TỪ LÀNG HÒA HIỆP ĐẾN DI TÍCH THÁP NÀNG RÀ

Huyện Tân Biên là huyện có diện tích tự nhiên lớn thứ nhì của tỉnh Tây Ninh, hiện tổng cộng có 10 xã thị trấn. Trong 10 đơn vị hành chính cấp xã này thì Hòa Hiệp là vùng đất có lịch sử lâu đời nhất. Trải qua bao dâu bể thăng trầm, qua bao lần chiến tranh tàn phá, qua bao chính cuộc đổi thay, Hòa Hiệp vẫn còn đó như một chứng nhân của thời khai hoang mở cõi với những trầm tích bể dâu.

Theo sách Địa chí Tây Ninh xuất bản năm 2006 cho biết “Từ năm 1945 về trước, Tân Biên là vùng đất phía bắc của huyện Châu Thành với những dãi rừng trùng điệp, dân cư thưa thớt…”. Đúng là như vậy, quan sát trên bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896 thì thấy phần đất phía bắc tỉnh rất trống, chỉ có một số phum sóc của bà con Khmer sinh sống, còn lại đa phần là rừng già. Và cũng xin nói thêm rằng khi huyện Tân Biên được thành lập thì Sóc Thiết và Hòa Hiệp là hai đơn vị hành chính riêng biệt. Về phần Hòa Hiệp, thì Từ điển Địa danh hành chính Nam Bộ của Nguyễn Đình Tư cho biết : “Thôn Hòa Hiệp thuộc tổng Hòa Ninh, huyện Tân Ninh, phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838). Trải qua triều Thiệu Trị, Tự Đức, đến đầu Pháp thuộc đặt thuộc hạt Thanh tra Tây Ninh, Từ 5-1-1876 gọi là làng thuộc hạt  Tham biện Tây Ninh. Từ 1930 thuộc quận Thái Bình. Từ 1942 đổi thuộc quận Châu Thành. Sau 1956 gọi là xã vẫn thuộc như cũ. Ngày 1-7-1958 đổi thuộc tổng Phước Hưng, quận Phước Ninh. Sau 30-4-1975 đổi thuộc huyện Dương Minh Châu cùng tỉnh. Ngày 13-5-1989 đổi thuộc huyện Tân Biên cùng tỉnh. Là tên xã hiện nay” (sđd, trang 416, NXB Chính trị Quốc gia 2008).

Ai đã từng quan sát và so sánh hai bản đồ Tây Ninh năm 1896 và 2016 (TL 1:70.000), đều sẽ thấy địa giới vùng Hòa Hiệp trong vòng 120 năm qua có sự thay đổi khá lớn. Nếu căn cứ vào bản đồ Hạt tham biện Tây Ninh 1896 thì Hòa Hiệp xưa chỉ là một làng nhỏ, phía trên giáp làng Tà Nốt, phía dưới giáp làng Tapang Prây. Cụ thể, vị trí của Hòa Hiệp xưa là phần đất nửa dưới của xã Tân Bình (Tân Biên) hiện nay. Còn Sóc Thiết lúc bấy giờ là xóm nằm giữa làng Tapang Prây và làng Hảo Đức (Hảo Đước), nhưng quyền quản lý thì thuộc về Hảo Đức. Và cũng xin nói thêm làng Tapang Prây năm 1958 đổi tên là xã Phước An. Xã Phước An sau năm 1975 thì cũng giải thể. Hòa Hiệp ngày nay thì rộng lớn hơn xưa rất nhiều. Hiện có diện tích tự nhiên là 91,85km2 gồm 4 ấp Hòa Bình, Hòa Lợi và Hòa Đông A,B. Cụ thể phía bắc giáp xã Tân Bình (Tân Biên), nam giáp Phước Vinh (Châu Thành), tây giáp Camphuchia, đông giáp các xã Thạnh Tây, Tân Phong, Mỏ Công (Tân Biên). Điều này có nghĩa là xã Hòa Hiệp hiện tại đã thay đổi địa giới khá nhiều như cắt phần đất phía bắc nhập vào xã Tân Bình, còn phần đất phía nam thì lại bao trùm cả Tapang Prây – Phước An trước đây và còn lấn qua thêm một phần của Hảo Đước xưa.

Nếu căn cứ vào năm thành lập, thì đến nay (2021) Hòa Hiệp đã định hình với tư cách đơn vị hành chính là đúng 183 năm. Nhưng kỳ thực vùng đất này đã có người sinh sống ít nhất là từ thời kỳ Hậu Óc Eo. Bằng chứng là cùng thời với tháp Chót Mạt ở xã Tân Phong, xã Hòa Hiệp cũng có tháp ở xóm Nàng Rà, một di chỉ mà các học giả của Trường Viễn Đông Bác Cổ không thấy nhắc đến, và lâu nay giới nghiên cứu ở Tây Ninh cũng đã vô tình bỏ quên !

 nagnf ra 3 nàng ra 1 
 nàng ra 2

Xóm Nàng Rà xa xưa thuộc làng Tapang Prây, nay là ấp Hòa Lợi của xã Hòa Hiệp, còn di tích tháp Nàng Rà thì nằm sát đường vành đai biên giới. Đến với di tích này, nếu lấy trung tâm thị trấn Tân Biên làm mốc, thì cơ bản có hai đường. Hướng thứ nhất, từ Thị trấn theo QL 22B đến ngã ba Cây Gòn chạy thẳng lên ngã tư xã Hòa Hiệp, sau đó rẽ trái chạy theo đường 788 (hướng Phước Vinh) chừng 2km rẽ phải vào xóm Cà Mau. Từ xóm này tiếp tục đi thẳng theo con đường nhỏ sẽ giáp đường vành đai biên giới. Từ đường vành đai biên giới này đi về hướng bến Năm Chỉ chừng 300m sẽ gặp di tích gò tháp nằm bên phải trong đám cao su của ông Hai Dũng. Đi đường này tuy hơi khó nhưng sẽ biết thực tế hơn về xóm Nàng Rà và hiểu thêm về con suối Nàng Rà đổ ra sông Cái Bắc. Hướng thứ hai dễ đi hơn rất nhiều, là từ ngã tư Hòa Hiệp chạy thẳng vào hướng bến Năm Chỉ, rồi rẽ trái theo đường vành đai biên giới chạy thêm chừng 2km cũng tới gò tháp.

Về di tích tháp Nàng Rà này, già làng Đôn Sóc Kha của Sóc Thiết cho biết, năm 1967 khi ông tham gia kháng chiến thì ngôi tháp hoang giữa rừng vẫn còn khá nguyên vẹn, khả năng tháp bị bom hủy sau đó không lâu! Cũng chính vì vậy mà năm 1971 nhà sưu khảo Huỳnh Minh lên Tây Ninh vẫn còn ghi nhận được di tích này như sau: “Bến Nàng Rà nằm gần biên giới Miên, cách Tây Ninh chừng 30 cây số đường đi Kompong Chàm, quốc lộ 22. Chỗ khoảng bến này, có một cái tháp của người Miên. Thời xa xưa, theo tục lệ Miên những ai muốn đến cúng chùa có vàng bạc gì đều đem bỏ trong cái tháp này tất cả, và đến đây đọc kinh cầu phước. Ngày nay, ngôi tháp vẫn còn. Trước kia, đường giao thông cũng khá thuận tiện, đồng bào mình thường đi ngang qua lối bến ấy. Có điều kinh dị mỗi khi đi đến cách tháp chừng 100m, bỗng nghe tiếng xì xào như có đông người đang nhóm chợ. Nhưng đến sát thì rất là yên lặng, trông ra sau trước, chung quanh chẳng thấy có bóng dáng khác lạ nào. Rồi đến khi trở về đứng xa trông vào chỗ tháp ấy, vẫn nghe rõ mồn một như có đông người tập hợp lại. Cảnh tượng kỳ quái ai chẳng hãi hùng? Dù người gan dạ đến mấy, trước hiện trạng oái oăm, lòng vẫn bắt bán tính bán nghi, chuyện ma trêu quỷ ghẹo. Chuyện lạ đồn rùm. Lâu ngày ai ai cũng nghe nói đến. Quả thật trong ngôi tháp ở Bến Nàng Rà có ma Miên hiển lộng chăng ? Phần đông dân chúng đều cho là hiện tượng ma Miên nhóm chợ tại bến ấy. Có lẽ các vong hồn yểu tử của quân Miên còn phưởng phất đâu đấy để giữ của nơi ngôi tháp. Hoặc giả, đó là oan hồn của những kẻ tham vàng tối mắt, bị hại vì số vàng bạc tích trữ nơi tháp, sinh ra chém giết nhau để cướp đoạt, hoá nên nỗi hồn ma bóng quế luống tiếc của, tiếc mạng mà thở than dài trong cơn gió rít, hoà tan trong không khí ai oán não nùng. Cho hay, nơi nào có vàng bạc chất chứa, nơi ấy hẳn cũng có đầy chuyện ma quái xảy ra. Một phần do bởi vàng bạc làm đen lòng người, xô nhau vào cảnh chém giết giành giựt, khiến nên oan hồn uổng tử khó siêu sinh, gây nên cảnh rùng lợn đấy thôi” (Tây Ninh Xưa và Nay – Huỳnh Minh, Bến Nàng Rà, trang 53-54, tác giả tự xuất bản - 1972).

Trên là nội dung ghi chép của Huỳnh Minh, tuy không cụ thể nhưng cũng rất đáng trân trọng, vì ngoài ông ra chưa thấy ai nghiên cứu gì thêm về ngôi tháp này ! Thực ra bến Nàng Rà mà Huỳnh Minh nhắc ở trên hiện nay bà con khu ấp Hòa Lợi gọi là Bến Tháp. Còn địa danh Nàng Rà thì gốc là tên tháp, sau đó dùng để gọi chung cho tên xóm và con suối chảy qua đây. Suối Nàng Rà là một nhánh suối nhỏ tách ra từ Suối Tre, chảy cắt qua đường 788 rồi đổ vào sông Cái Bắc. Còn xóm Nàng Rà nay chính là ấp Hòa Lợi của xã Hòa Hiệp. Nhưng Nàng Rà là ai mà người xưa xây tháp thờ? Thực ra, “Rà” không phải là tên riêng của nàng nào cả. Đây là một từ gốc tiếng Khmer cổ [ ឱរ៉ា - ô ra] theo ngôn ngữ thi ca là trái tim, [នាងឱរ៉ា - niêng ô ra] nghĩa là người phụ nữ nhân hậu. Từ “Niêng Ô Ra” được Việt hóa thành Nàng Rà chính là như vậy. Trong văn hóa Bà la môn, vị nữ thần được cho là hiền từ nhân hậu chính là nữ thần Uma. Bà là vợ của thần Shiva và cũng là đại diện cho nữ tính của thần. Ở vùng Nam Bộ trước đây tìm thấy khá nhiều tượng nữ thần Uma có niên đại Hậu Óc Eo – Tiền Angkor (TK VII – VIII). Có thể người Khmer xưa ở vùng này đã Khmer hóa Uma thành Niêng Ora để thực hành tín ngưỡng giai đoạn trước khi tiếp nhận văn hóa Phật giáo !?

Hiện tại di tích tháp Nàng Rà, chúng tôi điền dã ghi nhận được chỉ còn là một phế tích. Vị trí xác định nơi tháp xưa nay chỉ là một gò đất hình tròn, đường kính khoảng 10m, đỉnh gò cao hơn mặt bằng chung tầm 1m, trên gò có rất nhiều gạch bị bể vỡ. Cách gò tháp về hướng tây chừng 50m có một cái bàu nước hình chữ nhật diện tích tương đương 10m x 20m. Khảo sát gạch xây tháp này, chúng tôi thấy chủ yếu là loại gạch nung hơi non với kích cỡ (7cm x 18cm x 25cm), đây là loại gạch hoàn toàn giống với loại gạch ở tháp Chót Mạt (Tân Phong - Tân Biên) cách đó không xa, và rất có thể là hai tháp này cùng niên đại Hậu Óc Eo, khoảng từ thế kỷ thứ VIII sau Tây lịch. Một câu hỏi đặt ra là vương quốc Phù Nam đã bị Chân Lạp tiêu diệt từ năm 627, thì tại sao di chỉ Óc Eo muộn lại dày đặt ở Đông Nam Bộ? Theo nhà nghiên cứu Đặng Văn Thắng thì: “Khoảng thế kỷ thứ VI-VII, đã có những biến đổi lớn về xã hội và tự nhiên trong cộng đồng cư dân đang sinh sống ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thế kỷ VI, nhà nước Phù Nam suy yếu, cùng với sự xâm chiếm của Chân Lạp, ảnh hưởng của quá trình biển tiến…một bộ phận có lẽ chạy lên vùng Đông Nam Bộ ngày nay…” (Các tiểu quốc thuộc vương quốc Phù Nam ở Nam Bộ, trang 260 -261, NXB Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh 2016).

 Có một điều khó hiểu là hầu hết các tháp hiện còn ở Tây Ninh và các di chỉ phát lộ thì hầu hết hướng chính của kiến trúc đều là hướng Đông, nhưng đối với tháp Nàng Rà thì bàu nước trước gò tháp lại ở hướng Tây, vậy hướng chính của tháp cũng phải là hướng Tây. Bởi bàu nước luôn được đào ở trước hướng chính của tháp. Bên cạnh đó phía trước gò tháp lại là dòng sông Cái Bắc. Đây quả là điều thú vị bởi nó đi ngược với quy định vốn có loại văn hóa kiến trúc này. Trường hợp tháp Nàng Rà khá giống với Angkor Wat. Sở dĩ hướng chính của ngôi đền danh tiếng này là hướng Tây bởi vì đây là ngôi nhà của thần Wishnu. Theo Bà la môn giáo, tất cả các thần đều ngồi quay mặt về hướng Đông, chỉ có thần Wishnu là ngồi quay mặt về hướng Tây. Còn đối với tháp Nàng Rà, có lẽ do vị trí xây tháp nằm bên tả ngạn của dòng sông, nên người xưa đã bỏ qua tính quy định cố hữu để chọn hướng thuận tiện phù hợp hơn đó hướng của Thần Nước – nguồn nước. Mặt khác trên dòng Cái Bắc này xa xưa có nhiều bến (Kompong - កំពង់), nơi giao lưu qua lại của người dân hai miền biên giới, nên hướng chính của tháp quay ra hướng sông sẽ thuận tiện hơn cho mọi sinh hoạt !?

 Và cũng xin nói thêm, sau khi người Khmer tiếp nhận Phật giáo thì văn hóa Bà la môn không còn chiếm vị trí độc tôn nữa. Cho nên không có chuyện “tục lệ Miên những ai muốn đến cúng chùa có vàng bạc gì đều đem bỏ trong cái tháp này tất cả, và đến đây đọc kinh cầu phước” như Huỳnh Minh thuật ở phần trên. Thậm chí khi người Khmer tiếp nhận Phật giáo, thì ngôi chùa mới là trung tâm văn hóa của cộng đồng. Họ không còn quan tâm tới những ngôi tháp thờ thần của Bà la môn nữa, nên số phận của các ngôi tháp này dần trở nên hoang tàn đổ nát, không được trùng tu cũng là lẽ đó.

Có thể nói, Hòa Hiệp mà “đất tổ” của Tân Biên, nơi đây còn nhiều trầm tích của những nền văn hóa cổ xưa. Để nghiên cứu cội rễ của miền đất này cần phải có nhiều thời gian và công sức trong thời gian tới, nhất là phải nhờ vào sự chung tay của những nhà nghiên cứu nhiệt tâm. Có như thế mới bảo tồn được vốn văn hóa quý báu của miền đất phên dậu biên viễn này.

NNK - Đào Thái Sơn