Hiện diện ngay trung tâm Sài Gòn đã gần một thế kỷ nhưng ít ai biết được nơi đây là địa điểm đã cho ra đời loại lịch Tam Tông Miếu.

Lịch Tam Tông Miếu và Minh Lý đạo

Trước 1975, tại miền Nam hầu như ai cũng ít nhất một lần trong đời dùng đến bộ lịch Tam Tông Miếu. Bộ lịch này có 2 loại, lịch block và lịch sách. Lịch sách nói về thiên văn, phong tục, ngày tốt xấu, mùa màng, khai trương... và khá nhiều vấn đề khác của con người, ở những độ tuổi khác nhau. Còn lịch block thì trên mỗi tờ lịch đều ghi ngày tốt xấu, điều gì nên và không nên làm.

Do bộ lịch này được soạn ra từ Tam Tông Miếu nên được gọi là lịch Tam Tông Miếu. Cả lịch sách và lịch block đều được số đông người xem như là cẩm nang trong mọi sinh hoạt thường ngày. Khi trong gia đình có những sự việc trọng đại như cưới xin, khai trương, động thổ, mọi người đều mở lịch ra xem để chọn ngày tốt và cả lời khuyên đối với những việc sắp làm. Vì vậy, hàng năm cứ đến gần Tết, lịch Tam Tông Miếu được rất đông bà con từ thành thị đến thôn quê đón nhận.

111 

Tam Tông Miếu năm 1927 lúc mới xây dựng (Ảnh tư liệu).

Đến sau 1975 thì loại lịch này ngưng không xuất bản nữa. Có thể nói, nhiều người biết lịch Tam Tông Miếu nhưng hiểu về Tam Tông Miếu thì không được mấy người.

Tam Tông Miếu được xây dựng trên thửa đất do ông bà Trần Kim Ký hiến tặng dùng làm nơi thờ phụng và hành lễ của một tôn giáo mới xuất hiện, đạo Minh Lý. Công trình được xây dựng ngày 10/8/1926, hoàn thành vào cuối tháng 1/1927. Ngày 2/2/1927 khai buổi cúng đầu tại nơi thờ phượng mới.

Được biết, trước đó vào năm 1920, ông Âu Kiệt Lâm (1896 - 1941), người Minh Hương, cùng 5 người bạn là ông Nguyễn Văn Xưng, ông Nguyễn Văn Đề, ông Lê Văn Ngọc, ông Nguyễn Văn Miết và ông Võ Văn Thạnh nghiên cứu, tìm hiểu về giáo lý của tam giáo: Phật, Khổng, Lão. Họ mua sách từ Pháp nghiên cứu về nhân điện. Đến năm 1924, những người này đã giác ngộ chân lý của đạo và sáng lập tôn giáo mới lấy tên là Minh Lý đạo.

 222

Bửu điện của Tam Tông Miếu. Trên điện thờ đều sử dụng bài vị.

Theo giải thích của những người sáng lập, Minh có nghĩa là thông hiểu nhận biết rõ ràng, Lý là lẽ phải tuyệt đối. Minh Lý là thông hiểu đến sự tuyệt đối đạt tới lẽ phải mà thành đạo.

Bước đầu, Minh Lý đạo chưa có nơi để tụ tập lễ bái, tu học... nên đã được sư trụ trì chùa Linh Sơn trên đường Cô Giang cho mượn chùa làm nơi lễ bái, tụng kinh. Do ở nhờ phải nhường cho gia chủ làm lễ vào ngày rằm và mồng 1 nên lệ cúng hằng tháng được chuyển sang 14 và 30 âm lịch. Sau này khi đã xây dựng xong Tam Tông Miếu chủ trì Minh Lý đạo vẫn giữ luôn như vậy cho đến nay.

Ông Âu Kiệt Lâm (pháp danh Minh Chánh) là người chủ trì từ đầu đến 1938 thì giao lại cho ông Nguyễn Văn Miết (Minh Thiện) chủ trì đến lúc qua đời vào năm 1972. Ông Minh Thiện là người góp công sức lớn nhất cho việc phát triển Minh Lý đạo.

Tam Tông Miếu qua nhiều biến thiên của thời cuộc cũng như 2 lần tôn tạo, đến nay vẫn sừng sững tại số 82 đường Cao Thắng (P.4, Q.3, TP.HCM).

Minh Lý đạo một tôn giáo chưa được 1000 tín đồ

Chúng tôi đến thăm Tam Tông Miếu vào buổi sáng. Mặc dầu tọa lạc ngay trung tâm thành phố nhưng nơi đây vắng vẻ. Cổng được đóng hờ. Chúng tôi dạo một vòng bên ngoài. Kiến trúc vẫn còn nguyên vẹn. Dường như dấu ấn của thời gian không đọng lại nơi đây.

333 

Do ít tín đồ nên bàn ghế cũng gọn nhẹ.

Chúng tôi bước vào bên trong. Không một bóng người. Phải một lát sau mới có một người đàn ông xuất hiện. Ông tạm gọi là ông từ giữ đền, hướng dẫn chúng tôi tham quan.

Chúng tôi đứng giữa bửu điện là gian chính của Tam Tông Miếu. Ông từ giải thích cho chúng tôi biết, bửu điện cũng giống như chánh điện của chùa. Không giống như Phật giáo, Minh Lý đạo chỉ thờ bài vị, không thờ tượng.

Khu vực thờ tự của Minh Lý đạo có 5 cấp gồm bài vị của Diêu Trì Kim Mẫu, Ngọc hoàng Thượng đế, Hồng quân Lão tổ, Tam Giáo tổ sư (Phật Thích Ca, Lão tử, Khổng tử), tứ đại Bồ tát (Địa Tạng Bồ tát, Văn Thù Bồ tát, Phổ Hiền Bồ tát, Quan Âm Bồ tát), cuối cùng là bài vị của Ngũ đẩu Tinh quân và chư Phật, chư Tiên.

Về kinh kệ, Minh Lý đạo hoàn toàn dùng tiếng Việt để người đọc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc. Bộ kinh được chia làm 5 loại: kinh bố cáo, kinh sám hối, kinh tịnh nghiệp vãn, kinh nhựt tụng, kinh giác thế.

Tu sĩ của Minh Lý đạo được gọi là môn sanh vẫn để tóc, không cạo đầu như đạo Phật. Môn sanh của Minh Lý đạo, nam mặc áo dài đen, quần trắng, khăn đóng đen, nữ mặc áo dài đen, quần đen.

Về tổ chức Minh Lý đạo: cơ quan cao nhất là Hội đồng Hội thánh, kế đó là Viện Bảo đạo lo phần tu tịnh, giữ gìn đạo pháp, đứng đầu là Tổng lý; Viện Hành đạo lo về công việc hành chính của đạo, đứng đầu là Hiệp lý. Người đứng đầu ngôi Tam Tông Miếu gọi là chủ trì (không gọi là trụ trì như Phật giáo).

 444

Ông Trần Kim Ký, người hiến đất xây dựng Tam Tông Miếu.

Minh Lý đạo là một tôn giáo nhỏ. Số lượng tín đồ tính đến nay trên cả nước chưa được 1000 người. Cơ sở hoạt động ở quanh TP.HCM và Long Hải (Bà Rịa Vũng Tàu). Hiện có một cơ ngơi đang được xây dựng tại phường Lợi Bình Nhơn (TP. Tân An, Long An). Những năm từ 1941 đến 1965, Minh Lý đạo gặp nhiều khó khăn. Môn sanh phải tự tu học, có người bỏ đạo.

Một số trung kiên đã quyết chí tu hành ở lại để ổn định đạo, duy trì cúng lễ và trùng tu Tam Tông Miếu. Trước tình hình đó, ông Minh Thiện đã bỏ hết việc đời để chuyên tâm dẫn dắt mối đạo. Nhờ vậy, chỉ trong 10 năm, từ năm 1965 Minh Lý đạo hoàn thiện về tổ chức, hình thành Hội thánh và hoàn chỉnh bộ kinh 'Minh Lý chơn giải' để bổ túc cho cuốn 'Minh Lý học thuyết'.

Anh Phạm Hoài Nhân trong lần ghé lại Tam Tông Miếu đã cho biết: "Có lẽ nếu không có bộ lịch Tam Tông Miếu rất nổi tiếng thì chẳng mấy người biết đến Tam Tông Miếu, và có biết đến Tam Tông Miếu rồi thì cũng chưa chắc biết đến Minh Lý đạo.

Ngày 18/10/2008 Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Thế Doanh trao cho đại diện Minh Lý đạo - Tam Tông Miếu quyết định công nhận Minh Lý đạo - Tam Tông Miếu là một tổ chức tôn giáo ngang với các tôn giáo khác đã và đang hoạt động tại VN.

Tin - ảnh: Trần Chánh Nghĩa (Báo Vietnamnet)

Link: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/du-lich/su-that-it-biet-ve-tam-tong-mieu-o-sai-gon-584895.html