TÍN NGƯỠNG ÔNG TÀ ÔNG ĐỊA CỦA NGƯỜI TÂY NINH

Tín ngưỡng ông Tà ông Địa là một loại tín ngưỡng dân gian có từ rất lâu đời của người dân địa phương Tây Ninh. Hầu hết các thôn xóm hay các đình chùa trước đây, nơi nào cũng có miễu thờ ông Tà. Và hầu hết nhà ai dù giàu hay nghèo cũng đều có bàn thờ ông Địa. Đối với bà con, họ quan niệm rằng ông Địa là vị phúc thần có vai trò canh giữ nhà cửa, phù hộ cho gia đạo được bình anh, còn ông Tà là vị linh thần có vai trò cai quản trông coi làng xóm, đề phòng trộm cắp, xua đuổi tà ma. Chính vì vậy mới có câu “ Ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng” là vậy.

Đầu tiên xin nói về ông Tà. Đối với người Việt, bà con không thờ ông Tà theo hộ gia đình mà đa phần lập miếu thờ chung cho xóm làng. Các vị trí thờ Tà thông thường là ở các đình chùa, đầu làng, bến đò hoặc các nơi khác như bờ sông suối, mé ruộng rẫy, cặp đường mòn trong rừng…Nếu như các miễu Tà trong đình chùa được quanh năm nhang khói do cơ sở thờ tự cúng bái, thì các miễu Tà ở những vị trí khác chủ yếu do người qua đường lễ cúng hoặc được bà con cúng theo định kỳ trong năm. Trong các miễu Tà ít khi người ta làm tôn tượng, mà chỉ thờ vài viên đá cuội to nhỏ, có nơi đắp, khắc chữ để thờ như “ Thạch Thần ; Thần Tà tọa vị, Thập nhị Tà thần, Tà công…” mà thôi. 

194836106 3803746996401222 7388595663369048709 n

Tục tờ ông Tà của người Việt có nguồn gốc từ tín ngưỡng Neakta của người Khmer. Trong tiếng Khmer, “ neak” là người nói chung, “ ta” là ông, là người niên trượng cao, hai chữ này hợp lại thành “Neakta” có nghĩa là thần linh. Đối với bà con Khmer, Neakta có rất nhiều loại khác nhau như Tà Ruộng, Tà Suối, Tà Cây Đa, Tà Chùa, Tà Vàm Sông, Tà Xóm Làng…hầu hết tất cả mọi công việc sinh hoạt như cất nhà mới, săn rừng, vào mùa, bắt cá…người Khmer đều làm lễ xin phép Neakta rồi mới làm. Người Việt cũng như người Khmer, khi cúng Tà thường là cúng mặn chứ không cúng chay. Lễ vật cúng Tà thông thường là nhang đèn, trái cây, xôi chè, gà luộc và rượu trắng. Đó là những sản vật cây nhà lá vườn do người dân làm ra đem dâng lên Tà. Trước khi cúng Tà thì phải ăn trước một miếng thì Tà mới chứng. Tương truyền xưa kia Tà bị trúng độc chết nên sợ ăn nhầm thức ăn có độc. Cúng Tà xong thì mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ ngay tại khu miếu, gọi là tiệc đoàn kết. Vì người Việt và người Khmer ở Tây Ninh sống rất gần gũi với nhau, nên có sự ảnh hưởng tín ngưỡng qua lại. Chính vì vậy mà nguồn gốc của những vị thần cũng có sự giao thoa trong văn hóa.

Bên cạnh ông Tà là ông Địa. Ông Địa là một phúc thần rất được yêu thích trong văn hóa Nam Bộ cũng như văn hóa Tây Ninh. Người ta làm tượng Địa khá đa dạng như Địa cưỡi cọp, Địa ngồi ngai, Địa đầu trọc.. Nhưng hầu hết tất cả những tượng Địa dù ở tư thế nào, của thời nào làm ra đi nữa thì đều có hai điểm giống nhau đó là cái bụng bự và miệng cười hết cỡ. Nói cho cùng ông Địa là sản phẩm văn hóa tâm linh của người dân Nam Bộ thời mở cõi, là sự kết hợp giữa tục thờ Tà của người Khmer và tục thờ Mẹ Đất, mẹ Xứ Sở của người Việt. Chính vì lẽ đó mà vị Nam thần này có một số đặc điểm của người nữ như cặp vú to và cái bụng bự tượng trưng cho nét phồn thực. Nụ cười rạng rỡ tượng trưng cho tánh khí dân Nam Bộ và việc mưu cầu hạnh phúc.

Nụ cười của ông Địa là nét nổi bật nhất, trông rất hồn nhiên vui vẻ, cái cười ấy giống y chang đức Phật Di Lạc vậy. Người dân Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng có cái bản tính rất riêng, vừa thoải mái mà cũng rất khảng khái. Họ chế tạo ra hình ông Địa với đầy đủ triết lý của nền văn hóa truyền thống và văn hóa bản xứ. Họ thờ Địa quanh năm, nhờ cậy van vái Địa đủ thứ chuyện, nhưng nếu gặp chuyện không may như mất trộm nhiều lần, làm ăn thua lỗ, mất mùa liên tiếp…thì họ sẵn sàng đổ thừa cho ông Địa không linh, không phù hộ cho gia đình họ…Thế là họ sẵn sàng ôm ông Địa quăng ra đường, bỏ Địa xuống sông, nhét Địa vào kẹt gốc cây…

Dù bị đối xử như vậy nhưng ông Địa vẫn cứ cười. Để giải thích vì sao Địa cười người ta bịa ra câu chuyện Địa bị Hà Bá đánh chết. Chuyện kể rằng : Ngày xưa ở một xóm nọ có một mụ đàn bà góa sống với đứa con gái. Mụ này miệng mồm hơi bẩn, hễ đứa con gái làm sai ý mụ là mụ chửi “ đồ thứ Hà Bá đéo mày”. Nhiều lần vậy ông Địa rình nghe. Bữa kia Địa qua nhà Hà Bá chơi. Địa nói với Hà Bá - anh coi xấu vậy mà tốt phước ghê, có bà kia cứ đòi gả đứa con gái đẹp cho anh kìa. Nghe vậy Hà Bá khoái chí, kêu Địa dẫn đến làm mai mối. Địa sẵn sàng dẫn Hà Bá đến nhà mụ ta. Vừa sáng sớm, mụ dậy quét nhà, đứa con gái còn ngủ. Thấy con chó cái nằm chình ình ngay giữa cửa mụ ta lấy chổi đập cho một cái và chửi luôn “ đồ thứ Hà Bá đéo mày”. Vừa lúc đó Địa và Hà Bá đi tới, Hà Bá nghe vậy cho rằng Địa chơi xỏ mình, kêu mình đi lấy chó cái. Địa thấy cảnh đó cũng cười híp cả mắt. Hà Bá tức điên lên liền co chân đạp cho Địa té xuống sông. Địa uống nước nhiều đến nỗi bụng phình to như bụng chửa, chết mà miệng vẫn còn cười….Nên về sau người dân thờ tượng Địa lúc nào Địa cũng có cái bụng to và cái miệng cười hả hê là vậy !

Đây chỉ là câu chuyện dân gian mang tính khôi hài, nhằm để giải thích vấn đề gần gũi trong cuộc sống. Trong suốt chiều dài lịch sử khẩn hoang vùng đất Nam Bộ, hình tượng Địa gắn liền với đời sống người dân. Họ tin vào Địa, có Địa trong nhà không sợ tà ma trộm cắp. Gia chủ đi vắng Địa canh giữ nhà. Cũng có nhiều người thấy Địa nhà ai linh quá thì tìm cách lấy trộm về. Có khi ở nhà này thờ Địa không linh, Địa bị quăng xuống sông, Địa lại nổi lên mặt nước, khách thương hồ hay trẻ chăn trâu vớt lên đem về thờ thì Địa lại rất linh. Chuyện về Địa có rất nhiều. Vị phúc thần này phải nói là rất gần gũi và dễ chịu. Ngày xưa người ta đa phần nặn tượng Địa bằng tay từ đất sét, những tượng này giờ còn lại đều rất quý hiếm. Tiếp theo đó người chế tạo ra hàng loạt Địa bằng khuôn để bán, đáp ứng cho nhu cầu thờ cúng ngày càng đông của bà con, loại này không quý lắm. Sau này những người giàu có làm Địa bằng vàng, bỏ Địa vào két sắt làm của – cái trò này hơi bị lạ nhưng cũng không thiếu người đã làm. Ngày nay người ta chế ra Địa điện tử, cắm điện vào Địa, bật công tắc là Địa cười thành tiếng suốt ngày. Dù thời thế có thay đổi thế nào đi nữa nhưng đối với tôi tượng Địa bằng đất sét nung vẫn là giá trị nhất. Nhìn ngắm ông Địa cũ xưa, ta thấy cả một khúc quanh lịch sử, cả một chuỗi dài văn hóa của vùng đất Nam Bộ yêu thương, trù phú, và đầy tình nghĩa này.

Ngày nay, dù xã hội đang trên đà phát triển hiện đại, bên cạnh những hủ tục dị đoan mê tín cần phải loại trừ thì những giá trị văn hóa dân gian cần nên lưu giữ lại. Không hẳn ông Tà ông địa đã phù trợ hay giúp đỡ gì cho mọi người một cách thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, mà đó là niềm tin. Niềm tin là sức mạnh của cuộc sống, có niềm tin thì con người ta tạo ra được nhiều năng lượng để làm tốt mọi công việc. Bên cạnh đó tục thờ Tà thờ Địa còn đánh dấu một thời khai hoang mở đất của người dân Tây Ninh nói riêng và Nam Bộ nói chung. Nó phản ánh những mong cầu ước vọng bình an, hạnh phúc và cũng là bệ đỡ tinh thần để cộng đồng tiến tới tương lai.

Tin, ảnh: NNC. Đào Thái Sơn