In bài này
Nghiên cứu khoa học
Lượt xem: 2256

Khi nói đến văn hóa đặc trưng của vùng Tây Nam bộ, Ẩm thực là một thành tố không thể thiếu , đó là sự phong phú trong các món ăn của các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa ở vùng đất trù phú này, mỗi dân tộc có một nét ẩm thực riêng biệt tạo nên những sắc thái riêng, những hương vị riêng để dễ phân biệt đâu là ẩm thực của tộc người nào. Nhưng trong quá trình khai phá vùng đất mới và cùng chung sống trên một vùng đất cùng chịu sự ảnh hưởng của địa hình khí hậu và môi trường ban tặng thì ẩm thực của các dân tộc không tránh khỏi sự giao lưu và tiếp biến ẩm thực lẫn nhau. Một điều đáng khen là: tuy tiếp nhận nhưng mỗi dân tộc đã sáng tạo ra một hương vị mới mang một nét văn hóa vô cùng độc đáo của từng dân tộc mình. Nếu nói đến ẩm thực và sự giao lưu tiếp biến giữa các dân tộc với nhau thì có rất nhiều vấn đề để chúng ta đề cập tới.

  1. Những nét đặc trưng trong ẩm thực của vùng Tây Nam bộ

2.1.  Ẩm thực truyền thống của người Kinh

            Trong quá trình tiếp xúc với thiên nhiên miền Nam, với điều kiện môi sinh, thổ nhưỡng khác lạ, người dân khẩn hoang vốn có gốc gác từ miền Bắc và miền Trung đã dần dà thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện sinh hoạt mới, tạo nên một sắc thái văn hóa trong việc ăn uống mang tính chất đặc thù, tiêu biểu. Môt hệ thống chi chít của biển, sông, ao, hồ, kênh, rạch… trên địa bàn cư trú của cư dân Tây Nam bộ đã cấp cho họ nguồn động, thực vật, thủy hải sản dồi dào, đa dạng, trong đó cá là thực phẩm cơ bản và chủ yếu nhất. [1]

            Người Việt ở Tây Nam bộ ăn mắm dưới nhiều dạng chế biến. Ăn “mắm sống” có nghĩa là tự tay lột bỏ da cá mắm, xẻ thịt cá ăn từng miếng nhỏ với cơm nguội, ớt và gừng… Có thể ăn “mắm chưng”, “mắm chiên”. Nước mắm cũng được xem là một món ăn quan trọng không thể thiếu trong bữa ăn của người Việt.

Trong bữa cơm thường ngày, người Việt Tây Nam bộ quen ăn với món có vị mặn kèm theo canh. Khẩu vị mặn được ưa thích vì ăn được nhiều cơm, có thể là món mắm, cá khô, cá kho, thịt kho,.. Tiêu biểu nhất ở vùng nông thôn là “cá kho tộ” được kho bởi một trong những loại cá đồng như: Cá rô, cá kèo, cá bống, cá trê, cá lóc… hoặc có khi là mớ cá lặt vặt đủ loại được người Việt gọi nôm na là “cá hủng hỉnh”[1] kho với lá gừng. Cá được ướp với nước mắm. nước màu dừa, hành lá, mở, đường và nhiều tiêu trong cái sành lớn, kho trực tiếp trên bếp. Thịt heo cũng được kho theo cách thức trên vì ông bà xưa quan niệm kho thịt cá trong đồ dung bằng đất, bằng sành làm cho thức ăn ngon lành, có hương vị đặc biệt hơn dung nồi nhôm. Từ trước đến nay, chúng ta vẫn quen với các nồi kim loại do không có nhiều lựa chọn và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nhiều nước trên thế giới đã thừa nhận nhiều món ăn chỉ có thể giữ được hương vị ngon nhất nếu sử dụng bằng nồi đất. [2]

Người Việt ở nông thôn còn biết tận dụng, đưa vào bữa ăn của mình nhiều loại hoa quả có sẵn tại địa phương. Điều lý thú là một số trái cây không chỉ dùng để ăn tráng miệng mà còn được đưa vào làm món ăn. Các loại cây, hoa quả này được lựa chọn rất thích hợp với các món ăn tạo mùi vị độc đáo (hơi chua, hơi chat, hơi ngọt, hơi đắng) cho món ăn dân dã vùng Tây Nam bộ. Ví dụ, món gỏi khô mực hoặc trứng sam với bưởi, thịt kho với trái điều chín, còn mít hầm mềm chấm nước mắm chanh ớt… Các loại hoa cũng được xem là món ăn ngon như hoa chuối để làm gỏi gà, vịt; hoa sua đũa nấu canh chua, hoa sung ăn với mắm kho, hoa điên điển nấu cháo, hoa vạn thọ nấu thịt gà… Do khí hậu nóng bức nên trong ẩm thực của người Việt có tập quán chan canh vào cơm. Đặc biệt, theo tác giả Trần Bá Thoại: Tập tàng là một rau hoang dại “nhà quê”, xoàng xĩnh nhưng ăn cũng có hương vị đặc biệt khó quên, đặc biệt là rất giá trị khi phân tích về dinh dưỡng. [3]

Món canh tiêu biểu và được ưa chuộng nhất của cư dân Tây Nam bộ là món canh chua. Người Việt vùng này rất thích ăn món canh chua, vì khí hậu vùng khẩn hoang khá khắc nghiệt, bệnh sốt rét và cảm cúm thường hoành hành, nên người dân nơi đây cần phải ăn nhiều món chua để có sức chống lại bệnh tật [4]. Vị cơ bản không thể thiếu được trong canh chua của người Việt ở đây là vị chua của trái me. Cũng có khi món canh chua được nấu với trái bần chín hoặc với lá khế, lá giang, lá gấm… Ngoài ra còn nấu với trứng kiến và cơm mẻ, cũng tạo vị chua khá ngon và kèm với rất nhiều loại rau như: rau nhút, giá, đậu rồng, đậu bắp, bạc hà, bắp chuối, thơm, cà, bong sua đũa, lá me non… cuối cùng phải có gia vị gồm một số loại rau thơm như: rau om, quế, ngò gai,… Nhìn chung về ẩm thực của cư dân người Việt ở Tây Nam bộ nói riêng và Nam Bộ nói chung thường có gia vị hơi ngọt vì người dân nơi đây thích cân bằng giữa các vị “ngọt – chua”, hoặc “ngọt – mặn”. [5]

2.2. Ẩm thực truyền thống của người Khmer

            Người Khmer Tây Nam bộ sử dụng nguồn lương thực chủ yếu là gạo và nếp. Dụng cụ để đựng và nấu ăn của người Khmer trước kia đều bằng gốm như bếp “cà ràng”; các loại nồi to nhỏ đủ cỡ, các loại “cà om” dùng đựng nước, đựng ngũ cốc, đựng mắm,… khuôn đổ bánh khọt do thợ Khmer sản xuất. Về ẩm thực người Khmer còn giữ khá rõ nét yếu tố văn hóa tộc người.

Nếu người Việt có nước mắm và các loại mắm là món ăn hợp khẩu vị trong bữa ăn thì ở người Khmer các món mắm “Pro – hốc” cũng là một trong những món ăn hết sức đặc trưng của người Khmer, là kết quả tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên, lấy những nguyên liệu từ tự nhiên để chế biến thành một món ăn theo cách riêng. Đối với bà con Khmer ở đây, mắm không chỉ là một món ăn không thể thiếu trong cơ cấu bữa ăn hàng ngày mà nó còn là một thứ gia vị đặc biệt, đôi khi mang tính bắt buộc trong việc chế biến một số món ăn.

Mắm pro-hốc là món ăn điển hình. Mắm pro-hốc có thể được làm từ nhiều loại cá nhỏ, như: cá sặt, cá chốt, cá lòng tong...[6] Đây là món mắm được người Khmer dùng nêm cho gần hầu hết các món ăn được chế biến trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Ngoài ra còn có loại mắm chua gọi là pò-ót, được làm từ tép mòng - một loại tép rất phổ biến ở vùng Tây Nam bộ. Khi ăn, pò-ót thường được trộn với đu đủ, riềng hoặc gừng non. Pò-ót làm khoảng 10 ngày là ăn được. Mắm pro-hốc có hai loại: mắm cá nhỏ gọi là pro hoc trey changvar, gồm tất cả các loại cá trắng, đen, như các loài: sặt, trèn, chốt, lòng tong, cá chạch đất,...mắm cá lớn gọi là “pro hốc trey thom” gồm các loại cá lóc, cá bông, đặc biệt là cá trê vàng.

Trong không khí nhộn nhịp, ngày họp mặt gia đình thì canh Xiêm lo cũng là một món ăn không thể thiếu trong bữa cơm ngày đoàn tụ. Đây cũng là món ăn tiêu biểu trong văn hóa ẩm thực của người Khmer. Với món canh này, thịt và cá tươi với rau ngổ, chuối rém, hoặc trái đu đủ non và được nêm bằng mắm pro-hốc. Canh xiêm lo còn được nấu với nhiều loại rau như: lá bồ ngót, lá bình bát dây, bông điên điển, đọt bí, đọt bầu, cùng với măng, mướp, khoai môn, khoai lang, bầu, bí đao, rồi rau đắng... Canh xiêm lo cũng có nhiều loại khác nhau như xiêm lo mít, xiêm lo bình bát... Mỗi loại canh đều thể hiện sự phong phú, tài khéo léo của bà con Khmer. Bà con Khmer còn có một số món canh độc đáo khác như: canh chua nấu với trái chuối xiêm xanh. Khi nấu phải tước bỏ vỏ chuối xiêm xanh, xắt hơi dày, nấu với cá và thịt gà, thêm cơm mẻ và các loại rau om, tần dày lá, ngò gai, sả và mắm pro-hốc. Canh chua nấu bằng bắp chuối thái mỏng với cá khô và lá me non...

Đặc biệt, món bún nước lèo của người Khmer được cả người Việt và người Hoa ưa thích đã trở thành một đặc sản chung của cư dân bằng sông Nam bộ, được nhiều du khách phương xa thưởng thức và nhớ mãi. Để nấu món này, người miền tây thường dùng tôm, cá nấu nhừ lấy nước cốt, đem cá ra rút hết xương, nước cốt của cá được nêm muối ớt, sả... và hai món nêm không thể thiếu là ngải bún giã nhỏ và mắm pro-hốc. Nước cốt sau khi nêm và nấu kỹ đã trở thành một thứ nước lèo rất tuyệt hảo.

2.3 Ẩm thực truyền thống của người Hoa

Một trong những khía cạnh lý thú, phong phú nhất của “Văn hóa bảo đảm đời sống” trong cộng đồng người Hoa ở Tây Nam bộ là ăn uống. Bao hàm những đặc điểm riêng của tộc người này và góp phần duy trì truyền thống của người Hoa.

Thông thường người Hoa sử dụng bằng muỗng, đũa không cần sử dụng dao, nỉa để vừa cắt thức ăn vừa dùng như cách ăn của phương Tây. Đặc điểm của món ăn người Hoa thường là sự tổng hợp từ một món chính như: thịt, cá, tôm, cua…với món phụ là các loại rau, quả, đậu, nấm kèm theo món chính làm cho món ăn trở nên phong phú, không đơn điệu mà lại thêm ngon miệng như món: gà nấu với nấm rơm, hoặc món gà, vịt tiềm nấu với táo khô, hạt sen, nấm hương [7]. Có thể món chính và món phụ gộp lại nấu cùng một lúc hoặc có phải nấu món chính riêng, món phụ riêng, sau cùng mới để chung hai thứ lại thành một món. Vì vậy có món ăn chỉ được nấu một lần là dùng ngay. Một đặc điểm khác nữa là món “lục” của người Hoa. Hầu như bếp ăn nào của người Hoa cũng không thiếu nồi nước lèo này để dùng nấu với mì sợi, hủ tiếu, nấu canh, nấu súp… Nước dùng phần lớn bởi xương heo, thêm củ cải trắng và có khi cả cải bắc thảo để ngọt nước. Ở vùng đất trù phú này, vào một tiệm ăn của người Hoa nếu thực khách yêu cầu món chiên, xào, thường sẽ được dọn thêm bát nước dùng để giúp thực khách ăn đỡ khô khan, ngấy dầu mỡ. Món lẩu của người Hoa thực chất là loại canh thập cẩm nhưng nó giúp món ăn ấy luôn được nóng nhờ lớp than cháy rực trong khuôn giữa lẩu. Cũng giống như các dân tộc khác ở Tây Nam bộ, người Hoa thích ăn cơm với món ăn khô, mặn (vì có thể dễ bảo quản, dành được lâu, tiện cho những nhà trồng rẫy, xa chợ..) như: củ cải muối, măng khô, cá khô, nấm khô… Món “hàm dủy” của họ là món ăn bình dân phổ biến chỉ có cá khô mặn chưng với trứng thịt và thịt mỡ hoặc cá mặn chiên nêm dấm đỏ, đường và gia vị chính không thể thiếu là dầu hào. Thật là thiếu sót nếu như trong bếp ăn của người nội trợ dân tộc Hoa lại không có các loại dầu hào, dầu mè, xì dầu, hung lìu, dấm đỏ…

Mặc dù sử dụng gạo là lương thực chính, người Hoa còn bổ sung thêm nguồn lương thực chế biến từ bột mì như mì vằn thắn, mì sợi. Song ở các nhóm Hoa Tây Nam bộ, món mì cũng không giống nhau. Mì Quảng Đông nấu với thịt nạc, thịt bằm hẹ…nhưng mì phước kiến lại nấu với cá vò viên, tàu hủ, ăn kèm với món bánh tôm tròn nhỏ. Còn mì Triều Châu là loại mì mặn, sợi dài, trước khi ăn phải chần trong nước sôi để nhạt bớt. Ngay cả món cháo của người Hoa ở đây cũng nhiều dị biệt. Cháo Quảng nấu thật nhừ, ăn kèm với thịt, tôm, cua, cá và nhiều lát gừng thái sợi nhuyễn. Còn có món cháo Quảng nấu nhừ cùng với trái bạch quả thơm ngon. Món cháo ăn với cá khô, trứng vịt muối, dưa cải muối và cải tần ô cũng được các dân tộc ở vùng miệt vườn sông nước Tây Nam bộ ưa chuộng, dù chỉ xem là món ăn đạm bạc của nhà nghèo.

3.1 Nguyên nhân

Theo Mã Đoan Lâm, sau khi Chân Lạp đánh bại Phù Nam, trong sách Trung Quốc đã xuất hiện tên gọi Thủy Chân Lạp để chỉ phần lãnh thổ Phù Nam trên vùng đất Nam Bộ (Việt Nam); và cũng để phân biệt với vùng đất Lục Chân Lạp, tức là vùng đất gốc của Vương quốc Chân Lạp [8]. Khoảng thế kỉ thứ XVI, những cư dân người Việt từ vùng Thuận Hóa đã bắt đầu khai phá và di cư vào vùng đất này. Họ đem theo những phong tục tập quán của mình vào vùng đất mới. Trong quá trình cộng cư với dân tộc khác trên vùng đất mới, những phong tục tập quán của người Việt đã có sự tiếp xúc và ảnh hưởng lẫn nhau với phong tục tập quán của người Khmer và người Hoa. Sự tiếp biến có chọn lọc những giá trị văn hóa của nhiều nền văn hóa khác nhau đã tạo ra một sự phát triển đa dạng và đặc sắc của các cư dân trên vùng đất này. Trong quá trình đó, mặc dù mỗi dân tộc đã cố gắng giữ gìn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của riêng mình, nhưng do quá trình cộng cư lâu dài nên văn hóa của các dân tộc có sự hòa hợp và giao thoa lẫn nhau. Sự giao lưu trong văn hóa ẩm thực là một điển hình. Sự giao lưu trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc ở Tây Nam bộ được thể hiện ở hai phương diện: thứ nhất, dân tộc này ăn các món ăn của dân tộc kia; thứ hai, dân tộc này sử dụng các món ăn của dân tộc kia nhưng có chế biến lại cho phù hợp với khẩu vị của mình.

3.2 Các món ăn truyền thống được cải biến

      Sự tiếp biến trong văn hóa ẩm thực của các dân tộc ở đây đã làm cho các món ăn nơi vùng đất này không ngừng phong phú qua việc tiếp thu rồi chế biến lại,  tạo ra hương vị khác. Điều đó được thể hiện rõ qua những món ăn sau:

            Món canh chua của người Việt thường được nấu với các loại cá, dùng me và một số loại rau như: bạc hà, cà chua, rau muống… thì người Hoa lại nấu canh chua với gà và người Khmer thì có cơm mẻ, bắp chuối, trái chuối xiêm, các loại rau om, tần dày lá, ngò gai, sả, và đặc biệt hơn nữa là nấu với mắm prahoc.

Theo Nhật Bình, món cá kho tộ ngay từ cái tên đã nhắc đến một đồ vật quen thuộc là cái tộ. Tộ là một cái nồi làm từ đất rồi đem nung lên. Thiếu cái tộ thì món cá kho tộ đã mất đi một phần vị ngon đặc trưng của món ăn. Cá kho trong tộ là hình ảnh quen thuộc của một thời mà di dân đi mở cõi đến một vùng đất mà thiên nhiên vô cùng phong phú, trên chim dưới cá, sinh hoạt gia đình thiếu thốn vật chất nên phải tự làm lấy các loại dụng cụ để phục vụ cho cuộc sống. [9]

Ngày nay, khi cuộc sống đã sung túc hơn rất nhiều thì những chiếc tộ dùng để kho cá rất ít khi bắt gặp. Những vật dụng cổ xưa này nếu thỉnh thoảng có xuất hiện thì là ở trong những nhà hàng hoặc quán ăn gia đình mà người chủ hoặc thực khách có tâm hồn hoài cổ muốn lưu giữ, hay muốn bắt gặp lại một cái biểu trưng cho giá trị tinh thần đã bị thời gian dần xóa nhòa. Cũng có thể ở một miền quê nghèo xa xa nào đó ta chợt bắt gặp một chiếc tộ đất, nhưng theo thời gian thì hình ảnh một chiếc tộ đất dùng để kho cá đã ngày càng ít đi.

Bún nước lèo là một món ăn khá đặc trưng của người Khmer và được cả người Việt và người Hoa ưa thích. Bún nước lèo được chế biến từ tôm, cá nấu nhừ, rồi rỉa bỏ hết xương, nêm vào nước lèo sả, ớt, củ ngải bún được giã nhuyễn, sau đó nêm mắm bò-hóc vào cho đậm đà. Ăn kèm với món này là các loại rau húng nhủi, húng quế, hẹ, bắp chuối... Nhưng khi bún nước lèo này qua tay những thợ nấu người Việt thì các nguyên liệu của nó không được giữ nguyên như cũ, mà nó đã được thêm bớt cho phù hợp với cái “gu” của mình: người Việt lại cho thêm tép bóc vỏ, thịt heo quay và một số loại rau khác, mà những loại rau này đôi khi nó khác hẳn nguyên gốc.

Một món ăn đặc trưng của người Khmer đó là món canh xiêm lo. Tiêu biểu nhất là canh xiêm lo kokô được người Khmer nấu cá tươi với rau ngổ, chuối rém hoặc trái đu đủ non và được nêm với mắm prahoc. Canh xiêm lo này còn được nấu với nhiều loại rau như lá bồ ngót, lá bình bát dây, đọt bí, rau đắng… [10] Canh xiêm lo cũng có nhiều loại khác nhau và mỗi món canh đều thể hiện sự phong phú, độc đáo cùa người Khmer. Sang người Việt, họ vẫn giữ nguyên gốc nhưng họ lại thêm sườn heo vào để tăng thêm vị ngọt của nước súp, cho thêm các loại rau củ. Đối với người Hoa thì dùng khô cá sửu để nấu thay cho các loại cá tươi của người Khmer.

Đối với các món ăn của người Hoa, các dân tộc Việt, Khmer cũng có sự chế biến lại. Như món cháo trắng, hột vịt muối của người Hoa vẫn được người Việt ưa dùng. Nhưng khi ăn cháo trắng, người Việt không chỉ ăn với hột vịt muối mà còn có dưa mắm và cá cơm, cá lòng tong kho khô... Hay món heo quay của người Hoa thường được ăn kèm với bánh hỏi thì người Việt dùng heo quay đem kho lại, nêm thêm gia vị vào... Hoặc món vịt tiềm của người Hoa thường được nấu với chanh muối nhưng lại được người Việt đem tiềm với cam - ngon cũng không kém. 

Rất nhiều người Việt nghe nói đến 2 chữ “kho tàu” thì đều nghĩ, món ăn này được bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên người Hoa lại rất ít người ăn món này. Theo nhà văn Bình Nguyên Lộc, chữ "tàu", ở đây, theo nghĩa của người "miền dưới" là "lạt", như sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ là hai con sông nước lợ. Như vậy thịt kho tàu không phải là thịt kho của người Trung Hoa, mà chỉ đơn giản là món thịt kho lạt [11]. Thực tế Trung Hoa cũng có món thịt ba chỉ kho với xì dầu không giống món thịt kho tàu của Việt Nam. Có người lại cho rằng món thịt kho tàu là của các cư dân gốc Ngũ Quảng đi tàu đánh cá dài ngày, họ kho những nồi thịt sẵn để ăn dần trên tàu. Món ăn có tên thịt kho được ăn trên tàu hay thịt kho tàu là từ đó. Thịt kho tàu thì thường được cắt thật to, tẩm ướp gia vị và được kho với nước dừa tươi, rồi nấu cho mềm rục. Món ăn này thường ăn với cơm trắng, có dưa cải chua hay dưa giá đỗ ăn kèm thì rất tuyệt. Nhưng khi đến với người Khmer thì món thịt kho tàu lại thêm đậm đà hương vị và thơm ngon vì món còn được nấu với nước dừa, làm cho món ăn lại càng béo và ngon hơn.

3.3 Giao lưu và tiếp biến văn hóa ẩm thực

Sự giao tiếp văn hóa tạo nên những yếu tố đồng nhất. Đây chính là yếu tố quan trọng cơ bản nhất trong quá trình giao tiếp văn hóa. Nhiều yếu tố trở thành đồng nhất trong ăn uống của ba dân tộc Kinh - Khmer -Hoa ở Tây Nam bộ như tập quán sử dụng vắt chéo được từ quà dừa khô (do ảnh hưởng từ cư dân Khmer bản địa). Điểm độc đáo là dùng thứ chất béo và thơm này trong các món ăn mặn lẫn ngọt. Nó thay sửa trong món cà ri, kẹo dừa, bánh phồng sữa… và thay dầu, mỡ để chiên, xào nhất trong các món chay. Cư dân còn dùng nước dừa xiêm tươi để nấu thức ăn và giải khát. Dừa là loại đạm thực vật quen thuộc không thể thiếu được trong hầu hết các món ăn của cư dân mơi đây. Người miền tây hay dùng dừa để kho thịt, cá, nấu các món khìa, món hầm, món xôi… Có khi còn dùng dừa trong cơm và cháo. Hầu như toàn bộ các món bánh và chè của cư dân xứ sông nước miệt vườn đều sử dụng nước cốt dừa. Không thể gọi là chè miền Nam nếu không có sự tham gia của chất béo quả dừa. Ngay cả món chè của miền Bắc và miền Trung vốn không hề hoặc rất hiếm hoi có dừa, nhưng khi thâm nhập vào miền Nam, đương nhiên đều được gia thêm vào vị thơm và béo của dừa và có như thế nó mới có được cư dân Tây Nam bộ nói riêng và vùng Nam Bộ nói chung chấp nhận.

Nước mắm và các loại mắm khô,.. cũng là yếu tố đồng nhất trong quá trình giao tiếp văn hóa trong ẩm thực. Khẩu vị người Hoa vốn chỉ quen dùng xì dầu, nước tương nhưng ngày nay, nước mắm đã được họ quen sử dụng mỗi ngày.

Về tín ngưỡng trong ăn uống của các dân tộc Tây Nam bộ (nhất là dân tộc Kinh, Khmer, Hoa) cũng mang tính đồng nhất như trong các món ăn được xem như thức tế lễ để dân cúng Trời, Phật, thần thánh và ông bà tổ tiên… Nó là biểu tượng là vật trung gian giữa con người và ngoại giới, là phương tiện đặc biệt để con người giao tiếp với thần linh, thượng giới,.. mà phần lớn là loại thức ăn chế biến từ gạo, nếp, các loại thực vật, kể cả thịt (thường là heo, gà) cũng được tham gia khẩu phần dâng cúng. Phổ biến và đồng nhất giữa ba dân tộc ở Tây Nam bộ là thức cúng bằng gao, nếp. Ví dụ như vào ngày Tết năm mới hay giỗ ông bà; người Việt cúng cơm (gạo), bánh tét, bánh ít (nếp); người Khmer cúng “ansom chruk” (bánh tét), “num teane” (bánh ít) và những nắm xôi (nếp) hay nắm cơm (gạo) hình tròn mà người Khmer gọi là “bai banh”; người Hoa cúng cơm (gạo), chè ỉ, bành tổ (nếp).[2]

Như vậy, quá trình cộng cư lâu dài giữa các dân tộc Việt, Hoa, Khmer trên vùng đất Nam bộ này đã khiến mọi mặt văn hóa hòa hợp và giao lưu lẫn nhau. Mỗi dân tộc, đều lưu giữ một nền văn hóa riêng của mình, đồng thời cũng đóng góp vào nền văn hóa chung của một vùng đất làm cho nền văn hóa Nam bộ nói chung, văn hóa ẩm thực ở Nam bộ nói riêng có sự phong phú, đa dạng và nhiều màu sắc. [12]

KẾT LUẬN

Nhìn chung, về phong cách ẩm thực của vùng sông nước ở Tây Nam bộ tuy đơn giản nhưng lại hết sức hấp dẫn và thu hút những người muốn tìm hiểu về nó. Các món ăn nơi đây thể hiện phong cách sống của người dân nơi đây từ khi tìm ra vùng đất mới, một cuộc sống gần gũi gắn liền với thiên nhiên, sông nước và cũng chính thiên nhiên, sông nước ấy đã nuôi sống họ. Nét nổi bật của các món ăn của vùng đất này là sự hào phóng và hoang dã, nó thể hiện qua bữa cơm hàng ngày. Qua  quá trình cộng cư lâu dài của ba dân tộc Kinh - Hoa - Khmer, sự hòa quyện của văn hóa tạo nên nét độc đáo trong văn hóa ẩm thực, điều này không chỉ thể hiện sự gắn bó keo sơn, nghĩa tình trong cuộc sống, mà còn góp phần bổ sung, làm phong phú, đa dạng thêm văn hóa ẩm thực của miền đất phương Nam. Nhìn chung, các món ăn của các dân tộc ở vùng miệt vườn sông nước này tuy không cầu kỳ, nhưng nó phản ánh khá rõ nét đặc điểm văn hóa trong ẩm thực của những cộng đồng tộc người này. Đó là quá trình thích ứng, tương tác và tận dụng đối với môi trường thiên nhiên mà các dân tộc ở Tây Nam bộ dễ chế biến ra nhiều món ăn phong phú. Mang bản sắc riêng của văn hóa vùng. Sự giao lưu tiếp biến văn hóa ẩm thực giữa các dân Kinh, Khmer, Hoa đã góp phần làm cho nền văn hóa ẩm thực Nam bộ nói chung và văn hóa ẩm thực ở nơi đây nói riêng có sự  đa dạng và phong phú. Những giá trị văn hóa của cư dân cùng Tây Nam bộ trong lịch sử phát triển tốt đẹp những giá trị văn hóa của quốc gia dân tộc. Đây là một sự kế thừa tích cực, làm cho nền văn hóa dân tộc có thêm những giá trị mới. Trong quá trình cộng cư trên vùng đất này đã nảy sinh một quá trình tiếp xúc văn hóa tự nguyện của ba dân tộc Kinh – Hoa Khmer. Đây là một sự gắn kết của ba dân tộc anh em, cùng khai phá, cùng sống và cùng phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.             Phan Thị Yến Tuyết. Nhà ở trang phục, ăn uống của các dân tộc vùng Tây Nam bộ. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội. 1993.

2.      Hồng Phương, Xuân Mai. Chọn nồi cho gian bếp. Báo Tuổi trẻ. 2018.

Truy cập từ: https://tuoitre.vn/chon-noi-cho-gian-bep-20180715100021438.htm

[Truy cập ngày 05/8/2020]

  1. Trần Bá Thoại. Mát lòng nhờ bát canh rau tập tàng. Báo Dân trí. 2016.

Truy cập từ: https://dantri.com.vn/suc-khoe/mat-long-nho-bat-canh-rau-tap-tang-20160531101337624.htm

[Truy cập ngày 05/8/2020]

4.      Mạc Đường. Văn hoá và cư dân Đồng bằng sông Cửu Long. Hà Nội: NXB Khoa học xã hội.1990.

5.      Sài Gòn giải phóng Online. Gia vị trong ẩm thực 3 miền. 2015.

Truy cập từ: https://www.sggp.org.vn/gia-vi-trong-am-thuc-3-mien-41015.html

[Truy cập ngày 05/8/2020]

6.             Báo Dân tộc và Phát triển. Mắm pro-hóc của người Khmer Nam Bộ. 2010.

Truy cập từ: https://luutru.gov.vn/tin-tong-hop/mam-pro-hoc-cua-nguoi-khmer-nam-bo--1428-vtlt.htm [Truy cập ngày: 04/8/2020].

7.      Trần Thị Kim Oanh. Văn hóa ẩm thực của người Hoa Quảng đông ở Thành phó HCM hiện nay. Luận án Tiến sĩ Văn hóa học. Hà Nội. 2009.

Truy cập từ: https://gass.edu.vn/CMS/Lists/LuanVan_LuanAn/Attachments/17400/LA%20TranThiKimOanh.pdf

[Truy cập ngày 05/8/2020].

  1. Nguyễn Thanh Hà. “Mười nhà sử học nổi tiếng Trung Quốc”. Nxb Văn hóa thông tin. 2009.
  2. Nhật Bình. Cá kho tộ, Ẩm thực. 2011.

Truy cập từ: http://amthuc.net.vn/xemtintuc/tabid/70/ArticleId/800/Ca-kho-to.aspx

[Truy cập ngày 05/8/2020]

  1. Danh Diệm. Vài nét về văn hóa ẩm thực của người Khmer Nam bộ. 2016.

Truy cập từ: http://bandantoc.hochiminhcity.gov.vn/van-hoa-cac-dan-toc/-/asset_publisher/xulFWNZZp2uV/content/vai-net-ve-van-hoa-am-thuc-cua-nguoi-khmer-nam-bo/pop_up?_101_INSTANCE_xulFWNZZp2uV_viewMode=print

[Truy cập ngày 06/8/2020].

11.  Hội Du lịch. Nguồn gốc món thịt kho tàu. 2013.

Truy cập từ: https://hoidulich.com/den-dau-an-do!/nguon-goc-mon-thit-kho-tau/

[Truy cập ngày: 05/8/2020]

  1. Báo Cần Thơ. Sự giao lưu trong văn hóa ẩm thực Nam bộ. 2007.

Truy cập từ: http://tourismcantho.vn/vi/su-giao-luu-trong-van-hoa-am-thuc-nam-bo/n2935.html [Truy cập ngày 04/8/2020].

 

[1] Nhiều loài cá nhỏ, vụn vặt như: cá lòng tong, lòng ròng, bảy chầu, lia thia, cá sặt con, cá rô con... 

[2] Tư liệu phỏng vấn bác Liểu, với hơn 40 năm kinh nghiệm làm bánh, ngày 03/8/2020 tại Lương Hòa, Châu Thành, Trà Vinh.