In bài này
Nghiên cứu khoa học
Văn hóa xã hội
Lượt xem: 1099

Nội dung thứ hai trình bày những yếu tố khách quan và chủ quan làm ảnh hưởng đến quan niệm nhận thức vai trò giá trị của dòng họ Lê đối với cộng đồng xã hội. Nội dung thứ ba nêu thực trạng và đưa ra một vài giải pháp để phát triển bảo tồn gìn giữ những giá trị dòng họ và đạo đức của dòng họ Lê trong việc phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.

Từ khóa: dòng họ Lê, đạo đức xã hội.

1. Dẫn vấn đề

Nhắc đến dòng họ và đạo đức chắc hẳn ai cũng quan tâm trước những tác động lớn

từ vấn đề biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và nền kinh tế thị trường đang có nhiều chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống xã hội. Hiện nay, nhận thức dòng họ và đạo đức xã hội đối với hệ thống gia đình của người Việt Nam đã có nhiều chuyển biến và thay đổi chóng mặt và có xu hướng xuống cấp trầm trọng ít được quan tâm. Thực trạng này đã kéo dài trong nhiều năm nay và nó đã ảnh hưởng rất lớn đối với việc nhận thức dòng họ và vấn đề giáo dục đạo đức xã hội hiện nay. Đây là xu hướng chung trước sự biến đổi của môi trương tự nhiên và xã hội.

Trước thực trạng diễn ra và để việc gìn giữ những giá trị dòng họ và đạo đức xã hội của người Việt Nam nói chung, cũng như vấn đề dòng họ và đạo đức xã hội của dòng họ Lê nói riêng thích nghi với môi trường xã hội trong điều kiện mới nhưng vẫn không làm thay đổi dòng họ và đạo đức xã hội là việc làm cần thiết và có ý nghĩa khoa học.

Dựa trên cơ sở tiếp cận từ hệ thống lý thuyết môi trường, thuyết hành vi từ đó chúng tôi tiếp cận nghiên cứu về dòng họ và đạo đức xã hội của dòng họ Lê tại xã Thạnh Thới Thuận, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng để nói lên thực trạng dòng họ và đạo đức xã hội có biểu hiện bị mai một và xuống cấp trầm trọng đang diễn ra đối với các dòng họ đang tồn tại trên vùng đất thuộc Đồng bằng sông Cửu Long. Để từ đó có những chính sách, giải pháp bảo tồn phát huy vai trò của dòng họ và đạo đức xã hội cho mỗi cá nhân con người góp phần vào phát triển kinh tế xã hội chung được tốt hơn.

2. Nội dung

2.1.  Khái quát về xã Thạnh Thới Thuận - huyện Trần Đề

Xã Thạnh Thới Thuận là xã có truyền thống cách mạng, nền kinh tế chủ yếu là sản

xuất nông nghiệp. Vị trí địa lý: Phía Đông giáp: xã Thạnh Thới An, huyện Trần Đề; Phía Tây giáp: xã Ngọc Đông và xã Ngọc Tố, huyện Mỹ Xuyên; Phía Nam giáp: xã Khánh Hòa, Huyện Vĩnh Châu; Phía Bắc giáp: thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên. Diện tích tự nhiên là 3.679,3 ha; trong đó: diện tích đất nông nghiệp 3.039,04 ha; đất phi nông nghiệp 640,26 ha. Vị trí xã thuận lợi về giao thông thủy bộ, có đường Tỉnh 935 đi qua nối liền xã với thị xã Vĩnh Châu, thành phố Sóc Trăng, Quốc lộ Nam Sông Hậu…, có vị trí quan trọng trong giao thông của xã, cũng như Huyện. Tiếp giáp sông Mỹ Thanh và sông Cổ Cò, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch phân bố khá đều, tạo điều kiện tốt để phát triển trồng lúa năng suất cao, trở thành ngành mũi nhọn của xã, ít bị ngập lụt, do ảnh hưởng mức triều cường cao và mạnh. Do xã Thạnh Thới Thuận là xã vùng sâu cách trung tâm huyện trên 30km, người dân sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trồng màu và buôn bán nhỏ.

Xã Thạnh Thới Thuận bao gồm có 7 ấp: Ấp Thạnh Phú, Ấp Thạnh Nhản 1, Ấp Thạnh

Nhản 2, Ấp Thạnh Ninh, Ấp Thạnh An 1, Ấp Thạnh An 3, Ấp Thạnh An 4. Dân số: 9760 người, Kinh: 9647người, Khmer 100 người, Hoa 5 người, dân tộc khác 8 người. Toàn xã hiện có nhiều dòng họ sinh sống như: dòng họ Hà, Trương, Đỗ, Nguyễn, Trần, Châu, Huỳnh, Phan, Ngô, Dương, Lâm,....trong đó nổi bật nhất là dòng họ Lê.

2.2. Đặc trưng dòng họ và đạo đức xã hội của dòng họ Lê.

Dòng họ Lê là một trong những dòng họ cư trú lâu đời trên vùng đất này, không ai nhớ là họ đã có mặt từ khi nào. Hiện nay, dòng họ Lê có mối quan hệ huyết thống với nhau với số lượng trên 600 người, trải qua 5 đời. Đây là dòng họ có số lượng đông nhất tại xã Thạnh Thới Thuận đang cư trú xen kẻ với nhiều dòng họ khác nhưng tập trung đông nhất ở ấp Thạnh An 1.

Năm đời dòng họ Lê hay con gọi là ngũ quyền bao gồm:

  1. Ông bà
  2. Cha mẹ, cô, chú, bác
  3. Anh em, bản thân
  4. Con cháu
  5. Cháu chắt

Hiện tại, đa số ông bà đã mất, số ít còn lại đã quá già không còn đủ sức lao động hoặc

tham gia vào các hoạt động họp mặt gia đình hay cúng giỗ tổ tiên mà con cháu tổ chức hàng năm theo chu kỳ một năm một lần. Mục đích họp mặt anh em, bà con, con cháu thể hiện tinh thần đoàn kết, thắt chặt thêm tình cảm, mặt khác nhằm để ôn lại truyền thống thể hiện hành vi uống nước nhớ nguồn và lòng hiếu kính của con cháu đối với ông bà đã được duy trì qua thế hệ (ông bà,ông chú, bà cô, ông bác – cha mẹ) nhưng đến nay đã không còn, vì thế hệ đầu ông bà đa phần đã mất không ai tham gia chủ quản.

            Về loại hình gia đình của dòng họ Lê thường gồm gia đình hạt nhân, gia đình kép có nghĩa là gia đình hai thế hệ, ba thế hệ: ông bà - cha mẹ - con cháu; cha mẹ - con cái không có gia đình bốn thế hệ. Dòng họ Lê theo chế độ phụ hệ, quyền quyết định do người đàn ông vì họ là trụ cột trong gia đình, có thể nói là cái quyền tuyệt đối. Mặt khác, tính gia trưởng vẫn còn tồn tại phổ biến trong dòng họ vì còn chịu ảnh hưởng nặng nề của xã hội phong kiến.

Về sự phân công lao động: trong gia đình dòng họ có sự phân công lao động rõ ràng giữa các thành viên trong gia đình, chồng lo làm những công việc nặng nhọc như: đồng áng, vác lúa bao, phun thuốc, gánh mạ, nhỗ mạ, cày xới đất, bón phân, giăng lưới, thả câu, đặt lươn, móc cua, câu ếch; còn phụ nữ cấy lúa, dậm lúa, đạp lúa, bếp núc, đưa con đi học, quét dọn nhà cửa nhưng trên thực tế thì phụ nữ vẫn tham gia công việc đồng áng, bón phân, phun thuốc, hứng lúa như nam giới. Tài chánh người vợ giữ tiền chi tiêu cho các hoạt động trong nhà, chồng không có thói quen giữ tiền nhưng việc quản tiền vẫn do người chồng quản lý nếu dùng vào việc chi tiêu mua đồ dùng với số tiền lớn.

Về phong tục và lễ giáo: do ảnh hưởng của Nho giáo nên dòng họ Lê còn gìn giữ duy trì nhiều phong tục cổ truyền như: hôn nhân quan niệm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, “áo mặc sao qua khỏi đầu”, con cái không có quyền quyết định hay chọn lựa hôn nhân, bạn đời và nghề nghiệp cho riêng mình mà cha mẹ, ông bà sẽ quyết định thay con cái. Con cái tuyệt đối vâng lời và hiếu thảo luôn xem ông bà, cha mẹ sánh tựa như trời biển “công cha như núi thái sơn”, “anh em như thể tay chân” nên luôn yêu thương chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau.

Vào những ngày Lễ Tết: họ thường đến nhà ông bà tổ chức nấu mâm cơm cúng kiếng dâng lên tổ tiên, thánh thần, Phật; chúc Tết hoặc mừng tuổi ông chú, ông bác, bà cô; con cháu thay nhau chúc Tết cha mẹ, cô, chú, bác, anh chị em trong dòng họ sống lâu sống khỏe; thậm chí thay nhau đốt nhang vào những nhà bà con trong dòng họ, hàng xóm nhằm giữ ấm cho gia đình trong mấy ngày Tết, bên cạnh đó còn chúc nhau “năm mới phát tài”, “vạn sự như ý”, “làm ăn phát đạt”; còn những ngày Tết Thanh Minh hay ngày Tảo mộ thường tập trung chia nhau quét dọn cỏ, bụi bám trên mã mồ ông bà rồi dâng ông bà bánh trái, thịt quay, gà quay, bánh bò, sau đó con cháu tập trung ăn uống no xay nhảy múa ca hát vui vẻ, ngày giỗ tổ đều thấy mọi người trong dòng họ tham gia đầy đủ. Ngoài ra, họ còn cảm thấy nô nức  vui vẻ vì mình gặp được anh em bà con trong dòng họ, tạo thêm sự gắn kết anh em và làm tròn được trách nhiệm của con cháu.

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp thì những người trong dòng họ thường hay phụ giúp nhau hay gọi là hoán đổi công cho nhau như: nhỗ mạ, gánh mạ, cấy lúa, dậm lúa, vác lúa, chuyển lúa bao hay nhổ cỏ. Nếu trong quá trình xạ lúa có chết thì những người trong dòng họ còn lại cho mượn giống hoặc cho mạ cấy.

Ngoài ra, trong hoạt động kinh doanh thì người trong dòng họ Lê thường hay cho mượn tiền, mượn lúa bán để làm vốn còn đối với con cháu, anh em nghèo thì cho mượn gạo, tiền hoặc lúa để trà ăn.

 Đối với cộng đồng làng xã họ luôn có thái độ, hành vi ứng xử tốt với mọi người xung quanh, luôn giữ thái độ hòa nhã với mọi người, quan niệm sống luôn “dĩ hòa vi quý”, “lá lành đùm lá rách” luôn được dòng họ Lê đề cao.

Trong giáo dục con cái, họ luôn đặt vấn đề lễ giáo lên hàng đầu như chào hỏi người lớn, thăm viếng ông bà, cha mẹ, cô chú, bác khi có ốm đau, bệnh tật. Trong xưng hô, giao tiếp luôn nói chậm rõ ràng, mạch lạc ngắn gọn dễ hiểu, luôn chú ý lắng nghe người lớn nói, dạy không cải lại hoặc hổn hào với mọi người xung quanh. Những vấn đề này thể hiện rõ nhất chủ yếu dành cho hai thế hệ ông bà - cha mẹ, cô chú, bác của dòng họ Lê nhưng những thế hệ sau này thì ngược lại, đặc biệt là ba thế hệ sau này có những biểu hiện về sự tan rã trong dòng họ Lê nổi bật như: mâu thuẫn giữa con chú - con bác - con cô ngày càng diễn ra sâu sắc; anh em ít lui tới viếng thăm hay chào hỏi nhau; thậm chí nhiều anh em trong một gia đình còn bất hòa, tiệc tùng hay ngày giỗ ông bà ít thấy sự có mặt đầy đủ của con cháu kể cả ngày Tết cổ truyền dân tộc. Nguyên nhân cơ bản chủ yếu: việc phân chia ruộng đất, sự tăng đột biến của các thành viên trong dòng họ đòi hỏi phân chia ruộng đất, tranh chấp đất nhà ở do ông bà để lại, bất đồng quan điểm, nhu cầu việc làm thỏa mãn vật chất, cờ bạc, rượu chè, kinh doanh thua lỗ, sản xuất nông nghiệp thất mùa vì sự xâm nhập mặn, chi phí tăng cao, vấn đề li hôn, li thân; bạo lực gia đình; con cháu có xu hướng bỏ học nhiều dẫn đến nhận thức kém, nguồn thủy sản không còn mất đi hình thức mưu sinh tại địa phương,.v.v.  

2.3. Vai trò dòng họ và đạo đức xã hội của dòng họ Lê đối với xã hội

Kế thừa những bậc tiền nhân trong việc khai phá khẩn hoang vùng đất Nam Bộ nói chung, vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, dòng họ Lê cũng có vai trò quan trọng trong việc khái phá khẩn hoang vùng đất xã Thạnh Thới Thuận ngày nay. Từ một vùng đất nhiễm phèn, nhiễm mặn khô cằn thuộc vùng quen biển và nhiều cỏ cây um tùm, năng kim, cây ráng, lức, me keo, trâm bầu, lá dừa nước, su đũa, tràm, ô rô, đồng thời là một vùng đất nhiều động vật ăn thịt như cá sấu, rắn, rếch, đĩa, dắt,...Ngoài ra, hàng năm thường xuyên ngập lụt vì không có đê bao thì giờ đây đã trở thành một vùng đất trù phú mầu mỡ như hôm nay cho thấy dòng họ Lê có thể nói có công lao rất lớn.

Còn trong lịch sử bảo vệ đất nước chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương thì dòng họ Lê cũng có nhiều người con ưu tú đã hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc đã được tổ quốc ghi công.

Trong lĩnh vực văn hóa: tham gia gìn giữ những cơ sở kiến trúc cộng đồng như chùa, miếu, nhà mồ, mồ mã ông bà, hàng năm còn tích cực cùng cộng đồng làng xã tổ chức cúng kiếng Bà Chúa Xứ nhằm tạ ơn bà đã phù trợ cho các dòng họ nơi đây được bình an, ấm no, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, tai qua nạn khỏi. Mặt khác, dòng họ Lê còn có vai trò vận động bà con ủng hộ vật chất, tiền của để mua lễ vật dâng cúng thần thánh như: gà, vịt, cơm nếp, chè, trái cây, hoa quả, heo quay và thuê đoàn cải lương về biểu diễn văn nghệ như hát bội, hát hào quảng để phục vụ bà con cư dân thưởng thức. Có thể nói đây là việc làm có ý nghĩa nhằm nối kết cộng đồng, thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết giữa dòng họ Lê với cộng đồng.

Về hoạt động xã hội: dòng họ Lê có nhiều hoạt động mang tính công ít như: góp tiền của xây dựng nhà ở cho người nghèo, thăm hỏi ốm đau cho những người trong xóm, cưu mang những người khó khăn, thăm hỏi những chị em phụ nữ sau khi sinh, tham gia giữ gìn an ninh trật tự cộng đồng, ban phát gạo cho người nghèo, cho tiền người nghèo trong xóm, thậm chí cho đất những người nghèo không có đất ở, cưu mang con cháu nghèo khó khăn, tạo công ăn việc làm kiếm thêm thu nhập cho con cháu. Mặt khác, tham gia chia buồn đối với các già đình có người thân mất, hoặc đau mốm và chia vui đối với những gia đình vừa cưới hoặc gã con gái.

2.4.Thực trạng và giải pháp gìn giữ,  phát huy những giá trị dòng họ Lê trước

bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Về biến đổi khí hậu: trong những năm gần đây cho thấy sự diễn biến thất thường của thời tiết khí hậu như: hiện tượng nước biển dâng, bảo tố, mưa ít, vỡ đê, sói mòn, hạn hán, lỡ đất đã làm cho diện tích đất nông nghiệp nơi đây không trồng trọt, chăn nuôi được, thậm chí vấn đề xâm nhập mặn càng nhiều đã làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của nhiều dòng họ khác nói chung, dòng họ Lê nói riêng đành phải rời bỏ quê hương đến các trung tâm thành thị để mưu sinh, tìm việc làm.

Về dân số: tốc độ gia tăng dân số trong dòng họ cũng làm ảnh hưởng đến đời sống vật chất của dòng họ Lê như phải phân chia, chia nhỏ ruộng đất, nhà ở ra thành nhiều phần để cho các thành viên. Mặt khác, việc li hôn nhân trong dòng họ ngày càng nhiều đã làm ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức duy trì chức năng gia đình trong dòng họ như: việc làm, vấn đề bỏ học con cái, bạo lực gia đình, mâu thuẫn gia đình, gia đình lệch, thu nhập thấp, tài chánh không đảm bảo, không nhà ở, đất canh tác không nhiều,v.v.

Về công nghiệp hóa, hiện đại hóa: cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông không ngừng mở rộng và hoàn thiện như: trường học, trạm y tế, đường nhựa, đường đan, cầu bê tông,…không ngừng phát triển lấn chiếm chỗ ở nhà cửa đẩy những gia đình con cái trong dòng họ phải di dời nơi ở xa hơn. Mặt khác, nhiều nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, nhiều doanh nghiệp đã được xây dựng làm diện tích đất nông nghiệp trong dòng họ mà ông bà đã khai phá giờ đây phục vụ mục đích sản xuất công nghiệp.

Về vấn đề đô thị hóa: Trung tâm xã không ngừng mở rộng, giải phóng mặt bằng để làm đường, làm cống, xây dựng trường học, xây các khu hành chánh xã theo mô hình tập trung, quy hoạch chợ búa, nhà máy nước, quán cà phê, quán ăn, quán nhậu,….phần nào lấn chiếm phân tách diện tích đất ở, đất sản xuất của các gia đình trong dòng họ Lê vốn sống cộng cư với nhau qua bao đời nay.

Ngoài ra, hiện tượng di cư đi đến các trung tâm Thành phố Cần Thơ, Hồ Chí Minh để thỏa mãn nhu cầu vật chất, nhu cầu việc làm, kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống từ đó làm cuộc sống gia đình trong dòng họ bị xáo trộn. Mặt khác, nhiều cuộc mâu thuẩn lớn trong dòng họ xảy ra vì tranh chấp nhà ở do việc phân chia tài sản ông bà để lại không điều đã diễn ra nghiệm trọng. Song song đó, những hiện tượng cờ bạc, rượu chè, đá gà, số đề dẫn đến nhiều gia đình nhỏ phải dẫn đến nợ nầng chồng chất đất đai phải bán cho nhiều dòng họ khác để lấy tiền trả nợ, tiêu sài. Đồng thời, nhiều thế hệ trẻ không được đầu tư giáo dục tốt dẫn đến bỏ học, chơi bời, nhậu nhẹt tổ chức đánh nhau dẫn đến việc tù tội dòng họ xa lánh, anh em bất hòa. Thậm chí, nhiều thế hệ ông bà quá già, số còn lại đã mất không ai đứng ra giải quyết can thiệp hỗ trợ hoặc nối kết anh em dòng họ lại với nhau, trong số đó có nhiều người đã đến các trung tâm đô thị lập nghiệp đến nay không về làm cho dòng họ ngày càng lệch lạc hơn.Bên cạnh đó, do trình độ dòng họ Lê còn thấp, sự hiểu biết về vai trò của dòng họ chưa sâu sắc nên tổ chức dòng họ lỏng lẽo, chưa phát huy hết tinh thần đoàn kết trong dòng họ.

Xã hội ngày càng hiện đại, nhu cầu vật chất ngày càng tăng dẫn đến sự phân hóa giàu nghèo ngày càng cao, các thành viên gia đình lại đông, nhu cầu nhà ở hiện đại, vấn đề học phí con cái, nhu cầu phương tiện hiện đại, điện thoại thông minh, máy tính hiện đại, đồ trang trí nội thất, ti vi siêu mỏng ngày càng nhiều,…Vì vậy họ chỉ tập trung vào việc kiếm tiền nên nhiều ngày giỗ, Tết dòng họ đã bị bỏ quên, ít lui tới để tổ chức.

Cần tăng cường giáo dục nhận thức cho các thành viên, gia đình trong dòng họ về

vai trò của dòng họ. Mặt khác, cần tạo cho các thành viên nối kết lại với nhau.

Cần xây dựng một nhà thờ, từ đường, nhà mồ của dòng họ Lê để các thành viên trong dòng họ có điều kiện để sơm chiều hương khói cho ông bà tổ tiên của mình. Đồng thời, tạo điều kiện cho họ gặp nhau nối kết lại hàn gắn tình cảm lại với nhau.

Cần xây dựng nhà mồ chung trên khu đất dòng họ, thậm chí tránh việc phân chia ông ba ra để thờ tự, vì nó sẽ làm mất đi tình cảm của con cháu đối với ông bà của mình.

Chính quyền địa phương nên tạo công ăn việc làm tại địa phương, hạn chế việc đi xa cho các gia đình trong dòng họ Lê để họ gần nhau, một mặt vừa bảo vệ gìn giữ những giá trị của dòng họ vừa phát triển kinh tế vừa chăm sóc gia đình.

Khuyến khích dòng họ xây dựng một cuốn gia phả nhằm ghi nhận những công lao, thành tựu, những cống hiến của ông bà cha mẹ, chú bác, anh em, đó là kết quả của tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sự khó khăn, cực khổ cũng như là những vất vả của thế hệ đi trước dành cho thế hệ đi sau nhận thấy noi theo. Đồng thời, đó cũng là tinh thân yêu nước, yêu quê hương, bảo vệ sớm làng của thế hệ đi trước trên vùng đất này.

3. Kết luận

Qua đó cho thấy, nhận thức dòng họ và đạo đức xã hội của mỗi cá nhân trong dòng họ có những biểu hiện xuống cấp trầm trọng cũng như là những nhận thức về vai trò của dòng họ còn bị hạn chế. Những nguyên nhân chủ yếu chính là sự biến đổi từ khí hậu, vấn đề công nghiệp hóa, hiện đại hóa; vấn đề đô thị hóa và xu thế quốc tế hóa ngày càng phát triển mạnh mẽ từ đó làm ảnh hưởng lớn đến gia đình, dòng họ và những vấn đề đạo đức xã hội ngày càng có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Để làm được điều này cần có sự chung tay góp sức từ nhiều phía chính quyền địa phương, nhà khoa học và chính bản thân những người trong dòng họ nữa. Nếu làm được điều này sẽ góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội Việt Nam nói chung, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trước bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Tài liệu tham khảo

1. Phan Kế Bính (2015), Việt Nam Phong Tục, Nxb Văn học.

2. Trần Phỏng Diều (2014), Đặc điểm văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb VHTT

3. Tạ Minh (2007), Giáo trình Xã hội học đại cương. NXB ĐHQG Tp. HCM.

4. Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Văn Lê, Vũ Minh Tâm (2004), Xã hội học đại cương. NXB Đại học sư phạm.

5. Vũ Minh Tâm và các tác giả (2001), Xã hội học. NXB Giáo dục.

6. Viện Khoa học Xã hội TP HCM (1993), Văn hóa và cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long, NXB Khoa học Xã hội.

ThS. Lê Văn Sao – Trường Đại học Trà Vinh