BÀ ĐEN - TỪ TÊN NÚI ĐẾN TÊN THẦN
 
Trong những năm gần đây, có rất nhiều nhà nghiên cứu quan tân tâm đến văn hóa Tây Ninh, trong đó có núi Bà Đen. Vấn đề đặt ra có hai khía cạnh là tên núi và tên thần có đồng nhất hay không? Vì lâu nay chưa thấy tài liệu nào phân biệt giải thích một cách rõ ràng. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi xin mạn phép trình bày vài ý như sau.
Vấn đề tên núi Bà Đen, có khá nhiều tài liệu ghi chép, về mặt văn tự tuy có chỗ còn chưa thống nhất, nhưng độ lệch không cao. Có thể dẫn ra vài tài liệu tiêu biểu như sau. Theo sách Hoàng Việt thống nhất dư địa chí của Lê Quang Định thì gọi núi này là Mụ Đen, cụ thể : “ …Lại đi 520 tầm đến Thủ sở đạo Quang Hóa; lệ đặt ở đây một thuyền tinh binh và ba đội thuộc binh, có đồn Lộ Cô thu thuế đầu nguồn. Lại đi 5300 tầm đến rạch Khe Răng. Từ cửa rạch này mà đi 13200 tầm đến Thủ sở đạo Thuận Thành; lệ đặt ở thủ này một đội thuộc binh. Từ đó cho đến cuối là giáp với suối Vàng Chanh ở Mụ Đen. 19740 tầm thì đến Thủ sở đạo Quang Phong…” (sđd, trang 123-124, NXN Thế giới 2021; Phan Đăng dịch). Trong đoạn này, có lẽ Phan Đăng dịch chưa thật sát nghĩa, vì không có địa danh “suối Vàng Chanh” mà chỉ có “suối Vàng / suối Vàng Cạn” mà thôi. Còn “chanh” là một âm khác của “Chơn/ Chiêng” trong “ Chơn Bà Đen / Đinh/ Đênh”.
nuibaden
 
Theo Gia Định thành thông chí thì Trịnh Hoài Đức gọi là Bà Đinh: “Bà Đinh Sơn (núi Bà Đinh) (Bà Đen – Điện Bà). Cả trấn đều kính ngưỡng, ở cách trấn về phía tây 261 dặm rưỡi. Núi này đất đá lởm chởm cao, cây cối xanh tốt, có suối nước ngọt, đất đai màu mỡ, trên có chùa Vân Sơn, dưới có chằm hồ, cảnh trí thực là u nhã, rừng rú, hang hố sâu thẳm, có thôn xóm của người Thổ và người Việt ở la liệt, nhân dân đều nhờ món lợi của núi rừng. Ở đây, người ta thường đào được các vật xưa bằng vàng ngọc, tương truyền có khi trông thấy cả chiêng vàng ở trong hồ, cũng giống như việc cái khánh nổi ở bến sông Tứ hay chuông tìm được ở sông Trường Giang vậy, nhưng đến gần thì biến mất. Có đêm trời quang mây tạnh lại thấy có thuyền rồng bềnh bồng, hát múa du dương, hoặc có khi thấy con rùa vàng lớn hơn 1 trượng, ẩn hiện bất thường, là do linh khí tụ lại, chứ không phải việc quái đản” (sđd, trang 41, NXB Tổng hợp Đồng Nai 2006; Lý Việt Dũng dịch và chú giải, TS Huỳnh Văn Tới hiệu đính và giới thiệu). Cũng ở trang này, phần chú thích (1) có ghi: “Núi Bà Đinh tức núi Bà Đen cũng gọi là Chơn Bà Đen hay Chiêng Bà Đen. Di cảo của Trương Vĩnh Ký gọi theo tên cũ của Khơ Me là Phnom Cơn Bà Đèn. Người dân địa phương cũng như khách hành hương đều thành kính gọi kiêng húy là núi Bà Thâm”. Sau Gia Định thành thông chí, sách Đại Nam nhất thống chí có chép thêm “ Núi Linh Sơn: …Núi này có một tên nữa, gọi là núi Điện Bà. Năm Tự Đức thứ ba (1850), đổi tên là Linh Sơn, có ghi vào Tự điển” (sđd, trang 1675, tập 2, NXB Lao động – Trung tâm văn hóa Đông Tây 2012, Hoàng Văn Lâu dịch).
Trên là cách ghi tên núi của các bộ sách dư địa chí, lịch sử xưa và phổ biến nhất. Về mặt từ điển thì Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của có chép: “Núi Chiêng Bà Đen. Tên núi ở phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định, trên có chùa thờ bà thần tên là Đen” (sđd, trang 19, Q1 – 1895). Ở mục từ này Huỳnh Tịnh Của đã đồng nhất “Đen” trong tên núi và chữ “Đen” trong tên thần là một. Trong sách Tự vị tiếng nói Miền Nam của học giả Vương Hồng Sển cũng có ghi: “Bà Đinh Sơn: đd, tên Hán của núi Bà Đinh (PCGBCTTVK). (Chữ “đinh” viết thay chữ “đen”. Đúng ra là núi Bà Đen, ở Tây Ninh, Cơ Me gọi là Pnom Yeay Khmau (Khmau là đen). Vì có công nên vua Gia Long phong “ Linh Sơn Thánh Mẫu” ( sđd, trang 52, NXB Trẻ Thành phố HCM 1999).
Và cũng trong sách này, ở trang 447, mục từ “ Núi Bà Đinh” cụ Vương Hồng Sển ghi chi tiết hơn: “Núi Bà Đinh: đd., núi Bà Đen, Linh Sơn Thánh Mẫu ở Tây Ninh, c.g. Chiêng Bà Đen (PCGBCTVK). (Viết bà đinh mà đọc Bà Đen, theo tôi, vì e hiểu lầm và đổi ra Hán Tự thành Hắc Sơn. Người Cơ me gọi bà này là “yéay khmau” (yéay: mụ, lão bà; khmau: đen. Tỷ dụ: Tưk khmau: Cà Mau: xứ nước thâm đen). Tương truyền bà là một nữ thần gốc người Thổ (Chàm hay Miên) vì có công trợ giúp chúa Nguyễn buổi mông trần, nên khi tức vị rồi thì phong bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, và vì chữ “linh” và chữ “vân” gần giống nhau, nhứt là tôi ghi (sic) bản gỗ bên Trung Quốc khắc đem về, đã lầm lạc rồi, nên ông Aubaret và ông Nguyễn Tạo đều dịch “Vân Sơn” (GĐTTC, tập 1, tr.37, chùa Vân Sơn)…( xin không chép đoạn Pháp văn vào đây – ĐTS)…Núi Bà Đinh: đd. Th. Tây Ninh; Bà Đinh Sơn (PCGBCTVK). Cũng gọi là Chơn Bà Đen hay Chiêng Bà Đen. Aubaret v. Ba Din. Cơ Me: Phnom con bà đèn (di cảo TVK tr. Le Cisbassac). Chiêng do choeung, choeung phnom là chưn núi, vì kiêng không ở trên núi, chỉ ở dưới chân núi. Bà Đinh, không nói Bà Đen, vì sợ dịch “đen” ra “hắc”. Đỉnh chót núi, Cơ Me gọi là kompul choeung. Miên gọi Phật Bà Tây Ninh là “yeay khmau”. Gia Long phong bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”, Nguyễn Tạo đọc lầm “Linh” ra “Vân” và dịch Vân Sơn là không đúng. Chữ “Chiêng” thường thấy trong địa danh Miên. “Chiêng” cũng viết và là biến thể chữ “Châng”. Châng kran: fourneau, foyer portative, đúng là “chưn cà ràng”. Cà ràng là lò miên làm bằng đất nung để chụm củi, ngày xưa bày bán ở Cái Răng, gần Cần Thơ, rồi thành địa danh luôn. Cái Răng là kran, chớ không phải “chợ của chú cai tên Răng?” (trang 447 - 448).
Qua đoạn văn trên của cụ Sển, chúng tôi xin mạo muội xin nói thêm rằng người Khmer không gọi “đỉnh chót núi” là “kompul choeng”. Bởi vì [kompul – កំពូល] nghĩa là “đỉnh” còn [chơn - ជើង] nghĩa là “chân”, hai từ này ghép lại không bao giờ có nghĩa là “đỉnh chót núi” như trên đã nêu cả. Bên cạnh đó âm “châng” trong danh từ [châng kran - ចង្ក្រាន] cũng hoàn toàn khác với [chơn / chân - ជើង].
Trở lại vấn đề tên núi, ta thấy núi Bà Đen (hiện nay) đã từng có nhiều tên gọi khác nhau như đã ghi nhận ở trên. Bên cạnh đó là những tên gọi khác trong dân gian nay ít dùng như núi Một, Phnom keo ondek, núi Chiêng...Có thể nói, tùy theo giai đoạn và tâm lý của bộ phận cư dân mà họ chọn cách gọi tên núi sao cho phù hợp. Nhưng độ bền vững nhất cho đến nay vẫn là tên núi Bà Đen. Vậy Bà Đen ở đây (ở khía cạnh tên núi) có nghĩa là gì ? Xin trở lại ở chỗ Trương Vĩnh Ký được các học giả tiền bối dẫn vào “theo tên cũ của Khơ Me là Phnom Cơn Bà Đèn”(Phnom chơn Bà Đen). Thực ra người Khmer không ai gọi là “Phnom chơn Bà Đen” cả. Vì cách gọi “nửa nạc nửa mỡ” này người Khmer bản địa xưa không dùng, mà cái họ vẫn còn gọi một cách thường xuyên từ bao đời nay là [Phnom Chơn Mê đeng - ភ្នំជើងមេដែង]. Trong đó, [Phnom ភ្នំ ] là núi; [chơn - ជើង] là chân; [Mê đeng -មេដែង] là nhóm người phụ nữ. Vậy “Phnom Chơn Mê đeng” là núi có (dấu) chân của nhóm người phụ nữ. Nhưng trong quá trình Việt hóa, từ “Mê đeng” lại được dịch thành Bà Đen, trong đó yếu tố “Mê” được chuyển thành “Bà” và yếu tố “đeng” (vốn không có nghĩa độc lập) được giữ khá nguyên vẹn thành “Đen”, về sau nhiều người cho đó là tên riêng của “Bà” rồi đọc thành “Đen / Đênh/ Đinh” như thường thấy ở nhiều tài liệu hữu quan.
Và cũng xin nói thêm rằng sở dĩ người Khmer bản địa xưa gọi núi là “Phnom Chơn Mê đeng” là có liên quan mật thiết với truyền thuyết thi đắp núi của hai phe nam và nữ, phe nào thua thì phải đi cưới bên kia. Truyền thuyết này vẫn còn được bà con Khmer nằm lòng: “Chuyện kể rằng xưa có một vị Nữ Vương nối nghiệp cha cầm quyền thiên hạ. Nữ Vương xinh đẹp tuyệt trần, khắp cả nước không nơi nào sánh kịp. Nàng tên là Srey Actya, lên ngôi báu năm vừa hai mươi tuổi. Lúc ấy, oai thế Nữ Vương vang dậy khắp nơi. Đáng lẽ Actya sung sướng với địa vị mình lắm, nhưng trái lại nàng có một điều thắc mắc khó giải quyết được dễ dàng. Ấy là vấn đề hôn nhân của nàng. Theo tục lệ người con trai phải đi dạm hỏi và xin cưới cố gái, vì trước uy lực của nhà vua nên không ai dám ngỏ ý cầu hôn…Actya chờ lâu quá không thấy người nào đến hỏi, bèn tự ý quyết định tìm một người chồng. Sau một thời gian lựa chọn, nàng cưới một chàng trai trẻ trong dân gian và sống êm đềm đến mãn đời…Hành động đột ngột của Srey Actya thành một tục lệ trong thời ấy. Phụ nữ phải đi cưới chồng như người đàn ông đã cưới với ngày trước. Sauk hi nữ vương Actya băng hà, đại đa sô phụ nữ không bằng long giữ thủ tục trái ngược ấy. Họ hội nhau lại bàn cãi và đề cử một bà lanh lợi nhất đứng lê hô hào: “ Vì tôn kính Đức Vua nên chúng ta đã vâng theo tục lệ Ngài ban bố mấy mươi năm nay. Bây giờ Nữ-vương đã về Trời chủng ta xét rằng việc làm ấy không thuận theo định luật của Hóa Công, nên phải tìm cách hủy bỏ nó. Không có gì nhục nhã cho phái phụ nữ chúng ta là phải đi cưới đàn ông, và cung phụng đám người lưng lớn và làm biếng. Chúng ta nhất định phản đối đến cùng. Chị em có bằng lòng không ?”. Tất cả đàn bà, con gái có một điều giơ tay hưởng ứng. Bà ấy tiếp: “Tôi đưa ra một kế hoạch, chúng ta đố bọn đàn ông thi tài với chúng ta bằng cách đua nhau đắp hai hòn núi trong một đêm. Chúng ta gọi người của phái yếu, còn bọn họ gọi hết người của phái mạnh, bắt đầu từ mặt trời lặn cho đến lúc sao mai mọc thì tính ăn thua. Nếu chúng ta đắp núi cao hơn họ thì kể từ đây về sau bọn đàn ông phải cưới hỏi chúng ta. Trái lại, nếu họ đắp núi cao hơn ta thì ta phải cưới họ như cũ. Ngoài ra kế này có chị em nào biết cách khác xin cứ trình bày để chúng ta lựa chọn. Không người nào nghĩ ra mưu gì hay hơn liền chấp thuận chước ấy. Lập tức phái yếu cử người đến thách bọn đàn ông. Phái mạnh không chịu thua, bằng lòng thi tài ngay buổi chiều hôm sau. Hai bên qui tụ nhân viên đầy đủ rồi, chờ mặt trời lặn thì bắt đầu đắp núi. Mọi người hăng hái gánh đất, khiêng đá, hì hục trong đêm tối không trăng sao. Đến nửa đêm, hai bên đã đắp được hai ngọn đồi. Bên phe đàn bà có người nghĩ ra một chước nhiệm mầu, bí mật chặt một cây tre thật cao, tước bỏ nhánh lá, đem trồng cách đó một khoảng xa. Trên ngọn tre, người ấy treo một ngọn đèn, rồi lẳng lặng trở về gánh đất như cũ. Bọn đàn ông đang chăm chỉ làm việc bỗng thấy ánh sáng leo lét đàng xa tưởng rằng Sao Mai đã mọc bèn gọi nhau về ngủ chờ sáng sớm sẽ ra đo núi mình với núi của phe đàn bà. Phải yếu thấy mình đắc kế, hăng hái làm việc bằng hai. Gà gáy sáng, bọn đàn ông thức dậy thấy Sao Mai mọc nữa ! Họ lấy làm lạ không hiểu tại sao trong một đêm mà vì tinh tú ấy mọc đến hai lần, bèn chạy ra xem. Khi thấy ngọn núi của họ thấp hơn núi của phe đàn bà và cây đèn treo lủng lẳng trên ngọn tre, họ mới bật ngửa ra mắng thầm mình là đồ ngu và làm biếng. Phe đàn bà gạt được đối phương, cố ý để cây đèn cho bọn đàn ông biết sự khờ dại của mình vừa cười vào mũi họ. Thua cuộc, đàn ông phải vâng theo đề nghị của phái yếu bãi bỏ tục lệ chờ đàn bà đến cưới mình. Từ đó đến bây giờ đàn ông Khmer phải đi hỏi cưới đàn bà mới được vợ. Hai ngọn đồi nhân tạo ấy vẫn còn ở làng Anpin, quận Brey Chor, tỉnh Kompong Cham. Ngọn đồi cao tên là Phnom Srey nghĩa là núi đàn bà, ngọn đồi thấp tên Phnom Prok nghĩa là núi đàn ông. (theo Truyện cổ Cao Miên của Lê Hương, trang 116-119, tập 1, Khai Trí 1969). Từ câu chuyện này, về sau trở thành một mô típ. Người Khmer Tây Ninh có chuyện Núi Bà – Núi Cậu cũng cùng mô típ này.
Bên cạnh tên núi là “Phnom chơn Bà Đen”, thì tên nữ thần được thờ trên núi cũng gọi là “Bà Đen”. Nhưng “Bà Đen” tên thần là được dịch thẳng từ [Yeay Khmau - យាយខ្មៅ], trong đó [ Yeay - យាយ - Bà], [Khmau - ខ្មៅ - Đen ( màu sắc)], đúng như Vương Hồng Sển đã ghi nhận. Đối với tên nữ thần này người Khmer còn có cách gọi khác mang tính nhẹ nhàng hơn là [Đôn mao - ដូនម៉ៅ] hoặc [Niêng Khmau - នាងខ្មៅ]. Vậy [Yeay Khmau – Đôn Mao – Bà Đen] là ai ?
Trong sách Người Việt gốc Miên - 1969 của Lê Hương, ở trang 36, có chép: “Néang Khmau, gọi là Bà Đen, vốn là nữ thần Kali là một vị nữ thần coi sóc một vùng và được sung bái như Ông Tà. Người Việt quen gọi là Bà Chao”. Cùng với quan điểm cho rằng Bà Đen có nguồn gốc từ nữ thần Kali, sách Đình Nam Bộ xưa & nay của hai tác giả Huỳnh Ngọc Trảng – Trương Ngọc Tường có chép: “Linh Sơn Thánh Mẫu là nữ thần núi Bà Đen (Tây Ninh). Đây là một dạng tín ngưỡng có nguồn gốc đa tạp: Dây Khamau (Bà Đen) của người Khmer (một biến dạng của nữ thần Kali/ Bà la môn giáo)…” (sđd, trang 137, NXB Văn hóa –Văn nghệ - 2018).
Về cá nhân chúng tôi xét thấy nếu cho rằng Bà Đen (Yeay Khmau) có nguồn gốc từ nữ thần Kali là chưa thật hợp lý! Trong Từ điển tôn giáo của Marguerite – Marie Thiollier có chép cụ thể về nữ thần Kali như sau: “Trong Ấn Độ giáo, “Mẹ” (nữ thần đen). Ngài là Devi, sức mạnh của sự sống, nữ thần Phồn thực lớn, đồng thời là nữ thần chết và Hủy diệt; ngài cũng là Durga , người sánh đôi với Shiva. Có nguồn gốc bí hiểm từ trong những sự thờ cúng rất cổ không phải của người aryen, ngài được biểu hiện dưới một vẻ quái đản với làn da đen, mắt đầy máu đỏ ngầu, lưỡi lè ra, răng nhọn hoắt, lòng bàn tay đỏ hoét, vai chảy máu, mang một chiếc vòng xâu những hộp sọ, với những thi hài móc trên tại, những vòng hoa đầy rắn chung quanh hai cánh tay và nhảy múa trên một thi hài. Ngài tượng trưng cho tất cả những đau khổ của con người. Đền thờ ngài nổi tiếng nhất là đền thờ Kalighat (Calcutta, thành phố Kali). Ngài được rất nhiều người sùng kính, họ hiến cho ngài những con dê bị chặt đầu bằng một nhát kiếm, chủ yếu là vào những ngày lễ lớn Kali- Puja, hay Durga-Puja, diễn ra trong những ngày u ám tháng mười một. Ngài cũng có những phép thần bí lớn, như Ramakrishna” (sđd, trang 356, NXB Khoa học xã hội - 2001, Lê Diên dịch). Rõ là Yeay Khmau – Bà Đen trong văn hóa Khmer không có nét chức năng nào giống nữ thần Kali cả, ngoài yếu tố “Đen” !
Theo chúng tôi Yeay Khmau – Bà Đen có nguồn gốc từ Tara thì hợp lý hơn. Và gần đây vào năm 2020, tại Lễ kỷ niệm 20 năm Hội KHLS Đồng Tháp, chúng tôi có buổi trao đổi lại với nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường về nguồn gốc Bà Đen, và chính ông cũng khẳng định đó chính là Tara được Khmer hóa. Theo Từ điển Tôn giáo của Marguerite Marie Thiollier cho biết “Tara - Nữ thần trong Phật giáo Mật tông. Ở Tây Tạng, các Tara là những thần linh hai mặt, khi thì kinh khủng và tàn bạo (mang màu vàng hay lam), khi thì dịu dàng và thông cảm (mang màu lục hay trắng). Trong trường hợp sau, họ được coi là những hóa thân của Avalokiteqvara và thể hiện hai người vợ Trung Quốc và Nepal của vua Srong Tsa Gam Po, ông được hai bà vợ cải đạo sang Phật giáo” (sđd, trang 604, NXB Khoa học xã hội 2001, Lê Diên dịch).
Cũng xin nói thêm, trước khi đón nhận Phật giáo, người Khmer đã có một thời gian rất dài chịu ảnh hưởng Bà la môn giáo. Và về sau này trong Phật giáo Nam tông Khmer cũng còn tích hợp khá nhiều các vị thần của Bà la môn giáo. Cho nên việc Khmer hóa Tara cũng là chuyện rất bình thường. Theo Phật giáo Tây Tạng cũng như quan niệm của người Khmer, Tara còn có nghĩa là "ngôi sao", là ánh sáng soi đường cho những người bị lạc đường, là hiện thân của năng lượng ánh sáng. Thần Tara là người mẹ giàu lòng thương yêu và cũng là người bảo vệ mạnh mẽ, kiên cường, chinh phục những khó khăn. Ánh sáng của thần sáng như ánh chớp khiến cho quỷ thần cũng phải kinh sợ. Trong vô số màu sắc hình tướng thì Tara Xanh và Tara Trắng là quyền năng hơn cả. Và người Khmer đã Khmer hóa Tara Xanh thành Yeay Khmau, Tara Trắng Thành Mê So. Đó chính là Bà Đen và Bà Trắng vẫn được tôn thờ ngày nay.
Nói tóm lại, tới thời điểm này, theo những gì chúng tôi tìm hiểu được qua tư liệu và điền dã thực tế từ bà con Khmer, thì “Bà Đen” từ tên núi đến tên thần là một sự trùng hợp lý thú. Một, từ “Phnom Chơn Mê đeng” và một, từ “Yeay Khmau”. Và tạm cho rằng đó là trường hợp cùng âm nhưng không cùng nghĩa vậy.
 
Tin- ảnh: NNC. Đào Thái Sơn