Từ khóa: Cổ Tông miếu, Bắc Đế, Quan Thánh Đế, người Hoa, Trà Vinh.

Mở đầu

Trà Vinh có dân số hơn 01 triệu người trong đó có 10.236 người Hoa chiếm tỷ lệ 1% dân số. Người Hoa có mặt trên 7 huyện và thành phố của tỉnh tập trung chủ yếu ở các phố thị nhiều nhất là thành phố Trà Vinh với 5.292 người. Cộng đồng người Hoa Trà Vinh hiện tại có 34% người Triều Châu, 31% người Phước Kiến, 25% người Quảng Đông, 7% người Hẹ, 3% người Hải Nam.

          Người Hoa ở Trà Vinh có phong tục, tín ngưỡng thể hiện bản sắc của dân tộc. Về tín ngưỡng, người Hoa Trà Vinh lựa chọn một số thần thánh nhất định để thờ tại các cung, miếu và tại nhà. Tại các cung, miếu có tín ngưỡng Quan Thánh Đế Quân, Bắc Đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phước Đức Chính Thần…Trong các cung, miếu của người Hoa thường thờ một vị thần chính và phối tự các thần khác. Trường hợp Phước Minh Cung ở thành phố Trà Vinh thờ Quan Thánh Đế là chính và phối thờ Phước Đức Chính Thần và Chúa Sanh nương nương. Còn trường hợp Cổ Tông miếu mà chúng tôi trình bày là thờ song song Bắc Đế và Quan Thánh Đế ngay trên một gian thờ. Từ những điểm khác biệt trên nên chúng tôi chọn nghiên cứu trường hợp về Cổ Tông miếu của người Hoa tại huyện Châu Thành, Trà Vinh.

Nội dung

1.     Lịch sử xây dựng và các lần trùng tu

Cổ Tông miếu hay còn được người dân ở Châu Thành gọi là chùa Ông Bổn, tọa lạc tại phường 2 thị trấn Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Miếu có lịch sử khá lâu đời và do người Hoa gốc Triều Châu xây dựng. Về niên đại xây dựng đến nay vẫn không ai biết được vào năm nào. Theo một số người dân quanh vùng cho biết miếu có khoảng trên 100  năm nhưng năm xây dựng chính thức thì vẫn không ai biết chính xác.

Theo ông Trịnh Thanh Võ – Trưởng Ban quản trị cho biết: Vào năm 1940 Cổ Tông miếu được trùng tu lần thứ nhất. Năm 2010 được trùng tu một lần nữa và giữ nguyên hiện trạng cho đến ngày nay. Do lúc xưa cơ sở vật chất còn thiếu thốn gặp nhiều khó khăn nên chỉ xây dựng tạm bợ để làm cơ sở tín ngưỡng, chỗ dựa tinh thần cho người dân quanh vùng. Càng ngày đời sống kinh tế càng phát triển nên hàng năm có nhiều lễ hội được tổ chức, thu hút các dân tộc anh em Kinh, Khmer tham gia và nhập hội.

2.     Các ngày lễ trong năm

-         Ngày 3 tháng 3 lễ Phật Tổ Bắc Đế

-         Ngày 23 tháng 3 lễ Bà Thiên Hậu

-         Ngày 13 tháng 5 lễ Ông Thái Tử Quan Bình

-         Ngày 24 tháng 6 lễ Ông Quan Thánh Đế Quân

-         Ngày 26 tháng 6 lễ Phước Đức Chánh Thần

-         Ngày 18-19 tháng 7 hai ngày lễ Vu Lan

-         Ngày 9 tháng 9 Tết Trùng Dương

-         Ngày 30 tháng 11 lễ Ông Đại Tướng Quân Châu Xương

-         Ngày 12 tháng 12 lễ tế Thần

3.     Kiến trúc miếu

Cũng như nhiều ngôi miếu của người Hoa Triều Châu, Cổ Tông miếu có kiểu kiến trúc 2 rồng xanh tranh châu trên mái ngói. Nhìn từ bên ngoài, miếu được trang trí với nhiều tranh vẽ và phối màu sắc tươi sáng.

Miếu được xây theo kiểu hình ấn – kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa. Miếu gồm ba tòa nằm song song ngang nhau gồm tiền điện, trung điện và chính điện. Dọc hai bên miếu là hai dãy tả điện và hữu điện hướng vào ba tòa nhà tạo thành công trình khép kín hình chữ khẩu. Mái được lợp ngói âm dương, khung sườn chịu lực đỡ lấy thân miếu là những cột tròn và vuông bằng loại gỗ quý. Chân cột được kê bằng những tảng đá vững chắc hình hoa sen, bát giác.

Tiền điện của Cổ Tông miếu với 3 cửa ra vào: chính môn, tả môn, hữu môn. Ngay trên chính môn là bảng Cổ Tông miếu, bên dưới trang trí tranh Bát Tiên với màu sắc tươi tắn.

Tại ngôi chánh điện gồm có 3 gian thờ chính. Ở giữa là bàn thờ Bắc Đế và Quan Thánh Đế Quân. Đây là một điểm khác của Cổ Tông miếu là thờ song song hai vị Bát Đế và Quan Thánh Đế trên cùng một gian thờ. Bên tả thờ Phước Đức Chính Thần, bên hữu thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu.

 quan thanh de

Quan Thánh Đế

(Hiệp Thiên Đại Đế)

Bắc Đế

(Huyền Thiên Thượng Đế)

Bên trên bệ thờ hai vị thần là hai dòng chữ bằng tiếng Hán là: Hiệp Thiên Đại Đế ở bên trái và Huyền Thiên Thượng Đế bên phải. Theo tương truyền, Huyền Thiên Thượng Đế chính là thần Chân Vũ (người Việt thường gọi là Trấn Vũ hay Trấn Võ), là một trong những vị thần được thờ phụng phổ biến tại Trung Quốc và các nước Á Đông. Vị thần này tượng trưng cho sao Bắc cực và là vị thần lớn của Đạo giáo thống trị phương Bắc kiêm quản lý các loài thủy tộc nên cũng được coi là thủy thần hay hải thần.[3] Theo hầu thần Chân Vũ là hai tướng Quy và Xà tượng trưng cho sức mạnh và sự trường tồn.

Huyền Thiên Thượng Đế còn được người Hoa ở một số nơi như người Hoa ở Bình Dương quan niệm là ông Bổn[4]. Có thể vì vậy mà Cổ Tông miếu còn được người dân ở Đa Lộc, Châu Thành gọi là chùa ông Bổn.

Thần Bắc Đế còn được thờ tại một số nơi ở Nam Bộ như: miếu Bắc Đế (ông Bắc) tại phường 5, thành phố Sóc Trăng hay miếu Bắc Đế tại phường Mỹ Long, thành phố Long Xuyên, An Giang. Tuy nhiên, tại các nơi này thờ Bắc Đế là chính còn tại Cổ Tông Miếu thờ song song Quan Thánh Đế và Bắc Đế cùng trên một bệ thờ. Theo người quản lý tại Cổ Tông Miếu cho biết: trước kia thờ Bắc Đế là chính nhưng về sau phối thờ thêm Quan Thánh Đế. Điều này đã được kiểm chứng bằng ấn Huyền Thiên Thượng Đế còn lưu giữ tại ngôi miếu.

Dù qua hai lần trùng tu nhưng miếu không thay đổi nhiều, hầu như vẫn giữ lại cách bố trí và kiến trúc cũ. Bên trong miến còn giữ lại nhiều hiện vật có giá trị đó là ấn, bia kí là được đánh giá là những hiện vật minh chứng cho lịch sử từ khi thành lập miếu đến nay. Bia kí được bố trí ở một góc khuất bên hữu tiến điện nên rất ít người chú ý. Hiện nay bia kí bị mờ chữ nên việc đọc dịch gặp không ít khó khăn.

4.     Cổ Tông miếu trong đời sống tinh thần người Hoa ở Châu Thành

Cổ Tông miếu có diện tích không lớn nhưng là nơi sinh hoạt tôn giáo của người Hoa tại Châu Thành. Trải qua 13 đời Ban Quản trị và qua hai lần trùng tu miếu ngày càng trở nên khang trang. Việc kêu gọi đóng góp trùng tu và làm quỹ hoạt động của miếu người cộng đồng người Hoa địa phương và đặc biệt là các Hoa kiều đóng góp rất lớn. Theo ông Trịnh Thanh Võ – Trưởng Ban quản trị đời thứ 13 của miếu cho biết việc bầu ra Hội trưởng được tổ chức 5 năm 1 lần. Trước kia, người được cử làm Hội trưởng là những người có khả năng tổ chức hội lễ và có nhiều đóng góp cho miếu. Tuy nhiên, hiện nay chức danh Hội trưởng được tiến hành bầu cử để đảm bảo sự công bằng.

Tại Cổ Tông miếu, những vị có công đóng góp công sức cho miếu sau khi qua đời còn được gửi bài vị vào miếu. Bàn thờ các bài vị được để phía sau hậu liêu. Đây là điều thường hay bắt gặp trong những ngôi chùa người Việt. Các Phật tử khi có người thân qua đời thường gửi tro cốt hoặc bài vị vào chùa để vong linh hằng ngày được nghe kinh Phật để sớm siêu sinh tịnh độ.

 bai vi

Bài vị những người có cống hiến cho miếu

Về hoạt động lễ trong năm thu hút không chỉ người Hoa mà còn có người Kinh, người Khmer tham gia. Điều này thể hiện sự giao lưu văn hóa giữa các dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn Châu Thành. Lễ hội được đánh giá là lớn nhất là Lễ Vu Lan được tổ chức vào 2 ngày 18 và 19 tháng 7 hàng năm. Trong lễ này, nhiều người Hoa (có cả Hoa kiều), người Việt thường tổ chức cúng thí (một hình thức bố thí) gạo, tiền, mì và các nhu yếu phẩm cần thiết. Trẻ con trong vùng vào những ngày này tập trung rất đông để “giựt vàng” (giành nhau những vật phẩm cúng). Ngày lễ gần như trở thành một ngày hội cho các dân tộc cùng sinh sống trong vùng.

Một hình thức nhằm gắn kết nhiều người dân đến với ngôi miếu, bất kể đó là người Khmer hay người Việt đó là hình thức xin xăm. Khi phỏng vấn một sinh viên người Khmer sinh sống ở gần đó, em này cho rằng: trong các ngày lễ lớn nơi đây thu hút người Khmer đến rất nhiều. Và đặc biệt, em cho rằng xin xăm miếu này rất linh thiêng.

Sự gần gũi và sự gắn kết của người dân ở Đa Lộc, Châu Thành với Cổ Tông miếu còn là sự sẵn lòng trợ giúp người dân buôn bán xung quanh. Những người làm nghề buôn bán mưu sinh gần đó có thể dễ dàng gửi đồ: trái cây, xe đẩy ngay ở hai bên đông lang và tây lang của ngôi miếu. Sự tương trợ này thể hiện đúng với tinh thần của người Hoa trong những bước đầu đến sinh sống tại vùng đất Nam Bộ là luôn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ nhau trong làm ăn, buôn bán.

Kết luận

Cổ Tông miếu dù vẫn chưa xác định được niên đại xây dựng chính xác nhưng đây là nơi thờ tự thể hiện tín ngưỡng truyền thống của người Hoa tại Châu Thành. Miếu là nơi để người dân gửi gắm những cầu mong về cuộc sống bình an, ấm no và nhiều tài lộc. Do miếu có vị trí cạnh Chợ Châu Thành nên theo nhận định của chúng tôi miếu đang gặp vấn đề mang tính hai mặt. Thứ nhất, với vị trí gần Chợ Châu Thành (ngay trung tâm) nên thuận tiện cho người dân cúng viếng. Thứ hai, cũng do vị trí gần Chợ nên hoạt động buôn bán gần đó (hiện nay có một quầy bán vé số) được bày bán ngay bàn thờ Thiên (Ngọc Hoàng) ngay trước miếu. Hoạt động này ít nhiều ảnh hưởng đến tính trang nghiêm, mất vẻ mỹ quan của ngôi miếu. Tuy còn nhiều khó khăn nhưng Cổ Tông miếu vẫn là nơi tín ngưỡng và là chỗ dựa tinh thần cho người Hoa nơi đây.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Nguyễn Hồng Đảng (2008), Văn hóa – lễ hội các dân tộc Trà Vinh, NXB Văn nghệ.

2.     Trần Hồng Liên (2005), Người Hoa ở Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội.

3.     Trần Văn Bính (2004), Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ thực trạng và những vấn đề đặt ra, NXB Chính trị Quốc gia.

4.     Tư liệu điền dã thực tế tại địa phương năm 2014 và năm 2015

5.     http://www.travinh.gov.vn

[2] Tất cả hình ảnh trong bài viết do tác giả Lê Thúy An chụp vào năm 2014.

[3] http://vi.wikipedia.org/wiki/Tr%E1%BA%A5n_V%C5%A9#T.E1.BA.A1i_Vi.E1.BB.87t_Nam

[4] Trần Hồng Liên 2005: Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ Tín ngưỡng  - Tôn giáo, tr 20.