Biểu tượng Neak trong văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ

Tượng thần Neak (Naga) là một biểu tượng mang tính giá trị văn hóa đặc trưng của người Khmer nói chung, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Neak là biểu tượng mang tính uy lực đặc biệt.
 
  48 Bieu tượng Neak1
Văn hóa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long luôn gắn liền với nhiều hình ảnh mang tính biểu tượng như các vị thần: Thần Krude, thần Kin-No, Chim Hon (Chim Thần), thần Visanu, thần Hing-Preah Thoraney (Thần Đất), thần Neak (Naga) thần Neak ta (Ông Tà),… trong đó hình tượng thần Neak (Naga) là một biểu tượng mang tính giá trị văn hóa đặc trưng của người Khmer nói chung, người Khmer đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Neak là biểu tượng mang tính uy lực đặc biệt.

Trong Phật giáo hay tín ngưỡng dân gian, hình tượng Neak là một con vật có quyền lực tối thượng, có sức mạnh, mang tính trường tồn và đem lại hạnh phúc cho nhân loại. Biểu tượng Neak gắn liền với nhiều chùa Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long; nó gắn liền với lịch sử phát triển của tộc người Khmer, cũng như mang đậm giá trị văn hóa đặc sắc của vùng miền và phần nào phản ánh tâm hồn của người Khmer. Công trình “Biểu tượng Neak trong văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ”  của tác giả Thạch Lam Phương là công trình nghiên cứu, giới thiệu những nét đặc trưng về biểu tượng Neak có mặt trong hầu hết các thiết chế văn hóa, tín ngưỡng của người Khmer Nam bộ. Sách do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2019. Sách nằm trong Đề án bảo tồn, phát huy giá trị tác phẩm văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Chương 1, tổng quan về vấn đề nghiên cứu, giới thiệu khái quát về người Khmer ở Nam Bộ, cơ sở lý thuyết cũng như Neak và các danh xưng của nó. Trong chương này, tác giả bao quát những vấn đề nghiên cứu về biểu tượng và quá trình hình thành biểu tượng văn hóa; khái niệm về văn hóa với cách định danh văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đi sâu vào khái niệm biểu tượng văn hóa, chức năng của biểu tượng, quá trình hình thành biểu tượng văn hóa và cách tiếp cận vấn đề nghiên cứu từ lý thuyết địa văn hóa. Phần tiếp theo của chương 1, tác giả nêu Khái quát về người Khmer Nam Bộ. Nơi họ sinh sống, lịch sử hình thành tộc người định cư trên vùng đất Nam Bộ. Thạch Lam Phương cũng đã nhấn mạnh biểu tượng Neak và các danh xưng của nó trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ.

Chương 2 trình bày biểu tượng Neak trong văn hóa phi vật thể của người Khmer Nam Bộ, giải mã biểu tượng này trên các phương diện: tôn giáo, tín ngưỡng - nghi lễ và huyền thoại. Cụ thể tác giả đã nghiên cứu biểu tượng Neak, sự tồn lưu của tín ngưỡng Bàlamôn trong văn hóa Khmer Nam Bộ và trong các hình thức văn hóa phi vật thể khác như: Neak trong các trò chơi dân gian (kéo co, đua ghe ngo), Neak trong phong tục của người Khmer Nam bộ (trong việc xây cất nhà, Neak trong nghi lễ cưới, Neak trong lễ tang, Neak với tục nhuộm răng, Neak với tục đi tu). Bên cạnh đó Người Khmer Nam Bộ còn giải mã các giấc mơ có liên quan đến Neak.

Chương 3, tác giả tập trung phân tích Biểu tượng Neak trong văn hóa vật thể của người Khmer Nam Bộ, cụ thể các motif Neak được thể hiện trong nghệ thuật tạo hình như: tranh vẽ mỹ thuật, tranh truyện, các loại hoa văn trang trí, nghệ thuật điêu khắc, Hình khối 3D khối tròn, Phù điêu. Bên cạnh đó người Khmer Nam Bộ cũng đã xây dựng hình tượng Neak với một số motif tạo hình cơ bản như Motif Neak được nhả ra từ miệng của MKo, Motif Neak một đầu, Motif Neak ba đầu, Motif Neak năm đầu, Motif Neak bảy đầu, Motif Neak chín đầu, Motif kéo co… Bên cạnh đó, tác giả cũng đã nghiên cứu về chất liệu thể hiện biểu tượng Neak như: đá, gỗ, xi măng… đồng thời công trình cũng nêu địa điểm phân bố vị trí thể hiện không gian tồn tại của biểu tượng Neak trong văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ.

Qua công trình có thể khẳng định, biểu tượng Neak là một biểu tượng tiêu biểu của người Khmer Nam Bộ. Với kết quả nhận dạng và giải mã biểu tượng Neak trong văn hóa của người Khmer Nam Bộ như trên, người đọc sẽ thấy rằng, cần phải có phương pháp thích hợp để gìn giữ và phát huy nhằm bảo tồn nguyên vẹn các yếu tố gốc, góp phần duy trì sự thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa Việt Nam. Với ý nghĩa như trên chúng tôi xin trân trọng giới thiệu công trình này đến quý độc giả.

Nguồn: Song Mặc - Báo Trà Vinh online

Link: http://baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/bieu-tuong-neak-trong-van-hoa-cua-nguoi-khmer-o-nam-bo-9665.html