In bài này
Nghiên cứu khoa học
Văn hóa xã hội
Lượt xem: 763

 NGHĨ VỀ GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRONG PHẬT GIÁO NAM TÔNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở NAM BỘ

  1. SƠ LƯỢC VỀ NGƯỜI KHMER Ở NAM BỘ

Theo số liệu trước đây của chính quyền thực dân Pháp, thì từ năm 1862-1888, người Khmer Nam Bộ có khoảng trên 150.000 người. Đến năm 1895, dân số Khmer tăng lên 170.488 người. Đầu thế kỷ XX, theo thống kê năm 1925, dân số Khmer là 292.000 người, năm 1936 là 326.000 người. Theo thống kê của chính quyền Sài Gòn, năm 1960 có 381.000 người Khmer trong tổng số 13.789.300 người ở miền Nam. Năm 1972, số lượng người Khmer tăng lên 646.591 người. Theo kết quả thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở đến ngày 1/4/2009, tổng dân số Khmer ở khu vực Nam Bộ 1.260.640 người. Theo số liệu thống kê của cơ quan Vụ địa phương II, thì tính đến ngày 30/4/2011 dân số người Khmer ở Nam Bộ là 1,3 triệu người; tập trung sinh sống nhiều nhất ở các tỉnh: Sóc Trăng 400.000 người, Trà Vinh 320.000 người, Kiên Giang 204.000 người, An Giang 85.000 người, Bạc Liêu 65.000 người, Cà Mau 24.000 người, Cần Thơ 39.000 người, Vĩnh Long 21.000 người... Ngoài ra, người Khmer còn sinh sống rải rác ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh với số lượng không vượt quá vài nghìn người. Hiện nay, trong cơ cấu thành phần các dân tộc ở Nam Bộ, có thể nói, người Khmer là cộng đồng dân tộc có số lượng đông thứ hai, sau người Kinh.

Ở Nam Bộ, các dân tộc như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm cùng sinh sống với nhau nhưng một trong những dân tộc sinh sống và khai thác sớm nhất vùng đất này là người Khmer. Ở đây, đồng bào Khmer không tụ cư thành khu vực, có lãnh thổ tộc người riêng mà sống xen kẽ với tộc người khác, thành các cụm rời nhỏ như ấp, xã mà đồng bào thường gọi là phum (ấp) và sroc (xã). Phum, sroc không phải là một đơn vị hành chính mà từ thời nhà Nguyễn các phum, sroc của người Khmer đã hợp vào ấp, xã chính thức của chính quyền. Tuy nhiên, vẫn kỳ lạ thay, phum, sroc không tồn tại chính thức ấy vẫn là môi trường văn hóa, xã hội để người Khmer sinh ra và lớn lên, hoạt động trong môi trường văn hóa của mình. Với môi trường đó người Khmer có giao hòa, biến đối nhưng vẫn giữ cái nét đẹp, cốt cách riêng của người Khmer ở Nam Bộ với các dân tộc ít người khác trên đất nước Việt Nam.

Vùng đất Nam Bộ là một khu vực lịch sử - văn hóa, từ nhiều thế kỷ qua, người Khmer cùng chung sống với người Kinh và khai thác mảnh đất trù phú này. Người Chăm đến sau đã tạo ra một quá trình giao lưu, tiếp xúc mạnh mẽ về nhiều mặt làm cho không chỉ người Khmer biến đổi mà cả người Kinh, Hoa, Chăm cũng biến đổi theo. Sự giao lưu, tiếp xúc ở đây không chỉ về mặt văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, kinh tế mà còn cả về phương diện huyết thống.

Sự giao lưu, hòa hợp với người Kinh là nhân tố quan trọng nhất tác động đến sự tiến triển của người Khmer ở Nam Bộ. Quan hệ giao lưu, hòa hợp này không chỉ vì người Kinh có dân số đông, có trình độ phát triển cao, mà trước nhất là sự hòa hợp để cùng chung sức khai thác vùng đất Nam Bộ, biến vùng đất này thành đồng bằng trù phú.

  1. SƠ LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

Phật giáo Nam tông đã được truyền vào cộng đồng người Khmer trên 2.000 năm lịch sử, kể từ khi hai vị Thánh tăng Sonatthera và Uttarathera theo đường tàu buôn từ Ấn Độ đặt chân vào vùng cảng Óc Eo (nay là tư giác Long Xuyên). Phật giáo đến với người Khmer trước Công nguyên, vào Phật lịch 234.

Phật giáo Nam tông Khmer duy trì giáo lý nguyên thủy. Do đó, về hình thức và cách tu tập, chư Tăng hệ phái Nam tông thọ giới qua các bậc Sadi và Tỳ kheo, dĩ nhiên, số lượng giới phải giữ gìn có sự khác nhau. Chư Tăng hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer hẳng ngày phải đi khất thực, sinh hoạt nhờ vào sự cúng dường của tín đồ mỗi ngày.

  1. GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRONG PHẬT GIÁO NAM TÔNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở NAM BỘ

Chùa Khmer không chỉ là nơi tu hành mà còn là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo, trung tâm văn hóa cộng đồng, sinh hoạt xã hội và là nơi diễn ra các lễ hội theo phong tục mang tính truyền thống của dân tộc Khmer.

Ngoài ra, chùa còn là trường học, nơi lưu giữ kinh sách, báo chí, những tác phẩm văn học nghệ thuật Khmer.

Phật giáo Nam tông Khmer là tôn giáo mang tính chất quần chúng, từ lâu đã in đậm trong tâm thức và chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Việc tu trì luôn gắn chặt với việc truyền dạy giáo lý, đạo đức, niềm tin và các giá trị tinh hoa của Phật giáo. Ngoài việc truyền dạy, giáo dục tín đồ thực hiện tốt lời dạy của Đức Phật, thực hiện tốt giá trị đạo đức và giá trị nhân văn, từng ngôi chùa còn là nơi tổ chức giảng dạy những kiến thức bố ích, bao gồm chương trình giảng dạy tiếng Khmer, văn hóa, thơ ca, ngữ văn... Đặc biệt là chương trình Pali vừa để sáng tạo ngôn từ bổ sung cho tiếng Khmer vừa để tiếp thu kinh, luật, luận và giáo lý, những tinh hoa Phật giáo.

Mặt khác, Phật giáo Nam tông Khmer chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của các thế hệ người Khmer, cụ thể như trong các sự kiện quan trọng của đời người như đám cưới, đám tang..., người Khmer vẫn thỉnh chư Tăng về nhà tung kinh cầu an và cầu siêu. Đối với đồng bào Khmer, triết lý Phật giáo là chân lý, Đức Phật là niềm tin, ngôi chùa là điểm tựa về tinh thần, chư Tăng là tấm gương đạo đức. Vì vậy, mỗi người Khmer được sinh ra đều đã xem mình là một tín đồ Phật giáo. Dù mới sinh ra hay đã trưởng thành, họ đều được cha mẹ, các bậc cao niên, tập thể phum, sroc, chư Tăng ở chùa giáo dục theo tinh thần giáo lý của nhà Phật. Mỗi phum, sroc đều có ngôi chùa làm trung tâm điều khiển các hoạt động giữa đạo và đời.

Ngoài ý nghĩa xuất gia để báo hiếu, tu gieo duyên rèn luyện đạo đức, chư Tăng Khmer còn được trau dồi kiến thức và trí tuệ để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Do đó, nhà chùa đảm nhiệm việc giảng dạy tiếng Khmer để giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc; dạy tiếng Pali - Khmer, văn phạm Khmer ngữ để sáng tạo ngôn từ mới bố sung cho tiếng Khmer; dạy kiến thức Phật học để tiếp cận những tinh hoa của Phật giáo.

 Theo truyền thống từ xa xưa, tuyệt đại bộ phận người Khmer ở Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông, do đó, khi nói đến dân số người Khmer ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc có thể hiểu đó là số lượng tín đồ Phật giáo. Trải qua bao thế hệ, cả khi sống và chết, cuộc đời mỗi người dân Khmer đều gắn bó chặt chẽ với ngôi chùa. Người Khmer có câu “người không vào tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống", nên theo tập tục truyền thống, khi người con trai đến tuổi 12, 13 phải vào chùa tu gieo duyên với Phật pháp một thời gian với ý nghĩa là trả hiếu cho ông bà, cha mẹ; để thực hiện tình cảm, trách nhiệm đối với dân tộc; để tỏ lòng thành kính với Đức Phật và hoàn thiện nhân cách của bản thân. Nếu được tu luôn là do tinh thần tự nguyện và phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng (nếu còn nhỏ); được sự đồng ý của vợ nếu người nam đã có gia đình; là công dân tốt, không nằm trong tình trạng vi phạm pháp luật; có thầy tế độ dẫn dắt và có những vật dụng cần thiết của một nhà sư.

Ngày nay, Phật giáo Nam tông Khmer không có người nữ xuất gia thọ giới Tỳ kheo ở chùa nhưng người phụ nữ Khmer vẫn có thể tu tại gia và lên chùa xin thọ Bát quan trai giới vào các ngày mùng 8, ngày 15, ngày 23 và ngày 30 hằng tháng (đa số họ là người lớn tuổi). Tuy nhiên, những người phụ nữ Khmer lại được giáo dục và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng và đạo đức Phật giáo. Phật giáo khuyên dạy con người nói chung và phụ nữ Khmer nói riêng phải biết kính trên nhường dưới, chịu khó, chăm sóc chồng con chu đáo..., phát huy đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Khmer. Có thể nói, nhờ đó mà trong cuộc sống gia đình, người Khmer có tôn ti trật tự rõ ràng.

Người Khmer có nền văn hóa giàu truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc được lưu giữ từ đời này sang đời khác, cụ thể như: kiến trúc chùa, phong tục lễ hội tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật... Nền văn hóa đó không chỉ đơn thuần là đặc trưng cho một tộc người, một yếu tố để phân biệt người Khmer với các tộc người khác mà còn là điều kiện đảm bảo cho sự ổn định và là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Nam Bộ.

 Trong sự phát triển của đồng bào Khmer ở Nam Bộ luôn có sự tham gia đặc biệt của Phật giáo Nam tông Khmer. Sự phát triển đó không chỉ về mặt kinh tế mà còn được thế hiện trên sự phát triển bền vững của đồng bào Khmer. Xưa nay, Phật giáo Nam tông Khmer giữ vị trí đặc biệt trong đời sống đạo đức, tâm linh của đồng bào Khmer.

Đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer giáo dục con người lấy nhân quả làm nguyên tắc, lấy nhân nghĩa làm nền tảng đạo đức, lấy khoan dung làm tình thương để xóa bỏ hận thù, lấy lối sống giản dị chân chính, đoàn kết, bình đẳng, bác ái làm lẽ sống cộng đồng, lấy tinh thần dân chủ, công bằng làm chuẩn mực sinh hoạt cộng đồng, lấy hiện tại làm cơ sở cho tương lai. Tín đồ Phật giáo Khmer ở Nam Bộ thông qua những giá trị này và kinh sách Phật giáo để truyền dạy về đạo đức, giúp tín đồ hướng thiện và xem đây là động lực thúc đẩy cho con người sống tốt đời đẹp đạo. Hệ thống giáo lý, giáo luật của Phật giáo Nam tông Khmer qua kính sách chứa đựng nhiều nội dung đạo đức phù hợp với tâm lý, tình cảm của con người; từ đó có thể hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, gắn liền với lợi ích chung thể hiện sự gắn kết của cộng đồng Khmer. Giáo lý, giới luật được tín đồ học tập và thực hành thông qua các nghi lễ, các đệ tử của Phật phải giữ giới, từ đó phản ánh được đạo đức cá nhân trong mối quan hệ cộng đồng. Từ việc phải giữ giới luật Phật giáo cũng là những nội dung đạo đức mà cả cộng đồng, xã hội cùng chia sẻ để trừ cái ác, thói hư tật xấu, nhằm giúp cho xã hội ổn định, văn minh và phát triển.

Người Khmer sau khi xuất tu thì trở thành Achar, Achar là người am hiểu giáo lý, giới luật, lời răn dạy của Đức Phật trong phum, sroc, người hướng dẫn tín đồ thực hiện các nghi lễ và lời nói của họ có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng người Khmer.

Đời sống tinh thần của người Khmer chịu ảnh hưởng rõ nét bởi quan niệm của Phật giáo. Họ quan niệm sống phải biết làm phúc để khi chết đi được siêu thoát, sanh về cõi Niết bàn. Trong cuộc sống hằng ngày, người Khmer thường tâm niệm làm lành tránh dữ với tâm thiện, sống chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn.

  1. KẾT LUẬN

Phật giáo Nam tông có vị trí và vai trò rất quan trọng, chi phối mọi hoạt động của người Khmer từ xưa cho tới này trong đời sống của cộng đồng người Khmer. Có thể thấy rằng, từ góc độ đời sống văn hóa tinh thần, việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa tộc người giáo dục nhân cách người Khmer, đào tạo đội ngũ tri thức. tạo ra các hoạt động xã hội thiết thực, phát huy tốt truyền thống đoàn kết. Tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nhìn sự vật luôn trong quan niệm về nhân quả, đời là bể khổ, là nghiệp của mình, khi gặp việc không may thì họ lấy đó làm nguồn an ủi. Bên cạnh đó, tư tưởng và hành vi của tín đồ người Khmer luôn chú trọng hướng thiện, cứu khổ, bố thí... Đó là nét đẹp cao thượng trong xã hội, phù hợp với truyền thống nhân đạo của con người Việt Nam.

Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống tinh thần của người Khmer ở Nam Bộ được thể hiện chủ yếu thông qua vai trò của chùa và chư Tăng. Từ xưa cho đến nay, ngôi chùa chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer, họ đến chùa không chỉ xuất phát từ lòng sùng bái đạo, hướng Phật, cầu nguyện mà họ đến chùa để sinh hoạt cộng đồng, duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc.

Triết lý giải thoát của Phật giáo Nam Tông Khmer đã tác động tích cực đến tư tưởng, đạo đức của cộng đồng người Khmer và ảnh hưởng sâu sắc đến phong tục tập quán, lối sống, giáo dục... Có thể khẳng định rằng, Phật giáo Nam tông có một vị trí, vai trò rất to lớn trong đời sông tinh thần cũng như hình thành nhân cách, đạo đức của người Khmer ở Nam Bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan An, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2009.
  2. Trần Văn Ánh, Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Nam Bộ và vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010.
  3. Nguyễn Mạnh Cường, Vài nét người Khmer Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
  4. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
  5. Danh Lung, Châu Hoài Thái, Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
  6. Nhiều tác giả, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2001. 7. Trương Lưu, Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.
  7. Trương Lưu, Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, NXB. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.
  8. Trần Thanh Pôn, “Chùa Khmer ở Nam Bộ và vấn đề giáo dục môi trường", Tạp chí Thông tin Nghiên cứu Giáo dục, số 2, 1996. 681

Tác giả: Đại đức, ThS. Danh Hữu Lợi, Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer (Viện Nghiên cửu Phật học Việt Nam).

Nguồn: Đại học Quốc gia Tp HCM- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đạo đức tôn giáo và thực tiễn giảng dạy đạo đức tôn giáo ở Việt Nam, Nxb KHXH, năm 2020, tr180-189

Biên tập: Quế Châu