Từ góc nhìn văn hóa tâm linh, người viết tìm hiểu vị trí, vai trò của tín ngưỡng Ông Bổn trong cộng đồng người Hoa Cầu Kè cũng như cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên vùng đất Cầu Kè Trà Vinh; bước đầu lí giải tính đa văn hóa, vừa truyền thống vừa linh hoạt, vừa bảo tồn vừa dung hợp trong tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa Cầu Kè – trường hợp Vạn Niên Phong Cung.

Bài viết cũng hướng đến tìm hiểu lễ Vu Lan Thắng Hội (còn gọi lễ hội Ông Bổn) được tổ chức vào cuối tháng 7 âm lịch hằng năm tại Vạn Niên Phong Cung, một số hiện tượng văn hóa diễn ra trong lễ hội gắn với tín ngưỡng Ông Bổn, từ đó bước đầu nhận diện giá trị tâm linh của lễ Vu Lan Thắng Hội – một trong những lễ hội dân gian lớn của tỉnh Trà Vinh, đề xuất hướng phát triển du lịch sinh thái - tâm linh tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

Từ khóa: Vạn Niên Phong Cung, tín ngưỡng Ông Bổn, Vu Lan Thắng Hội

Abstract

This article based on survey on Van Nien Phong Cung – a Chinese temple in Cau Ke district, Tra Vinh province. The survey was conducted in August 2013 and July 2014, by interviewing some members of the managing board on basis religion, which he performed in-depth interviewings Diep Xuan Hanh – who is in charge of the Interior Van Nien Phong Cung. The article also references some information in related to Van Nien Phong Cung and Vu Lan Thang Hoi provided by Tra Vinh museum.

From the perspective of the spiritual culture, the writer learns the position and the role of Ong Bon’s belief in the Chinese community in Cau Ke as well as the communities among the ethnic groups living at the same place in Tra Vinh; initially justify the multiculturalism, traditional and flexible, both conservative as well as harmony in the Ong Bon’s belief of Chinese people in Cau Ke – the case study of Van Nien Phong Cung.

The article also aim to learn the Vu Lan Thang Hoi (also called Ong Bon’s festival) held in late Lunar July every year at Van Nien Phong Cung, some of the cultural phenomenon taking place during the festival, therefrom we initially identify the spiritual value of the Vu Lan Thang Hoi – one of the important traditional festival in Tra Vinh province, and propose the development of the spiritual - ecotourism at Cau Ke district, Tra Vinh province.

Key words: Van Nien Phong Cung, Ong Bon’s belief, Vu Lan Thang Hoi

Trà Vinh có dân số hơn một triệu người, trong đó người Hoa chiếm tỉ lệ 0.98%, với khoảng hơn 7.5 nghìn người sinh sống tại các huyện thành của toàn tỉnh, tập trung chủ yếu ở các phố thị, nhiều nhất là thành phố Trà Vinh với khoảng 4,5 nghìn người[1].

            Người Hoa di dân sang Việt Nam vào cuối giai đoạn Minh – Thanh, có mặt trên đất Trà Vinh chủ yếu từ nửa sau thế kỷ XVII [6], sống xen kẽ với người Kinh và người Khmer, cùng nhau khai phá tạo dựng nên vùng văn hóa Nam Bộ độc đáo. Hiện tại, cộng đồng người Hoa Trà Vinh có 34% người Triều Châu, 31% người Phúc Kiến, 25% người Quảng Đông, 7% người Hẹ, 3% người Hải Nam [6]. Người Hoa ở Trà Vinh là một bộ phận gắn liền với cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ. Dù qua thăng trầm lịch sử, người Hoa Trà Vinh vẫn là một cộng đồng đoàn kết, bảo lưu được văn hóa truyền thống của mình với nhiều giá trị độc đáo và tiêu biểu. Trong đó, bản sắc đặc trưng của cộng đồng người Hoa thể hiện ở tín ngưỡng, phong tục tập quán.

Hiện nay, toàn tỉnh Trà Vinh có tổng cộng 47 cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng của người Hoa, trong đó có 24 cơ sở tín ngưỡng Ông Bổn[2]. Theo Trần Hồng Liên, con số hơn 20 miếu thờ Ông Bổn tại Trà Vinh khá ấn tượng, có thể xem là nhiều nhất tại Đồng bằng sông Cửu Long, cho thấy đây là một hiện tượng văn hóa đặc biệt [9]. Huyện Cầu Kè có tổng cộng 06 cơ sở tín ngưỡng của người Hoa, trong đó có 04 miếu thờ Ông Bổn[3]: Minh Đức Cung, Vạn Ứng Phong Cung, Vạn Niên Phong Cung và Niên Phong Cung, lần lượt thờ tự 04 ông Bổn theo thứ tự tương ứng: Ông Bổn Nhứt, Ông Bổn Nhì, Ông Bổn Ba và Ông Bổn Tư. Tín ngưỡng Ông Bổn tại đây cũng được ghi nhận là mang nét riêng, đặc thù trong tín ngưỡng Ông Bổn của đồng bào Hoa tại Nam Bộ. Vạn Niên Phong Cung tọa lạc tại thị trấn Cầu Kè, nằm ngay vị trí trung tâm, cách chợ Cầu Kè khoảng 100m, thờ cúng Ông Bổn Ba; là nơi được dân chúng trong vùng lui tới cúng vái, thỉnh cầu nhiều nhất, cũng là nơi tổ chức lễ Vu Lan Thắng Hội (dân gian thường gọi lễ hội Ông Bổn) vào tháng 7 âm lịch hằng năm lớn nhất trong 04 miếu thờ ông Bổn của huyện, thu hút đông nhất lượt du khách viếng thăm, tạo tiếng vang trong và ngoài tỉnh.

Trong phạm vi bài viết, từ góc nhìn văn hóa tâm linh, chúng tôi nghiên cứu Vạn Niên Phong Cung nhằm bước đầu tìm hiểu vị trí, vai trò của tín ngưỡng Ông Bổn trong cộng đồng người Hoa Cầu Kè cũng như cộng đồng các dân tộc anh em cùng chung sống trên vùng đất Cầu Kè, Trà Vinh; bước đầu lí giải tính đa văn hóa, vừa truyền thống vừa linh hoạt, vừa bảo tồn vừa dung hợp trong tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa Cầu Kè – trường hợp Vạn Niên Phong Cung.

Bài viết cũng hướng đến tìm hiểu lễ Vu Lan Thắng Hội được tổ chức vào cuối tháng 7 âm lịch hằng năm tại Vạn Niên Phong Cung, một số hiện tượng văn hóa diễn ra trong lễ hội, từ đó bước đầu nhận diện giá trị tâm linh của lễ Vu Lan Thắng Hội – một trong những lễ hội dân gian lớn của tỉnh Trà Vinh thu hút đồng bào tại địa phương cũng như khách thập phương đến cúng viếng tại miếu thờ này, đề xuất hướng phát triển du lịch văn hóa tâm linh tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

1.      Tổng quan Vạn Niên Phong Cung

1.1.           Về lịch sử hình thành

Trong chuyến đi diền dã đầu tiên tìm hiểu Vạn Niên Phong Cung, chúng tôi tiếp xúc bà Ba Từ[4] - người trông coi miếu; nhưng lần thứ hai đến khảo sát miếu thì được tin bà Ba đã mất, hiện Ban Trị sự chưa tìm được người thay thế, do vậy ông Diệp Xuân Hạnh – phụ trách Nội vụ của miếu sẽ thay thế bà Ba trông coi thường xuyên miếu. Chúng tôi đã trò chuyện nhiều giờ với ông Hạnh để hiểu rõ hơn về lai lịch cũng như các hoạt động diễn ra tại miếu. Ông Hạnh cho biết, miếu này có niên đại hàng trăm năm, nhưng chi tiết ngày tháng năm thì không có tài liệu ghi chép lại. Theo một số vị bô lão tại địa phương, ban đầu Vạn Niên Phong Cung là một ngôi am nhỏ, được dựng bằng cây lá đơn sơ, nằm cách ngôi miếu hiện tại khoảng 300m về hướng Đông – Bắc. Một người Hoa nhóm Triều Châu khi di dân đến Nam Bộ đã thỉnh cốt “Ông Bổn” từ Trung Quốc sang và lập am thờ cúng. Không rõ tên tuổi của Ông Bổn nhưng người Hoa trong vùng gọi ông là “A Côn”[5] và tôn ông làm thủy tổ của Vạn Niên Phong Cung.

cong vn niem

Hình 1. Vổng Vạn Niên Phong Cung - Ảnh: Tố Thy

Tìm hiểu chi tiết về Vạn Niên Phong Cung, chúng tôi tìm thấy một số dấu vết có thể liên quan đến thời điểm xây dựng hoặc tu bổ của miếu. Báo cáo khoa học của Bảo tàng Tổng hợp Trà Vinh ghi nhận miếu lưu giữ một bia đá có chạm khắc dòng chữ Hán “Vạn Niên Phong Cung – Tân xuân nguyệt trùng kiến – Thiên vận Tân Dậu niên” (Tạm dịch: Vạn Niên Phong Cung dựng lại vào mùa xuân năm Tân Dậu) [1]. Như vậy, căn cứ mốc năm Tân Dậu, đặt trong khoảng thời gian người Hoa đến sinh cơ lập nghiệp tại đất Trà Vinh từ nửa sau thế kỉ XVII [6] trở lại đây, sẽ tương ứng với các năm: 1681, 1741, 1801, 1861 và 1921. Song song đó, chúng tôi cũng tìm thấy trong chính điện có thêm bảng gỗ chạm dòng chữ “Bổn Đầu Phước Thần – Quang Tự Quý Mão trọng hạ kiết đán” (Tạm dịch: Bổn đầu phước thần - đời vua Quang Tự, tháng 5 năm 1903); và thông tin ông Liêu Pó, hiện là ủy viên Ban Tổ chức của Vạn Niên Phong Cung, cung cấp thêm: vào năm 1907 thân phụ của ông là Liêu Nương từ Quảng Đông – Trung Quốc di cư sang đã thấy Vạn Niên Phong Cung có từ trước rồi. Từ các chi tiết trên, chúng tôi tạm cho rằng miếu được xây dựng trước mốc năm 1921, tuy nhiên chính xác vào thời điểm nào cần thêm một số cứ liệu, trong đó cần thiết gắn kết với lai lịch của 03 miếu thờ Ông Bổn còn lại trong huyện. Ngoài ra, một số bô lão cũng cho biết, cùng với Phước Minh Cung (thờ Quan Thánh Đế, tọa lạc tại Thành phố Trà Vinh, được cho là xây dựng từ năm 1556), Vạn Niên Phong Cung và Cổ Tông miếu (thờ Quan Thánh Đế Quân, tọa lạc tại huyện Châu Thành, Trà Vinh) là những ngôi miếu cổ nhất của người Hoa ở Trà Vinh. Thông tin này cần kiểm chứng thêm, tuy nhiên việc tìm hiểu những ngôi miếu này có thể phần nào xác định được thời điểm cụ thể người Hoa có mặt tại đất Trà Vinh.

1.2.           Về kiến trúc miếu

Vạn Niên Phong Cung được xây dựng theo khuôn mẫu kiến trúc miếu của người Hoa Nam Bộ, gồm các bộ phận chính: cổng, sân, điện thờ và các gian nhà phụ - nhà khách nằm phía Đông và nhà bếp nằm phía Tây; định vị theo trục Bắc – Nam, trong đó chính điện mở về hướng Nam để đón gió mát của mùa hè, tránh gió lạnh mùa đông.

Diện tích của toàn khu vực miếu rộng khoảng 1,2 nghìn mét vuông[6], trong đó sân miếu chiếm hơn 1/3 tổng diện tích. Sân miếu dành khoảng rộng làm võ ca như đình làng của người Kinh, nền lót gạch tàu, mái lợp tôn, xung quanh võ ca được bao bọc bởi hàng rào làm bằng thẻ gỗ trang trí màu đặc sắc. Khuôn viên sân có đặt bàn thờ Thông Thiên của người Kinh và miếu thờ Neak-tà của người Khmer. Trên vách tường bao bọc xung quanh miếu trang trí những bức vẽ tinh tế, phối màu tươi sáng, thể hiện các điển tích, tuồng tích huyền thoại gắn với lịch sử Trung Quốc, cũng như công cuộc vượt biển tìm đất mới sinh sống của người Hoa.

Theo ông Hạnh, trong 04 miếu thờ Ông Bổn tại huyện Cầu Kè, chính điện của Vạn Niên Phong Cung còn giữ được kiến trúc xưa do chưa được trùng tu, các miếu còn lại đều đã trùng tu hoặc xây mới. Lối kiến trúc cổ truyền thể hiện qua kết cấu khung gỗ của điện thờ đến chi tiết các bộ phận làm bằng gỗ trong điện thờ. Bên trong cửa chính miếu là phần tiền điện với hai bên vách chạm nổi tượng Bạch Hổ (tả) và Thanh Long (hữu), tương ứng phía trên là sân Thiên tỉnh, còn gọi là giếng trời, đóng vai trò thông gió, điều chỉnh ánh sáng, đồng thời mang ý nghĩa biểu tượng là điểm tương liên giữa nhân gian và thần thánh.

Gian chính điện thờ Ông Bổn trang trọng ở giữa với dòng chữ vàng Tam Bổn Đầu Công (三本), bên trong khánh thờ là tượng Ông Bổn bằng chất liệu gỗ trầm hương, loại gỗ được thỉnh từ Đông Nam Bộ về. Theo lời kể, đây là tượng Ông Bổn thứ hai của miếu do thợ Sóc Trăng tạc, hoàn thành vào khoảng đầu thập niên 60 của thế kỉ XX. Trong gian còn đặt bàn thờ các vị Quan Thánh Đế, Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Âm nương nương, Chúa Tiên Chúa Ngọc, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Phán Quan,…; trang trí nhiều phù điêu, câu đối, hoành phi, trong đó nổi bật hình tượng các con vật: chim, tôm, cua, cá và các loại hoa lá, cây trái bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo, độc đáo.

Công trình Vạn Niên Phong Cung hiện lưu giữ nhiều giá trị kiến trúc cổ xưa của chùa miếu người Hoa Nam Bộ, thể hiện tài năng sáng tạo và khả năng thích ứng của người Hoa tại vùng đất Cầu Kè, Trà Vinh. Do vậy, rất cần các công trình nghiên cứu nghiêm túc về kiến trúc của miếu trước khi Ban Trị sự của miếu và cộng đồng người Hoa tiến hành việc tu sửa hay xây mới.

2.      Tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa Trà Vinh tại Vạn Niên Phong Cung

2.1.           Cội nguồn

Tín ngưỡng Ông Bổn du nhập vào Việt Nam cùng với những lưu dân gốc Hán di cư từ Trung Quốc sang. Ông Bổn, với ý nghĩa là ông Tổ, “Bổn” có nghĩa là “gốc”, đã trở thành chỗ dựa tinh thần lớn lao cho những lưu dân bước đầu đặt chân đến Nam Bộ, mang lại niềm tin, sự an ủi để họ trụ vững và phát triển. Trong quan niệm chung của người Hoa, Ông Bổn là một nhân thần, gọi chung là Phúc Đức Chính Thần (hay Phước Đức Chính Thần), nhưng tùy theo mỗi bang hội, địa phương mà cụ thể hóa hình tượng Ông Bổn. Theo người Hoa gốc Phúc Kiến ở Chợ Lớn, Ông Bổn chính là Châu Đạt Quan – vị quan đời Nguyên, tác giả quyển Chân Lạp phong thổ kí (trường hợp Miếu Nhị Phủ tại Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh); người Hoa gốc Quảng Đông ở Chợ Lớn quan niệm Ông Bổn chính là Thần Thổ Địa; người Hoa ở Sóc Trăng thờ Ông Bổn là Trịnh Ân – vị phó quan dưới triều vua nhà Tống, có công dạy dân làm ăn, khẩn hoang lập ấp (trường hợp Hòa An hội quán); trong khi đó người Hoa gốc Triều Châu ở Hội An cụ thể hóa Ông Bổn là Phục Ba tướng quân Mã Viện. Đối với người Hoa gốc Triều Châu ở vùng Nam Bộ, Ông Bổn được hiểu phổ biến là Trịnh Hòa – vị quan thái giám đời vua Vĩnh Lạc, nhà Minh – Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển ghi lại khá rõ trong “Sài Gòn năm xưa” về tích của Ông Bổn Trịnh Hòa:

Nguyên đời Vĩnh Lạc (1403 -1424), vua có sai ông thái giám Trịnh Hoà (sách Pháp âm: Cheng Ho), cỡi thuyền buồm dạo khắp các nước miền Đông Nam Á ban bố văn hoá Trung Hoa, và luôn dịp mua về cho hoàng đế Minh Triều những kỳ trân dị bửu Ấn Độ, Xiêm La, Miến Điện, Cao Miên, Việt Nam, Chiêm Thành, Tân Gia Ba, Chà Và, Nam Dương Quần Đảo, v. v... Trịnh Hòa tỏ ra vừa nhà thám hiểm, du lịch, khảo cứu địa dư, ngoại giao, ngôn ngữ học, mỗi mỗi đều tài tình. Đi đến đâu, ông thi nhân bố đức, và đưa người Tàu đến lập nghiệp đến đó, hoặc chỗ nào có người Trung Hoa ở sẵn thì ông chỉnh đốn sắp đặt cho có thêm trật tự, v.v..., sau nầy ông mất, dân ngoại kiều cám đức sâu, thờ làm phúc thần, vua sắc phong "Tam Bửu Công", cũng gọi "Bổn Đầu Công" (đọc giọng Tàu là Bủn Thầu Cúng) gọi tắt là "Ông Bổn". [12]

“Chuyện xưa tích cũ” của tác giả Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình cũng ghi chép khá kĩ về Ông Bổn - Trịnh Hòa, người được vua Vĩnh Lạc tín nhiệm phái đi điều tra cùng đoàn 63 tàu và 27 nghìn người đến các nước Đông Nam Á. [7]

Tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa Trà Vinh cũng thể hiện sự đa dạng trong việc cụ thể hóa hình tượng Ông Bổn, trong đó phổ biến thờ Trịnh Hòa (gốc Triều Châu) hay Châu Đạt Quan (gốc Phúc Kiến), riêng có trường hợp đặc biệt tại Phước Minh Cung (Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, 2005) tọa lạc ở trung tâm thành phố Trà Vinh thờ Ông Bổn là Quan Thánh Đế.

Đối với 04 miếu thờ Ông Bổn tại huyện Cầu Kè, việc xác định chính xác nguồn gốc, tên họ của từng Ông Bổn là một thử thách, lí do không có tài liệu nào ghi chép lại lai lịch của Ông Bổn, hầu như cộng đồng người Hoa ở đây gọi chung Ông Bổn là “A Côn” như đã trình bày trên. Khi tiếp xúc với ông Hạnh để tìm hiểu về Vạn Niên Phong Cung, chúng tôi đã đưa ra một số thắc mắc nhờ ông giải đáp rõ hơn. Trước hết, Vạn Niên Phong Cung là miếu thờ Tam Bổn Đầu Công, dân gian gọi là Ông Bổn Ba, trước có Ông Bổn Nhứt thờ ở Minh Đức Cung, Ông Bổn Nhì thờ tại Vạn Ứng Phong Cung, sau có Ông Bổn Tư thờ ở Niên Phong Cung; nhưng miếu lại thu hút bà con trong và ngoài địa phương đến cúng viếng nhiều nhất; đồng thời vào dịp Vu Lan Thắng Hội, lễ diễn ra tại Vạn Niên Phong Cung là chuỗi ngày dài nhất, được tổ chức quy mô nhất, với hàng ngàn lượt người tham dự, diễn ra vào những ngày cuối cùng trong chuỗi ngày lễ Vu Lan Thắng Hội tháng 7 âm lịch hằng năm tại 04 miếu thờ Ông Bổn, phải chăng có điều gì đặc biệt liên quan đến nguồn gốc của Ông Bổn Ba hay gắn với vấn đề tâm linh? Một cách khiêm tốn, ông Hạnh cho biết, từ xưa khi các miếu ra đời, có lẽ vì kiêng kị nên bà con không ghi chép lại cụ thể tên họ, lai lịch của từng vị nhưng nghe các vị bô lão kể lại rằng trong 04 anh em kết nghĩa thì Ông Bổn Ba là một vị quan văn võ song toàn, được nể trọng và có uy tín nhất, thông thường vào các dịp lễ Ông Bổn Ba được thỉnh ngồi kiệu. Chúng tôi đặt vấn đề phải chăng Ông Bổn đang được thờ tại Vạn Niên Phong Cung là Trịnh Hòa và nhận được sự xác nhận tương đối của ông Hạnh. Ông cho biết dù không có tài liệu ghi chép cụ thể, không có sự công khai danh tính nhưng ngầm hiểu Ông Bổn được thờ tại Vạn Niên Phong Cung là thái giám Trịnh Hòa như tích kể của Vương Hồng Sển. Chúng tôi cho rằng sự xác nhận của ông Hạnh mang tính tương đối, không khẳng định dứt khoát vì cách thể hiện của ông ít nhiều né tránh sự nói thẳng, có thể phần nào gắn với tính chất tâm linh, sự kiêng kị. Tuy nhiên, trên cơ sở xem xét, đối chiếu các thông tin, chúng tôi thấy rằng Vạn Niên Phong Cung bắt nguồn từ nhóm người Hoa Triều Châu (chiếm số đông trong cộng đồng người Hoa Cầu Kè cũng như tại Trà Vinh); tên gọi Tam Bổn Đầu Công (dòng chữ Hán thêu vàng trên nền vải đỏ tại trang thờ Ông Bổn) cũng khá tương ứng với sắc phong Tam Bửu Công của vua nhà Minh đối với Trịnh Hòa, kết hợp lời kể của vị chức sắc trong Ban Trị sự, do vậy chúng tôi cho rằng giả thuyết Ông Bổn Ba được thờ tự tại Vạn Niên Phong Cung là vị quan Trịnh Hòa như một số miếu thờ Ông Bổn của người Hoa Nam Bộ có cơ sở thuyết phục nhất.

2.2.           Tín ngưỡng Ông Bổn – một số nét văn hóa đặc trưng

a/ Tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa Trà Vinh nói chung, tại Vạn Niên Phong Cung nói riêng là một dạng tín ngưỡng cộng đồng, thể hiện khả năng thích ứng, tính linh hoạt của người Hoa trong sự dung hợp các yếu tố tốn giáo, tín ngưỡng của các dân tộc anh em cùng cộng cư, đồng thời giữ một vai trò quan trọng trong văn hóa tâm linh của cộng đồng đang sinh sống tại địa phương.

Có thể thấy tục thờ Ông Bổn của người Hoa Nam Bộ nói chung, người Hoa Trà Vinh nói riêng trước hết xuất phát từ nhu cầu tâm linh rất thực tế. Những lưu dân trên bước đường đi tìm vùng đất mới sinh sống luôn phải đối diện với những khó khăn, hiểm nguy, do vậy việc cầu cúng là một nhu cầu tất yếu. Dựa theo cách hiểu của nhà nghiên cứu Nhân học Oscar Salemink, chúng tôi tạm hình dung tín ngưỡng Ông Bổn như một dạng thức tìm kiếm sự an toàn về mặt tâm linh cho cộng đồng người Hoa khi sinh cơ lập nghiệp tại vùng đất mới. Tín ngưỡng Ông Bổn, cụ thể thờ quan thái giám Trịnh Hòa, tại Vạn Niên Phong Cung thể hiện một khát vọng rất thật về sự phò hộ, ban phúc của vị nhân thần vốn đã có công đức với dân chúng khi còn tại thế. Điều đáng chú ý là tín ngưỡng Ông Bổn cùng với các lễ hội diễn ra tại Vạn Niên Phong Cung và 03 miếu thờ còn lại không chỉ tựu trung trong cộng đồng người Hoa mà có xu hướng thu hút sự tham gia ngày càng nhiều của các dân tộc cùng sinh sống tại địa phương. Cũng nên biết rằng Cầu Kè là một trong những vùng đất có đông người Khmer sinh sống của tỉnh Trà Vinh, đây cũng là vùng đất tương truyền có chùa Khmer cổ nhất của Nam Bộ - chùa Sam Bô Rang Sey với niên đại hơn 1.500 năm tuổi, tọa lạc tại ấp Trà Kháo, xã Hòa Ân. Thế nhưng, rất rõ tín ngưỡng Ông Bổn được du nhập cùng với những người di dân gốc Hán đã nở rộ trên vùng đất có bề dày phát triển Phật giáo Nam tông và dần trở thành một tín ngưỡng cộng đồng của người dân tại vùng đất Cầu Kè. Một thông tin đơn giản sau phần nào cho thấy cộng đồng đặt niềm tin ngày càng nhiều hơn đối với Ông Bổn tại Vạn Niên Phong Cung – số tiền cúng dường cho miếu trong 15 năm gần đây tăng rõ rệt. Ông Hạnh cho biết thời gian trước đây, số tiền cúng dường của khách đến cúng viếng không đủ chi tiêu trong các ngày lễ hội của miếu, nhưng khoảng 15 năm trở lại đây, số tiền cúng dường tăng dần theo năm, có thể một phần do đời sống của người Hoa Cầu Kè khấm khá hơn trước, nhưng cũng không phủ nhận thực tế ngày càng đông khách viếng đến miếu xin xăm, cầu xin sức khỏe, tài lộc,… Về hiện tượng này, chúng tôi thử đưa ra một số lí giải sau:

- Trước hết, nhu cầu tâm linh của người Hoa trong tín ngưỡng thờ Ông Bổn là một nhu cầu xác đáng, gần gũi, thỏa mãn trước mắt những lo lắng, bất an về cuộc sống mới nơi đất người. Hơn nữa, vị nhân thần – Ông Bổn là một vị quan đã giúp dân chúng an cư lạc nghiệp tại những vùng đất mới khi ông còn tại thế, do vậy niềm tin đối với ông về sự phò trợ cho con cháu tiếp tục phát triển là một điều không quá xa xôi. Nhìn rộng ra, tín ngưỡng Thành hoàng bổn cảnh của người Kinh hay tín ngưỡng Neak-tà – vị thần bảo hộ phum, sóc của người Khmer cũng đều hướng đến cầu mong cuộc sống ổn định, thịnh vượng, thế nên “Tam Bổn Đầu Công” không còn là vị quan triều đình trong tâm thức của riêng người Hoa nữa mà là một Thổ thần, Thành hoàng bổn cảnh bảo hộ một khu vực và bảo vệ cho tất cả những người dân định cư sinh sống ở đây. [1]

- Song song đó, cùng với nguyện vọng bảo tồn văn hóa tâm linh truyền thống, người Hoa Cầu Kè đã linh hoạt dung hợp những tín ngưỡng tương đồng của các dân tộc anh em trong vùng tạo nên tính đa dạng trong văn hóa tín ngưỡng Ông Bổn của mình. Điều này thể hiện rất rõ trong kiến trúc và các lễ hội diễn ra ở miếu thờ Ông Bổn của người Hoa Trà Vinh. Tại Vạn Niên Phong Cung là sự hiện diện của bàn thờ Thiên trong sân trước, Tiền Hiền và Hậu Hiền trong chính điện – những hình thức thờ cúng đặc trưng của người Kinh và miếu Neak-tà rất đặc thù của người Khmer Nam Bộ trong khuôn viên sân.

Về phần lễ hội, trong Vu Lan Thắng Hội – lễ hội lớn nhất tổ chức tại Vạn Niên Phong Cung, nghi thức cúng khởi đầu – Lễ thỉnh Phật, thỉnh Thần được thực hiện có sự tích hợp các tôn giáo, tín ngưỡng tại địa phương, thể hiện qua trình tự thỉnh Phật từ chùa Vạn Hòa (Vạn Hòa cổ tự) đến thỉnh Thành hoàng bổn cảnh tại đình Ân Phụ của người Kinh, lần lượt qua các miếu: Minh Đức Cung thỉnh Ông Bổn Nhứt, Vạn Ứng Phong Cung thỉnh Ông Bổn Nhì, Thiên Đức Cung thỉnh Quan Thánh Đế, Niên Phong Cung thỉnh Ổng Bổn Tư, Vạn Đức Phong Cung thỉnh Ông Châu Sương, đến miếu Neak-tà của người Khmer thỉnh Ông Tà, kết thúc tại miếu Ông Bổn Ba. Lần lượt các ngày diễn ra nghi lễ có sự tham gia tụng niệm của chư tăng các tự viện, sư cô của tịnh xá và các vị sư Khmer tại các chùa Khmer trong vùng. Tính đa văn hóa trong tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa đã khích lệ sự cộng hưởng về mặt tâm linh của cộng đồng các dân tộc anh em.

- Một điểm đáng chú ý trong văn hóa tín ngưỡng của người Hoa là tính cố kết cộng đồng. Các cơ sở tín ngưỡng cộng đồng của người Hoa vốn là một trong những đầu mối quan trọng để liên kết mọi người trong cùng một nhóm phương ngữ, đồng thời liên kết các nhóm phương ngữ của người Hoa lại với nhau. Thực tế tại Vạn Niên Phong Cung, thông qua sự gặp gỡ về mặt tâm linh, người Hoa đã khéo léo xây dựng tình đoàn kết, sự tương thân tương ái, không chỉ trong đồng tộc mà với mọi thành phần trong xã hội bằng những hoạt động mang tính xã hội (từ thiện, đóng góp cho cộng đồng…). Về vấn đề này, ông Hạnh khẳng định với chúng tôi rằng mỗi dịp Vu Lan Thắng Hội, Ban Tổ chức chuẩn bị hàng trăm suất ăn miễn phí, hàng ngàn phần gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết phân phát cho người nghèo. Ngoài ra, tại các lễ hội khác diễn ra trong năm, Ban Trị sự đều chuẩn bị những phần quà từ thiện dành cho người có nhu cầu, người khó khăn[7].

b/ Tín ngưỡng Ông Bổn tại Vạn Niên Phong Cung – nét riêng độc đáo trong tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa Nam Bộ

Như phần đầu đã trình bày, tín ngưỡng Ông Bổn tại Cầu Kè có một nét riêng độc đáo, tạo nên một dạng tín ngưỡng đặc thù của người Hoa vùng đất Trà Vinh. Ông Bổn tại Vạn Niên Phong Cung được đặt trong mối liên hệ với 03 Ông Bổn tại 03 miếu còn lại nằm trong khu vực Cầu Kè. Mối liên hệ ấy được người Hoa cụ thể thành sợi dây gắn kết 04 anh em Ông Bổn trong một đại gia đình, có sự phân chia ngôi thứ từ Ông Bổn Nhứt, Ông Bổn Nhì, Ông Bổn Ba đến Ông Bổn Tư. Ở đây, cách Việt hóa tên gọi 04 Ông Bổn của người Hoa đã phần nào tạo sự gần gũi, gắn kết với cộng đồng các dân tộc. Nhà nghiên cứu tôn giáo Trần Hồng Liên đã nhận xét: “tính cố kết cộng đồng trong một tộc người, giữa các tộc người ở Trà Vinh, do bối cảnh địa-lịch sử và địa-văn hóa, càng được gắn bó nhiều hơn, được thể hiện qua việc người Hoa đã “kết nghĩa anh em” cho các Ông Bổn, từ Ông Bổn Nhứt đến Ông Bổn Tư, là hiện tượng riêng có ở Trà Vinh, xét trong bối cảnh tín ngưỡng Ông Bổn ở Nam Bộ” [9]. Vốn dĩ, mô típ tình anh em kết nghĩa giữa các tộc người sinh sống tại vùng đất Trà Vinh đã từng là chủ đề trong một số truyện kể dân gian của người Khmer Trà Vinh[8]. Điều này cũng làm nên nét độc đáo của truyện kể dân gian Khmer Trà Vinh trong dòng chảy văn hoc dân gian Khmer Nam Bộ.

Không dừng lại ở câu chuyện “anh em kết nghĩa” giữa các Ông Bổn, nét độc đáo trong tín ngưỡng Ông Bổn Ba tại Vạn Niên Phong Cung còn thể hiện qua hiện tượng văn hóa mang đậm tính chất tâm linh – hiện tượng “nhập xác”. Khảo sát các hoạt động nghi lễ tại Vạn Niên Phong Cung, phân tích các thông tin ông Hạnh cung cấp, chúng tôi thấy rằng hiện tượng “nhập xác” của cùng lúc 04 Ông Bổn tại Vạn Niên Phong Cung vào những ngày lễ cúng, lễ vía chính là yếu tố quan trọng khơi tạo niềm tin, thu hút cộng đồng bái, viếng tại miếu. Theo ông Hạnh, mỗi Ông Bổn đều có một “xác”[9] riêng, khi “nhập xác”, mỗi ông sẽ xưng hô danh tính theo thứ tự ông Nhứt, ông Nhì, ông Ba và ông Tư. Những “xác” này phải là người địa phương, có đạo đức, được thử thách qua các công đoạn mang tính nghi thức như tắm dầu để tẩy rửa ô uế. Từ năm 1954 đến nay, tại Cầu Kè luôn có 04 “xác” để 04 Ông Bổn tại 04 miếu nhập về. Nguồn gốc xuất thân và đặc điểm xã hội của 04 “xác” đa dạng, có “xác” là một nhà sư, có “xác” là thợ hớt tóc,…, hầu hết “xác” là người Kinh, điều này cũng gây dựng niềm tin cho cộng đồng tín ngưỡng, lí do là khi được Ông nhập thì những người này có khả năng nói tiếng Hoa “như gió” dù trước đó “một tiếng Tàu bẻ đôi cũng không biết”. Ông Hạnh cũng nhấn mạnh, điều khiến cộng đồng người Hoa Cầu Kè và những người cúng viếng tin vào sự hiển linh của Ông Bổn tại Cầu Kè là khi “xác” qua đời hoặc vì lí do nào đó Ông không nhập được nữa, Ông sẽ tìm “xác” khác để thay thế, hiện tượng này rất khó thấy tại các chùa Ông Bổn khác ngoài địa phương. Bên cạnh đó, một điểm độc đáo khác là trong dịp lễ Vu Lan Thắng Hội, hay dịp lễ vía Ông Bổn tại các miếu thì đồng loạt 04 Ông cùng nhập 04 “xác” đã chọn, thể hiện sức mạnh siêu phàm tạo nên không khí náo nhiệt, có chút rùng rờn, huyền bí tại cơ sở tín ngưỡng, thu hút sự chú ý của đông đảo dân chúng. Có thể nói, hiện tượng “nhập xác” của Ông Bổn Ba và các Ông Bổn tại miếu thờ của Cầu Kè cần nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, ở đây từ khía cạnh tâm linh, chúng tôi nhận thấy rằng hiện tượng Ông Bổn “nhập xác” – một hình thức hóa thân, đã cho con người sống trong một thế giới mà ranh giới thật - ảo không phân biệt, dù trong phút chốc, nhưng ít nhiều mang lại sự hưng phấn tinh thần, xoa dịu những bất an, những tổn thương trong thế giới thực, giúp họ củng cố thêm niềm tin vào cuộc sống.

c/ Vu Lan Thắng Hội – lễ hội văn hóa tâm linh trong tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa Cầu Kè

Hằng năm, vào tháng 7 âm lịch, người Hoa khắp vùng Cầu Kè và khu vực lân cận chuẩn bị bước vào hội lễ Vu lan tổ chức tại các miếu thờ Ông Bổn. Dân gian ở vùng đất này vẫn còn lưu truyền câu nói “Hăm lăm vào đám, hăm tám ra giàn” [1] để chỉ thời gian diễn ra lễ Vu Lan Thắng Hội tổ chức tại Vạn Niên Phong Cung. Lễ Vu Lan bắt đầu từ Vạn Ứng Phong Cung trong ba ngày 8, 9 và 10; Niên Phong Cung trong hai ngày 15 và 16; Minh Ðức Cung trong ba ngày 18, 19 và 20; và cuối cùng là Vạn Niên Phong Cung – lễ hội diễn ra nhiều ngày nhất, quy mô nhất và thu hút hàng ngàn lượt người tham dự - bốn ngày từ 25 đến 28 tháng 7 âm lịch. Có thể nói, đến với vùng đất Trà Vinh, ngoài những lễ hội truyền thống của người Khmer, lễ hội Cúng Biển Mỹ Long – huyện Cầu Ngang và lễ Vu Lan Thắng Hội – huyện Cầu Kè là hai lễ hội văn hóa dân gian thu hút sự tham gia đông đảo của cộng đồng trong và ngoài địa phương. Năm 2008, Vu Lan Thắng Hội đã được công nhận là lễ hội văn hóa dân gian tâm linh cấp Tỉnh.

Vu Lan Thắng Hội tại Vạn Niên Phong Cung được tổ chức quy mô với nhiều nghi lễ và hoạt động. Dựa trên bảng thông báo “Chương trình Lễ Vu lan – Thắng hội” của Ban Trị sự Vạn Niên Phong Cung, chúng tôi nhẩm khoảng trên dưới 30 lễ, với sự tham gia cúng tế, tụng niệm của nhiều thành phần: chư tăng các tự viện, ni cô tại các tịnh xá và sư sãi các chùa Khmer trong vùng. Song song đó, nhiều hoạt động mang tính hội hè kết hợp với hoạt động từ thiện xã hội. Điểm đáng chú ý trong những ngày lễ Vu lan là các nghi lễ tụng kinh cầu nguyện: cầu Quốc thới, cầu an, cầu siêu, vu lan báo hiếu,…; mở cửa ngục xá tội vong ân và các hoạt động tâm linh của 04 Ông Bổn khi “nhập xác”.

   xac ong

 

Hình 2: “Xác Ông” rạch lưỡi vẽ bùa tại lễ Vu Lan Thắng Hội ở Vạn Niên Phong Cung  tháng 7/2014 (Âl)

Ảnh: Tố Thy

Sau 18 lễ chính diễn ra từ ngày 25 đến sáng 28/7, khoảng gần trưa ngày 28/7 lễ Chiêu u cô hồn – đăng đàn thí thực được tiến hành với nghi thức tụng kinh chiêu u cô hồn của các nhà sư. “Trong thời khắc này có sự hiện diện của những ông nhập xác các ông Bổn[10]. Hóa thân các ông Bổn đã thị xác các vật cúng, kiểm tra kiệu rước Thần, Phật và múa võ rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa” [1]. Ông Bổn mặc quần áo đỏ, chít khăn đỏ, tay cầm dao nhỏ, bén sắc, kiểm tra vật cúng, kiệu rước và bắt đầu rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa. Bùa là tờ giấy màu vàng hình chữ nhật, được các Ông vẽ lên các chữ như: Thần, Phúc, Đại, An,… ban phát cho người nhận với ngụ ý ban phúc, lộc, bình an,… Trong tiếng trống, tiếng thanh la, chập chã,… của dàn nhạc “Tùa lầu cấu”[11], các nghi thức rạch lưỡi thấm máu vẽ “bùa”, tắm dầu của các Ông Bổn tạo cho không gian lễ Vu Lan Thắng Hội vừa linh thiêng vừa huyền bí, vừa náo nhiệt vừa rùng rợn, nhưng thu hút hàng ngàn lượt người tham dự. Chú ý nhất số người thỉnh “bùa” ngày càng nhiều, máu từ rạch lưỡi của “xác” Ông Bổn có khi không đủ để vẽ “bùa” cho dân chúng. Chúng tôi tìm hiểu từ ông Hạnh “bùa” vẽ bằng máu được thỉnh với mục đích gì, ông cho biết “bùa” chủ yếu cầu bình an, mua may bán đắt.

Lễ hội vốn được tổ chức để thể hiện những khát vọng tâm linh, sự thăng hóa về tâm linh của dân gian. Người tham gia lễ hội được sống trong không gian được thiêng hóa. Lễ Vu lan của Phật giáo vốn mang ý nghĩa là ngày xá tội vong ân, thể hiện “thiện tâm” của người trần đối với những linh hồn đã khuất. Điều đầu tiên thấy được từ lễ Vu Lan Thắng Hội tổ chức tại Vạn Niên Phong Cung chính là những nghi lễ tụng niệm cầu siêu, cầu an được thực hiện xuyên suốt với sự tham gia lần lượt của chư tăng, ni cô, nhà sư Khmer, đã mang lại ý nghĩa tâm linh to lớn, xoa dịu những nỗi đau, sự bất an không chỉ dành riêng cho cộng đồng người Hoa mà tất cả chúng sinh. Những nỗi đau mất người thân, những lo lắng về linh hồn đã khuất của con người là những cảm xúc có thật, chỉ có thể được xoa dịu bởi hoạt động mang tính tâm linh.

Song hành những nghi lễ, những hành động vẽ “bùa”, tắm dầu,… của các “xác Ông” cũng ẩn chứa những giá trị tâm linh đối với cộng đồng. Vốn văn hóa tâm linh là những sáng tạo tinh thần để con người có chỗ tựa mà thoát khỏi sự sợ hãi, chỗ tựa để con người tự tin nỗ lực sống. Hiện tượng “nhập xác” của các Ông Bổn tại lễ Vu Lan Thắng Hội, một dạng thức hóa thân, đã đưa con người, cộng đồng hoặc quay trở về với không gian hồi cố lịch sử, hoặc thoát khỏi những hệ lụy đau khổ của cuộc sống trần tục, để tâm hồn, tinh thần được thăng hoa. Những lá “bùa” giống như một dạng “bảo hiểm tinh thần” giúp con người tự tin trong cuộc sống hơn. Nói như Salemink, “sự kết thúc nghi lễ thường đem lại cho những người tham dự sự tự tin hơn vào tương lai của họ” [5].

d/. Du lịch sinh thái-tâm linh – hướng bảo tồn và phát huy tín ngưỡng Ông Bổn tại Cầu Kè – Trà Vinh

Trong thời gian 04 ngày diễn ra lễ Vu Lan Thắng Hội, Cầu Kè đón hơn 10 nghìn khách thập phương, trong số ấy đa phần là người Hoa từ các nơi trong tỉnh Trà Vinh và các địa phương trong cả nước đổ về. Những năm gần đây, số khách tham dự lễ hội ngày càng đông hơn, trong đó sự có mặt của các cộng đồng dân tộc anh em Kinh, Khmer ngày càng nhiều. Đó là một cơ hội tốt để đầu tư phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh Cầu Kè đến du khách trong và ngoài tỉnh.

Vùng đất Cầu Kè - Trà Vinh vốn có thế mạnh về kinh tế vườn, nổi tiếng với hai cù lao Tân Quy và An Lộc đầy ắp cây tươi trái ngọt. Đặc biệt, Cầu Kè còn nổi tiếng với đặc sản Dừa sáp – một loại dừa đặc ruột, cơm dày, mềm và dẻo, chỉ riêng thích hợp với điều kiện thổ dưỡng, khí hậu nơi đây. Vào mùa Vu Lan Thắng Hội, bà con nhà vườn cũng bước vào mùa cao điểm thu hoạch trái cây, do vậy cũng là dịp giới thiệu những sản phẩm cây trái nhà vườn như: măng cụt, sầu riêng, bưởi năm roi,…

Cầu Kè cũng được biết đến là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nơi sản sinh người con anh hùng, kiên cường – Nữ anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Út, người đã đi vào lịch sử văn học Việt Nam qua hình ảnh chị Út Tịch trong tác phẩm “Người mẹ cầm súng” của Nguyễn Thi. Mộ người nữ anh hùng Nguyễn Thị Út hiện nằm tại xã Tam Ngãi thuộc huyện Cầu Kè, cũng là một địa điểm thu hút đông khách thập phương đến viếng. Bên cạnh đó, những ngôi chùa Khmer ở Cầu Kè có bề dày lịch sử hàng trăm năm với kiến trúc độc đáo nằm ẩn mình dưới những hàng cây cổ thụ là một cơ hội để du khách trải nghiệm cảm giác yên bình, thoạt tục trong không khí trong lành, u tịch.

Từ những cơ sở dữ liệu trên, chúng tôi cho rằng, cùng với tín ngưỡng Ông Bổn và lễ Vu Lan Thắng Hội rất đặc thù của người Hoa Trà Vinh, vùng đất Cầu Kè còn tích hợp nhiều tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai. Thực tế, thời gian qua, du lịch tại Cầu Kè đã được đầu tư quảng bá, hướng đến phát triển du lịch sinh thái và bước đầu thu hút được khá đông du khách. Nên chăng, trong thời gian tới, Cầu Kè nghiên cứu xây dựng mô hình du lịch sinh thái – tâm linh, tiếp tục phát huy thế mạnh về sinh thái nhà vườn vốn có gắn kết với du lịch tâm linh tại các miếu thờ Ông Bổn, chùa Phật giáo Nam tông Khmer, viếng mộ nữ anh hùng Nguyễn Thị Út. Du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị khi len lỏi trong các nhà vườn bằng xuồng ba lá, thưởng thức những đặc sản cây trái của bà con miệt vườn, hay bún nước lèo thơm lừng mắm pro’hoc của người Khmer Trà Vinh; đồng thời có cơ hội để chiêm nghiệm, suy ngẫm trong không gian u tịch của chùa Khmer; ngưỡng vọng tâm linh với hóa thân của các “xác Ông” trong tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa.

Phát biểu tại Hội nghị du lịch quốc tế về tâm linh vì sự phát triển bền vững, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn nhấn mạnh: “Trên thế giới này, dù chúng ta khác nhau về màu da, tôn giáo, song niềm tin mà chúng ta gửi gắm, tôn thờ đều gặp nhau ở tinh thần nhân ái, khoan dung và triết nhân bản. Chính đặc tính không biên giới và chung hướng đích đã làm nên sự giao thoa, ngưỡng vọng về tâm linh, nảy nở sự thông cảm, chia sẻ và nhu cầu tìm hiểu lẫn nhau. Đó vừa là nhu cầu, là cơ hội, là mảnh đất vô cùng sinh động để du lịch phát triển. Loại hình du lịch tâm linh vốn luôn sẵn có tiềm năng”. Có thể thấy, mô hình du lịch sinh thái – tâm linh tại Cầu Kè trước hết đáp ứng nhu cầu giải trí, vui chơi cho du khách, nhưng quan trọng hơn chính là sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh, giải thoát những nỗi lo lắng, sự bất an của con người trong cuộc sống, mang lại niềm tin để họ tiếp tục nỗ lực và phát triển. Đây là một hình thức đầu tư phát triển bền vững cho cộng đồng. Trong khi du lịch tâm linh góp phần bảo tồn, tôn vinh những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn của con người, những di sản vật thể và phi vật thể gắn với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng; du lịch sinh thái góp phần bảo tồn và phát huy những tài nguyên thiên nhiên, quảng bá những phong cảnh, sản vật địa phương. Việc sử dụng và phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa và tự nhiên trong hoạt động du lịch sẽ mang đến cơ hội việc làm, tạo thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương; góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo – tín ngưỡng, mở ra nhiều cơ hội hợp tác nhằm tôn vinh, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, các di sản vật thể và phi vật thể của vùng đất Cầu Kè và tỉnh Trà Vinh nói riêng, định hướng đến di sản văn hóa của quốc gia và toàn nhân loại.

* Kết luận

Ngô Đức Thịnh đã viết rằng: “Bất cứ một thứ tôn giáo, tín ngưỡng nào xét về bản chất của nó không bao giờ hướng tới cái xấu, cái độc ác mà luôn khuyến khích làm điều thiện, vươn tới cái đẹp, cái cao cả vì lợi ích bản thân và cộng đồng”. Tín ngưỡng Ông Bổn tại Vạn Niên Phong Cung là một sáng tạo văn hóa tâm linh của cộng đồng người Hoa Cầu Kè nói riêng, người Hoa Trà Vinh nói chung trong quá trình khai phá và thích ứng với cuộc sống ở vùng đất mới. Tín ngưỡng ấy, cùng với lễ Vu Lan Thắng Hội thật sự có ý nghĩa tâm linh đặc biệt đối với cộng đồng. Dù rằng vẫn còn một vài hiện tượng tâm linh bí ẩn, phức tạp chưa được lí giải ngọn nguồn nhưng giá trị văn hóa, giá trị nhân văn của tín ngưỡng Ông Bổn ở Vạn Niên Phong Cung là điều cần ghi nhận. Thiết nghĩ, cần tổ chức nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu để đánh giá đúng đắn những sáng tạo văn hóa của dân gian, hướng tới mục tiêu bảo tồn và khai thác những giá trị văn hóa ấy trong các hoạt động văn hóa – du lịch tâm linh tại địa phương.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 1.      Bảo tàng tổng hợp Trà Vinh (2002), Lễ Vu Lan Thắng Hội ở Vạn Niên Phong Cung, thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, Báo cáo khoa học.

2.      Đinh Kiều Nga, Bản sắc văn hóa Việt Nam qua di sản văn hóa tôn giáo, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/240/0/3611/Ban_sac_Van_hoa_Viet_Nam_qua_Di_san_van_hoa_ton_giao_Phan_II_

3.      Hà Thúc Minh (2010), Đời sống tâm linh của người Việt thiểu số miền Tây Nam Bộ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Văn hoá phi vật thể người Việt miền Tây Nam Bộ.

4.      Nguyễn Hữu Hiếu (2004), Tìm hiểu văn hóa tâm linh Nam Bộ, NXB Trẻ.

5.      Oscar Salemink (2005), Tìm kiếm sự an toàn tinh thần trong xã hội Việt Nam đương đại, Hội thảo “Nhân học về an ninh con người”, Đại học Tự Do Amsterdam.

6.      Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trà Vinh, Đôi điều ghi nhận về cộng đồng người Hoa ở Trà Vinh, http://www.travinh.gov.vn/wps/portal/vhttdl/!ut/p/c0/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gDIws_QzcPIwMDf0c3A0_3YEujAENjA6MQM_2CbEdFAFytKPM!/?WCM_GLOBAL_CONTEXT=/wps/wcm/connect/So%20VHTTDL/so+van+ho+the+thao+va+du+lich/tin+tuc+su+kien/menu_tin_doi_song_van_hoa/doi+dieu+ghi+nhan+ve+cong+dong+nguoi+hoa+o+tra+vinh. Truy cập tháng 7/2014

7.      Sơn Nam và Tô Nguyệt Đình (2006), Chuyện xưa tích cũ, NXB Trẻ.

8.      Sơn Phước Hoan (2000), Vai trò của chùa đối với đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, Chuyên đề nghiên cứu khoa học.

9.      Trần Hồng Liên (2014), Đa văn hóa trong các cơ sở tín ngưỡng của người Hoa ở Trà Vinh, Tham luận tại Tọa đàm Khoa học “Miếu người Hoa ở Trà Vinh”, tháng 7/2014.

10. Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội.

11. Tư liệu khảo sát của tác giả tại Vạn Niên Phong Cung và các miếu thờ Ông Bổn tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.

12. Vương Hồng Sển (2013), Sài Gòn năm xưa, NXB Tổng hợp TP. HCM.

  [1] Số liệu điều tra dân số tỉnh Trà Vinh của Tổng Cục Thống kê, năm 2009

[2] Số liệu điều tra do Bộ môn Văn hóa học – Xã hội học, Trường Đại học Trà Vinh thực hiện, tháng 7/2014.

[3] Hai miếu thờ còn lại là Thiên Đức Cung và Vạn Đức Phong Cung thờ Quan Thánh Đế.

[4] Cách gọi bình dân người trông coi miếu của người Hoa là bà Từ, nhưng do bà là con thứ ba trong gia đình nên gọi theo dân gian Nam Bộ là bà Ba Từ

[5] “A Côn” là cách gọi Ông Bổn phổ biến của người Hoa ở vùng Nam Bộ, không riêng ở Cầu Kè

[6] Theo http://travinh.gov.vn/wps/portal/cauke/!ut/p/c1/04_SB8K8xLLM9MSSzPy8xBz9CP0os3gDIws_QzcPIwMDRws3A0-nAH9DY3NLQ3cPQ6B8JJK8u5unq4FRmIt_iI9roLGjlzEB3eEg-g

[7] Ông Hạnh cung cấp thông tin vào năm 2011, miếu đã ủng hộ 1.100 kg gạo cho Hội Chữ thập đỏ Cầu Kè (Bếp cơm từ thiện Bệnh viện Cầu Kè)

[8] Luận án Tiến sĩ “Khảo sát truyện kể dân gian Khơ Me Nam Bộ (qua thần thoại, truyền thuyết, cổ tích)” của TS. Phạm Tiết Khánh đã giới thiệu một số truyện cổ dân gian Khmer sưu tầm tại Trà Vinh thể hiện tình anh em giữa các tộc người sinh sống tại vùng đất Trà Vinh như truyện Sự tích Kinh, Hoa và Khmer là anh em, xem đây là một hiện tượng văn hóa độc đáo riêng có tại Trà Vinh.

[9] “Xác” ở đây hiểu là một người dân thường được Ông Bổn chọn để nhập “xác” – một kiểu nhập vai giống hình thức “lên đồng” của người Kinh.

[10] Theo lời ông Hạnh, Ông Bổn chỉ nhập xác vào giờ Dương, đến trước 12h00 kết thúc.

[11] Dàn nhạc của người Hoa Triều Châu