ĐỜN CA TÀI TỬ

Đờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật đàn hát thuộc loại dân ca Nam Bộ có từ giữ thế kỷ XIX, bắt nguồn từ các giai điệu nhạc lễ cung đình Huế với gần 200 năm lịch sử hình thành và phát triển. Các nghệ nhân, nhạc sĩ dân gian vùng Tây Nam Bộ tiếp biến, sáng tạo thêm, đưa đờn ca tài tử thành loại hình văn hóa văn nghệ quần chúng rộng rãi, bình dân, gần gũi với mọi tầng lớp người dân vùng châu thổ Cửu Long. Loại hình nghệ thuật quần chúng dân gian này đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào tháng 12/2013.

Nguồn gốc của giai điệu đờn ca tài tử được cấu thành từ 20 bài tổ gồm: Ba Nam, Sáu Bắc, Bảy Bài Cò, (Bài Hạ) Tứ Oán.

  • Ba Nam được xếp vào nhóm mùa Thu: Nam Ai, Nam Xuân, Nam Đảo dùng vào những ca từ có nội dung bi ai, kể lễ.
  • Sáu Bắc là nhóm xếp vào mùa Xuân nên giai điệu ca từ biểu cảm sự vui tươi, phấn khích, gồm: Lưu Trường Thủy, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Cổ Bản, Xuân Tình, Tây Thi.
  • Bảy Bài Cò được xếp vào mùa Hạ với giai điệu thường biểu cảm sự dồn dập, bức bối, gồm: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ , Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc,…Đây là 7 giai điệu có nguồn gốc xuất phát từ nhạc lễ cung đình.
  • Tứ Oán đươc xếp vào nhóm mùa Đông: Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng, Giang Nam, Phụng Cầu.

1111

Đờn ca tài tử

Tóm lại, mọi hỷ, nộ, ái, ố đều được biểu cảm bằng ca từ qua các giai đoạn trong từng nhóm của các bài tổ nêu trên. Đến khoảng 1916, khi Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam Bộ lần lượt ra đời loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương thì đờn ca tài tử có thêm một số giai điệu mới được giới nghệ thuật đặt tên là “nhóm dây quản”, gồm các giai điệu Khóc Hoàng Thiên, Xang Xừ Liếu, Sương Chiều, Tú Anh, Trung Thu… dành riêng cho những khúc tiết hoan ca, khải hoàn…

Tuy trong quá trình phát triển giới nghệ thuật có cải tiến, sáng tạo nhưng vẫn tuân thủ nguyên tắc căn bản theo giai điệu ngũ cung: hò, xự, xang, xê, cống. Rồi trong từng giai điệu, tùy đặc tính mỗi loại nhạc cụ, nhạc sĩ sẽ linh hoạt sử dụng thêm một số nốt (biến hóa mới) như ú, líu, á, tồn…(đồng thanh) làm cho âm điệu phong phú hơn.

Các nghệ nhân dựa vào đó mà sáng tạo ra nhiều ca từ, giai điệu trầm, bỗng, nhặt, khoan để lột tả được nội dung bài hát cho sinh động, sát hợp với cuộc sống thực tế của cư dân Nam Bộ thời mở cõi. Đặc biệt, người cầm đờn phải biết nhấn nhá, buông, thả, chụp, tuốt, tạo thành những âm thanh reo rắt, thanh thoát theo cung bật củ từng ca từ. Người ca cũng phải biết ngân nga, du dương, trầm bỗng, sao cho thật ăn khớp với chữ đờn.

Tuy phong phú và linh hoạt trong giai điệu lúc diễn xuất nhưng nguyên tắc là phải tuân thủ theo nhạc lý, không cho phép tùy hứng, kể cả ca vọng cổ…

- Thí dụ điệu: “Khóc Hoàng Thiên” hai câu đầu:

Xế xê xang, hò xang, hò xang, xê cống

Liếu cống xê xang, hò xang, hò xang, xê cống…

Hoặc bài “Dạ Cổ Hoài Lang”, tiền thân của bài vọng cổ có hai câu đầu:

Hò, hò xang, xê cống

(Từ, là từ, phu tướng)

Liếu cống, cống xê, xự xang

(Bảo kiếm, sắc phong, lên đàng)

Nhạc cụ khá đa dạng: đờn cò, đờn kiềm, guitar, độc huyền cầm, đờn tranh, song lang… Nếu không đủ thì chỉ cần câu đờn guitar móc lõm, và nhịp song lang cũng đủ phô diễn một lớp ca đờn…

Cũng là loại hình văn nghệ dân gian như lối hát bội, cải lương nhưng tính đại chúng và xã hội hóa của đờn ca tài tử cao hơn rất nhiều so với hai bộ môn nghệ thuật kia ở chỗ nó được thực hiện rộng rãi mọi lúc, mọi nơi: từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ở các lễ hội, tiệc tùng, đối ẩm… Loại hình này, không phân biệt người chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp, cũng không câu nệ chuyện có hay không có sân khấu, nhà hát…, chỉ cần một không gian nhỏ là các “tài tử” không cần hóa trang vào vai diễn mà vẫn hung phấn trình diễn.

Tác giả: Đoàn Nô

Biên tập: Quế Châu

 Trích: Văn hóa dân gian châu thổ Cửu Long, Đoàn Nô, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2020, tr222-227.

GIA HUẤN CA NỮ CỦA NGƯỜI KHMER NAM BỘ

Gia huấn ca nữ là loại hình văn hóa độc đáo có giá trị giáo dục sâu sắc, được đúc kết từ những lời dạy của Phật dành cho phụ nữ và trở thành chuẩn mực đạo đức trong đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ.

111

Gia huấn ca nữ thường là những câu nói, điều lệ về đạo lý làm người, cách đối nhân xử thế, cách ăn mặc, cách chăm sóc gia đình…Ảnh: Yến Thanh

Gia huấn ca nữ đã được ghi lại trong sách lá buông và lưu giữ, bảo quản tại nhiều ngôi chùa Khmer. Thạc sĩ Danh Mến, giảng viên Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ cho biết: chịu ảnh hưởng sâu sắc của triết lý Phật giáo, dưới hình thức văn vần, từng câu từ của gia huấn ca đưa ra những khuôn mẫu cho văn hóa ứng xử, thái độ, kỹ năng giao tiếp của phụ nữ Khmer xưa và nay.

112

Những giá trị đạo đức trong gia huấn ca nữ vẫn luôn sâu sắc và ý nghĩa trong cuộc sống hôm nay.

Ảnh: Yến Thanh

113

Gia huấn ca nữ của người Khmer Nam Bộ đang dần bị mai một, hiện chỉ còn được giới thiệu, giảng dạy cho các tăng sinh tại Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ (Sóc Trăng).

Ảnh: Phúc Thanh

Gia huấn ca nói chung và gia huấn ca nữ của người Khmer Nam Bộ nói riêng đang dần bị mai một, hiện chỉ còn được giới thiệu và giảng dạy tại Trường bổ túc văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ tại tỉnh Sóc Trăng. Nhằm bảo tồn và phát huy những giá trị giáo dục của gia huấn ca, rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng trong việc sưu tầm, nghiên cứu, chú giải, chuyển ngữ...

Tin - ảnh: Muni Chanh Đa - Phúc Thanh - Yến Thanh

Nguồn: Báo Dân tộc và Miền núi

Link truy cập:  https://dantocmiennui.vn/gia-huan-ca-nu-cua-nguoi-khmer-nam-bo/300155.html

1

1

VĂN NGHỆ DÂN GIAN HÁT BỘI

Hát bội còn gọi là “hát bộ” tức là nói, hát và hét bằng cả động tác ra bộ. Môn nghệ thuật này có từ rất lâu, thịnh hành nhất vào triều Nguyễn. Sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước đã cho khôi phục thực hiện nghi lễ tế đàn Xã Tắc tại kinh thành Huế và các đình làng khắp trong nước gắn liền với nghệ thuật hát bội mà nội dung chính là “tôn Vương” – diễn lại những tuồng cổ mang ý nghĩa phục nghiệp vương triều, lập lại ngôi vua sau những năm dài loạn lạc, bôn tẩu… Hát bội là một trong những nghi thức cổ truyền không thể thiếu trong các dịp lễ tiết của đình thần vùng sông nước Tây Nam Bộ. Nghi thức này cở Tây Nam Bộ mang sắc thái riêng của cư dân vùng đất mới và bao giờ cũng gắn liền với lễ Kỳ yên (cúng đình) theo mùa nông vụ.

0001

Hát bội tại các lễ hội

Theo thông lệ, lễ cúng đình ở Tây Nam Bộ diễn ra mỗi năm hai lần, trong đó lễ chính từ tháng 3 đến tháng 5 (âm lịch), lễ phụ diễn ra tháng 11 (âm lịch), trong đó lễ chính phải có hát bội.  Toàn vùng có trên 10 đoàn nghệ thuật hát bội, nghệ sĩ sinh hoạt theo mùa cúng đình. Do thời gian lễ cúng không tập trung mà kéo dài trên hai tháng nên vẫn đảm bảo cho hoạt động văn hóa này có thể diễn ra ở tất cả các đình thần. Nhờ vậy, nghề hát bội tuy trải qua khá nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn sống mãi đến ngày nay.

Năm 2009, tôi có dịp tiếp xúc với nghệ nhân Hà Quang Ấn, lúc đó 78 tuổi đời và 58 tuổi nghề và đang làm chủ gánh hát bội “Đoàn nghệ thuật tuồng cổ Bạc Liêu”. Qua ông, tôi mới hiểu được đầy đủ về loại hình nghệ thuật này:

Hát bội ngày xưa không có trường lớp đào tạo như bây giờ mà chủ yếu là học hỏi từ lớp đàn anh, đàn chị, người đi trước. “Ông Nhưn” (thầy tuồng, đạo diễn) có nhiệm vụ chỉ dẫn đào kép: từ phát âm cho đến các động tác ra điệu, bộ, biểu cảm hỉ. Nghệ sĩ phải thuộc lòng các lời thoại được sáng tác bằng nhiều thể loại thơ tứ tuyệt, ngũ ngôn, lục bát, song bát, song thất lục bát, có nội dung đề cao luân thường đạo lý:  với vua thì “Quân thần tận kỳ trung”, còn đối với cha thì “Phụ tử đắt kỳ hiếu”, với bạn bè thì “ Bằng hữu chí kỳ tín”, an hem thì “ Huynh đề toàn kỳ trung” … Bên cạnh đó còn phải học cơ bản một số bài võ: đường thảo, đường roi, múa đao, kiếm… phải am hiểu những điều cấm kỵ trong biểu cảm để không hát cương, giễu cợt tùy tiện trên sân khấu, vừa đảm bảo tính nghệ thuật cao vừa giữ được màu sắc tín ngưỡng dân gian trong các nghi thức cúng đình.

Trong nghi thức hát bội ở đình, đầu tiên, trước khi xây chầu (thường là khoảng 8 giờ tối) toàn thể diễn viên phải mặc đúng sắc phục của vai diễn, tập trung lại làm lễ bái kiến Thần, sau đó lần lượt thay nhau thực hiện 6 lễ múa để xây chầu, đó là:

Lễ khai nhật nguyệt (tượng trưng cho ngày khai thiên, lập địa): Diễn viên thực hiện là đôi nam nữ, từ 50 tuổi trở lên, chững chạc.

Lễ Điềm hương, Điềm hoa: tượng trưng cho sự xuất hiện của loài người, do một đôi nam nữ diễn viên trẻ thực hiện.

Lễ Tam Tài, biểu trưng cho may mắn, điềm lành đến với mọi người. Lễ này được thực hiện bởi 3 người nam, trong vai 3 vị thần linh: Phúc, Lộc, Thọ.

Lễ Tứ tướng Thiên vương (4 tướng giữ 4 cửa trời: Đông, Tây, Nam, Bắc) gồm các vai diễn: Ma Đại Thanh, Ma Đại Hồng, Ma Đại Hải, Ma Đại Thọ do 4 diễn viên đảm trách.

Lễ Đại Bội: tượng trưng cho mối quan hệ giao hòa hữu nghị giữa láng giềng ( nước lân bang), do 1 diễn viên nam cao tuổi và 4 diễn viên nữ trẻ đẹp đảm trách.

Lễ gia quan tấn tước  chủ yếu có ý nghĩa chúc tụng, do một diễn viên nam đảm trách. Trang phục gần giống như Thổ Địa, đội mũ cánh chuồn.

Tuy là 6 lễ nhưng thời gian thực hiện mỗi lễ  chỉ khoảng 5 – 7 phút, nên tổng khóa lễ không dài quá một giờ. Đặc điểm nỗi bật ở nghi thức này là nơi chính điện đình thần phải thắp đèn cầy, duy trì nhan khói liên tục và có ít nhất 12 cậu học trò lễ thay phiên nhau, đứng cúng bái theo nhịp trống cho đến kết thúc lễ … Đây là nghi lễ khai chầu trọng thể mà các diễn viên đoàn hát bội mới thực hiện được thành thục, không ai có thể thay thế.

Sau lễ xây chầu, suất hát đầu tiên mà đoàn hát bội phải hát trong đêm là những tiết mục tuồng mang ý nghĩa dựng nước, lập lại ngai vua, chiêu hiền đãi sĩ như: “San Hậu”, “Thần nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ” còn xuất hát cuối (ngày thứ ba) thì diễn tuồng “Sơn Hà Xã Tắc” nhằm tôn Vương. Đây là màn tuồng chủ lực mà đoàn hát bội nào cũng phải hát để tưởng nhớ công lao của triều Nguyễn đã mở mang bờ cõi và thiết lập triều vua dòng họ Nguyễn…

Đặc điểm của nghệ thuật hát bội là người hát phải phối hợp ăn ý với người cầm chầu (đánh trống chầu). Người biết thưởng thức bộ môn nghệ thuật này, chỉ cần nghe qua tiếng trống chầu thôi cũng biết được trình độ đào kép của đoàn hát; tình tiết  vui buồn, lâm ly, gay cấn đều thể hiện qua người cầm chầu.

Người cầm chầu xưa là ông Hương Cả, nay là người trong ban tế tự được cử ra, có vai trò như Chánh chủ khảo. Nếu diễn viên hát đúng (tốt) sau mỗi câu hát người cầm chầu sẽ tán thưởng từ 2 đến 3 tiếng trống: “Thùng! Thùng!”, “Thùng! Thùng! Thùng!” và ngược lại, nếu hát sai, hát dối nhận lớp thì người cầm chầu sẽ đánh vào thành trống “cắc! cắc” rất mạnh, thể hiện sự tức giận.

Dưới triều Nguyễn, nghệ thuật hát bội được nhà nước phong kiến phát huy rực rỡ, quần chúng mến mộ nhiệt tình, sự lôi cuốn mãnh liệt của loại hình nghệ thuật này được thể hiện qua nhiều câu thơ ca dân gian như:

“Hát bội hành tội người ta

Đàn ông bỏ vợ, đàn bà bỏ con”  

Hay

“Trồng trầu trộng lộn dây tiêu

Con mê hát bội, mẹ liều con hư”

Thập niên 60 – 70 của thế kỷ trước (1960-1975) là thời kỳ hoàng kim của nghệ thuật cải lương Nam Bộ. Nhưng do chiến tranh, bất ổn an ninh trật tự tại các vùng nông thôn, nhiều đình làng bị tàn phá, xuống cấp, khiến lễ hội cúng đình và nghệ thuật hát bội bị mai một dần. Tình trang này kéo dài nhiều năm sau hòa bình thống nhất đất nước. Mãi đến sau đởi mới (từ 1990) do nhu cầu tín ngưỡng tâm linh truyền thống, đình được tu sửa, xây mới… lễ Kỳ yên hằng năm được tổ chức trọng thể ở mỗi đình. Nghệ thuật hát bội cũng dần sống dậy. Nhà hát nghệ thuật hát bội Thành phố Hồ Chí Minh tại Thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở giảng dạy, đào tạo diễn viên chuyên nghiệp cho loại hình nghệ thuật này… Dù vậy số lượng đoàn nghệ thuật hát bội ở Tây Nam Bộ hiện nay không đáp ứng đủ nhu cầu các lễ hội (ngoài lễ cúng đình, còn trên 30 lễ hội dân gian khác tại vùng sông nước) đặc biệt là vào mùa cao điểm của lễ hội.

Mặc dù không thịnh hành như nhiều loại hình văn hóa giải trí khác nhưng nghệ thuật hát bội là nhu cầu không thể thiếu trong tín ngưỡng tâm linh cúng đình và ở các lễ hội văn hóa cổ truyền… Nhờ vậy, nghệ thuật hát bội không ngừng được phục hồi mà còn trở thành di sản văn hóa vật thể của dân tộc. Sự tồn tại của nghệ thuật hát bội được minh chứng rất cụ thể với 15 đoàn nghệ thuật ở 13 tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ, trong đó có một số tihr như An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng … có từ 2 đến 3 đoàn, chủ yếu để phục vụ các lễ hội tín ngưỡng dân gian Nam Bộ.

Tác giả: Đoàn Nô

Trích: Văn hóa dân gian châu thổ Cửu Long, Đoàn Nô, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2020, tr222-227.

Nội dung bài báo cáo chỉ trình bày những vấn đề trọng yếu về tính bao dung của con người thông qua một số phương diện văn hóaTrà Vinh hiện nay. Tuy nhiên, nó được coi là nguồn tư liệu quan trọng và có cái nhìn biện chứng đối với việc nghiên cứu tính cách con người ở Trà Vinh hiện nay.