Ấm áp gia đình nghệ sĩ: Những gia tộc ăn cơm tổ nghệ thuật tới trăm năm

Làng sân khấu Sài Gòn có những gia tộc ăn cơm tổ nghệ thuật lên tới trăm năm. Bao gia tộc theo nghề hát với ông bà, cha mẹ đã giữ kỷ cương, giữ sự nghiêm ngặt của nghề hát để con cháu noi theo tiếp nối ngọn lửa nghề...

cl1 

Tú Sương (vai vua) và con gái Hồng Quyên (vai Trần Quốc Toản) trong trích đoạn Trần Quốc Toản ra quân - Ảnh: LINH ĐOAN

1. Hồi tháng 5-2021, rất nhiều khán giả xúc động khi chứng kiến các thế hệ con cháu của đại gia đình hát bội - cải lương tuồng cổ Vĩnh Xuân - bầu Thắng - Minh Tơ - Thanh Tòng với cả trăm năm ăn cơm tổ nghiệp trong đêm diễn ra mắt đoàn cải lương tuồng cổ Minh Tơ tại sân khấu nhỏ cải lương Sen Việt.

Gần tháng trời tập tuồng cho đêm diễn, các nghệ sĩ đã ngoài 70 tuổi như Xuân Yến, Trường Sơn, Thanh Loan, Minh Tâm, Công Minh... nhẫn nại sửa từng câu văn cho đúng cách nói cách hát gốc của cải lương tuồng cổ, chỉnh từ cái xòe quạt, vuốt râu... cho thế hệ con cháu như Tú Sương, Lê Thanh Thảo, Điền Trung... 

Sức nặng tuổi tác khiến họ bước lên bậc cao cũng khó nhưng trong thời buổi khó khăn của sàn diễn, tranh thủ được buổi tập nào họ ráng kèm cặp để truyền lại những tinh hoa cho con cháu.

Nhớ ngày NSND Thanh Tòng còn sống, khi người viết đến nhà ông để phỏng vấn, thấy có hai dãy kệ trên tường xếp từng lớp bó hoa khô nên thắc mắc, ông cười trả lời đó là những bó hoa tươi thắm khán giả tặng ông và con gái (nghệ sĩ Quế Trân) sau mỗi đêm diễn. Hoa héo ông không nỡ vứt đi, cứ xếp lại thành những bó hoa khô. 

"Khán giả thương yêu mới dành dụm mua hoa tặng mình, quý lắm!" - ông nói. Rồi năm 2009, Quế Trân đề nghị làm liveshow riêng cho ba, nghệ sĩ Thanh Tòng suy nghĩ rồi đề nghị con gái đừng làm riêng cho ông mà dành đêm diễn cho ông bà, cha mẹ, con cháu trong đại gia đình cùng hát cho vui. 

 cl2

NSƯT Thành Lộc và nghệ sĩ Trinh Trinh (cháu gọi Thành Lộc bằng cậu) trong chương trình Gìn vàng giữ ngọc - Ảnh: Hoàng Dũng

Vậy là đêm diễn Dòng nghề tâm sử, một đêm diễn khó quên mang màu sắc cải lương tuồng cổ đã gặp gỡ khán giả tại rạp Hưng Đạo.

2. NSND Kim Cương từng tâm sự khi đoàn kịch nói Kim Cương đã khẳng định thương hiệu với nhiều vở diễn. Trong đó, vở Lá sầu riêng diễn không biết bao nhiêu suất, má bà, NSND Bảy Nam (vai bà Tư) và bà vai cô Diệu lấy hết nước mắt của khán giả. 

cl3 

NSND Kim Cương và NSND Bảy Nam trong vở Tania - Ảnh chụp màn hình: CẨM LINH

Vậy mà sau mỗi đêm diễn, bà Bảy Nam đều "kiểm điểm" lại. Bữa nào diễn tốt, hai mẹ con phấn khích đến sáng. "Bữa nào mà diễn chệch chút là má rầy cũng... tới sáng khỏi ngủ" - Kim Cương cười kể.

Về NSND Bảy Nam, nghệ sĩ Hữu Châu chia sẻ được học rất nhiều từ kỷ luật làm việc của ngoại Bảy (bà Bảy Nam - NV). 20h diễn thì 18h bà đã có mặt, hóa trang, chuẩn bị trang phục, tịnh tâm để bước vào nhân vật. Vì vậy, có những vở như 12 bà mụ đến 22h đêm vai Hữu Châu mới xuất hiện nhưng cứ khoảng 19h là anh đã có mặt ở sân khấu để chuẩn bị.

Anh kể về kỷ niệm nhớ đời với ngoại Bảy: "Tôi nhớ hồi đó đoàn Kim Cương đi diễn ở miền Trung, tôi đóng vai Sang lúc lớn trong Lá sầu riêng. Ở cảnh chót má Diệu giao cho tôi cặp đôi bông mù u. Xong vở là tôi giữ luôn để tối sau đưa cho ngoại. 

Hồi đó còn trẻ không cẩn thận tôi làm mất đôi bông. Tôi rất sợ vì đang lưu diễn kiếm ở đâu mà mua. Tôi rụt rè đến gặp ngoại, ngoại "giảng" cho một bài dài: Đạo cụ giúp cho vai diễn của con hay. 

Đạo cụ cũng là diễn viên, con phải biết trân quý vì đạo cụ cùng con kiếm cơm để con có cái ăn, quần áo mặc, con phải biết giữ gìn chứ... Nói rồi, ngoại mở tủ lôi ra... một bịch đôi bông mù u. Tôi mừng mà toát hết mồ hôi!".

 cl4

Vợ chồng nghệ sĩ Điền Trung (bìa trái) và Lê Thanh Thảo (bìa phải) cùng NSƯT Tú Sương (chị ruột Lê Thanh Thảo) trong trích đoạn Câu thơ yên ngựa - Ảnh: LINH ĐOAN

3. NSƯT Thành Lộc từng tâm sự gia đình anh không có lợi thế về thanh sắc vì đa số nhỏ con. Tuy nhiên, ba anh - NSND Thành Tôn - luôn dạy các con điều đó không sao, vì tài năng sân khấu mới là yếu tố quan trọng. 

Chính vì lời ba dạy mà Thành Lộc luôn nỗ lực không ngừng với những sáng tạo để hôm nay anh được xem là "phù thủy sân khấu". Còn nhớ khi vào vai ông Tư trong Dạ cổ hoài lang, Thành Lộc đã cất công tìm hiểu, học hát bài Dạ cổ hoài lang. 

Cách ca của Thành Lộc khiến bài Dạ cổ hoài lang trở nên đặc biệt vì anh nghiên cứu cách "đổ hột" pha giữa đổ hột của hát bội và đờn ca tài tử khiến từng giai điệu chở nặng tâm tư, giàu cảm xúc.

cl5 

Vợ chồng nghệ sĩ Trường Sơn - Thanh Loan trong vở Lưu Bị cầu hôn Giang Tả - Ảnh: LINH ĐOAN

4. NSND Thanh Tòng ở ngoài hiền khô nhưng trên sàn tập ông khó giàn trời khiến anh chị em, con cháu, học trò sợ khiếp vía. 

Sự nghiêm khắc của ông xuất phát từ mong muốn giữ nghề, truyền những gì tốt đẹp cho con cháu nên các thế hệ sau đều hiểu và cứ thế, ông như tấm gương cho con cháu noi theo để đến hôm nay gia tộc này đã giữ được nghề hát đi đến đời thứ 6. 

Sự tỉ mẩn, chăm chút cho từng đêm diễn của bà Bảy Nam đã dạy cho nghệ sĩ Kim Cương những kinh nghiệm quý báu để lèo lái một trong những đoàn thoại kịch lừng lẫy của miền Nam.

Nghệ sĩ ngoài tài năng còn phải cần sự khổ luyện, đạo đức, trân trọng nghề, trân trọng khán giả. Thật ấm áp khi có những gia tộc nghệ thuật như thế, luôn nâng niu, uốn nắn con cháu từ những bài học nhỏ. 

Nếu như xem nghệ thuật là cơ thể thì những gia đình nghệ sĩ như thế là những tế bào tốt, vun đắp hình thành những tế bào mới để cùng góp phần duy trì, phát triển một cơ thể nghệ thuật khỏe mạnh, đẹp đẽ.

Tin: Linh Đoan

Ảnh: Linh Đoan - Hoàng Dũng - Cẩm Linh

Nguồn: Báo tuổi trẻ Online

Bác Ba Phi ngoại truyện - Kỳ 1: Hậu nhân tiếu lâm của bác Ba Phi

Ở xứ sở "vua nói dóc" Ba Phi, những người lớn tuổi từng trải, những người có khiếu tiếu lâm vẫn đinh ninh mình còn một bụng chuyện thiệt để chứng minh ông già U Minh "dóc bà cố" mà không hề... nói xạo.

ba phi copy 16240239249471597359925

Cô Tư Lệ và chồng trong ngôi nhà của bác Ba Phi năm nào - Ảnh: QUỐC VIỆT

Người đất phương Nam mấy ai lạ gì bồ chuyện tiếu lâm của bác Ba Phi. Trong đó hiển hiện lên cả một thế giới loài vật "bự chà bá", hoặc chúng nhiều "quá xá binh thiên" cùng những sự việc diễn ra một cách vô lý đến khó tin...

Lung Tràm, đừng càm ràm chuyện Ba Phi

Nhưng với giọng kể tiếu lâm, hào sảng của ông già U Minh, mọi sự việc ngược đời đều có vẻ hợp lý. Nếu ai đó đã từng đọc, hoặc đã nghe kể chuyện bác Ba Phi (Nguyễn Long Phi, 1884 - 1964), mà nghĩ như vậy thì đừng vội về miệt Lung Tràm (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau). Kẻo không lại thấy mình bị dắt mũi, bán tín bán nghi mà cố đi tìm cho ra sự thật trong chuyện kể của con cháu bác Ba Phi ở đây thì khổ.

Bởi ở xứ ngát hương tràm này, lớp lớp người già luôn sẵn sàng kể cho bạn nghe rằng cái thời nhỏ xíu của họ, cái thời xứ này thưa thớt bóng người trong chuyện kể bác Ba Phi ấy, và ông già U Minh nói chuyện nào cũng đều... có lý. Nếu không tin, bạn có thể đi tìm những người cố cựu khác, mười mươi họ vẫn nói đúng như vậy. Chẳng khéo lại tin rằng bác Ba Phi là người kể chuyện... thật nhất thế gian ấy chứ. Còn ai nói ông già tiếu lâm, xạo "bà cố" là hổng biết gì với cái thời U Minh hồi nảo hồi nào.

Bây giờ ai về xứ Kinh Ngang, Lung Ranh, Trùm Thuật, Chủ Mía, Đá Bạc... hỏi ra cũng còn nhiều người từng gặp bác Ba Phi, lúc họ còn con nít và ông già thì đã là bậc trưởng thượng.

Sắp nhỏ khi đó may mắn lắm được người lớn sai rót nước mời khách mà hóng chuyện người lớn. Những câu chuyện do chính bác Ba Phi kể hay được người lớn kể lại bằng cái giọng đùa như thiệt, nói cho quá mà ai cũng vểnh tai nửa cười, nửa lại tin sái cổ.

Sau khi ông già Ba Phi về với bậc tiền hiền, người ta nói cháu họ của ông là ông Sáu Nhuận trở thành truyền nhân có khiếu kể chuyện tiếu lâm nhất vùng. Những câu chuyện từ miệng ông Sáu Nhuận chẳng biết là có phải của bác Ba Phi hay không, hay là ông chế ra, thêm mắm thêm muối rồi nói của ông già Ba Phi chính hiệu. Nhưng ông Sáu Nhuận đi đến đâu thì thế nào người ta cũng tìm cách yêu cầu ông kể truyện cười bác Ba Phi.

Năm này qua tháng nọ, không biết chuyện ở đâu mà ông Sáu Nhuận kể mãi không hết. Ổng trở thành trung tâm của những cuộc hội hè, cưới xin, giỗ chạp và dĩ nhiên ông luôn được chào đón trong vùng. Thời gian, người ta quên mất chuyện nào được truyền lại từ bác Ba Phi, chuyện nào do ông tự sáng tác ra.

Bởi truyện kể bác Ba Phi trước khi được nhà văn Anh Động sưu tầm, ghi chép lại thì đó là những câu chuyện truyền miệng khó tránh khỏi tam sao thất bổn, hay được gắn ghép làm giàu thêm nội dung hài hước hay giản lược đi.

Nhưng dường như điều đó không còn mấy quan trọng nữa. Từ những chuyện kể của Anh Động, miệt rừng tràm U Minh cũng xuất hiện những chuyện kể mang hơi hướng bác Ba Phi mà người kể cũng tham gia với tư cách là "con cháu bác Ba Phi".

3 ba phi 16240239534442037236611

Di ảnh bác Ba Phi và bằng danh hiệu nghệ nhân dân gian - Ảnh: HUỲNH LÂM

Hổng tin thì hỏi ổng

Sau khi "truyền nhân" Sáu Nhuận về với bác Ba Phi, người ta lại tìm trong dòng họ, trong xóm giềng ai có khiếu kể chuyện, mà phải là những mẩu chuyện của bác Ba Phi khi còn sống do chính họ tiếp xúc hoặc nghe ông già kể lại.

Anh Chiến, người cháu gọi bác Ba Phi bằng ông, nói rằng về khiếu kể chuyện thì trong dòng họ chẳng ai bằng ông Ba Lực. Ông Ba Lực ngày trước có tham gia kháng chiến. Sau khi giải ngũ về, ông đi tiếu ngạo khắp nơi, nên ai muốn kiếm được ông thì thiệt khó lòng.

Trưa nắng. Sau khi dùng ba tấc lưỡi tiếu lâm dẫn tôi đi từ chợ Cà Mau về Cái Nước, U Minh, rồi Lung Tràm, ông Ba Lực (Nguyễn Tấn Lực, cháu gọi ông Ba Phi bằng ông bác) lại dẫn tôi đi lòng vòng xuống Sông Đốc, ra Rạch Ráng bằng những chuyện kể như bất chợt nhớ ra. Tôi thích hỏi bác Ba Phi, ừ thì ông kể chuyện Ba Phi, cái gì cứ chuyện tiếu lâm thì đầy nhóc như bồ lúa trúng mùa.

- Hồi đó có lần tui thấy ổng (Ba Phi) buộc vải nỉ, quấn mền, gối... lội vô xóm trong. Hỏi ổng đi đâu, ổng nói giận vợ thằng hai. "Bà tổ, mình làm cỏ vườn mệt đứt hơi. Đói bụng kêu nó dọn cơm. Nó bắt cá rô, con nào con nấy to bằng cùm chưn người lớn đi nướng. Dòng thứ quỷ đó nướng bao nhiêu mỡ chảy lênh láng ngập bếp lò. Còn ăn uống nỗi gì nữa...

Vừa mới gặp lão nông có phong thái tự tin, nói chuyện cởi mở, tôi đoán biết rằng dân xứ Lung Tràm này kiếm Ba Lực không mấy khó, mà là không tin lời ông mới là chuyện khó. Khi mà ông mở bụng ra là cả bồ chuyện hài ngày xưa, mà chuyện nào cũng y... như thiệt.

- Chú coi nhà tui ai cũng đô con, khỏe mạnh hết trơn nè. Tụi tui thì yếu rồi, chứ bác Hai Ba Phi tui ngày trước khỏe đến mức chống xuồng dưới nước là xưa bà cố rồi. Ông chống xuồng ở trên cạn. Chiếc xuồng dưới mé sông, ông chỉ cần chống hai sào là tới trước cửa nhà cách đó chục cây số đến trâu cộ còn đi thè lè lưỡi. Ông Ba Phi khỏe dữ thần thiên địa vậy, nên năm 1954 lúc tàu Liên Xô vào Sông Đốc chở bộ đội tập kết ra Bắc, mấy ông lính Liên Xô rủ ông chơi trò kéo tay, kết quả là mấy ông mắt xanh mũi lõ chẳng ai kéo khỏe bằng ông.

Ông Ba Lực kể nhà gần nên ông cũng hay gặp bác Ba Phi lúc ông già còn sống. Ông ấn tượng nhất là bầy chó săn 17 con của ông già. Mỗi khi ông dẫn đàn chó đi săn thì cả xóm cứ háo hức đợi về để coi chiến lợi phẩm. "Bay tin hông, khuya ổng mới dẫn chó đi. Hừng đông là mang về năm, sáu con heo rừng bự chà bá lửa. Nhiều quá, ăn quân ngũ nào cho hết, ông xẻ thịt chia cho cả xóm ăn cũng lè lưỡi".

Nghe ông Ba Lực kể chuyện tiếu lâm như thật ngay tại Lung Tràm, người nghe như đang gặp bác Ba Phi phảng phất đâu đó. Bởi muốn xác thực chuyện ông Ba Lực kể thì cứ đi mà hỏi... bác Ba Phi.

Thế nào nghe ông Ba Lực kể cũng sẽ có người truyền lại cho người khác. Rồi đám nhỏ sẽ cá với nhau ai mạnh nhất xứ Kinh Ngang, Chủ Mía...

Rồi chúng sẽ tưởng tượng ra giá mà người hùng trong xóm chúng có dịp gặp Lý Huỳnh, Lý Tiểu Long thì hổng chắc ai khỏe hơn ai... Từng lớp chuyện kể dưới tán rừng tràm cứ thế tồn tại trong bán tín bán nghi và lần hồi người ta chấp nhận chúng như điều hiển nhiên bởi "chính con cháu bác Ba Phi kể mà".

Con gà đi đêm với con cúm núm

Hơn chục năm trước, tôi ghé nhà bác Ba Phi, được gặp cô Tư Lệ là cháu nội ông già U Minh. Ra sau nhà thắp cho mộ bác Ba Phi nén nhang, rồi suốt đêm đó tôi cười muốn lé mắt, bể bụng bên "chiếu rượu nhân dân".

Sắp con cháu ông già xưa cũng nổ banh xác pháo chẳng khác gì tiền nhân. Bận đó đang mùa cúm gà, thế là họ lòi ra câu chuyện:

"Bầy gà nhà tui toi hết, chỉ còn mỗi con gà trống độc thân. Nó buồn quá bèn đi đêm với con cúm núm rồi đẻ ra một con đực nửa gà nửa chim. Con này có biệt tài hễ thấy bóng mấy ông kiểm dịch mò đến là bay tót lên ngọn cây hót líu lo như chim. Mấy ổng vừa khuất bóng, nó lại mò xuống lủi đi tìm gà mái".

Tôi hỏi chuyện này đâu ra, cô Tư Lệ cười, ực cạn ly rượu đế rồi mới trả lời "nửa của ông nội, nửa tụi tui".

Tác giả: Quốc Việt - Báo Tuổi trẻ Online

Ảnh: Quốc Việt - Huỳnh Lâm

 NGHĨ VỀ GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRONG PHẬT GIÁO NAM TÔNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở NAM BỘ

  1. SƠ LƯỢC VỀ NGƯỜI KHMER Ở NAM BỘ

Theo số liệu trước đây của chính quyền thực dân Pháp, thì từ năm 1862-1888, người Khmer Nam Bộ có khoảng trên 150.000 người. Đến năm 1895, dân số Khmer tăng lên 170.488 người. Đầu thế kỷ XX, theo thống kê năm 1925, dân số Khmer là 292.000 người, năm 1936 là 326.000 người. Theo thống kê của chính quyền Sài Gòn, năm 1960 có 381.000 người Khmer trong tổng số 13.789.300 người ở miền Nam. Năm 1972, số lượng người Khmer tăng lên 646.591 người. Theo kết quả thống kê của Tổng điều tra dân số và nhà ở đến ngày 1/4/2009, tổng dân số Khmer ở khu vực Nam Bộ 1.260.640 người. Theo số liệu thống kê của cơ quan Vụ địa phương II, thì tính đến ngày 30/4/2011 dân số người Khmer ở Nam Bộ là 1,3 triệu người; tập trung sinh sống nhiều nhất ở các tỉnh: Sóc Trăng 400.000 người, Trà Vinh 320.000 người, Kiên Giang 204.000 người, An Giang 85.000 người, Bạc Liêu 65.000 người, Cà Mau 24.000 người, Cần Thơ 39.000 người, Vĩnh Long 21.000 người... Ngoài ra, người Khmer còn sinh sống rải rác ở một số tỉnh miền Đông Nam Bộ như: Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh với số lượng không vượt quá vài nghìn người. Hiện nay, trong cơ cấu thành phần các dân tộc ở Nam Bộ, có thể nói, người Khmer là cộng đồng dân tộc có số lượng đông thứ hai, sau người Kinh.

Ở Nam Bộ, các dân tộc như Kinh, Khmer, Hoa, Chăm cùng sinh sống với nhau nhưng một trong những dân tộc sinh sống và khai thác sớm nhất vùng đất này là người Khmer. Ở đây, đồng bào Khmer không tụ cư thành khu vực, có lãnh thổ tộc người riêng mà sống xen kẽ với tộc người khác, thành các cụm rời nhỏ như ấp, xã mà đồng bào thường gọi là phum (ấp) và sroc (xã). Phum, sroc không phải là một đơn vị hành chính mà từ thời nhà Nguyễn các phum, sroc của người Khmer đã hợp vào ấp, xã chính thức của chính quyền. Tuy nhiên, vẫn kỳ lạ thay, phum, sroc không tồn tại chính thức ấy vẫn là môi trường văn hóa, xã hội để người Khmer sinh ra và lớn lên, hoạt động trong môi trường văn hóa của mình. Với môi trường đó người Khmer có giao hòa, biến đối nhưng vẫn giữ cái nét đẹp, cốt cách riêng của người Khmer ở Nam Bộ với các dân tộc ít người khác trên đất nước Việt Nam.

Vùng đất Nam Bộ là một khu vực lịch sử - văn hóa, từ nhiều thế kỷ qua, người Khmer cùng chung sống với người Kinh và khai thác mảnh đất trù phú này. Người Chăm đến sau đã tạo ra một quá trình giao lưu, tiếp xúc mạnh mẽ về nhiều mặt làm cho không chỉ người Khmer biến đổi mà cả người Kinh, Hoa, Chăm cũng biến đổi theo. Sự giao lưu, tiếp xúc ở đây không chỉ về mặt văn hóa, xã hội, ngôn ngữ, kinh tế mà còn cả về phương diện huyết thống.

Sự giao lưu, hòa hợp với người Kinh là nhân tố quan trọng nhất tác động đến sự tiến triển của người Khmer ở Nam Bộ. Quan hệ giao lưu, hòa hợp này không chỉ vì người Kinh có dân số đông, có trình độ phát triển cao, mà trước nhất là sự hòa hợp để cùng chung sức khai thác vùng đất Nam Bộ, biến vùng đất này thành đồng bằng trù phú.

  1. SƠ LƯỢC VỀ PHẬT GIÁO NAM TÔNG KHMER

Phật giáo Nam tông đã được truyền vào cộng đồng người Khmer trên 2.000 năm lịch sử, kể từ khi hai vị Thánh tăng Sonatthera và Uttarathera theo đường tàu buôn từ Ấn Độ đặt chân vào vùng cảng Óc Eo (nay là tư giác Long Xuyên). Phật giáo đến với người Khmer trước Công nguyên, vào Phật lịch 234.

Phật giáo Nam tông Khmer duy trì giáo lý nguyên thủy. Do đó, về hình thức và cách tu tập, chư Tăng hệ phái Nam tông thọ giới qua các bậc Sadi và Tỳ kheo, dĩ nhiên, số lượng giới phải giữ gìn có sự khác nhau. Chư Tăng hệ phái Phật giáo Nam tông Khmer hẳng ngày phải đi khất thực, sinh hoạt nhờ vào sự cúng dường của tín đồ mỗi ngày.

  1. GIÁO DỤC NHÂN CÁCH TRONG PHẬT GIÁO NAM TÔNG CỦA NGƯỜI KHMER Ở NAM BỘ

Chùa Khmer không chỉ là nơi tu hành mà còn là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo, trung tâm văn hóa cộng đồng, sinh hoạt xã hội và là nơi diễn ra các lễ hội theo phong tục mang tính truyền thống của dân tộc Khmer.

Ngoài ra, chùa còn là trường học, nơi lưu giữ kinh sách, báo chí, những tác phẩm văn học nghệ thuật Khmer.

Phật giáo Nam tông Khmer là tôn giáo mang tính chất quần chúng, từ lâu đã in đậm trong tâm thức và chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer. Việc tu trì luôn gắn chặt với việc truyền dạy giáo lý, đạo đức, niềm tin và các giá trị tinh hoa của Phật giáo. Ngoài việc truyền dạy, giáo dục tín đồ thực hiện tốt lời dạy của Đức Phật, thực hiện tốt giá trị đạo đức và giá trị nhân văn, từng ngôi chùa còn là nơi tổ chức giảng dạy những kiến thức bố ích, bao gồm chương trình giảng dạy tiếng Khmer, văn hóa, thơ ca, ngữ văn... Đặc biệt là chương trình Pali vừa để sáng tạo ngôn từ bổ sung cho tiếng Khmer vừa để tiếp thu kinh, luật, luận và giáo lý, những tinh hoa Phật giáo.

Mặt khác, Phật giáo Nam tông Khmer chi phối mạnh mẽ đời sống tinh thần của các thế hệ người Khmer, cụ thể như trong các sự kiện quan trọng của đời người như đám cưới, đám tang..., người Khmer vẫn thỉnh chư Tăng về nhà tung kinh cầu an và cầu siêu. Đối với đồng bào Khmer, triết lý Phật giáo là chân lý, Đức Phật là niềm tin, ngôi chùa là điểm tựa về tinh thần, chư Tăng là tấm gương đạo đức. Vì vậy, mỗi người Khmer được sinh ra đều đã xem mình là một tín đồ Phật giáo. Dù mới sinh ra hay đã trưởng thành, họ đều được cha mẹ, các bậc cao niên, tập thể phum, sroc, chư Tăng ở chùa giáo dục theo tinh thần giáo lý của nhà Phật. Mỗi phum, sroc đều có ngôi chùa làm trung tâm điều khiển các hoạt động giữa đạo và đời.

Ngoài ý nghĩa xuất gia để báo hiếu, tu gieo duyên rèn luyện đạo đức, chư Tăng Khmer còn được trau dồi kiến thức và trí tuệ để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Do đó, nhà chùa đảm nhiệm việc giảng dạy tiếng Khmer để giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết của dân tộc; dạy tiếng Pali - Khmer, văn phạm Khmer ngữ để sáng tạo ngôn từ mới bố sung cho tiếng Khmer; dạy kiến thức Phật học để tiếp cận những tinh hoa của Phật giáo.

 Theo truyền thống từ xa xưa, tuyệt đại bộ phận người Khmer ở Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông, do đó, khi nói đến dân số người Khmer ở Việt Nam cũng đồng nghĩa với việc có thể hiểu đó là số lượng tín đồ Phật giáo. Trải qua bao thế hệ, cả khi sống và chết, cuộc đời mỗi người dân Khmer đều gắn bó chặt chẽ với ngôi chùa. Người Khmer có câu “người không vào tu trong chùa là người có nhiều tội lỗi trong đời sống", nên theo tập tục truyền thống, khi người con trai đến tuổi 12, 13 phải vào chùa tu gieo duyên với Phật pháp một thời gian với ý nghĩa là trả hiếu cho ông bà, cha mẹ; để thực hiện tình cảm, trách nhiệm đối với dân tộc; để tỏ lòng thành kính với Đức Phật và hoàn thiện nhân cách của bản thân. Nếu được tu luôn là do tinh thần tự nguyện và phải được sự đồng ý của cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng (nếu còn nhỏ); được sự đồng ý của vợ nếu người nam đã có gia đình; là công dân tốt, không nằm trong tình trạng vi phạm pháp luật; có thầy tế độ dẫn dắt và có những vật dụng cần thiết của một nhà sư.

Ngày nay, Phật giáo Nam tông Khmer không có người nữ xuất gia thọ giới Tỳ kheo ở chùa nhưng người phụ nữ Khmer vẫn có thể tu tại gia và lên chùa xin thọ Bát quan trai giới vào các ngày mùng 8, ngày 15, ngày 23 và ngày 30 hằng tháng (đa số họ là người lớn tuổi). Tuy nhiên, những người phụ nữ Khmer lại được giáo dục và chịu ảnh hưởng rất lớn bởi tư tưởng và đạo đức Phật giáo. Phật giáo khuyên dạy con người nói chung và phụ nữ Khmer nói riêng phải biết kính trên nhường dưới, chịu khó, chăm sóc chồng con chu đáo..., phát huy đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Khmer. Có thể nói, nhờ đó mà trong cuộc sống gia đình, người Khmer có tôn ti trật tự rõ ràng.

Người Khmer có nền văn hóa giàu truyền thống và đậm đà bản sắc dân tộc được lưu giữ từ đời này sang đời khác, cụ thể như: kiến trúc chùa, phong tục lễ hội tôn giáo, ngôn ngữ, chữ viết, văn học, nghệ thuật... Nền văn hóa đó không chỉ đơn thuần là đặc trưng cho một tộc người, một yếu tố để phân biệt người Khmer với các tộc người khác mà còn là điều kiện đảm bảo cho sự ổn định và là động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của khu vực Nam Bộ.

 Trong sự phát triển của đồng bào Khmer ở Nam Bộ luôn có sự tham gia đặc biệt của Phật giáo Nam tông Khmer. Sự phát triển đó không chỉ về mặt kinh tế mà còn được thế hiện trên sự phát triển bền vững của đồng bào Khmer. Xưa nay, Phật giáo Nam tông Khmer giữ vị trí đặc biệt trong đời sống đạo đức, tâm linh của đồng bào Khmer.

Đạo đức của Phật giáo Nam tông Khmer giáo dục con người lấy nhân quả làm nguyên tắc, lấy nhân nghĩa làm nền tảng đạo đức, lấy khoan dung làm tình thương để xóa bỏ hận thù, lấy lối sống giản dị chân chính, đoàn kết, bình đẳng, bác ái làm lẽ sống cộng đồng, lấy tinh thần dân chủ, công bằng làm chuẩn mực sinh hoạt cộng đồng, lấy hiện tại làm cơ sở cho tương lai. Tín đồ Phật giáo Khmer ở Nam Bộ thông qua những giá trị này và kinh sách Phật giáo để truyền dạy về đạo đức, giúp tín đồ hướng thiện và xem đây là động lực thúc đẩy cho con người sống tốt đời đẹp đạo. Hệ thống giáo lý, giáo luật của Phật giáo Nam tông Khmer qua kính sách chứa đựng nhiều nội dung đạo đức phù hợp với tâm lý, tình cảm của con người; từ đó có thể hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, gắn liền với lợi ích chung thể hiện sự gắn kết của cộng đồng Khmer. Giáo lý, giới luật được tín đồ học tập và thực hành thông qua các nghi lễ, các đệ tử của Phật phải giữ giới, từ đó phản ánh được đạo đức cá nhân trong mối quan hệ cộng đồng. Từ việc phải giữ giới luật Phật giáo cũng là những nội dung đạo đức mà cả cộng đồng, xã hội cùng chia sẻ để trừ cái ác, thói hư tật xấu, nhằm giúp cho xã hội ổn định, văn minh và phát triển.

Người Khmer sau khi xuất tu thì trở thành Achar, Achar là người am hiểu giáo lý, giới luật, lời răn dạy của Đức Phật trong phum, sroc, người hướng dẫn tín đồ thực hiện các nghi lễ và lời nói của họ có ý nghĩa quan trọng trong cộng đồng người Khmer.

Đời sống tinh thần của người Khmer chịu ảnh hưởng rõ nét bởi quan niệm của Phật giáo. Họ quan niệm sống phải biết làm phúc để khi chết đi được siêu thoát, sanh về cõi Niết bàn. Trong cuộc sống hằng ngày, người Khmer thường tâm niệm làm lành tránh dữ với tâm thiện, sống chan hòa, giúp đỡ lẫn nhau khi khó khăn.

  1. KẾT LUẬN

Phật giáo Nam tông có vị trí và vai trò rất quan trọng, chi phối mọi hoạt động của người Khmer từ xưa cho tới này trong đời sống của cộng đồng người Khmer. Có thể thấy rằng, từ góc độ đời sống văn hóa tinh thần, việc giữ gìn và phát huy tiếng nói, chữ viết, bản sắc văn hóa tộc người giáo dục nhân cách người Khmer, đào tạo đội ngũ tri thức. tạo ra các hoạt động xã hội thiết thực, phát huy tốt truyền thống đoàn kết. Tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer nhìn sự vật luôn trong quan niệm về nhân quả, đời là bể khổ, là nghiệp của mình, khi gặp việc không may thì họ lấy đó làm nguồn an ủi. Bên cạnh đó, tư tưởng và hành vi của tín đồ người Khmer luôn chú trọng hướng thiện, cứu khổ, bố thí... Đó là nét đẹp cao thượng trong xã hội, phù hợp với truyền thống nhân đạo của con người Việt Nam.

Vai trò của Phật giáo Nam tông Khmer trong đời sống tinh thần của người Khmer ở Nam Bộ được thể hiện chủ yếu thông qua vai trò của chùa và chư Tăng. Từ xưa cho đến nay, ngôi chùa chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer, họ đến chùa không chỉ xuất phát từ lòng sùng bái đạo, hướng Phật, cầu nguyện mà họ đến chùa để sinh hoạt cộng đồng, duy trì truyền thống văn hóa của dân tộc.

Triết lý giải thoát của Phật giáo Nam Tông Khmer đã tác động tích cực đến tư tưởng, đạo đức của cộng đồng người Khmer và ảnh hưởng sâu sắc đến phong tục tập quán, lối sống, giáo dục... Có thể khẳng định rằng, Phật giáo Nam tông có một vị trí, vai trò rất to lớn trong đời sông tinh thần cũng như hình thành nhân cách, đạo đức của người Khmer ở Nam Bộ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Phan An, Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2009.
  2. Trần Văn Ánh, Văn hóa phum sóc của người Khmer Tây Nam Bộ và vấn đề xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2010.
  3. Nguyễn Mạnh Cường, Vài nét người Khmer Nam Bộ, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 2002.
  4. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam Bộ, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
  5. Danh Lung, Châu Hoài Thái, Phật giáo Nam tông Khmer đồng hành cùng dân tộc, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, thành phố Hồ Chí Minh, 2017.
  6. Nhiều tác giả, Giáo dục Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2001. 7. Trương Lưu, Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.
  7. Trương Lưu, Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, NXB. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.
  8. Trần Thanh Pôn, “Chùa Khmer ở Nam Bộ và vấn đề giáo dục môi trường", Tạp chí Thông tin Nghiên cứu Giáo dục, số 2, 1996. 681

Tác giả: Đại đức, ThS. Danh Hữu Lợi, Phân viện Nghiên cứu Phật giáo Nam tông Khmer (Viện Nghiên cửu Phật học Việt Nam).

Nguồn: Đại học Quốc gia Tp HCM- Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đạo đức tôn giáo và thực tiễn giảng dạy đạo đức tôn giáo ở Việt Nam, Nxb KHXH, năm 2020, tr180-189

Biên tập: Quế Châu

Chân chất tin quảng cáo trên báo chí thuở xưa

 (PLO)- Một tờ báo muốn sống được chính là ở số lượng phát hành. Lượng phát hành càng lớn, chứng tỏ báo có sức hút rộng rãi, bài viết có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của độc giả.

Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21-6-1925- 21-6-2021), PLO xin giới thiệu bài viết của tác giả Trần Đình Ba về quảng cáo trên chí ngày xưa.

Nguồn thu từ bán báo chính là cơ sở để báo có thể tồn tại, phát triển với những khoản chi nhuận bút cho tác giả, cho nhà in, trả lương cho phóng viên, biên tập viên, phần trăm cho đại lý phát hành…

Để có thêm nguồn thu nhập, việc đăng các mẩu tin quảng cáo cho những cá nhân, tập thể trở thành một điều tất yếu, giúp độc giả không chỉ đọc báo, xem tin tức, nạp kiến thức, mà còn có thể tìm thấy những mặt hàng, dịch vụ mình cần. Và các nhà buôn, các cơ sở sản xuất nhờ có báo chí mà giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, thứ mình có đến người tiêu dùng.

 01om

Gia Định báo là tờ báo quốc ngữ đầu tiên đăng quảng cáo. ẢNH TƯ LIỆU

Báo chí thông qua những tin quảng cáo, chính là cầu nối giữa cung và cầu.

Tin quảng cáo đầu tiên trên báo quốc ngữ

Gia Định báo là báo quốc ngữ đầu tiên và cũng là tờ báo đầu tiên đăng tin quảng cáo. Mẩu tin quảng cáo đầu tiên lên báo, nằm ở số báo ra ngày 20-1-1881, trang 16.

Nội dung mẩu tin quảng cáo đầu tiên trên báo quốc ngữ nước Việt (Gia Định báo) là về bất động sản với tiêu đề “Loi rao ban dat tho cu” (viết không dấu, chúng tôi trích nguyên văn chính tả của các tờ báo thời đó, kể cả những sai khác về chính tả so với hiện nay, thể hiện sự tôn trọng văn bản, tính lịch sử):

“Có một khoảnh đất thổ cư ở tại Saigon tại đường Espagne góc đường Mac Mahon, giá bán mỗi một thước tây là một quan năm. Như ai muốn mua, thì cứ hỏi ông thông phán Bollon ở Saigon mà mua”.

Mảnh đất được đó nằm ở đường Espagne góc đường Mac Mahon. Tra trong Từ điển Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, địa điểm ấy, nay thuộc đường Lê Thánh Tôn góc đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 1.

Trên các số Gia Định báo, có thể thấy đủ loại mặt hàng, dịch vụ được quảng cáo, nào dịch vụ in ấn, bán sách; dịch vụ trị bệnh, thuốc thang; các loại tủ, bàn, ghế gỗ, bánh dầu bông vải, thuốc lá cho đến bán tàu biển, chơi xổ số; thậm chí là dịch vụ ngân hàng, rồi cả việc đòi nợ…

Cụ thể như Gia Định báo số 52, ngày 30-12-1890 có mẩu tin “Phép kế tự Fan Boonswee”:

“Kính rao cho ai nấy được hay, tôi đã có tính với Nhà nước, Nhà nước giao cho tôi tính về việc kế tự ấy.

Vì vậy tôi xin các chủ nợ cùng các người mắc nợ cả BOONS-WEE, trước ngày 15 tháng nầy phải đem giấy nợ ra mà trình hoặc lo mà trả trong tay tôi.

Saigòn, ngày mồng 4 décembre 1890.

Ông lãnh sự nước Hồng-mao,

Chas. F.TRELETT”.

Ngôn ngữ quảng cáo thật thà, chân chất đậm văn nói

Điểm có thể dễ nhận ra ở mục quảng cáo của báo chí buổi ban đầu là những quảng cáo rất thật, ngôn ngữ chân chất, hồn hậu, không chau chuốt, dễ ngấm, dễ cảm, và đa phần, chủ nhân quảng cáo là người Pháp.

Có thể dẫn báo Lục tỉnh tân văn làm chứng. Nơi Lục tỉnh tân văn số 521, ra ngày 28-2-1918, nhiều tin quảng cáo được đăng rải rác trên báo. Để giới thiệu về thuốc lá hiệu Canon ở trang 3, chủ hiệu đăng rất đơn giản là “Thuốc điếu hiệu Canon bao xanh đả [đã] ngon mà lại rẻ tiền”, kèm theo là logo của hiệu.

Tiếp đó ở trang 4 cũng là quảng cáo về thuốc hút ghi: “Thuốc gói chưa vấn hiệu Globe ai ai cũng ưa vì nó thơm diệu” và lưu ý với những tín đồ thích phì phèo nhả khói về địa chỉ cần tìm đến để mua là: “Chỉ một mình hãng Denis Frères trử [trữ] thuốc này thôi”. Dĩ nhiên là kèm theo hình bao thuốc hiệu Globe.

02om

Báo Duy Tân số 20, ra ngày 8-11-1931 dành trọn vẹn 3 trang để đăng quảng cáo từ rượu bia, thuốc chữa bệnh cho đến guốc, đồng hồ, nước mắm… ẢNH TƯ LIỆU

Sang trang 5 ngoài các bài viết của báo, có kèm theo lời rao giới thiệu rượu rất sáng tạo cùng minh họa vui mắt: “Từ thuở nay tôi chưa hề kéo chú khách nào mà nặng như vầy. Rồi đây tôi mới phải đi uống một ly rượu DUBONNET đặng lấy sức lại chớ”. Cùng lời rao là hình phu xe kéo đang kéo một chú khách đẫy đà như một minh chứng cho công dụng của rượu Dubonnet.

Tới trang 6 của số báo này vẫn còn tin quảng cáo về rượu, về khắc dấu, về may mặc. Và dù Lục tỉnh tân văn chỉ có 8 trang nhưng hai trang cuối là trang 7-8 đã dành riêng quảng cáo, tức là trang chuyên quảng cáo chiếm tới ¼ tờ báo. Đáng chú ý là tin quảng cáo về thuốc lá, rượu chiếm tỷ lệ lớn so với những mặt hàng khác.

Sớm hơn nữa, tin quảng cáo trên Nông cổ mín đàm, dù không có hình minh họa, nhưng cũng rất vui mắt khi đọc. Chẳng hạn ở số 21, ra ngày 26-12-1901 có tin quảng cáo về thuốc ở trang 7:

“Người đau mới mạnh, kẻ công việc nhiều, người hay đi săn bắn, kẻ có chí châu du, người hay suy nghĩ cùng kẻ yếu gầy, mà muốn phục hồi nguyên lực thì phải uống thứ thuốc hiệu Glycéro kola hay là Glycéro-Arsenié của thầy Henry Mure. Bán tại tiệm thầy Bérenguier ở Saigon mổi [mỗi] ve giá bốn quan năm tiền tây, còn mua một lược [lượt] hay ve thì giá tám-quan”.

Ở mẩu tin trên, chủ nhãn hàng đã dẫn chứng công dụng của thuốc cho đối tượng rất cụ thể, kèm theo giá cả cũng như chiêu bài hút khách bằng khuyến mãi giá khi có phân biệt rõ giá cả mua một ve hoặc hai ve [chai, lọ nhỏ]. Nghệ thuật đánh vào tâm lý khách hàng là đây chứ đâu xa lạ.

03om

Quảng cáo thuốc điếu hiệu Canon trên Lục tỉnh tân văn số 521. ẢNH TƯ LIỆU

Để thu hút quảng cáo, nhiều báo thực hiện mời gọi đối tác quảng cáo với những lời rao hết sức ngắn gọn mà dễ thương. Trên Duy Tân số 1, ra ngày 28-6-1931, ngay trang nhất đã mời chào:

“Óc duy tân nên đọc báo Duy tân; có đăng quảng cáo vào Duy tân mới là lối buôn bán duy tân. Lai cảo cùng Mandat xin gởi cho NGUYỄN ĐÌNH THẤU HANOI - 147, Boulevard Henri d’Orléans, 147 - HANOI”. Báo Duy Tân có 8 trang, từ số 1 rồi các số về sau đều dành riêng 3 trang cho quảng cáo.

Báo Đàn bà mới số 2, ra ngày 8-12-1934 có tin quảng cáo kèm với lời mời “Ai muốn thương lượng về việc quảng cáo đăng trong ĐÀN BÀ MỚI, xin do M. Tôn Văn Lâm. 39 Colonel Grimaud Saigon”.

Tin, ảnh: Trần Đình Ba - Báo Pháp luật online

Link truy cậphttps://plo.vn/van-hoa/chan-chat-tin-quang-cao-tren-bao-chi-thuo-xua-993752.html

DU XUÂN Ở LÀNG CHĂM AN GIANG

Những ngày Xuân, đến các làng Chăm An Giang là một trong những trải nghiệm không thể quên của du khách.

1000

Trong những ngày Tết các cô gái đều khoác trên mình những bộ trang phục truyền thống đẹp nhất để đi du Xuân

Xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (An Giang) có gần 1.100 hộ (với 4.058 nhân khẩu) 100% bà con theo đạo Hồi Islam, trong đó có hơn một nửa sinh sống bằng nghề thủ công mỹ nghệ như dệt, thêu, đan… Sản phẩm thủ công chủ yếu là vải thổ cẩm, áo choàng, sarông, khăn quấn cổ đội đầu, các mặt hàng lưu niệm… được dệt bởi  tơ, sợi với hoa văn tinh tế, nhuộm bằng chất liệu thiên nhiên nên màu sắc đẹp và lâu phai.

Chính nhờ bí quyết này mà sắc màu thổ cẩm ở Châu Phong tươi và sống động hơn sản phẩm cùng loại ở nơi khác. Ông Haji Abdolhamid, Phó Giáo cả Thánh đường Chăm Azhar, ấp Châu Giang, xã Châu Phong cho biết: “Việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt vải đã có lâu đời và là nghề truyền thống của người Chăm ở An Giang . Thổ cẩm Châu Giang rất đẹp và không nơi nào có”.

Anh Mohamal Haji Tares ở ấp Châu Giang hớn hở khoe: “Người có vốn nhiều và làm ăn lớn phất lên, giúp đồng bào trong xóm có công ăn việc làm và thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Như một cái khăn hoặc cái áo thêu, rua hoàn chỉnh, giá 25-35 USD (500-800 nghìn đồng) người gia công được hưởng 45.000 - 50.000 đồng/cái, nếu làm bằng tay được 2 cái/ngày, nếu làm bằng máy có thể 4 - 5 cái/ngày”, anh Mohamal Haji Tares nói.

Còn chị Zây Mah ở ấp Phũm Soài, xã Châu Phong chia sẻ: “Gia đình tôi có điều kiện cải thiện kinh tế nhờ vào việc bán sản phẩm thổ cẩm cho du khách. Khách rất thích thú với những sản phẩm thủ công truyền thống của chúng tôi, đặc biệt là khăn ma - tơ - ra. Nhờ đó, nhiều gia đình trong làng có điều kiện nâng cao thu nhập”.

Đã có nhiều đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm và rất thích thú tìm hiểu về đời sống, phong tục, tập quán của cộng đồng người Chăm. Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, chị Mari Dâm cho biết: Nhờ những nét hấp dẫn và độc đáo của làng Châu Phong, ngành Du lịch An Giang đã chọn nơi đây để xây dựng làng du lịch cộng đồng. 

Mục đích nhằm quảng bá dệt thổ cẩm Châu Giang, giới thiệu cho du khách nét văn hóa, ẩm thực và sản phẩm của người Chăm. Đặc biệt, làng du lịch cộng đồng này có Tour Homestay (ở nhà người dân) với chương trình “Trở thành một người Chăm” (1 ngày 1 đêm). “Du khách sẽ ăn, ngủ tại nhà người Chăm, cùng sinh hoạt với họ, thưởng thức chương trình âm nhạc Chăm, trải nghiệm vài thao tác dệt thổ cẩm hay vài điệu múa Chăm… Ngoài ra, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống của người Chăm. Nên những năm gần đây, Tết Nguyên đán ở làng Chăm Châu Phong rất đông khách”, chị Mari Dâm nói.

1001

Chị Zây Mah làm du lịch cộng đồng, giới thiệu với du khách những sản phẩm dệt thổ cẩm Châu Giang.

Anh Mohamed Sosales, ở ấp Phũm Soài xã Châu Phong (TX. Tân Châu) chia sẻ, những năm gần đây, Tết Nguyên đán các làng Chăm An Giang đông và vui lắm. Nhiều thanh niên Chăm đi làm xa xứ thường tận dụng thời gian nghỉ Tết Nguyên đán để tổ chức lễ cưới, mang đến niềm hoan hỷ cho cả làng. “ Tết này, nhà tôi nấu các món truyền thống của người Chăm để con cháu ở xa về ăn cho vui và đãi khách phương xa…”, anh Sosales nói.

Chia tay những làng Chăm, đi dọc theo sông Hậu, bâng khuâng nhớ về điệu múa uyển chuyển của các thiếu nữ Chăm mừng lễ hội và lại nghe thấp thoáng đâu đây, âm thanh rộn ràng của trống Baranung, trống Ginăng...Và tôi cũng như nhiều du khách tự nhủ, có dịp sẽ về thăm lại các làng Chăm An Giang.

Tin - ảnh: Phương Nghi (Báo Dân tộc và Phát triển)

Link truy cậphttps://baodantoc.vn/du-xuan-o-lang-cham-an-giang-1611286174982.htm