Hòa trong dòng chảy văn hóa Khmer Nam Bộ, người dân Khmer Tây Ninh nói chung và Kà Ốt nói riêng có tục thờ NeakTa từ rất lâu đời. Đó là sản phẩm của tư duy nông nghiệp, sự phối kết giữa tục thờ đá của cư dân Đông Nam Á cổ xưa và một phần ảnh hưởng của văn hóa Bà la môn của Ấn Độ từ vài ngàn năm trước. Trong tâm thức người Khmer ở đây, NeakTa ( ông Tà) là một vị thần bảo hộ cho mọi mặt của đời sống. Nếu như Tà Sông, Tà Suối, Tà Rừng, Tà Ruộng, Tà Chùa, Tà Cây Đa….là những vị Tà cai quản một khía cạnh nào đó trong đời sống tâm linh, thì NeakTa Srốk là vị Tà thần đứng đầu cai quản tất cả mọi thứ từ việc bình yên của một khu vực của nhiều làng rộng lớn cho đến công việc của mùa màng đồng ruộng. Vị Tà thần này thường được bà con thực hiện nghi lễ cúng rất trang trọng hàng năm vào thượng tuần tháng tư dương lịch tức là chuẩn bị vào đầu mùa vụ mới, trước Chol Chnam Thmay chừng mười ngày. Ấp Kà Ốt hiện này có hai ngôi miếu Tà, một trong khuôn viên chùa Kira Sattray Meanchey gọi là NeakTa Wat ( Tà Chùa) và một ở sau ấp, gần mé ruộng gọi là NeakTa Srốk ( Tà khu vực nhiều xóm làng). Hằng năm bà con thường thực hiện nghi thức cúng Tà vào trước tết Chol chnam thmay.

FB IMG 1617604659229

Chùa Kà Ốt

Trước đây, miếu Tà của Kà Ốt chỉ là ngôi miếu nhỏ bằng gỗ tạm bợ, vài năm trở lại dây, ngôi miếu được xây lại khá đẹp và vững chắc. Miếu vừa là nơi để Tà trú ngụ, mà cũng vừa là nơi dùng để nghỉ ngơi của bà con khi đi làm đồng. Trong miếu thờ không có gì ngoài mấy viên đá. Viên đá to lán tượng trưng cho Tà thần, còn các viên đá nhỏ tượng trưng cho ma quỷ được Tà thu phục về giúp việc. Trong tâm thức của người Khmer ở đây, đá là dạng vật chất tinh khiết, cứng rắn tượng trưng cho sức mạnh của siêu nhiên, che chở, hộ trì cho đời sống bà con. Chính vì vậy mà mọi người quan niệm là ông Tà thường đi về vào ban đêm trong cục đá, khi Tà hiển linh thì mắt đá phát sáng. Tà không những là thần bảo hộ mà còn là trọng tài phán xử mọi chuyện gút mắc, oan ức của bà con…Xung quanh ông Tà có rất nhiều câu chuyện mang màu sắc huyền bí linh thiêng được bà con lưu giữ trong ký ức truyền đời.

Thông thường lễ cúng NeakTa Srốk được thực hiện vào cuối năm theo lịch Khmer, tức là đầu mùa mưa. Vào thời điểm này, vị Achar của làng sẽ chọn một ngày lành, sau khi thống nhất với Già làng sẽ được thông báo rộng rãi với mọi người về ngày giờ cúng. Năm nay, tại Kà Ốt, sáng sớm ngày 6 tháng 4 mọi người bắt đầu vào khu miếu để dọn dẹp cỏ rác, quét dọn trong ngoài miếu cho sạch sẽ. Sau đó vị Achar sẽ cử người khéo tay lấy gỗ gòn tiện một cặp trâu, một con voi, lấy tàu chuối làm một cây súng, lấy tre làm một cái kiệu nhỏ, sau cùng là làm một cái rào vuông bằng trúc, tương ứng với bốn góc rào là bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc xung quanh ngôi miếu. Phía trên mỗi cây cọc trụ rào, người ta để ngửa một đoạn bẹ chuối ngắn chừng 20cm vừa đủ để trái chuối, ít xôi và cắm cây nhang, gọi là cúng bốn phương... Tất cả những thứ đó được chuẩn bị nhằm phục vụ cho nghi lễ cúng vào buổi chiều. Cúng NeakTa Srốk là nghi lễ cúng tập thể của mọi nhà, chứ không phải cúng theo hình thức đại diện của phum sóc. Cho nên cơ bản mỗi nhà phải chuẩn bị vật phẩm cúng bao gồm một dĩa xôi đậu, một nải chuối tượng trưng cho kết quả trồng trọt, con gà luộc tượng trưng cho kết quả chăn nuôi, rượu tượng trưng cho phần tinh túy nhất của lúa gạo, cái trứng tượng trưng âm dương, nguồn sinh lực của vũ trụ tái tạo mầm sống cho vạn vật…cùng với các đồ lễ như nhang, đèn cầy, trầu cau...Tất cả đều mang trong mình những triết lý hết sức bay bổng mà con người muốn dâng lên đấng thần linh của mình… Khi đến giờ thì mọi người tập trung đem đồ vào miếu để cúng và thành khẩn khấn Tà phù hộ cho nhà cửa con cái được mạnh khỏe bình an, mọi chuyện làm ăn được suôn sẻ tốt lành.

Sau khi mọi nhà dâng vật phẩm cúng đầy đủ thì nghi thức chính mới bắt đầu. Tất cả mọi người đều tập trung ngồi trước miếu, vị Achar sẽ đại diện ấp báo cáo lên Tà mọi công việc làm ăn của một năm qua và cầu xin Tà gia hộ cho năm mới, mùa vụ mới được mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu, vật nuôi đầy chuồng... Khi vị Achar khấn xong thì, người ta mới chia một ít xôi, trứng, bánh kẹo, rượu và gỏi chuối cây vào một cái khay nhỏ để cúng cho ma quỷ cùng ăn. Họ sắp cặp trâu cày cạnh con voi chiến và cây súng bên cạnh cái kiệu tre và cầu nguyện Tà sẽ phù hộ cho bò trâu luôn mạnh khỏe xuống đồng cày cấy cùng bà con, voi chiến và vũ khí là những thứ không thể thiếu dùng để bảo vệ biên cương Tổ quốc được thanh bình. Sau đó mọi người đặt tất cả mọi thứ vào cái kiệu và khiêng ra bỏ ngoài bờ kinh nước. Với hàm ý tống khứ đi mọi mọi thứ xui xẻo của năm cũ để bước vào mùa vụ mới đầy may mắn và sung túc…

Khi kết thúc phần nghi lễ, mọi người bắt đầu cùng nhau ăn uống vui vẻ. Theo tục lệ của người Khmer, trước khi cúng Tà thì phải ăn trước mỗi thứ một chút để Tà tin tưởng là thức ăn không có độc, và sau khi cúng thì mọi người phải ăn uống cho hết mọi thứ ở ngoài khu miếu, không được đem bất kỳ thứ gì về nhà. Chính vì vậy mỗi dịp cúng Tà cũng là dịp để bà con tụ họp sinh hoạt đông vui, đoàn kết cộng đồng, chia sẻ tâm sự mọi chuyện của năm cũ. Theo lời của Già làng Nách Chan thì xưa kia mỗi lần cúng Tà thì Kà Ốt phối hợp với Tầm Phô và cả những làng Khmer bên kia biên giới cùng nhau cúng. Lễ cúng kéo dài ba ngày ba đêm rất trọng hậu linh đình. Mọi người cùng nhau ăn uống, múa hát như tết vậy. Nhưng sau này thì đơn giản lại, tiết kiệm mọi thứ để cho phù hợp với điều kiện sống cũng như nếp văn hóa xóm làng.

Có thể nói nghi thức cúng NeakTa Srốk của bà con Khmer Kà Ốt là một nghi lễ văn hóa tâm linh mang tính cộng đồng. Nghi lễ này song hành với nền văn minh lúa nước của cư dân Đông Nam Á từ ngàn đời. Nó là sự mong cầu ước vọng được sự bình yên và no ấm. Cách mà người dân tiến hành nghi lễ này hàng năm không phải dành riêng cho giới chức sắc đảm nhiệm vấn đề tín ngưỡng, mà là sự chung tay đoàn kết của mọi người. Đến với lễ cúng Tà của bà con, ta thấy hoàn toàn không có sự phân biệt nào cả, mà tất cả nam phụ lão ấu đều có mặt. Chính vì vậy mà nghi lễ cúng Tà còn mang ý thức giáo dục rất cao cho thế hệ trẻ. Đó là sự biết ơn từ ông bà tổ tiên, những chiến sỹ trận vong xây dựng quê hương, bảo vệ cương thổ đến các con vật phải chịu biết bao cực nhọc quanh năm chỉ vì phục vụ cho cuộc sống cơm áo của con người. Đó là sự gắn kết cộng đồng, tương trợ lẫn nhau và kế thừa những giá trị văn hóa nhân văn, cũng là truyền thống tốt đẹp của một dân tộc…

Có thể nói, ngày nay rất nhiều nghi lễ cổ xưa của bà con dân tộc Khmer đã bị thất truyền và mai một vì nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng  văn hóa là cái gì còn lại sau khi tất cả đã qua đi. Nghi thức cúng NeakTa Srốk tồn tại đến ngày nay được coi là một phong tục đẹp, phù hợp với nếp sinh hoạt đời sống cũng như văn hóa tâm linh. Nó không những là sự kết tinh của những giá trị truyền thống mà còn là bệ đỡ tinh thần vững chắc cho thế hệ trẻ bước vào tương lai tươi sáng. Vì vậy chúng ta cần phải biết trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị của nghi lễ tốt đẹp này.

Tin & ảnh: Nhà nghiên cứu Văn hóa - Đào Thái Sơn