In bài này
Nghiên cứu khoa học
Văn hóa xã hội
Lượt xem: 1247

NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KHMER TÂY NINH

Tây Ninh hiện nay có 22 dân tộc đang sinh sống, trong đó Khmer là dân tộc thiểu số có số nhân khẩu đông nhất. Theo thống kê năm 2019 thì Tây Ninh có 7650 người Khmer / 1844 hộ, chiếm tỉ lệ 0.7% dân số toàn tỉnh. Hiện tại, ngoài một số ít hộ sống đan xen, thì chủ yếu đa phần người Khmer sống tập trung thành làng riêng, nhiều nhất là ở các huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành. Về tôn giáo, trừ một bộ phận nhỏ như Bàu Ếch, Xóm Tháp theo tôn giáo Cao Đài, còn lại hầu hết bà con đều là Phật tử của Phật giáo Nam tông. Chính vì vậy mà ngôi chùa có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người dân Khmer ở nơi đây. Chùa vừa là nơi để thực hành nghi lễ tín ngưỡng, vừa là nơi sinh hoạt và bảo tồn văn hóa truyền thống. Ngôi chùa gắn liền hầu hết với nghi lễ vòng đời của bà con Khmer từ khi mới sinh ra cho tới khi trở về với cát bụi hòa đồng.

chua 1

So với số lượng các chùa Bắc tông, thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh số lượng chùa Nam tông Khmer rất khiêm tốn, chỉ có 6 ngôi. Trong đó, Tân Châu có một là chùa Kiri Sattray Meanchey - Kà Ốt, Tân Biên có một là chùa Risathia Ratanak Ut Đom - Chung Ruk, Thành phố Tây Ninh cũng có một là chùa Botum Kiri Rangsay – Khedol. Nhưng huyện Châu Thành lại có tới ba, là các chùa Punlư Reaksmay Ratanak Ut Đom – Svay, Kiri Kama Kura – Phụm Ma và Mongkol Rangsay – Phước Quang, phân bố ở các xã biên giới như Ninh Điền, Thành Long, Hòa Thạnh. Nếu tính tỉ lệ trung bình thì khoảng 1275 người dân Khmer sinh hoạt / một chùa. Điều này ít nhiều phản ánh sự thiếu thốn trong đời sống của bà con ở đây. Cũng chính vì vậy mà thời gian gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh cùng với chính quyền và bà con chung tay tôn tạo, mở rộng, xây dựng thêm các cơ sở công trình như chánh điện, giảng đường, tăng xá, lò thiêu…để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng ngày càng đông của người dân.

Khác với các dân tộc khác, người Khmer sinh ra hiển nhiên đã là một Phật tử mà không cần phải trải qua nghi thức quy y. Điều đó cho thấy văn hóa Phật giáo đã thấm sâu vào tâm thức nguồn cội dân tộc này từ rất lâu đời. Người Khmer quan niệm sống là phải ăn hiền ở lành, không gian manh dối trá. Đặc biệt hiếu thảo và tích phước là quan trọng hơn hết đối với mỗi con người. Sư sãi là người đại diện cho Đức Phật hướng dẫn chúng sinh đi vào chánh đạo, cho nên đó là những bậc rất đáng được mọi người tôn kính và cúng dường . Bất kỳ thanh thiếu niên nào được cha mẹ cho vào chùa tu báo hiếu và học tập là điều rất vinh dự cho gia đình và dòng tộc. Chính vì vậy, các làng Khmer có chùa hoặc gần chùa thường cho con cháu đến chùa tu học để báo hiếu vào những dịp có thể. Nếu như ai đó sau ba năm thụ giới muốn hoàn tục thì ra đời làm ăn sinh sống, còn nếu muốn tu trọn đời phụng sự Phật pháp thì rất tôn quý. Phật giáo Nam tông Khmer rất thoáng chứ không hề gò bó. Ở Tây Ninh vào các dịp như lễ Nhập hạ, Dâng y Kathina, Phật Đản…các nhà chùa thường xuyên tổ chức lễ quy y rất long trọng cho các sadi. Người Khmer quan niệm “ sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”, cho nên làng nào có ngôi chùa đẹp, hoành tráng, có nhiều sư tu hành đó không những là niềm vinh dự cho cả làng mà còn là sự hãnh diện của mỗi gia đình trong phum sóc. Chính vì quan niệm ấy, nên người Khmer Tây Ninh dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng việc cúng dường cho chư tăng, ủng hộ tiền tôn tạo xây dựng chùa, đúc tượng Phật…là bà con luôn sẵn sàng và ủng hộ hết lòng.

Hiện nay, các ngôi chùa Khmer ở Tây Ninh đa phần là mới xây dựng lại chừng vài chục năm trở lại đây. Chỉ có chùa Khedol là ngôi chùa cổ có mặt từ 150 năm trước. Nhưng chùa Khedol cũng đã nhiều lần di dời vì bom đạn chiến tranh. Ngôi chùa hiện tại ấp Thạnh Đông xã Thạnh Tân ( Thành phố Tây Ninh) được xây dựng lại vào năm 1980 và cũng đã qua nhiều lần trùng tu mới có ngôi chánh điện đẹp lộng lẫy nhất tỉnh như ngày hôm nay. Chùa Khedol đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo QĐ số 117/QĐ-CT ngày 29/4/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Ngoài chùa Khedol thì chùa Chung Ruk là ngôi chùa có ngôi sala đẹp nhất. Ngôi sala này có hai tầng, tổng diện tích rộng hơn 525m2 được Sư Nguyễn Văn Chạy vận động xây dựng với kinh phí hơn 14 tỉ đồng. Các chùa còn lại thì đang trong giai đoạn trùng tu.

chua 2

Các chùa Khmer ở Tây Ninh nhìn chung là một quần thể kiến trúc bao gồm chánh điện như sala, tăng xá, tháp cốt, miếu Neakta và các tượng tròn ngoài trời. Ngôi chánh điện luôn là công trình kiến trúc trung tâm, hầu hết là xây bằng chất liệu hiện đại, cửa chính quay về hướng đông. Mái có nhiều lớp, vút lên cao, trên có các tượng rồng tượng trưng cho nơi ngự trị của Đức Phật và mong cầu tránh hỏa hoạn. Hai đầu mái thường trang trí biểu tượng Rehu phun nước, tượng trưng cho nguồn sinh lực của vũ trụ, mong cầu mưa thuận gió hòa. Ở đầu các đầu cột chống đỡ mái thường trang trí đan xen giữa các tượng chim K’rut và các Keynor, vừa tượng trưng cho sức mạnh, đề phòng cái ác trỗi dậy, vừa tượng trưng cho sự hài hòa giữa âm và dương. Nền của chánh điện bao giờ cũng cao hơn mặt bằng chung rất nhiều, xung quanh có rào là tượng rắn thần Nagar năm hoặc bảy đầu hướng ra bốn hướng cửa lên xuống, tượng trưng cho chiếc cầu nối giữa cõi người và cõi Phật. Rắn Nagar còn là biểu tượng cho nguồn nước vĩnh cửu phục vụ cho mọi mặt của đời sống và lao động sản xuất. Bên trong chánh điện có bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều tư thế khác nhau như Phật tọa thiền, thuyết pháp, đi khất thực, nhập niết bàn…Trên trần và vách tường trang trí rất nhiều bích họa kể về cuộc đời và những sự kiện thời Đức Phật còn tại thế.

Ngoài chánh điện, sala, tăng xá có lối kiến trúc khá tương tự thì các chùa Khmer Tây Ninh có nhiều kiểu tháp cốt khác nhau. Đây cũng là điểm độc đáo của các chùa. Nếu nói tháp cốt đẹp, cầu kỳ và hoành tráng nhất phải nói đến chùa Kà Ốt. Nhưng nếu nói khu vườn mộ thì phải nói đến chùa Svay. Chùa Svay ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền – Châu Thành. Cánh Khmer bên này hầu hết là thiêu xác sau khi mãn phần. Cho nên khu vườn sau chùa cũng là khu vườn mộ. Mỗi một nhà mộ là của một dòng họ, sau khi có người mất thì thiêu lấy tro cốt bỏ vào hũ và an vị trong nhà mộ. Điều này vừa tiết kiệm đất canh tác, vừa hợp vệ sinh và phù hợp với tinh thần Phật giáo nguyên thủy. Trước đây, cánh Khmer Tân Biên, Tân Châu và Thành phố Tây Ninh đều theo hình thức địa táng, còn cánh Châu Thành thì hỏa táng. Đại đa số là bà con thiêu theo lối Ấn Độ xưa, dùng củi thiêu xác ngoài trời. Nhưng nay thì đã khác, hai chùa Mongkol Rangsay và Svay đã xây dựng được lò thiêu tại bên trong khuôn viên chùa. Mỗi một lò, kinh phí xây dựng khoảng hơn 2 tỉ đồng, vấn đề này được bà con rất hoang nghênh, phấn khởi.

Nói về các tôn tượng, thì các chùa Khmer Tây Ninh trước đây chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi. Nhưng nay thì một vài chùa còn thờ cả tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, đây là một nét khá mới. Một điều đáng lưu ý là các chùa Khmer Tây Ninh ngoài tượng Phật ra, các sư và các nghệ nhân rất quan tâm đến các tượng thần của Bà la môn như các vị thần tối cao Brahma, Vishnu và Shiva đứng hầu đấng Thích Ca. Hoặc các tượng thần khác như tượng thần Mẹ Đất, Chằn, Tiên nữ, Garuđa…hộ trì Phật pháp, xua đuổi tà ma, giữ gìn chốn tôn nghiêm của Phật điện. Có nhiều người cho rằng đó là tàn dư của văn hóa Bà la môn trong Phật giáo nguyên thủy. Nhưng thực ra nó có một ý nghĩa khác đó là sự quy thuận, xóa bỏ giai cấp, cải ác hướng thiện…Phật giáo cứu độ tất cả mọi chúng sinh, hướng thiện và không phân biệt…đó là một triết lý thâm diệu mà nhà chùa muốn gửi gắm đến mọi người.

Nếu như các ngôi Bắc tông chủ yếu là nơi để hành lễ tín ngưỡng, thì chùa Khmer lại tích hợp cả nghi lễ Phật giáo lẫn nghi lễ văn hóa cổ truyền dân gian như Chol Chnam Thmay, Sen Donta, Oc Ombok, Phật Đản, Nhập hạ, Dâng y Kathina…hầu hết các nghi lễ này là dịp để bà con Khmer tụ họp về chùa nghe giảng kinh Phật, cúng dường Tam Bảo và sau đó là tham gia văn nghệ, múa hát, biểu diễn Skô Chhaydăm, kịch, nhạc ngũ âm và tổ chức các trò chơi dân gian như trò đập niêu đất, leo cột mỡ, ném chàm, kéo co….rất vui, rất nhộn nhịp tưng bừng nhưng không hề có sắc màu mê tín dị đoan hoặc bừa bộn.

Có thể nói, ngôi chùa rất quan trọng trong đời sống của bà con Khmer. Chùa là nơi gửi gắm ước vọng mong cầu hạnh phúc; là nơi trú ngụ của tâm hồn lúc sống cũng như lúc chết; là trường học đạo lý lẽ sống cách ứng xử với xóm làng, bà con dòng tộc ; là nơi để học tập nghề nghiệp, văn hóa truyền thống; là nơi để thực hành nghi lễ Phật và báo hiếu cho ông bà cha mẹ…Người Khmer Tây Ninh chỉ mới bước ra khỏi cái bóng của cảnh nghèo khó chừng hơn chục năm nay. Nhưng tâm thức của bà con gắn bó với chùa, với văn hóa truyền thống là bất di bất dịch từ ngàn đời nay. Chính vì vậy mà đã từ rất lâu, vai trò của ngôi chùa và các vị sư là vô cùng to lớn đối với cộng đồng Khmer. Ngày nay đi qua các làng Khmer trong tỉnh ta sẽ thấy đổi mới rất nhiều, nhà xây hiện đại có, nhà sàn truyền thống có, đường trường điện là khá đầy đủ theo lối sống mới. Nhưng không gian các ngôi chùa vẫn muôn đời cổ kính trang nghiêm. Bước vào chùa là bước vào cõi đạo, tất cả mọi tham sân ái dục đều bỏ lại ngoài kia, con người một lòng hướng thiện, sống cuộc đời đầy trí tuệ và bác ái từ bi.

Tác giả: NNC: ĐÀO THÁI SƠN