In bài này
Nghiên cứu khoa học
Tín ngưỡng - Lễ hội
Lượt xem: 1568

LỄ CÚNG MIỄU CỦA NGƯỜI TÀ MUN TÂY NINH

Bà con dân tộc Tà Mun ở Tây Ninh hiện nay đa phần theo tôn giáo Cao Đài và trong suốt quá trình cộng cư họ chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn hóa đời sống của người Khmer từ cách ăn mặc đến nếp sinh hoạt tinh thần. Nhưng không phải vì vậy mà họ hòa tan vào các dân tộc khác, mà ngược lại họ luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn những gì thuộc về bản sắc độc đáo riêng của mình - Cúng Miếu là một nghi lễ điển hình nhất của họ.

Lễ cúng miếu chính thức diễn ra vào ngày 16 tháng 11 âm lịch hàng năm ở các xóm bà con Tà Mun sinh sống. Đây là lễ cúng tạ ơn vị thần bảo hộ đất đai mùa vụ và các chiến sỹ trận vong giữ gìn cương thổ…Mặc dù chính thức là ngày 16-11 nhưng trước đó một ngày mọi người trong xóm đã chuẩn bị. Cúng miếu là công việc chung của mọi người trong xóm chứ không phải là việc riêng lẻ của từng hộ gia đình. Vì vậy mọi người mọi nhà đều có nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau, cùng nhau góp tiền, cùng nhau làm, sắm sanh mọi lễ vật để cúng bái. Trong lễ cúng miếu của họ vị thần trung tâm là ông Tà. Ông Tà của người Tà Mun vừa là thần đất vừa là tổ tiên của họ. Miếu Tà của người Tà Mun thường được xây cất dưới gốc cây cổ thụ. Khu miếu thường có hai ngôi miếu một to một nhỏ đối diện nhau. Trước ngày cúng chính thức một ngày thì các cụ già trong xóm sẽ đến miếu quét dọn, rửa các vật thờ cúng cho sạch sẽ và làm lễ xin Tà cho phép làm lễ cúng vào ngày mai. Đó là một nghi thức không thể thiếu, vì họ quan niệm phải xin phép thì Tà mới chứng giám và phù hộ.

192150124 3783578465084742 6389410406525234200 n

Miễn Ông Tà của người Tà Mun xã Thạnh Tân TP Tây Ninh

Cũng trong ngày này các thanh niên tập trung lại tại nhà già làng để làm cây bông. Cây bông trong lễ cúng miếu cũng như cây cờ trong các lễ hội vậy. Bà con người Tà Mun chọn một cây tre nhỏ hoặc cây trúc to dài độ 1,5 mét, cắt bằng hai đầu. Đầu trên chẻ đều rồi banh ra giống như cái lồng hái trái cây vậy và họ để trầu cau têm sẵn vào đó. Trên thân cây cứ cách độ một tấc sẽ buộc một vòng dây, họ chẻ các nan trúc cho tưa mỏng ra như hình những cành hoa và cắm so le vào các vòng dây đó kèm theo một ít tiền lẻ. Đó gọi là cây bông. Cây bông có ý nghĩa tượng trưng cho việc báo hiệu lễ cúng, trầu cau và tiền lẻ có ý nghĩa là hóa cho những vong hồn lang thang không nơi nương tựa, thiếu ăn thiếu mặc.

Sáng sớm hôm sau, những người phụ nữ trong xóm với những bộ quần áo đẹp nhất sẽ đi ra chợ mua đồ cúng. Trong lễ cúng này có năm thứ quan trọng là hoa tươi, cái đầu heo, gà, xôi nếp…và voi ngựa làm bằng cây chuối. Ngoài ra còn có trái cây và rượu trắng. Đối với lễ cúng miếu, bà con Tà Mun lựa chọn hoa rất kỹ, họ quan niệm mua được hoa đẹp càng nhiều thì càng gặp nhiều điều may mắn. Voi và ngựa sẽ được một người khéo tay trong xóm làm ra bằng thân cây chuối và tàu lá chuối, họ cho rằng voi và ngựa là những con vật mà các chiến sỹ của họ ngày xưa trong quá trình giữ gìn cương thổ, chống giặc ngoại xâm đã sử dụng. Khi cúng thần thì cúng luôn họ như một sự tri ân sâu sắc….Sau khi đi chợ xong, về xóm thì tất cả mọi người cùng làm cho hoàn tất các lễ phẩm. Khoảng ba giờ chiều thì mọi người đến nhà già làng làm lễ rước cây bông và bưng các đồ cúng ra miếu. Họ đi thành hai hàng có trật tự từ nhà già làng ra đến miếu. Đi đầu đoàn cúng là một bé gái cầm bó hoa và một cụ bà, tượng trưng cái đẹp và sự sinh sôi kế tục tiếp nối trong cuộc sống, đây là một nét của tục thờ mẫu còn sót lại trong văn hóa của người Tà Mun xưa. Kế tiếp là già làng cầm cây bông và mọi người bưng bê mâm đầu heo, gà luộc, xôi và hoa trái cùng đi theo. Sau cùng là hai người cầm voi ngựa giả. Ra đến miếu họ bày trí các thức cúng vào trong miếu. Cái đầu heo ở vị trí trung tâm cúng cho Tà thần, còn gà xôi cúng cho các chiến sỹ trận vong, trái cây thì cúng cho những vong hồn xiêu lạc…Người thắp hương cúng đầu tiên bao giờ cũng là một cụ ông lớn tuổi nhất trong xóm, sau đó mới đến già làng…rồi đến tất cả mọi người…Nghi thức cúng đơn giản, lời cầu khấn chung quy là tạ ơn Tà bảo hộ đất đai mùa vụ, cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa và cây trái được bội thu…Sau khi cúng xong thì mọi người bày biện thức ăn ra ăn uống tại sân miếu, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ như một sự tổng kết mùa vụ sau một năm làm lụng của mọi người trong xóm…Xưa kia vào dịp này trai gái thường ăn mặc thật đẹp xếp thành vòng tròn ca múa vui chơi cho đến khi mặt trời lặn mới thôi. Nay thì đã mai một đi rất nhiều…

Năm nào cũng vậy cứ vào 16-11AL là bà con dân tộc Tà Mun làm lễ cúng miếu, cho dù năm đó trúng mùa hay mất mùa gì cũng vậy. Nếu năm trúng mùa thì mọi người góp tiền cúng cả con heo và nhiều gà xôi để tạ ơn thần, mong năm sau sẽ tiếp tục được bội thu, còn năm mất mùa thì chỉ có cái đầu heo và xôi gà ít lại, cầu mong cho năm tới sẽ được khá hơn. Mặc dù trong lễ cúng miếu Tà là nhân vật trung tâm, nhưng bà con còn tri ân luôn cả tổ tiên, những người hi sinh vì đất nước, những vong hồn hiu quạnh không chỗ tựa nương. Tính nhân văn cao cả nằm ở chỗ đó. Lòng trung thành, sự chân thật, không quên cội nguồn luôn ẩn chứa trong trái tim bà con dân tộc Tà Mun.

Tin - ảnh: NNC. Đào Thái sơn