In bài này
Nghiên cứu khoa học
Tín ngưỡng - Lễ hội
Lượt xem: 1590

Lời dẫn của Ban Biên tập

Theo số liệu thống kê hiện nay, ngời Khmer ở tỉnh Bình Phước là hơn 19.000 người([1]chủ yếu cư trú ở những địa phương: Lộc Ninh, Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đốp,...Trong đó, Lộc Ninh là huyện có đông người Khmer cư trú nhất.

Trong đời sống văn hóa tâm linh của tộc người này, ta thấy có sự tích hợp mạnh mẽ giữa yếu tố tôn giáo (Phật giáo Theraveda) và các tín ngưỡng dân gian truyền thống, điều này được thể hiện rõ qua các lễ hội, nghi lễ như: Lễ Phật Đản, lễ Xuất gia tu học, lễ Sen Đolta, lễ cúng trừ tà ma (có nghi thức tương tự hầu đồng của người Kinh) và đặc biệt là lễ cúng Neakta (Sen Neakta) diễn ra tại các nhà Neakta trong Phum sóc người Khmer trên địa bàn. 

Nhà Neakta của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là một ngôi miếu nhỏ, mái lợp ngói hoặc tôn, tường xi măng. Cao khoảng 1,5 mét, rộng 1,5-2 mét. Người địa phương, họ gọi là nhà Neakta.

Lễ cúng Neakta (Sene Neakta) của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được tổ chức trước Chol Chnam Thmay khoảng 15 - 20 ngày. Người Khmer tin rằng ngày Sene (cúng) này, Neakta cho phép ma quỷ ở trong rừng được vào làng kiếm ăn. Vì vậy, mới có hiện tượng trẻ con lấy lọ nồi vẽ mặt đóng giả làm ma quỷ đi đến từng gia đình xin thực phẩm và tiền bạc. Một thanh niên đóng vai quỷ chúa dẫn "đám tiểu yêu" đi vào từng ngôi nhà hò hét vang động cả sóc. Gia chủ thấy ma quỷ đến lập tức bưng ra cho chúng chuối, bánh, xôi, kẹo và tiền lẻ. Ma quỷ còn rượt bắt cả gà, vịt nữa... trước đây khi đất đai còn rộng, người Khmer nuôi heo thả lang, bọn "tiểu yêu" còn rượt bắt cả heo con. Chỉ có chó là chúng không dám bắt vì sợ bị cắn. Chủ hộ vô cùng vui tươi khi thấy bọn "tiểu yêu" đến nhà mình. Ngoài cho quà, họ còn té nước làm mát cho bọn "tiểu yêu".

 z2417743290373 0c5956187056e72772ab2d32b626edd7

Tượng Neakta của người Khmer ở xã Lộc Khánh

 z2417728009409 215c8e851083baf2d17252920682813c

Trẻ con lấy lọ nồi vẽ mặt đóng giả làm ma quỷ

Tín ngưỡng của người dân ở đây cho rằng những ai tiếc của mà đòi lại những con vật bị ma quỷ bắt đi thì năm đó, gia súc, già cầm sẽ chết cả đàn. Những người đi đường cũng bị ma quỷ chặn lại hò hét in ỏi để xin tiền. Chúng nhảy lên ngồi sau yên xe, ôm hông, chọc lét các bà các cô nhột chịu không nổi mà phải cho chúng tiền.

Sau khi đến cuối làng bọn "tiểu yêu" liền quay về nhà cộng đồng. Chúng ngồi phệt xuống đất đếm số lượng "chiến lợi phẩm" thu được. Quỷ chúa sai mấy tên "tiểu yêu" chạy ra quán mua nước ngọt. Vì bọn chúng chưa đủ tuổi để nhậu. Uống nước ngọt xong, chúng mở nhạc, nhảy múa hỗn loạn. Đến giờ cúng lễ, theo lệnh già làng, chúng bỏ lại "chiến lợi phẩm" cho người lớn lo, kéo nhau ra nhà Neakta làm lễ. Tại nhà Neakta, già làng khấn lễ xong, ném gạo ba lần về phía rừng. Sau lần thứ ba ném gạo, già làng hô to, bạn quỷ tháo chạy về phía rừng.

Chạy mệt, chúng dừng lại nghỉ ngơi, xuống suối rữa mặt cho sạch sẽ rồi kéo nhau về làng như những đứa trẻ ngoan hiền. Vai trò ma quỷ của chúng đã kết thúc. Trách nhiệm của người lớn là phải đãi chúng một bữa no nê từ những "chiến lợi phẩm" mà chúng thu được.

z2417752487753 527fff64d7a52d87a77ccfaaf50d1d40

Tác giả chụp ảnh với "Tiểu quỷ"

Tin & ảnh: TS.Phan Anh Tú