ĐỜN CA TÀI TỬ

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đàn hát thuộc loại dân ca Nam Bộ có từ giữ thế kỷ XIX, bắt nguồn từ các giai điệu nhạc lễ cung đình Huế với gần 200 năm lịch sử hình thành và phát triển. Các nghệ nhân, nhạc sĩ dân gian vùng Tây Nam Bộ tiếp biến, sáng tạo thêm, đưa đờn ca tài tử thành loại hình văn hóa văn nghệ quần chúng rộng rãi, bình dân, gần gũi với mọi tầng lớp người dân vùng châu thổ Cửu Long. Loại hình nghệ thuật quần chúng dân gian này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12/2013.

Nguồn gốc của giai điệu đờn ca tài tử được cấu thành từ 20 bài tổ gồm: Ba Nam, Sáu Bắc, Bảy Bài Cò, (Bài Hạ) Tứ Oán.

  • Ba Nam được xếp vào nhóm mùa Thu: Nam Ai, Nam Xuân, Nam Đảo dùng vào những ca từ có nội dung bi ai, kể lễ.
  • Sáu Bắc là nhóm xếp vào mùa Xuân nên giai điệu ca từ biểu cảm sự vui tươi, phấn khích, gồm: Lưu Trường Thủy, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Cổ Bản, Xuân Tình, Tây Thi.
  • Bảy Bài Cò được xếp vào mùa Hạ với giai điệu thường biểu cảm sự dồn dập, bức bối, gồm: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ , Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc,…Đây là 7 giai điệu có nguồn gốc xuất phát từ nhạc lễ cung đình.
  • Tứ Oán đươc xếp vào nhóm mùa Đông: Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu.

1111

Đờn ca tài tử

Tóm lại, mọi hỷ, nộ, ái, ố đều được biểu cảm bằng ca từ qua các giai đoạn trong từng nhóm của các bài tổ nêu trên. Đến khoảng 1916, khi Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam Bộ lần lượt ra đời loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương thì đờn ca tài tử có thêm một số giai điệu mới được giới nghệ thuật đặt tên là “nhóm dây quản”, gồm các giai điệu Khóc Hoàng Thiên, Xang Xừ Liếu, Sương Chiều, Tú Anh, Trung Thu… dành riêng cho những khúc tiết hoan ca, khải hoàn…

Tuy trong quá trình phát triển giới nghệ thuật có cải tiến, sáng tạo nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc căn bản theo giai điệu ngũ cung: hò, xự, xang, xê, cống. Rồi trong từng giai điệu, tùy đặc tính mỗi loại nhạc cụ, nhạc sĩ sẽ linh hoạt sử dụng thêm một số nốt (biến hóa mới) như ú, líu, á, tồn…(đồng thanh) làm cho âm điệu phong phú hơn.

Các nghệ nhân dựa vào đó mà sáng tạo ra nhiều ca từ, giai điệu trầm, bỗng, nhặt, khoan để lột tả được nội dung bài hát cho sinh động, sát hợp với cuộc sống thực tế của cư dân Nam Bộ thời mở cõi. Đặc biệt, người cầm đờn phải biết nhấn nhá, buông, thả, chụp, tuốt, tạo thành những âm thanh reo rắt, thanh thoát theo cung bật củ từng ca từ. Người ca cũng phải biết ngân nga, du dương, trầm bỗng, sao cho thật ăn khớp với chữ đờn.

Tuy phong phú và linh hoạt trong giai điệu lúc diễn xuất nhưng nguyên tắc là phải tuân thủ theo nhạc lý, không cho phép tùy hứng, kể cả ca vọng cổ…

- Thí dụ điệu: “Khóc Hoàng Thiên” hai câu đầu:

Xế xê xang, hò xang, hò xang, xê cống

Liếu cống xê xang, hò xang, hò xang, xê cống…

Hoặc bài “Dạ Cổ Hoài Lang”, tiền thân của bài vọng cổ có hai câu đầu:

Hò, hò xang, xê cống

(Từ, là từ, phu tướng)

Liếu cống, cống xê, xự xang

(Bảo kiếm, sắc phong, lên đàng)

Nhạc cụ khá đa dạng: đờn cò, đờn kiềm, guitar, độc huyền cầm, đờn tranh, song lang… Nếu không đủ thì chỉ cần câu đờn guitar móc lõm, và nhịp song lang cũng đủ phô diễn một lớp ca đờn…

Cũng là loại hình văn nghệ dân gian như lối hát bội, cải lương nhưng tính đại chúng và xã hội hóa của đờn ca tài tử cao hơn rất nhiều so với hai bộ môn nghệ thuật kia ở chỗ nó được thực hiện rộng rãi mọi lúc, mọi nơi: từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ở các lễ hội, tiệc tùng, đối ẩm… Loại hình này, không phân biệt người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, cũng không câu nệ chuyện có hay không có sân khấu, nhà hát…, chỉ cần một không gian nhỏ là các “tài tử” không cần hóa trang vào vai diễn mà vẫn hung phấn trình diễn.

Tác giả: Đoàn Nô

Biên tập: Quế Châu

 Trích: Văn hóa dân gian châu thổ Cửu Long, Đoàn Nô, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2020, tr222-227.