GÓP Ý VỀ ĐỊA DANH THỦ ĐỨC

1. Ông Thủ Đức

Thủ Đức là địa danh đã có khoảng 200 năm lịch sử, gắn liền với chức quan quản trị địa phương này: ông Hiệp thủ tên Đức.

Quản đạo là chức quan võ đứng đầu một tỉnh nhỏ. Hiệp thủ là chức danh phụ tá cho Quản đạo, phụ trách một đồn ải, chịu trách nhiệm về các mặt an ninh trật tự và thuế vụ.

Hiệp thủ Đức (khuyết họ) là nhân vật nổi tiếng, được xem là Tiền hiền khai khẩn thôn Bình Quới Đông, tổng An Thủy Trung, huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Thế nên, địa bạ Minh Mạng 1836 ghi thôn Bình Quới Đông ở xứ Thủ Đức, thôn Linh Chiểu Đông ở xứ Linh Đức .

Ông được người đời mến mộ, đặt tên cho con rạch: rạch Thủ Đức. Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức gọi con rạch này là Đức giang , Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định (biên soạn đời Gia Long) mô tả: “Một đường từ bến chợ Thủ Thiêm, theo ngả thượng lưu đi lên 25.868 tầm đến Ngã Ba Nhỏ, lại 700 tầm, bên bờ bắc có vườn ruộng thì đến rạch Thủ Đức. Rạch ấy ở bà bắc, rộng 12 tầm, chạy lên hướng bắc, hai bên bờ dài có ruộng vườn và dân cư thưa thớt. Đến cuối rạch mới có chợ, tục gọi là chợ Thủ Đức. Chợ này có quán xá. Thổ sản ở đây có nhiều dưa, trái cây, khoai đậu, v.v., nhưng nhiều nhất là dứa (khóm). Thuyền buôn đi lại tấp nập” .

Cũng theo Hoàng Việt nhất thống dư địa chí, chữ phần thủ 分守(đồn ải) viết chữ thủ 守, nghĩa là giữ, nhưng chữ hiệp thủ 合首lại viết chữ thủ 首nghĩa là đầu. Thế nên chữ Thủ Đức, Thủ Thiêm, Võ Thủ Hoằng (Thủ Huồng) được viết 首德,首添,首弘. Nhưng về sau, dân gian lại thích dùng chữ thủ守, nên Thủ Đức 首德bị viết lầm thành Thủ Đức守德.

Vùng đất Thủ Đức chính là nơi có rạch Thủ Đức chảy qua. “Rạch Thủ Đức bắt nguồn từ thôn Linh Chiểu Đông  và chảy ra sông Sài Gòn tại thôn Bình Quới Đông, Bình Quới Tây, Thạnh Đa” .

2. Ông Tạ Huy

Tạ Huy hiệu Dương Minh là người Minh hương, ngụ tại thôn Linh Chiểu Đông, cùng tổng huyện với thôn Bình Quới Đông. Ông là con cháu của những người Bài Mãn phục Minh thất bại, được chúa Nguyễn cho đến lập nghiệp tại Nông Nại đại phố.

Có lẽ khoảng năm Nhâm Tý (1792), chúa Nguyễn Phúc Ánh cho đắp đường Thiên Lý băng ngang thôn Linh Chiểu Đông. Ông có một miếng đất mặt tiền sát đường Thiên Lý, có địa thế rồng chầu hổ phục (thuận bộ thuận thủy) gần ngọn rạch Thủ Đức. Thấy mình vô tự, ông xuất tiền cất một ngôi chợ tại miếng đất này, đặt tên là chợ Thủ Đức, rồi hiến cho làng Linh Chiểu Đông, chiêu mộ khách thương đến buôn bán. Chợ Thủ Đức sung túc thì thôn Linh Chiểu Đông cũng sung túc, nên ông được tôn làm Tiền hiền khai thị của thôn Linh Chiểu Đông. Chợ Thủ Đức được ghi trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí thì ông Tạ Huy cũng có thể là người cùng thời với ông Hiệp thủ Đức hoặc sau 1 – 2 thế hệ.

Theo nhà Nho giải thích: Huy là Sáng, Dương Minh là ánh sáng của mặt trời. Đó là cách đặt tên tự thâm thúy của người Minh Hương. Một võ quan người Việt như Hiệp thủ Đức (tức ông Thủ Đức) khó suy nghĩ ra một cách chơi chữ thâm thúy như thế.

Theo Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca của Nguyễn Liên Phong (1909) thì trước đó, vào năm Canh Dần (1890) hương chức làng Linh Chiểu Đông có làm đơn xin tỉnh Gia Định cho phép  xuất 350 đồng bạc lớn Đông Dương trong ngân quỹ để cải táng, xây mộ, đồng thời trùng tu từ đường thành ngôi miếu thờ ông chủ chợ Tạ Dương Minh:

Thuở kia ông Tạ Dương Minh,

Lập chợ Thủ Đức tại Linh Chiểu rày.

Mả người cải táng mới đây,

Bởi làng xin bạc đổi xây mộ phần.

Quan trên niệm nghĩa thi ân,

Cho ba trăm rưỡi trùng tân giai thành.

Mộ Tạ Huy tức Tạ Dương Minh làm bằng hồ ô dước nhưng tấm bia bằng đá xanh Biên Hòa (đá Bửu Long), khắc dòng chữ:

Đại Nam.

Linh Chiểu Đông thôn Tiền hiền húy Huy, tự Thủ Đức, Tạ phủ quân chi mộ.

Tốt tư lục nguyệt thập cửu nhật

Canh Dần niên [1890] nhị nguyệt cát nhật.

Bổn thôn hương chức tạo .

Tấm bia này do hương chức hội tề làng Linh Chiểu Đông viết theo trí nhớ, chứ thực ra Tạ Huy không thể là Tiền hiền (khai khẩn) làng Linh Chiểu Đông, mà là chỉ là Tiền hiền khai thị làng Linh Chiểu Đông. Ông không thể tự là Thủ Đức, càng không thể là Thủ Đức守德 viết sai chính tả như trên mộ bia hiện tồn.

Nói cách khác, ông Hiệp thủ Đức (gọi tắt là Thủ Đức) và ông Tạ Huy (tức Tạ Dương Minh) là hai nhân vật khác nhau: Một người là Tiền hiền khai khẩn vùng đất Thủ Đức; một người là Tiền hiền khai thị có công lập chợ Thủ Đức. Hai người này ở hai làng khác nhau, thuộc hai xứ khác nhau (thôn Bình Quới Đông ở xứ Thủ Đức, còn thôn Linh Chiểu Đông ở xứ Linh Đức) và thuộc hai thế hệ khác nhau, bởi việc lập thôn (khai khẩn) đương nhiên phải sớm hơn việc xây chợ (khai thị).

 101  102  103

Một số hình ảnh

3. Thay lời kết

Như vậy, khởi đi từ lầm lẫn của hương chức làng Linh Chiểu Đông vào năm 1890 mà mộ bia ông Hoa kiều khai thị Tạ Huy lại bị gán cho ông Hiệp thủ tên Đức người Việt vốn là Tiền hiền khai khẩn thôn Bình Quới Đông bên cạnh. Mộ bia tái lập đó ghi sai cả chức vụ, tự hiệu và căn cước của cả hai người, vì đã ‘lấy râu ông nọ cắm càm bà kia’.

Sai lầm đó tồn tại hơn trăm nay qua, tưởng đã trở thành lịch sử. Nhưng hôm nay nhà nước đã thành lập thành phố mới mang tên Thủ Đức, thì thiết tưởng cũng nên lật lại vấn đề, để minh định danh nhân nhằm suy tôn tiền nhân đã có công khai phá và phát triển vùng đất này.

Tin - ảnh: NNC Lê Công Lý - Trương Ngọc Tường (Tiền Giang)