In bài này
Nghiên cứu khoa học
Lượt xem: 1906

Sân khấu Dù kê của đồng bào Khmer ở Nam bộ ra đời từ những năm đầu thế kỷ 19 là loại hình nghệ thuật tổng hợp, kế thừa nhiều loại hình nghệ thuật hàn lâm và dân gian ở khu vực [1]. Dù kê là một sản phẩm văn hóa rất đáng tự hào của vùng đất Nam bộ mà đồng bào dân tộc nơi đây mong muốn được giữ gìn, lưu trữ, phát triển và giới thiệu đến rộng rãi với tư cách là một đặc trưng của văn hóa Khmer Nam bộ, nhất là ở vùng đất Trà Vinh. Từ khi Dù kê hiện diện trong đời sống tinh thần của người dân Khmer, nó đã không ngừng được đổi mới cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, và từ đó cũng đã sản sinh ra những con người mang trong tâm niềm đam mê và giữ vững ngọn lữa của sân khấu mang đậm nét văn hóa của người Khmer Nam bộ. Trong đó, nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Thạch Thị Si Sa Vết là một ví dụ điển hình.

2. Thạch Thị Si Sa Vết – Người nghệ sĩ Ưu tú với niềm đam mê và giữ lữa nghệ thuật sân khấu của dân tộc.

Nghệ sĩ Thạch Thị Si Sa Vết được sinh ra trong một gia đình nhà nông ở Ấp Chông Nô 1, Xã Hòa Tân, Huyện Cầu Kè, Tỉnh Trà Vinh. Thuở nhỏ, chị đã được làm quen với lời ca, tiếng hát và các bài bản của nghệ thuật sân khấu Dù kê từ ông bà nội, lớn lên chị đi học phổ thông như bao bạn bè đồng trang lứa. Tuy nhiên, do gia cảnh khó khăn nên cha mẹ cho chị thôi học để phụ giúp việc cho gia đình từ năm lớp 8. Với tấm lòng ham học hỏi, chị giành những thời gian nghỉ để vào chùa học chữ Khmer. Vốn có giọng nói thanh thoát và diệu dàng dễ nghe nên chị thường được bà con trong phum sóc đề nghị hát cho họ nghe.

Với sự đam mê âm nhạc dân tộc đặc biệt là với loại hình sân khấu Dù kê, năm 1997, Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh đã tuyển dụng và đào tạo chị học tập và rèn luyện thêm các bài bản cũng như phong cách biểu diễn trong loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê để bổ sung vào lực lượng diễn viên của đoàn. Chỉ vài năm học tập và rèn luyện tại đoàn, từ một cô gái mềm yếu đã được thử sức với một số vai diễn cũng đã trở nên thành thạo và là một trong những diễn viên chủ chốt của đoàn. Chị nói: Ban đầu, khi nghe tin chị được đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tuyển vào làm diễn viên, cha mẹ chị không ủng hộ lắm vì lúc ấy gia đình khá khó khăn và không thật sự tin vào tài năng của con gái mình, nhưng với sự thuyết phục của chị cùng với bà con trong phum sóc và các cô chú là cán bộ, diễn viên trong đoàn khi ấy thì cha mẹ mới đồng ý. Vài năm sau đó, khi chị đã được đào tạo biểu diễn thành thạo rồi, cha mẹ cũng rất vui và nhiệt tình ủng hộ”. [3]

Hằng năm, vào các dịp lễ lớn của dân tộc, chị cùng với anh chị em trong đoàn đi tham gia biểu diễn khắp nơi, khắp cả nước và kể cả ở nước ngoài như Lào, Campuchia. Ngoài ra chị còn tham gia vào các cuộc thi biểu diễn chuyên nghiệp ở trong tỉnh và cả toàn quốc và đã gặt hái được nhiều giải thưởng lớn. Trong đó có một Bằng chứng nhận Huy chương Bạc của Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch vào năm 2009, với vai diễn “Nàng Sor Bô Pha” trong vỡ Dù kê “Truyền thuyết Thần Neak Ta”, một Bằng khen của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh trao tặng vào năm 2013, cùng với nhiều giải thưởng lớn khác.Tuy đã trỡ thành diễn viên chính, hát hay, múa giỏi của đoàn, nhưng nghệ sĩ Thạch Thị Si Sa Vết vẫn không bao giờ thấy tự mãn mà sao nhãng việc rèn luyện để nâng cao tài năng hơn nữa. Chị tâm sự: “Chị được tuyển vào đoàn để biểu diễn nghệ thuật múa hát và biểu diễn Dù kê không chỉ vì lòng đam mê mà chị còn muốn đóng góp sức lực nhỏ bé của mình nhằm giữ gìn và bảo tồn nền văn hóa - nghệ thuật của người Khmer không bị mai một đi”. [3]

Một niềm vui lớn nhất của chị là vào năm 2015, chị đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú trong lĩnh vực Ca kịch Dù kê.


3. Người
nghệ sĩ tiếp nối nghệ thuật sân khấu Dù kêNgoài thời gian thực hiện nhiệm vụ của một người nghệ sĩ tham gia biểu diễn trong đoàn và lưu diễn khắp nơi, chị còn được mời tham gia các buổi ghi hình ca nhạc tiếng Khmer do Đài Phát thanh Truyền hình Trà Vinh, Cần Thơ, Đài tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, đó là những tác phẩm được đông đảo bà con Khmer yêu thích và thường xuyên được gửi thư yêu cầu phát trên các kênh truyền hình.

Nghệ thuật sân khấu Dù kê là tổng hòa các loại hình nghệ thuật, như: ca, múa, nhạc, vũ thuật, phục trang, hóa trang, hội họa và ẩm thực.. mang đặc trưng riêng của người Khmer. [2]

Theo nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Si Sa Vết: “Biểu diễn loại hình nghệ thuật Dù kê khá khó, ngoài việc hát hay, hát đúng cảm súc của nhân vật còn phải biểu diễn bằng hình thể và c cách hóa trang, trang phục của nhân vật. Người biểu diễn khá vất vả, sự kết hợp giữa học thuộc lời và điệu thức bài hát đúng với tâm trạng của nhân vật, vì vậy chỉ người có năng khiếu và thật sự mạnh dạng dám thể hiện mới có thể biểu diễn tốt được”. [3]

Trãi qua hơn 20 năm tham gia biểu diễn tại Đoàn, mỗi lần lên sân khấu, chị rất châm chúc cho nhân vật mà chị được thủ vai từ lời thoại, lời hát, điệu thức của bài hát đến ngoại hình trang phục và cách hóa trang sao cho hài hòa để cho khán giả xem không bị nhàm chán và càng say mê khi xem Dù kê.

Ở tuổi đời 43, ngoài việc là một diễn viên giỏi và chủ chốt của Đoàn, chị còn là một người tận tâm chỉ bảo lớp nghệ sĩ trẻ kế thừa của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh trong các tác phong biểu diễn đến lối hát Dù kê.

Tâm sự về những dự định trong tương lai, chị nói: “Hiện nay loại hình nghệ thuật sân khấu Dù kê đang được nhiều bà con đồng bào Khmer yêu thích, nhất là ở Trà Vinh. Tuy nhiên, việc đào tạo để có được những thế hệ trẻ có niềm đam mê với loại hình nghệ thuật này thật sự không nhiều, vì vậy chị có nguyện vọng là sẽ tiếp tục cống hiến tài năng và sức lực của mình đến cuối đời. Nếu không đi diễn được nữa thì chị sẽ dành thời gian để sưu tầm và sáng tác thêm những bài hát về chủ đề văn hóa của dân tộc để các thế hệ trẻ biết quý trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc”. [3]

4. Kết luận

Sân khấu Dù kê của người Khmer Nam bộ có sức sống và vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer. Nó là một sản phẩm văn hóa đáng tự hào của dân tộc Khmer Nam bộ, thế nên Dù kê luôn là một tâm điểm mà họ mong muốn lưu giữ, phát triển và giới thiệu đến rộng rãi bạn bè quốc tế. Nghệ thuật sân khấu Dù kê được hình thành qua sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng các dân tộc, được Dù kê hóa một cách nhuần nhuyễn, đầy tính sáng tạo và hấp dẫn.

Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Si Sa Vết là một người nghệ sĩ tài ba, đầy nhiệt huyết với nghề, với nền văn hóa - nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Với tư cách là một người nghệ sĩ được nhiều bà con Khmer biết đến, giành tình cảm yêu quý và trân trọng, dấu ấn đọng lại ở người nghệ sĩ này vẫn là một tấm lòng với sự nghiệp nghệ thuật mà chị đang miệt mài theo đuổi và không ngừng cống hiến tài năng và sức lực của bản thân vào sự nghiệp xây dựng, phát huy và phát triển nền văn hóa – nghệ thuật truyền thống. Khi viết về chân dung người nghệ sĩ tài ba này, chúng tôi muốn đề cao những đóng góp quý báu của một người nghệ sĩ đầy tâm huyết đã góp công vun vén, gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị một loại hình di sản độc đáo của dân tộc Khmer nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Lệ Hoa, “Sân khấu dù kê của đồng bào Khmer ở Nam bộ”, Đài tiếng nói Việt Nam – Ban Đối ngoại, 2014.

Truy cập từ:[https://vovworld.vn/vi-VN/tap-chi-van-nghe/san-khau-du-ke-cua-dong-bao-khmer-o-nam-bo-214928.vov]. [Ngày truy cập: 25/8/2020]

  1. Cục Di sản văn hóa, “Nghệ thuật sân khấu Dù kê”,

Truy cập từ: [http://dsvh.gov.vn/nghe-thuat-san-khau-du-ke-1038]. [Ngày truy cập: 26/8/2020]

  1. Tư liệu điền dã: Phỏng vấn Nghệ sĩ Ưu tú Thạch Thị Si Sa Vết, ngày 25/8/2020.