Ăn trầu là một phong tục có từ lâu đời của nhiều dân tộc ở vùng Đông Nam Á, trong đó có dân tộc Khmer. Đối với người Khmer Tây Ninh, việc ăn trầu không chỉ là một thú vui hay thói quen thường nhật, mà còn là một biểu tượng mang triết lý cao đẹp trong nghi lễ hôn nhân từ bao đời nay. Chính vì vậy mà ở bất kỳ lễ cưới hỏi nào của bà con Khmer, dù nghèo dù giàu, bao giờ cũng có trầu cau xuất hiện. Và tục ăn trầu trong lễ hỏi là một nghi thức không thể thiếu cho đến tận ngày nay.

Người Khmer từ xa xưa vốn theo chế độ mẫu hệ, nên việc tổ chức cưới hỏi thường do bên nhà gái phụ trách là chính. Cũng như phần nhiều các dân tộc Á Đông khác, nghi lễ hôn nhân của bà con Khmer cũng được chia làm hai phần lễ chính là lễ hỏi và lễ cưới. Lễ cưới thường linh đình đông vui, nhưng lễ hỏi mới thực sự quan trọng hơn cả, bởi đầu có xuôi thì đuôi mới lọt, nếu lễ hỏi không thành thì lễ cưới tất sẽ thất bại. Chính vì vậy, việc ăn trầu lễ hỏi là bước khẳng định tình thông gia, làm cơ sở cho tương lai của đôi trẻ trẻ sau này.

unnamed

Ảnh minh họa

Lễ hỏi của người Khmer thường có ba bước. Bước thứ nhất, nhà trai chuẩn bị trầu cau, thuốc hút cho ông mai đem sang nhà gái. Sau khi được mời vào, đại diện nhà trai đem trầu cau ra mời nhà gái và bày tỏ ý định cho các bước tiếp theo. Bước thứ hai, nhà trai sang nhà gái cũng đem theo trầu cau thuốc hút và thêm một số lễ vật khác rồi cùng nhà gái ăn trầu bàn tính cho bước thứ ba. Bước thứ ba là bước quan trọng nhất trong lễ hỏi. Trong bước này, hai gia đình cùng nhau xem mạng tuổi cho đôi trẻ, sau đó là nhờ ông chủ lễ của làng xem ngày tháng tốt xấu… để tiến hành lễ cưới.

Tương ứng với ba bước của lễ hỏi, bà con Khmer thực hiện ba lần ăn trầu. Lần một là ăn trầu sơ giao; lần hai là ăn trầu đặt quan hệ thông gia; lần thứ ba là ăn trầu đính ước. Về ý nghĩa của ba lần ăn trầu này, người Khmer có câu chuyện nhằm giải thích cho phong tục như sau.

Chuyện kể rằng “ Ngày xưa ở hai phum nọ có hai người đàn ông tên là Sau và Sóc. Vì ở hai phum khác nhau nên chưa có dịp quen biết, qua lại với nhau. Vào một ngày nọ, cả hai cùng vào rừng đốn củi về chuẩn bị cho vợ nằm lửa vì vợ cả hai người sắp đến ngày sinh nở. Đốn củi đến để trưa, ống Sóc đi ra bìa rừng đến bờ suối rửa mặt rồi giở cơm ra ăn. Cùng lúc đó, ở bờ suối bên kia, ông Sau cũng lấy cơm ra ăn. Vậy là họ tình cờ mà gặp nhau lại cùng cảnh ngộ đi kiểm củi về cho vợ nầm lửa nên cả hai cùng làm quen với nhau. Ông Sau hỏi: Này anh bạn , anh đang làm gì ở bên bờ suối thế? Ông Sóc trả lời: Tui đang kiếm củi về cho vợ nằm lửa, thể còn anh vào rừng để làm gì mà ăn cơm muộn thể? Ông Sau thầm nghĩ: Thì ra anh ta cũng đi kiếm củi như mình về để về nằm lửa. Đây quả là một sự trùng hợp hiếm có! Vậy mình phải làm quen với anh ta mới được. Ông Sau hỏi: Vậy làm thế nào chúng ta qua được bờ suối này trò chuyện với nhau? Nhìn xung quanh một lúc, ông Sóc đáp: Kia, anh hãy đốn cái cây to kia cho nó ngã xuống làm cầu bắc qua dòng suối thì ta sẽ qua lại dễ dàng thôi mà! Ông Sau làm theo, một lúc sau cái cây ngã xuống nằm vắt ngang qua bờ suối làm thành chiếc cầu cho đội bạn mới quen nhau trò chuyện. Ông Sóc nói: Vợ chúng ta đều sắp sanh con, tôi có ý này, nếu vợ anh sanh con trai, vợ tôi sanh con gái thì chúng ta sẽ kết làm sui gia. Chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, ông Sau liền đồng ý. Thấy vậy, ông Sóc vui mừng, lấy từ trong khăn gói trầu cau quấn thắt lưng ra tiếp bạn, nói: Ở giữa khu rừng này không có vật gì quí giá tặng cho nhau làm tin, thôi thì có miếng trầu này mời anh ăn để chứng giám lời hứa của chúng ta. Ông Sau liền vui vẻ tiếp nhận. Mười lăm ngày sau, vợ ông Sóc sinh ra con trai còn vợ của người bạn Sau sinh con gái. Vào một ngày nọ, ông Sóc kể lại chuyện mình vào rừng đốn củi và gặp ông Sau và hai người hứa gả con cho nhau. Ông Sóc nói: Bây giờ con trai mình đã cứng cáp, tui định đi thăm ông Sau nhắc lại chuyện ăn trầu hôm nào, bà thấy sao? Nghe chồng kể lại sự việc, vợ ông Sóc cũng vui vẻ ưng thuận. Và dặn dò chồng: Ông hãy mang theo rượu, thịt, bánh trái để cúng tổ tiên, sau nữa là ăn trầu đính ước luôn cho tiện. Quả nhiên như lời hứa, họ gặp nhau ở nhà ông Sau và ăn trầu lần nữa và trở thành thông gia” . ( Lược dẫn theo Lễ hội truyền thống của người Khmer Nam Bộ của Tiền Văn Triệu – Lâm Quang Vinh, trang 348- 350).

Qua câu chuyện này, gợi ra cho chúng ta nhiều bài học về đạo lý trong cuộc sống của bà con Khmer xưa. Hôn nhân chính là chiếc cầu kết nối giữa người và người, giữa gia đình dòng họ với gia đình dòng họ, giữa xóm làng với xóm làng lại với nhau. Hôn nhân là nền tảng để phát huy sức mạnh của tình yêu và tình đoàn kết. Hôn nhân cũng là niềm tin, chữ tín, sự tôn trọng giữa người và người trong cuộc sống. Trầu cau không chỉ là lễ vật, mà còn là biểu tượng tượng trưng cho sự son sắt, thủy chung, vẹn tình trọn nghĩa. Trầu cau còn mang tính triết lý của sự hòa hợp Âm – Dương và sự chuyển hóa tốt đẹp trong cuộc sống. Trầu cay, cau chát, vôi nồng đó là những bước đầu gian nan thử thách mà đôi lứa phải trải qua. Hương thơm, sự thắm đượm chính là phần thưởng xứng đáng cũng như thành quả của cuộc sống. Ba lần hai họ ăn trầu cũng là ba lần thử thách để rồi thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ để con cái hai bên nên gia thất. Số ba cũng là con số lẻ, mà lẻ là sinh, có sinh thì mới có phát triển lâu dài bền vững được.

Ngày nay, dù người biết ăn trầu ngày một ít đi. Nhưng trầu cau vẫn không thể vắng mặt trong nhiều nghi lễ truyền thống. Đặc biệt trầu cau vẫn mãi là một biểu tượng đẹp trong tình yêu, hôn nhân và cuộc sống.

Nhà nghiên cứu Văn hóa: Đào Thái Sơn

Dẫn nguồn: Báo Tây Ninh, ngày 03/4/2021