập lại nhiều lần mà người ta cho rằng khi còn sống người này ưa thích, chẳng hạn uống rượu ừng ực vẫn không bị say, ăn liên tiếp nhiều chén chè, ôm hoa ngửi suốt, hoặc chửi thề nói tục luôn miệng…Sau khi bày tỏ ý muốn và tiếp nhận sự mong cầu, thì Arak sẽ phán lời thần bí thông qua vị pháp sư như cách chữa bịnh hay các vấn đề mà gia chủ thắc mắc, xong thì Arak thăng, xác đồng trở lại bình thường và buổi lễ kết thúc.
Cũng xin nói thêm rằng, không phải ai cũng có khả năng trở thành Rub Arak. Mà người được chọn làm Rub thường là người “nhẹ bóng vía”, thường thấy những người đã khuất đi về trong giấc mơ, thậm chí là “thần kinh không bình thường”, được cho là cầu nối giữa hai cõi âm dương…Đối với kiểu người này, khi bị kích thích bởi mùi nhang khói và những loại âm thanh u u mê mê ghê rợm sẽ không còn là chính mình nữa…và được coi là bị Arak nhập. Bên cạnh Rub Arak thì vị pháp sư là hết sức quan trọng. Vị này không những biết nhiều loại bùa chú mà còn là người am tường nhiều thứ như y học cổ truyền, ngôn ngữ cổ, lịch sử của phum sóc, hoàn cảnh của từng gia đình, từng cá nhân sống trong làng. Cho nên không biết Rub Arak nói lời thần thánh gì thì pháp sư cũng có cách để trấn an gia chủ, hoặc chỉ cách chữa bệnh cho ai đó nếu có yêu cầu.
Vấn đề lễ nhập thần Arak, nếu bỏ qua yếu tố mê tín dị đoan thì đây cũng là một nét đẹp của văn hóa truyền đời của những dòng họ nói riêng và cộng đồng Khmer nói chung. Thứ nhất, là bất kỳ ai cũng có ông bà tổ tiên, tổ tiên là người sáng lập ra dòng họ, là những người có công đầu trong việc tạo dựng, bồi đắp về vật chất lẫn tinh thần cho con cháu sau này. Cho nên thế hệ sau không những biết ơn ông bà lúc sanh tiền mà ngay cả khi họ đã khuất. Thứ hai, là trong cuộc sống không phải lúc nào cũng êm xuôi, mà luôn có những bất ổn, tai ương, hiểm họa rình rập. Cho nên con người không phải lúc nào cũng dựa vào tự lực của chính mình, mà còn phải nhờ vào tha lực, nhất là trợ lực về mặt tinh thần của tổ tiên. Vì tổ tiên là đáng tin cậy nhất, tổ tiên không phù hộ con cháu thì phù hộ ai nữa! Thứ ba, là ở chừng mực nào đó, thì vị pháp sư cũng là người am hiểu về mọi mặt của làng, ngài sẵn sàng giúp mọi người từ việc trị bệnh, trấn an tâm lý đến kinh nghiệm đồng áng, nhưng dù sao ông vẫn là “người phàm mắt thịt” cho nên lời nói ít linh, khó tin, cho nên phải nhờ sự chuyển lời của Arak thì mọi người sẽ tin tưởng hơn, mà niềm tin tức là sức mạnh của cuộc sống vậy. Thứ tư, là sự duy trì Arak, sự đồn đoán linh thiêng của Arak cũng phần nào chế ngự những hành vi gian tham, bạo ngược của con người đang sống, điều đó ít nhiều đem lại sự bình yên cho xóm làng.
Ngày nay, loại hình tín ngưỡng Neakta ở Tây Ninh còn khá phổ biến, nhưng loại hình tín ngưỡng Arak đã dần mai một. Trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh năm 1896 có hẳn địa một danh là Bàu Arak, nay là phần đất thuộc khu vực giữa hai xã Hảo Đước và Thái Bình của huyện Châu Thành. Trong những năm trước đây, Phum Kà Ốt của huyện Tân Châu vẫn còn duy trì lễ nhập thần Arak để cầu bình an. Bên Sóc Con Trăng của xã Tân Hòa cùng huyện thỉnh thoảng cũng có hiện tượng được cho là Arak nhập…và cũng làm lễ nhập thần để giải trừ.
Nói tóm lại, có nhiều người cho rằng hình thức nhập thần Arak là mê tín dị đoan. Thực ra không hẳn là như vậy, mà ở đây ta tìm thấy nhiều giác độ tình cảm đáng quý của con người, đó là tinh thần trách nhiệm, là sự gắn kết con người với con người, giữa thành viên với gia đình dòng tộc. Con người chết đi không phải là dấu chấm hết, mà họ luôn sống trong lòng của những người ở lại, nhất là những người có tài năng phẩm chất tốt, tinh anh của họ luôn tồn tại mãi mãi với cộng đồng dân tộc để con cháu đời sau noi theo. Bên cạnh đó, Arak – Linh hồn cũng phần nào làm cho con người sống phải biết kiêng sợ. Sự kiêng sợ sẽ hạn chế được phần nào những việc làm sai trái, bậy bạ, xấu ác ảnh hưởng đến mình và người khác. Lễ nhập thần Arak của bà con Khmer không phải là sự khép kín, mà nó luôn mang tính cởi mở như một bóng cây râm mát, vừa che chở vừa xoa dịu để mọi người vững tâm làm ăn trong chuỗi dài cuộc sống.
NNC: Đào Thái Sơn