XUẤT GIA BÁO HIẾU TRONG VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG CỦA NGƯỜI KHMER TÂY NINH

Xưa nay không ít người từng quan niệm xuất gia đi tu là đồng nghĩa với việc lánh đời để đi tìm chân lý giải thoát cho mình và cho người, đi tu để thành chánh quả. Người Khmer Tây Ninh cũng có phong tục xuất gia, nhưng đó là bổn phận, là để báo hiếu, tu không phải để thành Phật, mà để hoàn thiện chính mình. Phật giáo Nam tông Khmer rất nghiêm mật nhưng cũng hết sức cởi mở và đã thấm sâu vào tâm thức cộng đồng dân tộc này từ hơn ngàn năm nay.

Người Khmer Tây Ninh thuộc nhóm Khmer miền Đông, là vùng đệm giữa đại ngàn Tây Nguyên và sông nước Tây Nam Bộ, chính vì vậy mà văn hóa của bà con nơi đây như một cái gạch nối giữa hai vùng miền. Bên cạnh đó, Khmer Tây Ninh còn có mối quan hệ mật thiết với các tỉnh lân cận của Vương quốc Camphuchia như Tbong Khmum, Kampong Chàm, Prey Veng, Svay Riêng…để từ đó tạo nên nét riêng của chính mình. Theo thống kê vào tháng 12/2020 thì Tây Ninh chỉ có 21sư/ 7565 người dân Khmer, tương đương 0,27%. Nhưng từ sau Chol Chhnam Thmay 2021 thì số các sư tu học ở 6 chùa Khmer đã tăng lên tới 54 vị. Trong đó, 15 vị được gửi đi học Pali tại Trà Vinh – Sóc Trăng, 44 đang tu tập tại tỉnh nhà.

xuatgia1

xuatgia3

xuatgia3

Qua những con số của hai giai đoạn ngắn phần nào cho ta thấy số người xuất gia tu học tại các chùa Khmer là không ổn định, lúc nhiều lúc ít khác nhau. Vấn đề này là có lý do nhất định của nó. Thứ nhất, là do điều kiện kinh tế ở các phum sóc trước đây phần lớn còn rất nhiều khó khăn, nên thanh thiếu niên sau khi học hết cấp I-II là phải tham gia lao động kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thứ hai, là nhiều gia đình chưa thể sắp sếp được thời gian cho con cái vừa học phổ thông ở trường vừa tu học ở nhà chùa. Thứ ba, là điều kiện học ở chùa hiện nay chưa thể đáp ứng được cho người tu sau khi hoàn tục hòa nhập với xã hội với một nghề nghiệp ổn định, nên phần nhiều gia đình cho con em đi học nghề bên ngoài để dễ kiếm việc làm phục vụ cuộc sống. Thứ tư, là môi trường xã hội hiện nay tác động quá lớn vào tâm lý giới trẻ, nhà chùa không phải là nơi của nhiều nam thanh thiếu niên lựa chọn, bên cạnh đó là chính sách dân số không cho phép sinh đông con như trước nên phần nào đã hạn chế số lượng người xuất gia…Nói chung là có rất nhiều lý do, nhưng tựu trung là chưa tới lúc hữu duyên vậy!

Nói là nói như thế, nhưng từ bao đời nay, bất kỳ gia đình Khmer nào cũng mong muốn có con trai được vào chùa tu học. Đó không những là giúp con cái thực hiện bổn phận báo hiếu, học tập rèn luyện nhân cách, đạo đức, lối sống trong môi trường Phật pháp, mà còn là niềm vinh dự đối với xóm làng. Việc tu học tại chùa đối với người Khmer không có tính bắt buộc một cách khắt khe. Trẻ em trai từ 12 tuổi trở lên đều có thể xin vào chùa tu báo hiếu, thời gian tu có thể là ba tháng đến vài năm, cũng có thể là tu suốt đời, tuỳ duyên của mỗi người. Trong quá trình tu, việc giữ gìn giới luật là hết sức nghiêm túc, nhưng nếu cảm thấy hết duyên thì xin xả giới hoàn tục trở về cuộc sống đời thường cũng hết sức dễ dàng. Vấn đề này là chuyện rất bình thường trong cộng đồng Khmer, hoàn toàn không giống như người Việt Kinh thường bị thiên hạ đàm tiếu, thậm chí bị nhiều người khác chỉ trích !

Đối với mỗi gia đình Khmer, khi quyết định cho con (trai) đi tu, trước hết là cha hoặc mẹ phải đến chùa xin với sư cả. Sau khi được sự đồng ý, gia đình bắt đầu cho con em mình vào chùa tập sự, làm quen với nếp sống của nhà chùa và học những bài kinh cơ bản. Khi hội tụ những điều kiện cần và đủ thì sư cả sẽ chọn ngày làm lễ xuất gia. Trong chùa Khmer, các sư theo tu học có hai bậc: bậc sadi dành cho người từ 12 đến dưới 20 tuổi, người thụ giới sadi phải giữ nghiêm 10 giới; bậc tỳ kheo dành cho người từ 21 tuổi trở lên, người tu bậc này phải giữ nghiêm 250 giới. Nhưng nếu ai đó đã lớn tuổi rồi, nhưng chỉ chọn thụ giới sadi suốt đời thì cũng vẫn được.

Trước khi làm lễ xuất gia tại chùa, gia đình người tu làm trước một lễ tại nhà để thết đãi tiệc mừng và báo tin cho tất cả bạn bè, thân quyến cùng biết. Rồi sau đó người tu sẽ thí phát (cạo tóc, lông mày và râu) và không mặc thường phục như trước nữa, mà dưới thì vấn chiếc sampot còn trên thì choàng chiếc khăn trắng từ vai trái xuống hông phải để chứng tỏ người con trai này bắt đầu ly trần tầm đạo. Lúc này người tu được gọi là “neak”, nghĩa là “rắn”. Trong Phật tích có câu chuyện, xưa có con rắn biến thành người để tu, nhưng sau đó Phật phát hiện và không cho nó tu chung với người nữa. Mặc dù vậy, nhưng đã trở thành một kỷ niệm cho tới ngày nay. Thực ra câu chuyện này còn có ẩn ý sâu xa của nó. Con người sống trong cõi phàm trần, không thể tránh khỏi những việc làm mang tính tội và ác cũng như lời nói nanh nọc làm tổn hại đến người khác, đó không khác gì một con rắn độc. Bởi vậy, thời điểm chuyển giao từ đời sang đạo là phải biết loại trừ đoạn tuyệt với tất cả mọi thứ xấu ác, thì thân tâm mới nhẹ nhàng để tu học cho có thành tự về sau này.

Buổi tiễn đưa người tu lên chùa xưa được bà con tổ chức rất trang trọng, người tu ngồi trên lưng ngựa, có lộng che, để tưởng nhớ việc Phật Thích Ca rời kinh thành xưa kia. Ngày nay thì thường dùng xe để chở, nếu nhà gần chùa thì đi bộ cũng được, theo sau là gia đình và bạn bè, thường có dàn nhạc tấu và múa chằn kèm theo. Chằn người Khmer gọi là Yeak, tượng trưng cho thế lực đen tối cản trở Phật đi tu thời trước. Tức là người tu muốn bước vào cửa Phật thì trước nhất phải vượt qua mọi rào cản chướng ngại này.

Khi đến chùa, đoàn người cùng người tu nhiễu ba vòng quanh ngôi chánh điện, sau đó mới vào bên trong làm lễ. Nếu như người tu ở bậc sadi thì chỉ cần cần một nhà sư có uy tín, thông kinh luật và có từ mười hạ trở lên ngồi thượng tọa chứng giám là được. Nhưng nếu người tu thụ giới tỳ kheo thì phải có từ mười đến hai mươi vị tỳ khưu khác cùng ngồi chứng giám. Sau khi nghe chư vị tôn túc hỏi và trả lời xung quanh việc thuận tu xong thì người tu bắt đầu nghe chăm chú nghe những lời dạy về quy luật tu hành sắp tới. Sau đó, người tu cầm cà sa đi vào giữa hàng sư sãi chứng giám mở lời xin tu, nếu nhận được lời đồng thuận thì người tu sẽ ra ngoài mặc áo cà sa vào để làm lễ thụ giới. Sau cùng là các sư sãi tụng kinh, chúc phúc cho người mới nhập đạo, cùng toàn thể phật tử có mặt trong buổi lễ xuất gia.

Người Khmer xưa nay quan niệm, người con trai đi tu là bổn phận báo hiếu cho ông bà cha mẹ. Những việc làm thiện lành, công đức tu hạnh sẽ hồi hướng cho đấng sinh thành dưỡng dục và tổ tiên đã khuất, đó là điều đại hiếu. Nhưng cũng xin nói thêm rằng, trên chỉ là triết thuyết, mà bất cứ triết thuyết nào cũng có khởi nguồn từ thực tế cuộc sống cả. Người tu mặc chiếc áo cà sa màu vàng sẫm, không phải đơn giản là để phân biệt, mà đó là lời răn dạy thông qua biểu tượng. Thời Đức Phật còn tại thế, loại vải thô màu vàng sẫm là loại vải dùng cho các tử tội. Sau khi người bị tử hình, chiếc áo vải này sẽ được chôn chung. Các vị sa môn thời ấy, từ bỏ tất cả nhung lụa, lượm nhặt những mảnh vàng sẫm này giặt sạch và kết lại thành cà sa để mặc. Mặc chiếc áo này vào chính là gửi thông điệp với tất cả mọi người xung quanh rằng “ta đã chết”. Tức là mọi tham sân ái dục thấp hèn đã bị tiêu trừ, chỉ còn lại sự từ bi và trí tuệ để đi đến bến bờ giải thoát mà thôi. Mặc cà sa là để luôn luôn nhắc nhở mình chính là như vậy.

Đối với người tu tập, nếu thực hiện nghiêm được 250 giới thì sẽ có cơ hội chuyển hóa từ phàm thành thánh, điều này không phải ai cũng làm được. Nhưng đối với con người chúng ta, chỉ cần thực hiện tốt 10 giới chánh yếu của bậc sadi thôi thì đã trở thành một người có nhân cách hoàn hảo rồi. Đó là: không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói láo, không uống rượu, không ăn phi thời, không nghe đàn hát, không dùng trang sức, nước hoa, không ngồi chỗ cao đẹp, không cất giữ tiền bạc. Mười giới này sẽ giúp cho người tu tránh xa mọi tham dục, xấu ác, rèn luyện chân tâm, loại trừ những thấp hèn vốn có của bản năng để ngược dòng đi lên tầm thánh thiện. Nếu một thanh niên trong quá trình tu học tại chùa, rèn luyện được những phẩm chất như trên, sau này hoàn tục sẽ thành một công dân tốt cho xã hội, một thành viên tốt của gia đình. Đó không phải là sự báo hiếu thiết thực nhất với ông bà cha mẹ thì còn gì khác nữa !

Bên cạnh những điều nói trên, người vào chùa tu không những được giáo dục một cách hoàn chỉnh nhất về mọi mặt như kinh văn, chữ nghĩa, đạo đức, cách ứng xử… mà còn được học một số nghề truyền thống như nghề mộc, thiết kế xây dựng, vẽ tranh, điêu khắc, làm hoa văn cho các công trình…Những loại nghề này đều có thể áp dụng vào cuộc sống nếu sau này người tu hoàn tục.

Người Khmer Tây Ninh luôn sống hiền lành chất phác, luôn đồng hành với sinh mệnh của Tổ quốc từ bao đời nay. Đặc biệt là bà con rất ý thức giữ gìn, bảo tồn vốn văn hóa bản sắc của dân tộc mình. Đi tu là một phong tục đẹp, là con đường để trưởng thành, là bước chuẩn bị cần thiết cho một cuộc sống tốt ở ngày mai. Và thông qua đó cũng là dịp để người thanh niên tạo cho mình một vị thế xứng đáng trong gia đình, dòng tộc và trong cộng đồng xã hội.

Tin - ảnh: NNC. Đào Thái Sơn