In bài này
Nghiên cứu khoa học
Văn hóa xã hội
Lượt xem: 1498

Tự hào Miếu Tiền Vãng

Đó là một ngôi miếu khiêm tốn, cả về quy mô kích cỡ lẫn độ dày thời gian, tọa lạc trong khuôn viên Trường Tiểu học tỉnh Trà Vinh (Ecole Primaire Complémantaire de Travinh) thời thuộc Pháp, sau đổi thành Trường Tiểu học Phú Vinh và nay là Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Toàn cảnh Miếu Tiền Vãng trong khuôn viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám. 

Ảnh: BT

Đối với người dân Trà Vinh chúng tôi, thế hệ sinh ra trong thập niên 1960 trở về trước, đường Hàng Me (trước là đường Lê Văn Duyệt, nay là đường 19 tháng 5) là con đường đẹp nhất, con đường của tuổi học sinh với bao ước mơ, hy vọng. Giữa đường là ngôi trường tiểu học lớn nhất và xưa nhất, cuối đường là hai ngôi trường trung học danh giá bậc nhất của tỉnh. Dọc con đường này có một ngôi miếu, từ lâu đã trở thành địa chỉ vừa thân thuộc vừa thiêng liêng trong tâm thức của bất kỳ ai từng một thời cắp sách đến trường - Miếu Tiền vãng, còn có tên khác là Miếu Tiên sư.

Đó là một ngôi miếu khiêm tốn, cả về quy mô kích cỡ lẫn độ dày thời gian, tọa lạc trong khuôn viên Trường Tiểu học tỉnh Trà Vinh (Ecole Primaire Complémantaire de Travinh) thời thuộc Pháp, sau đổi thành Trường Tiểu học Phú Vinh và nay là Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Được xây dựng từ năm 1943 (theo đề xuất của nhà giáo Vương Hảo Thuận và bản vẽ của nhà giáo Võ Văn Hợi), mặt tiền ngôi miếu nhìn thẳng ra cổng chính ngôi trường và ba mặt còn lại là vách ván được chạm trỗ hình chữ Thọ nối tiếp nhau, mái ngói âm dương theo kiểu bắt vần của kiến trúc truyền thống người Việt, tương phản với vẻ bề thế của các dãy lầu lớp học bao quanh. Lối vào miếu được bố trí giữa hai hàng hoa, vài cây phượng vĩ, dương liễu nghiêng mình soi vào hai hồ sen tả hữu, tạo ra một không khí tĩnh lặng, trang nghiêm cần thiết, dù đang giữa giờ chơi, đầy sân học trò nô giỡn.

Bước lên bậc tam cấp, chính giữa ngôi miếu là một án thờ cùng một bia đá cẩm thạch mà trên mặt bia đính những linh vị đồng thau, ghi rõ danh tính, năm sinh và ngày mất của 139 vị giáo chức nam nữ có công trong sự nghiệp phát triển giáo dục trên phạm vi cả tỉnh đã qua đời, có cả những thầy cô người Pháp, người Việt, người Khmer, người Hoa - tính từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975. Lúc nào trên án thờ cũng đầy hoa quả, nghi ngút khói hương của các thầy cô giáo và học sinh kính viếng các bậc tiên sư quá cố như một biểu hiện chân thành của lòng tôn sư trọng đạo. Hằng năm, mỗi lần tết đến, Trường Tiểu học Trà Vinh tổ chức lễ hội trọng thể, trang nghiêm quy tụ đông đảo giáo giới trong tỉnh về tham dự. Và, xúc động thay, những học trò đất Trà Vinh đã thành đạt, dù sinh sống ở phương trời nào, mỗi lần về thăm quê đều dừng chân tại đây, thắp một nén nhang thành tâm tưởng niệm công ơn thầy cô cũ.

Rõ ràng, xét về quy mô cũng như bề dày lịch sử, Miếu Tiền Vãng Trà Vinh quả là khiêm tốn so với hàng trăm cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trong tỉnh; xét về giá trị văn hóa, ngôi miếu cũng không thể sánh cùng một Văn xương các, một Văn thánh miếu ở Vĩnh Long hay một Văn miếu Biên Hòa, một Chiêu anh các ở Rạch Giá… Nhưng ở một tỉnh nhỏ mà truyền thống giáo dục chưa tạo được tiếng vang lớn như Trường Nguyễn Đình Chiều ở Mỹ Tho hay Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ… (mãi đến năm 1956, Trà Vinh mới bắt đầu hình thành cơ sở giáo dục bậc trung học) nhưng Trà Vinh lại là tỉnh hiếm hoi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, duy trì và tôn vinh ngôi miếu dành riêng tưởng nhớ các thầy cô quá cố. Miếu Tiền Vãng Trà Vinh quả thật là sự vật chất hóa, là biểu trưng độc đáo đáng tự hào về lòng tôn sư trọng đạo của cộng đồng các dân tộc tỉnh nhà.

Từ ngày xây dựng tới nay, Miếu Tiền Vãng đã qua ba lần trùng tu và một lần tôn tạo nhưng vẫn giữ được khá nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu. Lần đầu tiên, trùng tu năm 1967, nhưng chỉ một năm sau đó, chiến sự Xuân Mậu Thân đã làm ngôi miếu bị hư hỏng nặng, phải trùng tu lần thứ hai.

Sau ngày tỉnh Trà Vinh được tái lập (tháng 5/1992), Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã tổ chức trùng tu lần thứ ba, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giáo giới, học sinh và người dân trong tỉnh. Lần trùng tu này, những người thực hiện đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng, phục hồi bức hoành phi Hán tự “Tôn sư trọng đạo” trên trần vách hậu và cặp liễn đối Việt ngữ “Uống nước nhớ nguồn” - “Tôn sư trọng đạo” hai bên án thờ. Riêng bia đá ghi tên các nhà giáo quá cố được trang trọng dựng lên nhưng do số lượng nhà giáo hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như từ trần suốt hơn trăm năm qua đã lên tới hàng ngàn người nên các linh vị đồng thau được đính thành 04 dãy dọc, mỗi dãy 30 chiếc nhưng để trống tên tuổi cho phù hợp thực tế.

Ngày 20/11/1994, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh tổ chức lễ khánh thành sau trùng tu Miếu Tiền Vãng, với sự tham dự đông đảo thầy cô giáo và học sinh trong tỉnh, tạo ra một tiền lệ tốt đẹp cho ngày lễ hội truyền thống Nhà giáo tỉnh Trà Vinh.

Với những giá trị đó, ngày 07/12/2004, Miếu Tiền Vãng được UBND tỉnh Trà Vinh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định số 2514/QĐ-CTT.

Năm 2016, Trường Tiểu học Lê Văn Tám được nâng cấp như một phần của dự án chỉnh trang đô thị thành phố Trà Vinh. Nhân dịp này, Ban Giám hiệu trường xin ý kiến các cơ quan chức năng, tiến hành tôn tạo khuôn viên và ốp đá nền, tạo nên vẻ khang trang cần có cho di tích lịch sử văn hóa này.

Sáng ngày 19/11/2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng cùng đoàn công tác đến thắp hương tại Miếu Tiền Vãng.

 Ảnh: KIM LOAN

Tác giả: Trần Dũng