NHÀ Ở CỦA NGƯỜI KHMER TÂY NINH

Trước TK XVIII, phần lớn đất Tây Ninh tuy chủ yếu là rừng già và đầm lầy, nhưng đã có không ít phum sóc Khmer sinh sống, không gian định cư của họ thường ven theo các con sông rạch và rải rác ở những nơi biên giới. Mãi về sau này, khi phủ Tây Ninh được thành lập (1836), thì những làng Khmer nơi đây mới dần trở thành những đơn vị hành chánh thực thụ. Từ mấy trăm năm qua, điểm dễ phân biệt nhất giữa làng Khmer với các làng dân tộc khác chính là ngôi nhà. Nhà ở của bà con Khmer là một phần trong bản sắc văn hóa bền vững của cộng đồng dân tộc này.

nha1nha2

Theo thống kê dân số 2019, Tây Ninh có 1844 hộ/ 7650 nhân khẩu người dân tộc Khmer sinh sống, chiếm 0,7% dân số toàn tỉnh. Các làng Khmer hiện nay chủ yếu tập trung ở các huyện thị như Tân Biên, Tân Châu, Hòa Thành, Châu Thành và Thành phố Tây Ninh. Trở lại thời điểm sau khi thành lập phủ, Tây Ninh bấy giờ chỉ có hai huyện Tân Ninh và Quang Hóa, trong đó huyện Tân Ninh có 2 tổng, 6 xã người Việt và 25 xã người Phiên (chủ yếu là Khmer và một ít Chăm), còn huyện Quang Hóa cũng có 2 tổng, nhưng có tới 8 thôn người Việt và 30 xã người Phiên. Như vậy, ngay thời điểm định hình các làng xã với tư cách là đơn vị hành chánh thì Tây Ninh đã có tới 55 làng xã của bà con Khmer sinh sống, gần gấp năm lần so với các làng xã của lưu dân người Việt lúc bấy giờ.

nha3

Từ sau Hòa ước năm Nhâm Tuất 1862, Pháp bắt đầu khai thác vùng đất Tây Ninh đồng thời sắp xếp lại và lập mới nhiều thôn làng, trong đó có khá nhiều làng Khmer mới được thành lập, rồi sau đó lại sáp nhập lại, cụ thể:

Tổng Bang Chrum gồm 3 thôn là : 1.Bang Chrum Srey ( thành lập 1862, giải thể 1957); 2.Prey Toch (thành lập 1876, giải thể nhập vào xã Khedol 1957 ); 3.Con Trăng (thành lập 1862, giải thể nhập vào Prey Toch 1891). Tổng Chơn Bà Đen gồm 5 thôn là : 1.Ampil ( thành lập 1865, giải thể nhập vào Cà Nhum 1891); 2.Cà Nhum (một phần tên gọi khác của Thùng); 3.Ké Dol (thành lập 1867, 1958 đổi tên thành xã Tân Hưng); 4.Rùng (thành lập 1900, giải thể nhập vào Khedol năm 1957) ; 5.Thùng ( một phần tên gọi khác của Cà Nhum). Tổng  Ta Bel Yul gồm có 7 thôn là: 1.Bô Chẹt ( thành lập 1862, giải thể nhập vào Tapang Pro Sốc 1891); 2.Mit Mul; 3.Tà Nốt (thành lập năm 1876. năm 1891 sáp nhập thêm Ta Bi Ta Dung, năm 1958 đổi tên là xã Phước Hòa); 4.Ta Bi Ta Dung (thành lập 1876, giải thể nhập vào Tà Nốt 1891); 5.Tapang Prey (thành lập năm 1862, năm 1891 sáp nhập thêm Tà Nốt và Mit Mul, năm 1958 đổi thành xã Phước An) ; 6. Ta Núp (thành lập 1876, giải thể nhập vào Tapang Prey 1891); 7.Tapang Pro Sốc (thành lập năm 1862, năm 1891 sáp nhập thêm Pô Chẹt, sau năm 1956 giải thể).

Năm 1877, Pháp tiếp tục lập thêm một tổng Khmer nữa là Tổng Khán Xuyên (phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông) gồm 12 thôn là: 1.Đát Pô (thành lập 1877, 1891 sáp nhập thêm Compong Nghĩa, giải thể trước 1939) ; 2.Rừng Vang ( thành lập 1877, giải thể nhập vào Đát Pô năm 1891); 3.Cak Hap (thành lập 1877, nay là ấp Tam Hạp xã An Bình) ; 4.Đây Xoài (thành lập 1877, 1958 đổi tên thành xã Phước Lộc) ; 5.Praha Miệt (thành lập 1877, năm 19958 đổi thành xã Phước Lợi) ; 6.Trapang RoBon ( thành lập năm 1877, năm 1891 sáp nhập thêm Tapang Súc, sau năm 1956 giải thể) ; 7.Tapang Súc (thành lập năm 1877, năm 1891 sáp nhập vào Tapang Robon); 8.Phum Xoài (thành lập 1877, năm 1985 đổi là xã Phước Trường); 9.Chắc Sre (thành lập 1862, 1958 đổi tên thành xã Long An); 10.Tanheng (thành lập 1877, giải thể nhập vào Prey Chẹt năm 1891) ; 11.Prey Chet (thành lập 1877, giải thể năm 1920); 12. Compong Nghĩa (thành lập 1877, giải thể nhập vào Đat Bô 1891). Tới thời điểm 16-8-1877 coi như Tây Ninh đã có 4 tổng 27 thôn làng của người Khmer. Nhưng sau đó ngày 6-3-1891 thì nhà cầm quyền Pháp lại nhập một số thôn làng lại với nhau, có khi lại chuyển thôn làng của tổng này qua tổng kia, sao cho tiện việc quản lý. Cho nên số thôn làng giảm còn lại ở con số 17 mà thôi.

Theo sách Địa chí hành chính các tỉnh Nam Kỳ thời Pháp thuộc (1859-1954) của Nguyễn Đình Tư cho biết dân số Khmer Tây Ninh từ 1872 đến 1939 có sự phát triển như sau: năm 1872 có 1876 người; 1917 có 7265 người; 1925 có 9457 người; 1928 có 10.065 người và đỉnh điểm năm 1939 có 12000 người (sđd, trang 354-355, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2017). Nếu lấy giai đoạn 1939 với 12000 khẩu chia cho trung bình 10 khẩu trên/ hộ thì lúc bấy giờ cộng đồng Khmer Tây Ninh có ít nhất là 1200 căn nhà ở. Con số này gần gấp đôi so với thời điểm 2019 thống kê.

Trở lại vấn đề nhà ở, người Khmer cũng như hầu hết các dân tộc khác, ngôi là không thể thiếu, là một phần rất quan trọng trong đời sống vật chất lẫn tinh thần. Khoảng hơn 30 năm trước đây, khi tìm hiểu các phum sóc Khmer ởn ven miền biên giới, chúng tôi nhận thấy hầu hết nhà ở của bà con là nhà sàn. Nhưng là loại nhà sàn nhỏ, mang tính tạm bợ, chứ không phải là loại nhà sàn to lớn, kiên cố và chân cao mà ta thường thấy ở một số nơi.

Cũng xin nhắc lại, các phum sóc của bà con Khmer Tây Ninh xưa phần lớn là xen kẽ với rừng. Bà con sống chủ yếu dựa vào rừng, nên không bao giờ chặt rừng một cách bừa bãi. Xung quanh các cụm nhà, bao giờ cũng có cây to, tre gai bao bọc, khung cảnh hết sức tự nhiên và thơ mộng. Các ngôi nhà sàn của một dòng họ thường cất quay quần bên nhau. Mỗi căn diện tích chừng 4m x 6m, mái xuôi, sàn cao không quá 1m. Một điều khá đặc biệt là lúc ấy cây rừng còn rất nhiều, nhưng bà con không đốn hạ xẻ gỗ làm nhà, mà chỉ sử dụng tranh và tre gai làm vật liệu chính. Những cây tre gai già, sau khi đốn, róc sạch gai nhánh, được ngâm dưới suối bùn mười bữa nửa tháng, sau đó vớt lên đem phơi khô để làm cột kèo, xiên, đòn…Vách và cánh én cũng toàn bằng tre, mỗi đoạn tre được chẻ làm đôi, sau đó đập dập ra thành từng bẹ, rồi dùng dây mây chỉ bện lại thành từng tấm phên, buộc vào sườn nhà làm vách. Sàn thì cũng làm bằng nẹp tre, vót kỹ càng rồi chà láng. Nhà sàn lúc ấy tuy thấp, nhưng cũng thiết kế có cầu thang rất đàng hoàng. Cầu thang có khi được làm từ hai gốc tre già, buộc thêm các đoạn thanh ngang để bước lên, nhưng cũng có nhà lấy những tảng đá tổ ong to nhỏ sắp xếp lại từ thấp tới cao làm cầu thang lên nhà. Nhìn chung các ngôi nhà sàn Khmer xưa tuy đơn sơ nhưng rất chắc chắn. Leo lên một cây cao, nhìn xuống các ngôi nhà trong phum không khác gì những chùm nấm mọc xen giữa rừng, cảnh đẹp ấy không bao giờ được nhìn thấy nữa…

Sau bao đời làm bạn với rừng, nhưng cuối cùng thì “rừng xưa đã khép”, những ngôi nhà sàn như trên ít dần và thay vào đó là loại nhà trệt vách đất. Nhà trệt của bà con Khmer cũng là loại nhà nhỏ tương tự loại nhà do các đội Thanh Niên Xung Phong xây dựng ở những khu Kinh tế mới ngày xưa. Nhà cũng có mái lợp tranh, sườn nhà thường có 3 vì được kết nối bởi các cây xiên ngang, xiên dọc. Các vách sau trước và hai bên hông được bà con dùng le đóng ngang dọc, rồi sau đó dùng rơm nhồi với đất sét trét vào thành tường để ngăn với thế giới bên ngoài. Loại nhà vách đất này hiện cũng còn ở một số nơi được bà con giữ lại nhưng dùng vào mục đích khác.

Có thể nói, hai loại nhà mà chúng tôi kể trên không phải là “căn nhà mơ ước” của bà con Khmer. Trong hơn mười năm trở lại đây, điều kiện kinh tế được cải thiện rất nhiều, không ít hộ Khmer thoát nghèo vươn lên khá giả. Và không ít hộ gia đình tìm lại với ngôi nhà sàn truyền thống. Đó là loại nhà hai ba mái to rộng, thường gọi chung là nhà nối mái, lợp ngói, vách ván, sàn cao trên tầm 3m, dưới có chân tảng kê cột cũng khá cao. Làm loại nhà này đòi hỏi gia chủ phải chuẩn bị một lượng gỗ lớn. Hệ thống cột, kèo, xiên ngang, xiên dọc, xiên tâm đòn tay, rui, mè…đều phải làm bằng loại gỗ bền tốt, có chịu lực cao để chống đỡ giàn mái ngói nặng ở phía trên.  Hiện tại muốn làm một ngôi nhà kiểu này thì phải tốn tiền tỉ chứ không phải là ít. Bên cạnh loại nhà sàn gỗ, hiện nay bà con Khmer còn làm loại nhà sàn cách điệu bằng vật liệu xi măng cốt thép. Loại nhà này cũng xây chân cột cao y như nhà sàn gỗ, sau đó đổ đà ngang dọc tùy theo kết cấu, rồi lót sàn, xây vách. Mái thường lợp tole màu, phối cùng với màu sơn tường trông rất đẹp. Kiểu nhà sàn xây giá thành ít tốn hơn nhiều so với nhà sàn gỗ, nhưng độ bền và an toàn thì không hề thua kém, nên hiện nay phần nhiều bà con rất chuộng.

Cũng xin nói thêm rằng, việc xây dựng ngôi nhà sàn xưa kia là rất quan trọng đối với bà con Khmer. Về không gian định cư, thường là ven sông rạch hoặc gắn liền với núi rừng, cho nên ngôi nhà sàn cao chân sẽ tránh được nước ngập hoặc bị thú dữ, rắn rết tấn công. Bên cạnh đó, không gian trên dùng để thờ tự, sinh hoạt ngủ nghỉ, cất lúa gạo, không gian bên dưới tận dụng để nông cụ, cũng có khi làm nơi trú ngụ cho những con vật nuôi như heo gà…Ngày nay thì không như vậy nữa, bên dưới sàn được bà con tận dụng xây cất thành các phòng ở nếu nhà đông người, hoặc làm kho chứa đồ đạc. Còn các con vật nuôi thì có chuồng trại riêng hẳn hoi.

Cũng như người Việt, người Khmer cũng quan niệm có an cư thì mới lạc nghiệp. Mà muốn ở yên ổn thì phải không làm kinh động đến thánh thần ma quỷ xung quanh. Và điều này được đã trở thành một tục lệ truyền đời. Trước khi chọn đất cất nhà, gia chủ phải mời vị Achar trong phum sóc lại và sắm lễ vật như cơm nước, gà luộc, trái cây, nhang nến, muối gạo, trầu cau… để làm lễ cúng gọi là “mua đất” của Neakta (Ông Tà) và bố thí cho ma quỷ ở xung quanh, coi như ra mắt vui vẻ, sau này không phá phách lẫn nhau. Sau khi người và thần đã thỏa thuận xong thì vị Achar cắm cọc xác định nền để cất nhà. Khu nền này trước khi làm nhà phải xới lên và chặt bỏ tất cả những rễ cây ăn vào. Vì người Khmer tin rằng nếu để rễ cây trong cuộc đất nền, ma quỷ sẽ đi theo vào nhà phá quấy. Các nhánh cây xung quanh nhà cũng phải chặt dọn cho trống, tuyệt đối không để cành nhánh cọ quẹt vào mái vách, vì vậy sẽ làm kinh động giấc ngủ của Neakta, sẽ bị thần quở phạt. Thực ra, nét tâm linh này cũng bắt nguồn từ thực tế, nếu để rễn cây trong nền sẽ bị mối ăn luồn theo vào nhà, hoặc lâu ngày rễ mục nền sẽ bị sụp lún. Cành nhánh cọ quẹt sẽ làm cầu nối cho rắn, sâu bọ vào nhà, nên bà con phải đề phòng trước là vậy. Ngoài nghi lễ cúng Thần Đất, vị Achar còn đến cúng cây đòn vông và cột cái của ngôi nhà chuẩn bị dựng. Đặc biệt là lễ cúng để thợ tiến hành dựng cột. Khâu này phải chuẩn bị thật kỹ, nếu cây cột bị xiêu vẹo ngã đổ thì đó là sự xui xẻo nghiêm trọng, việc xây cất phải đình lại. Nếu là nhà sàn, thì sau khi xây dựng cơ bản xong thì phải làm thêm hai nghi lễ nữa là lễ cúng đặt cầu thang và lễ dọn đồ vào nhà mới. Cầu thang là cầu nối giữa tầng dưới và tầng trên. Người Khmer tin dưới mặt đất có nhiều vị thần và ma quỷ luân chuyển. Nếu không thực hiện nghi lễ cúng cầu thang thì sẽ tạo cơ hội cho những vị quỷ thần vô hình kia leo lên nơi ở của con người, như vậy sẽ không tốt về lâu dài. Trước khi chính thức dọn đồ đạc vào nhà mới để ở, gia chủ phải mời Achar đến chọn ngày giờ, sau đó thực hiện nghi lễ cúng Đức Phật và Têvôđa. Lễ vật gồm slathor tượng trưng cho núi Tudi và 12 lá trầu chia làm bốn hướng đặt trong mâm. Sau khi cầu nguyện xong thì tất cả mọi người bưng thức ăn cúng, chăn màn, đồ đạc…đi theo Achar nhiễu Thần Phật ba vòng xung quanh nhà, xong mới tiến đến cầu thang xin lên nhà. Nơi cầu thang thường có một cụ bà đứng canh, tượng trưng cho Arak cai quản dòng họ, gia chủ xin phép, cụ đồng ý thì mới được lên. Trước khi người nhà bước lên cầu thang thì họ thả cho một con mèo lên trước. Vì chân mèo đi rất êm không bao giờ có tiếng động, sau này nhà cửa sẽ êm thắm dài lâu…chuột bọ không dám lên phá bồ lúa và các thứ nông sản khác.

Có thể nói, bà con Khmer quan niệm nhà cửa chỉ là nơi ở cho qua cõi tạm, ngôi chùa hoành tráng lộng lẫy mới là niềm hãnh diện của mọi người trong phum sóc. Chính vì vậy mà từ bao đời nay, người dân Khmer không có tính ganh đua, se sua, làm nhà to đẹp để chứng tỏ giàu có đối với xóm làng. Ngày nay, đi đến các làng Khmer Tây Ninh ta sẽ thấy có rất kiểu nhà khác nhau, tính chất truyền thống và hiện đại được kết hợp nhưng vẫn không làm nhạt phai bản sắc. Hương xưa vẫn lồng nồng nàn trong gió mới, rồi thổi qua bất tận thời gian của miền biên viễn phên dậu này.

Tin - ảnh: NNC – Đào Thái Sơn