In bài này
Nghiên cứu khoa học
Lượt xem: 2034

Đàn Chà pây có kiểu dáng như hình thang cân, hình tứ giác, hình lá bồ đề hay hình trái thơm và có cái cần đàn dài khoảng 1,4 đến 1,5 mét, có 2 dây và dùng để độc tấu hoặc hòa tấu cùng các nhạc cụ khác. Đàn Chapây chomrieng có từ rất lâu đời của người Khmer Nam Bộ.

Đến thời điểm hiện tại, có khá nhiều nhà nghiên cứu về loại nhạc cụ này. Tuy nhiên, kết quả thì vẫn chưa rõ ràng về nguồn gốc của lại đàn này. So về yếu tố cấu tạo về hình thức bề ngoài của đàn Chà pây thì ta thấy nó có nhiều điểm tương đồng với nhạc cụ Klâng trong nền văn hóa Klâng của nước Ấn Độ.

Nhiều giả thuyết cũng cho rằng nhạc cụ Chà pây có từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI trong nền Văn hóa Óc Eo (Ô keo) và Ongkhă Bôrey dựa trên các bức phù điêu được khắc chạm trên các tảng đá lớn.

Trong loại hình nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer Trà Vinh nói riêng, cây đàn Chà pây là một biểu tượng đặc trưng khi nói đến loại hình nghệ thuật này, Đàn Chà pây có nguồn gốc từ Ấn Độ, khi sang tới Việt Nam đã được cải tiến để phù hợp với loại hình nghệ thuật độc xướng của đồng bào Khmer Tây Nam bộ. Đàn Chà pây có 12 phím, kết cấu theo hệ thống thang âm ngũ cung, có âm thanh trầm ấm, sâu lắng phù hợp với cách thể hiện tự sự trữ tình.

Nghệ nhân độc xướng Chầm riêng Chà pây không chỉ chơi đàn Chà pây điêu luyện mà còn phải là người có khả năng ứng tác rất nhanh về lời hát trong từng bối cảnh và không gian khi trình diễn, chủ yếu dựa vào những cốt truyện từ dân gian tới hiện đại mà sáng tác ra những lời hát theo thể thơ lục bát, 4 chữ hoặc 7 chữ để dễ hát và người nghe dễ nhớ. Có một số bài bản cơ bản như: Phatchey, Phatchey Kert, Somphông, Somphông Kert, Nokoreach chơng prey, Nokoreach chơng prey rôs,... những bài hát ấy mô tả hiện thực cuộc sống, ước mơ, tâm trạng của tác giả, mang ý nghĩa giáo dục cao.

Chính vì thế trong mỗi buổi trình diễn, tùy theo sự ngẫu hứng cảm xúc của người nghệ sĩ mà những khúc nhạc, lời ca luyến láy, trầm, bổng theo chủ đề độc xướng tự sự của riêng mình, tạo nên những sắc thái riêng biệt nơi từng nghệ nhân.

Nhạc cụ Chà pây là một loại nhạc khí dây gãy, có hình dàng gần giống đàn Đáy của người Việt; tuy nhiên có cần dài và thúng đàn to hơn. Nhạc cụ Chà pây có vai trò 3 quan trọng trong các tổ chức dàn nhạc:

-       Trong tổ chức dàn nhạc A Rak, người Khmer sử dụng nhạc cụ Chà pây để hòa tấu cùng các nhạc cụ khác trong tổ chức dàn nhạc để phục vụ nghi thức cúng tế thần a Rak.

-       Trong tổ chức dàn nhạc cưới truyền thống qua hàng ngàn năm.

-       Trong việc biểu diễn độc tấu làm nền cho thơ ca trong dân gian mà những nghệ sĩ vừa đàn, vừa sáng tác và vừa hát với nội dung giáo dục con cháu.

Nhạc cụ Chà pây có cấu tạo gồm:

-       Thùng đàn có cấu tạo và hình dáng có hình dáng bán vuông, bán tròn và thường được làm bằng gỗ có chất lượng phát âm tốt và nhẹ như cây Lành canh (Ongkanh), cây Vong (Rô Luôh),… Thùng đàn có kích thước gồm: dài 40 cm, ngang 37 cm và thành đàn 6 cm. Trên mặt thùng đàn có gắn các bộ phận mắc dây.

-       Cần đàn làm bằng gỗ cứng, có chiều dài khoảng 1,4 đến 1,5 mét, ngọn cần đàn được uốn cong và chạm trổ hoa văn tinh xảo. Trên cần đàn có 12 phím đàn.

-       Dây đàn có 2 dây, thuở xưa làm bằng sợi tơ se lại, sợi to gọi là dây Khồ và sợi nhỏ gọi là dây Ek, tuy nhiên ngày nay người ta làm bằng dây nhựa nilon.

-       Bộ phận lên dây có 2, 3 hoặc 4 tùy theo số lượng dây được mắc trên thùng đàn.

-       Phím đàn gồm có 12 phím được đặt ngay trên cần đàn được cấu tạo từ chất liệu gỗ cứng hoặc xương trâu.

Cũng như các loại hình nghệ thuật âm nhạc khác của người Khmer Nam Bộ, trước khi biểu diễn Chầm riêng Chà pây, nghệ nhân cần phải thực hiện nghi thức cúng tổ để bày tỏ lòng nhớ ơn đến các bậc thầy, sư tổ, người đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật âm nhạc đặc sắc này và hơn nữa việc cúng tổ còn có ý nghĩa để cầu mong tổ nghề phù hộ cho mình được biểu diễn thành công. Lễ cúng thường được thực hiện ở nơi biểu diễn hay tại nhà. Các loại vật cúng như: Môrông, Slatho, thịt, muối, gạo, nhang, rượu, nải chuối, bánh, trái cây,.... Nghi thức cúng đầu tiên là người biểu diễn sẽ trình bày một bài Chầm riêng Chà pây mà bản thân diễn tốt nhất, tiếp đến vị Achar sẽ thắp nhang và khấn vái, sau cùng là người biểu diễn đến thắp nhang, khấn vái và cầu nguyện mong nhận được sự phù hộ của tổ nghề.

2.  Những thách thức trong công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer Trà Vinh

Nghệ thuật âm nhạc Chầm riêng Chà pây đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian theo Quyết định số 1524/QĐ-BVHTTDL ngày 24/4/2013. Đây là một loại hình nghệ thuật âm nhạc độc đáo của người Khmer Nam Bộ, trình diễn độc xướng, đàn và hát dân gian. Nghệ thuật âm nhạc Chầm riêng Chà pây mang giá trị giáo dục nhân văn sâu sắc.

Nghệ thuật âm nhạc Chầm riêng Chà pây là sản phẩm văn hoá của quần chúng nhân dân hình thành và phát triển trong quá trình lao động, sáng tạo. Nó đã góp phần rất lớn trong việc giáo dục đồng bào Khmer về lòng nhân ái, vị tha, tình yêu đôi lứa trong sáng, tình yêu quê hương nồng nàn,…

Song, Chầm riêng Chà pây mặt dù là một loại hình nghệ thuật âm nhạc gần gũi, bình dị đối với người Khmer, tuy nhiên không phải ai cũng có thể dễ dàng biểu diễn Chầm riêng Chà pây được. Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố nội sinh và ngoại sinh đã ít nhiều ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến loại hình nghệ thuật âm nhạc Chầm riêng Chà pây của người Khmer Nam Bộ. Theo dòng thời gian, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao vì những lý do như sau:

-       Trước hết, cây đàn Chà pây thường khá nặng, cần đàn khá dài nên khó vận chuyển. Mặt khác, theo nghệ sĩ Thạch Chơne “Biểu diễn Chầm riêng Chà pây phải thực hiện song hành 2 hình thức đàn lẫn hát nên rất khó học, đôi khi đàn được thì hát lại quên lời, lúc hát được thì lại quên ngón đàn”, vì vậy vừa có thể đàn được lại vừa hát tốt không phải là việc đơn giản, đòi hỏi người chơi đàn phải đạt một trình độ kĩ thuật tương đối “cao” và cần có vốn ngôn ngữ, khả năng ứng tác linh hoạt. Người biểu diễn phải thông thạo cả hai kĩ năng cùng một lúc, vừa đàn vừa hát. Đây chính là rào cản dẫn đến hạn chế khả năng truyền dạy cũng như khuyến khích các thế hệ đến với loại hình nghệ thuật này.

-       Theo Nghệ nhân Chau Hunh “Cây đàn Chà pây ở đâu cũng vậy, không riêng gì ở An Giang hay Trà Vinh, do đặc tính của Chầm riêng Chà pây xưa nay lưu truyền qua hình thức truyền miệng, không được ghi chép lại qua các tài liệu giấy viết cho nên hiện tại các bài bản chỉ nhớ lại và truyền lại qua hình thức nhớ như thế nào thì truyền dạy cho học trò như thế ấy, hơn nữa mỗi người biểu diễn lại có lối đánh đàn khác nhau, không ai trùng khớp ai, chỉ khi họ cùng một người dạy ra mới có lối đánh giống nhau”.

-       Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật độc xướng, chỉ với một người biểu diễn cùng với một cây đàn Chà pây vì vậy mà khi biểu diễn loại hình nghệ thuật này quá đơn điệu, không đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của giới trẻ hiện nay.

-       Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ ngày nay có nhiều loại hình vui chơi, giải trí để lựa chọn, đôi khi có tư tưởng coi thường hoặc không thích học hoặc thưởng thức nghệ thuật truyền thống, nhất là với loại hình nghệ thuật đòi hỏi khả năng nhận thức nghệ thuật cao như Chầm riêng Chà pây. Theo tác giải Huỳnh Thanh Quang, sự mai một của nhiều loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long là “do sự cuốn hút bởi các loại hình ca múa nhạc hiện đại, những loại hình nghệ thuật được cho là “tân kì” du nhập từ nước ngoài vào, được một bộ phận đồng bào dân tộc Khmer, nhất là giới trẻ, chấp nhận.” Thật vậy, thế hệ trẻ ít người đam mê theo loại hình nghệ thuật này vì nhiều lý do, trong đó có lý do về sự rèn luyện công phu trong ngón đàn và sự trau dồi kiến thức văn hóa, xã hội sâu rộng. Đó là những nguyên nhân trên dẫn đến nguy cơ mai một cao, thậm chí mất hẳn loại hình nghệ thuật này.

-       Hầu hết các nghệ nhân,nghệ sĩ biểu diễn loại hình nghệ thuật này được đào tạo dưới hình thức truyền nghề, truyền ngón, chưa đào tạo căn bản về kiến thức chung, kiến thức nghệ thuật, kỹ năng sáng tác, diễn xướng, diễn tấu... nên ảnh hưởng rất lớn đến kỹ năng biểu diễn.

-       Về không gian diễn xướng, thời lượng chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer hiện nay trên các kênh truyền hình, truyền thanh khá ngắn, điều đó gây khó khăn trong việc bố trí chuyên mục văn nghệ, nhất là chương trình biểu diễn loại hình nghệ thuật này rất “kén” người thưởng thức vì vậy rất khó chuyển tải hết nội dung.

3.  Giải pháp bảo tồn và phát huy

Được Đảng, Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu tư và được các địa phương tạo điều kiện thuận lợi trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có các loại hình nghệ thuật Chầm riêng Chà pây.

Đời sống của đồng bào Khmer hiện nay từng bước được cải thiện, trình độ dân trí của đồng bào Khmer có bước phát triển đáng kể cùng với sự nỗ lực, vươn lên và tình yêu nghề, lao động nghệ thuật miệt mài của các nghệ nhân, văn nghệ sĩ dân tộc Khmer đã góp phần rất lớn trong việc bảo tồn và từng bước phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer. Tuy nhiên, hiện nay loại hình nghệ thuật này còn gặp rất nhiều khó khăn để có thể phát triển như các loại hình nghệ thuật khác. Vì vậy, tôi xin đưa ra một số giải pháp nhằm cũng cố cũng như phát triển, phát huy loại hình nghệ thuật này.

Ø Nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn giá trị nghệ thuật biểu diễn.

-       Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải chỉ đạo các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung và người Khmer Trà Vinh nói riêng với hình thức cơ bản như:

+    Ghi chép và biên soạn lời các bài bản tổ;

+    Ký âm nguyên bản các bài ca, bài nhạc tổ;

+    Thu hình, hoặc thu âm lại nguyên bản các làn điệu;

+    Khuyến khích sáng tác lời mới phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

-       Phát động phong trào, khuyến khích các nghệ nhân, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình sân khấu... sưu tầm, biên soạn để giới thiệu, phổ biến các loại hình nghệ thuật của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Ø Đào tạo đội ngũ nghiên cứu, sáng tác, dàn dựng, diễn xướng.

-       Hằng năm tổ chức đào tạo đội ngũ nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hóa, nghệ thuật Khmer, đây là nguồn nhân lực góp phần rất lớn trong việc nghiên cứu, sưu tầm, quản lý, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có loại hình nghệ thuật Chầm riêng Chà pây.

-       Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ngành Phát thanh và Truyền hình tổ chức các hội thi, hội diễn định kỳ nhằm phát hiện và cũng cố nguồn nghệ nhân biểu diễn tạo ra đội ngũ phục vụ việc phát triển nghệ thuật Khmer tại địa phương.

-       Đào tạo đội ngũ nhạc công, nhạc sĩ Khmer. Đây chính là nguồn nhân lực trực tiếp thể hiện, biểu diễn tiết mục, chương trình nghệ thuật Khmer nói chung và nghệ thuật Chầm riêng Chà pây nói riêng.

-       Đưa loại hình nghệ thuật Chầm riêng Chà pây vào nội dung chương trình giảng dạy trong các chuyên ngành Ngôn ngữ, Văn hóa, Nghệ thuật Khmer như một môn học chính.

Ø   Tăng cường phổ biến nghệ thuật Chầm riêng Chà pây qua các phương tiện thông tin đại chúng, trên các trang mạng xã hội youtube, zalo, facebook, gapo,.. rộng rãi phục vụ được nhiều khán, thính giả hơn.

4.  Kết luận

Dưới đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và Nhà nước, Nghệ thuật biểu diễn nói chung đã không ngừng vươn lên và đã đạt được nhiều thành tựu, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Trong tiến trình lịch sử và phát triển văn hóa dân tộc, người Khmer Tây Nam Bộ đã tạo dựng cho mình nền nghệ thuật đặc sắc, hàm chứa bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay nghệ thuật Chầm riêng Chà pây là một biểu tượng đặc sắc của di sản văn hóa Khmer Trà Vinh hiện tại đang đứng trước nguy cơ mai một rất cao. Do đó, đẩy mạnh việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Khmer, trong đó có các loại hình nghệ thuật dân tộc Khmer mà đặc biệt là loại hình nghệ thuật Chầm riêng Chà pây là việc làm cấp bách và lâu dài, đồng thời là cách giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi dành cho đồng bào Khmer Tây Nam Bộ nói chung và đồng bào Khmer Trà Vinh nói riêng đã, đang và sẽ chung sống gần gũi, xen kẽ lâu dài, nghĩa là tạo điều kiện thuận lợi nhất để họ phát triển, hòa nhập với xu thế phát triển chung, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc của mình một cách hòa nhập được, nhưng không bị hòa tan.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Huỳnh Thanh Quang. 2011. Giá trị Văn hóa Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long. NXB Chính trị Quốc gia.

2. Nguyễn Đăng Khoa. 2014. “Tiếng Đàn Chapây Chomriêng – An Giang, nổi lo lắng “thất truyền”. Nghệ thuật Âm nhạc phương Đông: Bản sắc và Giá trị. NXB. ĐH Quốc gia TP. HCM.

3. Bùi Thị Mai Phương. 2016. “Nghệ nhân Ưu tú Chau Nưng – Người giữ lữa cho nghệ thuật truyền thống của dân tộc Khmer”. Kỷ yếu tọa đàm Nghệ nhân dân gian – Chân dung và Giá trị. NXB. ĐH Trà Vinh

4. Lâm Thị Thu Hiền. 2016. “Nghệ sĩ Thạch Chơne – Người kế thừa và phát huy loại hình nghệ thuật Chầm riêng Chà pây ở Trà Vinh”. Kỷ yếu tọa đàm Nghệ nhân dân gian – Chân dung và Giá trị. NXB. ĐH Trà Vinh.

5. Thạch Thị Út Linh, Kiên Sê Hás. 2018. “Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây của người Khmer Nam Bộ. Kỷ yếu Hội thảo Âm nhạc dân gian Khmer Nam Bộ - Những vấn đề lý luận và kinh nghiệm. NXB. ĐH Trà Vinh.

6. Tài liệu phỏng vấn nghệ sĩ Thạch Chơne ngày 26 tháng 12 năm 2018, tại Khóm 10, Phường 9, Tp.Trà Vinh.

7. Tài liệu phỏng vấn nghệ nhân Chau Hunh ngày 04 tháng 8 năm 2019, tại Xã An Tức, Huyện Tri Tôn, Tỉnh An Giang.

-HẾT-