Tự hào Miếu Tiền Vãng

Đó là một ngôi miếu khiêm tốn, cả về quy mô kích cỡ lẫn độ dày thời gian, tọa lạc trong khuôn viên Trường Tiểu học tỉnh Trà Vinh (Ecole Primaire Complémantaire de Travinh) thời thuộc Pháp, sau đổi thành Trường Tiểu học Phú Vinh và nay là Trường Tiểu học Lê Văn Tám.

Toàn cảnh Miếu Tiền Vãng trong khuôn viên Trường Tiểu học Lê Văn Tám. 

Ảnh: BT

Đối với người dân Trà Vinh chúng tôi, thế hệ sinh ra trong thập niên 1960 trở về trước, đường Hàng Me (trước là đường Lê Văn Duyệt, nay là đường 19 tháng 5) là con đường đẹp nhất, con đường của tuổi học sinh với bao ước mơ, hy vọng. Giữa đường là ngôi trường tiểu học lớn nhất và xưa nhất, cuối đường là hai ngôi trường trung học danh giá bậc nhất của tỉnh. Dọc con đường này có một ngôi miếu, từ lâu đã trở thành địa chỉ vừa thân thuộc vừa thiêng liêng trong tâm thức của bất kỳ ai từng một thời cắp sách đến trường - Miếu Tiền vãng, còn có tên khác là Miếu Tiên sư.

Đó là một ngôi miếu khiêm tốn, cả về quy mô kích cỡ lẫn độ dày thời gian, tọa lạc trong khuôn viên Trường Tiểu học tỉnh Trà Vinh (Ecole Primaire Complémantaire de Travinh) thời thuộc Pháp, sau đổi thành Trường Tiểu học Phú Vinh và nay là Trường Tiểu học Lê Văn Tám. Được xây dựng từ năm 1943 (theo đề xuất của nhà giáo Vương Hảo Thuận và bản vẽ của nhà giáo Võ Văn Hợi), mặt tiền ngôi miếu nhìn thẳng ra cổng chính ngôi trường và ba mặt còn lại là vách ván được chạm trỗ hình chữ Thọ nối tiếp nhau, mái ngói âm dương theo kiểu bắt vần của kiến trúc truyền thống người Việt, tương phản với vẻ bề thế của các dãy lầu lớp học bao quanh. Lối vào miếu được bố trí giữa hai hàng hoa, vài cây phượng vĩ, dương liễu nghiêng mình soi vào hai hồ sen tả hữu, tạo ra một không khí tĩnh lặng, trang nghiêm cần thiết, dù đang giữa giờ chơi, đầy sân học trò nô giỡn.

Bước lên bậc tam cấp, chính giữa ngôi miếu là một án thờ cùng một bia đá cẩm thạch mà trên mặt bia đính những linh vị đồng thau, ghi rõ danh tính, năm sinh và ngày mất của 139 vị giáo chức nam nữ có công trong sự nghiệp phát triển giáo dục trên phạm vi cả tỉnh đã qua đời, có cả những thầy cô người Pháp, người Việt, người Khmer, người Hoa - tính từ đầu thế kỷ XX đến năm 1975. Lúc nào trên án thờ cũng đầy hoa quả, nghi ngút khói hương của các thầy cô giáo và học sinh kính viếng các bậc tiên sư quá cố như một biểu hiện chân thành của lòng tôn sư trọng đạo. Hằng năm, mỗi lần tết đến, Trường Tiểu học Trà Vinh tổ chức lễ hội trọng thể, trang nghiêm quy tụ đông đảo giáo giới trong tỉnh về tham dự. Và, xúc động thay, những học trò đất Trà Vinh đã thành đạt, dù sinh sống ở phương trời nào, mỗi lần về thăm quê đều dừng chân tại đây, thắp một nén nhang thành tâm tưởng niệm công ơn thầy cô cũ.

Rõ ràng, xét về quy mô cũng như bề dày lịch sử, Miếu Tiền Vãng Trà Vinh quả là khiêm tốn so với hàng trăm cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trong tỉnh; xét về giá trị văn hóa, ngôi miếu cũng không thể sánh cùng một Văn xương các, một Văn thánh miếu ở Vĩnh Long hay một Văn miếu Biên Hòa, một Chiêu anh các ở Rạch Giá… Nhưng ở một tỉnh nhỏ mà truyền thống giáo dục chưa tạo được tiếng vang lớn như Trường Nguyễn Đình Chiều ở Mỹ Tho hay Trường Phan Thanh Giản ở Cần Thơ… (mãi đến năm 1956, Trà Vinh mới bắt đầu hình thành cơ sở giáo dục bậc trung học) nhưng Trà Vinh lại là tỉnh hiếm hoi ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long xây dựng, duy trì và tôn vinh ngôi miếu dành riêng tưởng nhớ các thầy cô quá cố. Miếu Tiền Vãng Trà Vinh quả thật là sự vật chất hóa, là biểu trưng độc đáo đáng tự hào về lòng tôn sư trọng đạo của cộng đồng các dân tộc tỉnh nhà.

Từ ngày xây dựng tới nay, Miếu Tiền Vãng đã qua ba lần trùng tu và một lần tôn tạo nhưng vẫn giữ được khá nguyên vẹn dáng vẻ ban đầu. Lần đầu tiên, trùng tu năm 1967, nhưng chỉ một năm sau đó, chiến sự Xuân Mậu Thân đã làm ngôi miếu bị hư hỏng nặng, phải trùng tu lần thứ hai.

Sau ngày tỉnh Trà Vinh được tái lập (tháng 5/1992), Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh đã tổ chức trùng tu lần thứ ba, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo giáo giới, học sinh và người dân trong tỉnh. Lần trùng tu này, những người thực hiện đã nghiên cứu khá kỹ lưỡng, phục hồi bức hoành phi Hán tự “Tôn sư trọng đạo” trên trần vách hậu và cặp liễn đối Việt ngữ “Uống nước nhớ nguồn” - “Tôn sư trọng đạo” hai bên án thờ. Riêng bia đá ghi tên các nhà giáo quá cố được trang trọng dựng lên nhưng do số lượng nhà giáo hy sinh trong sự nghiệp giải phóng dân tộc cũng như từ trần suốt hơn trăm năm qua đã lên tới hàng ngàn người nên các linh vị đồng thau được đính thành 04 dãy dọc, mỗi dãy 30 chiếc nhưng để trống tên tuổi cho phù hợp thực tế.

Ngày 20/11/1994, Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh tổ chức lễ khánh thành sau trùng tu Miếu Tiền Vãng, với sự tham dự đông đảo thầy cô giáo và học sinh trong tỉnh, tạo ra một tiền lệ tốt đẹp cho ngày lễ hội truyền thống Nhà giáo tỉnh Trà Vinh.

Với những giá trị đó, ngày 07/12/2004, Miếu Tiền Vãng được UBND tỉnh Trà Vinh xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, theo Quyết định số 2514/QĐ-CTT.

Năm 2016, Trường Tiểu học Lê Văn Tám được nâng cấp như một phần của dự án chỉnh trang đô thị thành phố Trà Vinh. Nhân dịp này, Ban Giám hiệu trường xin ý kiến các cơ quan chức năng, tiến hành tôn tạo khuôn viên và ốp đá nền, tạo nên vẻ khang trang cần có cho di tích lịch sử văn hóa này.

Sáng ngày 19/11/2021, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lâm Minh Đằng cùng đoàn công tác đến thắp hương tại Miếu Tiền Vãng.

 Ảnh: KIM LOAN

Tác giả: Trần Dũng

 

Bộ từ điển song ngữ Việt - Khmer đầu tiên tại Việt Nam

Trong khuôn khổ dự án biên soạn bộ từ điển song ngữ Việt - Khmer và Khmer - Việt do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, Trường Đại học Trà Vinh (Trà Vinh) thực hiện, bộ Từ điển song ngữ Việt - Khmer và Khmer - Việt đầu tiên ở nước ta vừa chính thức được phát hành.

bo tu dien viet khmer 1

Các tăng sinh Khmer tra cứu từ vựng với Từ điển song ngữ Việt - Khmer trong thư viện của Trường Đại học Trà Vinh.

Ảnh: An Hiếu

 Được triển khai từ năm 2014, bộ từ điển song ngữ gồm 2 cuốn Từ điển song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt với tổng cộng 84.000 mục từ và 3 phiên bản số cài đặt trên máy tính cá nhân, điện thoại di động, máy tính bảng… Theo bà Thạch Thị Dân, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, để hoàn thành bộ từ điển, trường đã mời nhóm chuyên gia Campuchia đến thẩm định, kiểm tra đầu mục từ, chỉnh sửa nội dung…, đồng thời tổ chức nhiều cuộc hội thảo lấy ý kiến và các giải pháp hiệu quả.

bo tu dien viet khmer 2

Phiên bản in của bộ từ điển gồm hai quyển song ngữ Việt - Khmer và Khmer - Việt, mỗi quyển có đến 42.000 mục từ của hai ngôn ngữ.

Ảnh: An Hiếu

Là công cụ tra cứu, trao đổi thông tin hiệu quả, bộ từ điển song ngữ Việt - Khmer, Khmer - Việt đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giao tiếp cũng như các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu tiếng Việt và Khmer của sinh viên, nhà nghiên cứu.

 bo tu dien viet khmer 3

Sinh viên khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ (Trường Đại học Trà Vinh) tìm hiểu, tra cứu từ vựng trong quyển từ điển song ngữ Việt - Khmer tại thư viện khoa.

Ảnh: An Hiếu

Không chỉ góp phần bảo tồn và phát triển ngôn ngữ Khmer, đây còn là minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước về công tác bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bàoKhmer nói riêng, bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Việt Nam nói chung.

Tác giả: Thu Hương – An Hiếu

Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi

NGÔI CHÙA TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI KHMER TÂY NINH

Tây Ninh hiện nay có 22 dân tộc đang sinh sống, trong đó Khmer là dân tộc thiểu số có số nhân khẩu đông nhất. Theo thống kê năm 2019 thì Tây Ninh có 7650 người Khmer / 1844 hộ, chiếm tỉ lệ 0.7% dân số toàn tỉnh. Hiện tại, ngoài một số ít hộ sống đan xen, thì chủ yếu đa phần người Khmer sống tập trung thành làng riêng, nhiều nhất là ở các huyện Tân Châu, Tân Biên và Châu Thành. Về tôn giáo, trừ một bộ phận nhỏ như Bàu Ếch, Xóm Tháp theo tôn giáo Cao Đài, còn lại hầu hết bà con đều là Phật tử của Phật giáo Nam tông. Chính vì vậy mà ngôi chùa có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống của người dân Khmer ở nơi đây. Chùa vừa là nơi để thực hành nghi lễ tín ngưỡng, vừa là nơi sinh hoạt và bảo tồn văn hóa truyền thống. Ngôi chùa gắn liền hầu hết với nghi lễ vòng đời của bà con Khmer từ khi mới sinh ra cho tới khi trở về với cát bụi hòa đồng.

chua 1

So với số lượng các chùa Bắc tông, thì hiện nay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh số lượng chùa Nam tông Khmer rất khiêm tốn, chỉ có 6 ngôi. Trong đó, Tân Châu có một là chùa Kiri Sattray Meanchey - Kà Ốt, Tân Biên có một là chùa Risathia Ratanak Ut Đom - Chung Ruk, Thành phố Tây Ninh cũng có một là chùa Botum Kiri Rangsay – Khedol. Nhưng huyện Châu Thành lại có tới ba, là các chùa Punlư Reaksmay Ratanak Ut Đom – Svay, Kiri Kama Kura – Phụm Ma và Mongkol Rangsay – Phước Quang, phân bố ở các xã biên giới như Ninh Điền, Thành Long, Hòa Thạnh. Nếu tính tỉ lệ trung bình thì khoảng 1275 người dân Khmer sinh hoạt / một chùa. Điều này ít nhiều phản ánh sự thiếu thốn trong đời sống của bà con ở đây. Cũng chính vì vậy mà thời gian gần đây, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh cùng với chính quyền và bà con chung tay tôn tạo, mở rộng, xây dựng thêm các cơ sở công trình như chánh điện, giảng đường, tăng xá, lò thiêu…để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng ngày càng đông của người dân.

Khác với các dân tộc khác, người Khmer sinh ra hiển nhiên đã là một Phật tử mà không cần phải trải qua nghi thức quy y. Điều đó cho thấy văn hóa Phật giáo đã thấm sâu vào tâm thức nguồn cội dân tộc này từ rất lâu đời. Người Khmer quan niệm sống là phải ăn hiền ở lành, không gian manh dối trá. Đặc biệt hiếu thảo và tích phước là quan trọng hơn hết đối với mỗi con người. Sư sãi là người đại diện cho Đức Phật hướng dẫn chúng sinh đi vào chánh đạo, cho nên đó là những bậc rất đáng được mọi người tôn kính và cúng dường . Bất kỳ thanh thiếu niên nào được cha mẹ cho vào chùa tu báo hiếu và học tập là điều rất vinh dự cho gia đình và dòng tộc. Chính vì vậy, các làng Khmer có chùa hoặc gần chùa thường cho con cháu đến chùa tu học để báo hiếu vào những dịp có thể. Nếu như ai đó sau ba năm thụ giới muốn hoàn tục thì ra đời làm ăn sinh sống, còn nếu muốn tu trọn đời phụng sự Phật pháp thì rất tôn quý. Phật giáo Nam tông Khmer rất thoáng chứ không hề gò bó. Ở Tây Ninh vào các dịp như lễ Nhập hạ, Dâng y Kathina, Phật Đản…các nhà chùa thường xuyên tổ chức lễ quy y rất long trọng cho các sadi. Người Khmer quan niệm “ sống vào chùa gửi thân, chết vào chùa gửi cốt”, cho nên làng nào có ngôi chùa đẹp, hoành tráng, có nhiều sư tu hành đó không những là niềm vinh dự cho cả làng mà còn là sự hãnh diện của mỗi gia đình trong phum sóc. Chính vì quan niệm ấy, nên người Khmer Tây Ninh dù đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, nhưng việc cúng dường cho chư tăng, ủng hộ tiền tôn tạo xây dựng chùa, đúc tượng Phật…là bà con luôn sẵn sàng và ủng hộ hết lòng.

Hiện nay, các ngôi chùa Khmer ở Tây Ninh đa phần là mới xây dựng lại chừng vài chục năm trở lại đây. Chỉ có chùa Khedol là ngôi chùa cổ có mặt từ 150 năm trước. Nhưng chùa Khedol cũng đã nhiều lần di dời vì bom đạn chiến tranh. Ngôi chùa hiện tại ấp Thạnh Đông xã Thạnh Tân ( Thành phố Tây Ninh) được xây dựng lại vào năm 1980 và cũng đã qua nhiều lần trùng tu mới có ngôi chánh điện đẹp lộng lẫy nhất tỉnh như ngày hôm nay. Chùa Khedol đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo QĐ số 117/QĐ-CT ngày 29/4/2002 của Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh. Ngoài chùa Khedol thì chùa Chung Ruk là ngôi chùa có ngôi sala đẹp nhất. Ngôi sala này có hai tầng, tổng diện tích rộng hơn 525m2 được Sư Nguyễn Văn Chạy vận động xây dựng với kinh phí hơn 14 tỉ đồng. Các chùa còn lại thì đang trong giai đoạn trùng tu.

chua 2

Các chùa Khmer ở Tây Ninh nhìn chung là một quần thể kiến trúc bao gồm chánh điện như sala, tăng xá, tháp cốt, miếu Neakta và các tượng tròn ngoài trời. Ngôi chánh điện luôn là công trình kiến trúc trung tâm, hầu hết là xây bằng chất liệu hiện đại, cửa chính quay về hướng đông. Mái có nhiều lớp, vút lên cao, trên có các tượng rồng tượng trưng cho nơi ngự trị của Đức Phật và mong cầu tránh hỏa hoạn. Hai đầu mái thường trang trí biểu tượng Rehu phun nước, tượng trưng cho nguồn sinh lực của vũ trụ, mong cầu mưa thuận gió hòa. Ở đầu các đầu cột chống đỡ mái thường trang trí đan xen giữa các tượng chim K’rut và các Keynor, vừa tượng trưng cho sức mạnh, đề phòng cái ác trỗi dậy, vừa tượng trưng cho sự hài hòa giữa âm và dương. Nền của chánh điện bao giờ cũng cao hơn mặt bằng chung rất nhiều, xung quanh có rào là tượng rắn thần Nagar năm hoặc bảy đầu hướng ra bốn hướng cửa lên xuống, tượng trưng cho chiếc cầu nối giữa cõi người và cõi Phật. Rắn Nagar còn là biểu tượng cho nguồn nước vĩnh cửu phục vụ cho mọi mặt của đời sống và lao động sản xuất. Bên trong chánh điện có bàn thờ Phật Thích Ca Mâu Ni với nhiều tư thế khác nhau như Phật tọa thiền, thuyết pháp, đi khất thực, nhập niết bàn…Trên trần và vách tường trang trí rất nhiều bích họa kể về cuộc đời và những sự kiện thời Đức Phật còn tại thế.

Ngoài chánh điện, sala, tăng xá có lối kiến trúc khá tương tự thì các chùa Khmer Tây Ninh có nhiều kiểu tháp cốt khác nhau. Đây cũng là điểm độc đáo của các chùa. Nếu nói tháp cốt đẹp, cầu kỳ và hoành tráng nhất phải nói đến chùa Kà Ốt. Nhưng nếu nói khu vườn mộ thì phải nói đến chùa Svay. Chùa Svay ở ấp Bến Cừ, xã Ninh Điền – Châu Thành. Cánh Khmer bên này hầu hết là thiêu xác sau khi mãn phần. Cho nên khu vườn sau chùa cũng là khu vườn mộ. Mỗi một nhà mộ là của một dòng họ, sau khi có người mất thì thiêu lấy tro cốt bỏ vào hũ và an vị trong nhà mộ. Điều này vừa tiết kiệm đất canh tác, vừa hợp vệ sinh và phù hợp với tinh thần Phật giáo nguyên thủy. Trước đây, cánh Khmer Tân Biên, Tân Châu và Thành phố Tây Ninh đều theo hình thức địa táng, còn cánh Châu Thành thì hỏa táng. Đại đa số là bà con thiêu theo lối Ấn Độ xưa, dùng củi thiêu xác ngoài trời. Nhưng nay thì đã khác, hai chùa Mongkol Rangsay và Svay đã xây dựng được lò thiêu tại bên trong khuôn viên chùa. Mỗi một lò, kinh phí xây dựng khoảng hơn 2 tỉ đồng, vấn đề này được bà con rất hoang nghênh, phấn khởi.

Nói về các tôn tượng, thì các chùa Khmer Tây Ninh trước đây chỉ thờ duy nhất Phật Thích Ca Mâu Ni mà thôi. Nhưng nay thì một vài chùa còn thờ cả tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, đây là một nét khá mới. Một điều đáng lưu ý là các chùa Khmer Tây Ninh ngoài tượng Phật ra, các sư và các nghệ nhân rất quan tâm đến các tượng thần của Bà la môn như các vị thần tối cao Brahma, Vishnu và Shiva đứng hầu đấng Thích Ca. Hoặc các tượng thần khác như tượng thần Mẹ Đất, Chằn, Tiên nữ, Garuđa…hộ trì Phật pháp, xua đuổi tà ma, giữ gìn chốn tôn nghiêm của Phật điện. Có nhiều người cho rằng đó là tàn dư của văn hóa Bà la môn trong Phật giáo nguyên thủy. Nhưng thực ra nó có một ý nghĩa khác đó là sự quy thuận, xóa bỏ giai cấp, cải ác hướng thiện…Phật giáo cứu độ tất cả mọi chúng sinh, hướng thiện và không phân biệt…đó là một triết lý thâm diệu mà nhà chùa muốn gửi gắm đến mọi người.

Nếu như các ngôi Bắc tông chủ yếu là nơi để hành lễ tín ngưỡng, thì chùa Khmer lại tích hợp cả nghi lễ Phật giáo lẫn nghi lễ văn hóa cổ truyền dân gian như Chol Chnam Thmay, Sen Donta, Oc Ombok, Phật Đản, Nhập hạ, Dâng y Kathina…hầu hết các nghi lễ này là dịp để bà con Khmer tụ họp về chùa nghe giảng kinh Phật, cúng dường Tam Bảo và sau đó là tham gia văn nghệ, múa hát, biểu diễn Skô Chhaydăm, kịch, nhạc ngũ âm và tổ chức các trò chơi dân gian như trò đập niêu đất, leo cột mỡ, ném chàm, kéo co….rất vui, rất nhộn nhịp tưng bừng nhưng không hề có sắc màu mê tín dị đoan hoặc bừa bộn.

Có thể nói, ngôi chùa rất quan trọng trong đời sống của bà con Khmer. Chùa là nơi gửi gắm ước vọng mong cầu hạnh phúc; là nơi trú ngụ của tâm hồn lúc sống cũng như lúc chết; là trường học đạo lý lẽ sống cách ứng xử với xóm làng, bà con dòng tộc ; là nơi để học tập nghề nghiệp, văn hóa truyền thống; là nơi để thực hành nghi lễ Phật và báo hiếu cho ông bà cha mẹ…Người Khmer Tây Ninh chỉ mới bước ra khỏi cái bóng của cảnh nghèo khó chừng hơn chục năm nay. Nhưng tâm thức của bà con gắn bó với chùa, với văn hóa truyền thống là bất di bất dịch từ ngàn đời nay. Chính vì vậy mà đã từ rất lâu, vai trò của ngôi chùa và các vị sư là vô cùng to lớn đối với cộng đồng Khmer. Ngày nay đi qua các làng Khmer trong tỉnh ta sẽ thấy đổi mới rất nhiều, nhà xây hiện đại có, nhà sàn truyền thống có, đường trường điện là khá đầy đủ theo lối sống mới. Nhưng không gian các ngôi chùa vẫn muôn đời cổ kính trang nghiêm. Bước vào chùa là bước vào cõi đạo, tất cả mọi tham sân ái dục đều bỏ lại ngoài kia, con người một lòng hướng thiện, sống cuộc đời đầy trí tuệ và bác ái từ bi.

Tác giả: NNC: ĐÀO THÁI SƠN

'Cảo thơm' Nam kỳ khảo lược

Như 'cảo thơm lần giở trước đèn', 2 tập Nam kỳ khảo lược (NXB Thuận Hóa vừa ấn hành) của nhà nghiên cứu Trần Thành Trung cung cấp nhiều tài liệu quý về vùng đất Nam bộ xưa thông qua những trang viết thú vị.

catinat

Đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, Q.1, TP.HCM)

Đại Việt tập chí và Nam kỳ tuần báo là 2 trong số những tờ báo có các bài nghiên cứu sâu về Nam kỳ trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ 20, giúp truyền bá và phổ biến kiến thức lịch sử, văn hóa lịch sử của vùng đất Nam bộ. Nhà nghiên cứu Trần Thành Trung đã may mắn tình cờ được tiếp cận trọn 2 bộ báo xuất bản trước năm 1945 này, do Hồ Văn Trung (tức nhà văn Hồ Biểu Chánh làm giám đốc). “Ngồi lật từng trang báo nhuốm màu thời gian càng bồi hồi... Thiết nghĩ đây là những tư liệu giá trị, quý hiếm lại xuất bản khá lâu nên hiện nay bạn đọc ít có cơ hội tiếp cận...”, tác giả cho biết. Những tư liệu này được tập hợp trong 2 tập sách Nam kỳ khảo lược.

Các địa danh Sài Gòn xưa

Theo sách của người Pháp và tạp chí Thông loại khóa trình của Trương Vĩnh Ký, Sài Gòn thuộc trong vùng từ vòm Bến Nghé chạy theo sông Sài Gòn bây giờ tới vàm rạch Thị Nghè. Vùng này gồm 4 thôn: Hòa Mĩ, Tân Khai, Long Điền và Trung Hòa, nghĩa là giới hạn từ mé sông Sài Gòn lên tới con đường lớn và quan trọng nhất thời bấy giờ là Mac Mahon (Nam Kỳ Khởi Nghĩa ngày nay). Những đại lộ như Charner (Nguyễn Huệ), de la Somme (Hàm Nghi), Marchand (Nguyễn Cư Trinh)... hồi trước đều là kinh. Dọc theo mé các sông, rạch và kinh có đắp đường lộ cùng nhà phố lợp ngói hoặc lợp lá. Sau này người Pháp cho sửa sang lại, bắt đầu từ năm 1863 thì dọn dẹp mấy đường đã có sẵn làm thành đường Catinat (Đồng Khởi), Paul Blanchy (Hai Bà Trưng), xây cất công thự bằng cây sơ sài: nhà thương, nhà dây thép, kho bạc, trường học, đồn lính..., nhưng mở mang mau lẹ nhất là thời quan Thủy sư đô đốc de La Grandière. Năm 1866, ban đêm đã có đèn đặt dọc đường đốt bằng dầu dừa, đến năm 1869 số đèn đã lên mấy trăm và sử dụng nhiên liệu dầu lửa.

dinh thong doc

Dinh Thống đốc Nam kỳ;   Ảnh: Tư liệu xứ Nam Kỳ

Trên Nam kỳ tuần báo ngày 30.3.1944, tác giả N.K.T.B còn cho biết: “Địa phương Sài Gòn - Chợ Lớn” - tên cơ quan cai trị được lập ra trong chỉ dụ và nghị định của quan toàn quyền năm 1931 và 1941, gồm trọn địa phận hai châu thành cũ là Sài Gòn và Chợ Lớn. Đến năm 1944, lại mở rộng thêm ra mấy làng ở tỉnh Gia Định, trong vòng từ Thị Nghè xuống kinh Thanh Đa, qua cầu Bình Lợi, chạy theo đường xe lửa tới xóm Thơm, tẻ lên xóm Thuốc rồi dọc theo đường xe điện Hóc Môn lên gần tới An Hội, tẻ qua Tham Lương và giáp tới ranh Châu Thành Chợ Lớn đã định trước. Ở phía nam, thì gồm mấy làng thuộc tỉnh Gia Định, bắt đầu từ cầu Tân Thuận Đông chạy dài theo sông Sài Gòn xuống tới Nhà Bè rồi tẻ qua rạch Ông Lớn (còn có tên là Đại Phong - ranh giới giữa Q.7 và Q.8 bây giờ). Ngày xưa khu vực này hai bên rạch có nhiều ong mật nên người dân thường lấy mật mang ra buôn bán tại cầu Mật (nay thuộc Q.8).

Còn địa danh Thị Nghè, mà đáng lý phải gọi là Bà Nghè mới trúng, được tác giả Lê Thọ Xuân lý giải trên Đại Việt tập chí, số 9 năm 1943: Tên chữ của nó là Bình Trị Giang vì nó chảy ngang địa phận tổng Bình Trị, kêu là sông Bà Nghè vì trên sông này có cầu Bà Nghè. Hồi đầu thế kỷ 18, bên kia sông có ngôi nhà của một bà nghè tên Nguyễn Thị Khánh, chồng làm chức thơ ký ở phiên Trấn dinh (Sài Gòn) nên quen gọi là bà nghè, chứ không dám gọi tên. Nghè là tên tước hàm của chồng bà, vậy kêu là Bà Nghè mới đúng, chứ đâu phải bà tên Nghè mà gọi là Thị Nghè.

Gốc tích Giồng Ông Tố

Ở TP.HCM ngày nay có địa danh Giồng Ông Tố là khu vực hai bên sông Giồng (thuộc các phường: An Phú, Bình Trưng Tây, Bình Trưng Đông, Q.2 và P.Phú Hữu, Q.9 hiện nay). Tên gọi này được tác giả Nguyễn Văn Nghĩa “giải mã” trên tờ Nam kỳ tuần báo số 31 ngày 15.4.1943 như sau: “Trước kia chỗ này là một cái giồng cây cối rậm rạp với nhiều loài thú dữ. Vào đời Minh Mạng năm thứ bảy (?), có người ở tỉnh Quảng Ngãi tên là Tố, vốn là em vợ của quan Lý Chính hầu Huỳnh Công Lý, vô ở chỗ này và tự mình khai khẩn, kế đó quy tập dân lập ấp, lấy tên ấp là Bình Lâm, nay cải là làng Bình Trưng. Từ khi ông mất, cũng chôn tạm tại giồng nên người dân trong ấp mến đức của ông có lập miễu để phượng thờ. Đương thuở ấy, người ta nói ông có công mở mang trước cái giồng này, cho nên lấy tên ông đặt tên cho giồng. Phía tây của giồng có một trường học là Trường Giồng Ông Tố và một cái chợ, đều ở gần công sở làng Bình Trưng”.

Ngoài ra, Nam kỳ khảo lược còn phản ánh cuộc đi tìm dấu vết cũ của Lãnh sự quán VN ở Sài Gòn (1874 - 1883) với nhiều chứng cứ rất thuyết phục; hé lộ chuyện về ba con “cọp gấm” của đạo binh Bến Nghé: Đỗ Thanh Nhân, Châu Văn Tiếp và Võ Tánh “đạp trời khuấy nước” một thời, hay “hổ tướng” Đồng Nai Nguyễn Huỳnh Đức trung với vua; chuyện hoàng tử Cảnh - con trưởng vua Gia Long và Thừa Thiên Cao hoàng hậu ra sao; rồi các quan trấn Sài Gòn dưới quyền Nam triều; Nguyễn Văn Thoại với sự đào sông Thoại Hà và kinh Vĩnh Tế...

 Tác giả: Lê Công Sơn

Nguồn:Báo Thanh Niên Online

CÂY DỪA TRONG VĂN HÓA TÂY NAM BỘ

1. Cây dừa với vùng đất, con người vùng Tây Nam Bộ

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Sơn Nam, Tây Nam Bộ chính là nơi sản sinh ra “văn hóa miệt vườn”. Có thể nói, vùng văn hóa này tuy sinh sau nhưng đã có những biểu hiện hết sức độc đáo mang tính chất đặc thù của vùng đất lắm sông, nhiều rạch. Vùng văn hóa miệt vườn gắn liền với sinh hoạt làm nông nghiệp, mà chủ yếu là trồng lúa nước và các loại cây ăn trái. Có thể vì thế mà nhà nghiên cứu Sơn Nam cũng như các nhà nghiên cứu khác đều thống nhất rằng, nói đến Tây Nam Bộ là nói đến văn hóa miệt vườn mà chủ yếu là gắn với việc trồng trọt các loài cây ăn trái, lấy quả. Xưa kia, các loài cây ăn trái của vùng đất này đã trở nên nổi tiếng không chỉ trong vùng mà còn khắp cả nước. Trong các loài cây đó, có lẽ cho trái lâu năm và có mối quan hệ gắn chặt với con người của vùng đất thì cây dừa là tiêu biểu hơn cả. Có thể nói, các biểu hiện trong sinh hoạt văn hóa của con người vùng đất này không thể thiếu vai trò của cây dừa. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng, cây dừa giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của con người nơi đây.

Trong nền văn hóa, trong tâm thức con người Việt Nam, có lẽ cây dừa đã trở nên quen thuộc và có giá trị bền vững thể hiện không chỉ qua cuộc sống hằng ngày mà còn đi vào văn hóa nghệ thuật dân gian và cả bác học. Ta đã từng biết tranh hứng dừa tiêu biểu cho văn hóa làng nghề truyền thống đậm nét dân gian của miền Bắc. Và phải chăng vì thế mà ở vùng Tây Nam Bộ cây dừa cũng được văn hóa phản ánh đậm nét. Ở vùng đất này cũng đã có câu đố mà gần như ai cũng biết về quả dừa “một vũng nước trong, cá lòng tong lội không tới”. Thậm chí trong những giai thoại về Bác Ba Phi của vùng đất Minh Hải xưa cũng có câu chuyện về “Bác Ba Phi leo ngọn dừa chém máy bay Mỹ”… Rồi hình tượng cây dừa đi vào thơ ca như biểu tượng quê hương miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ đau thương mà anh dũng, câu hát, lời thơ tiêu biểu “ai đứng như bóng dừa, có phải người còn đó….là con gái của Bến Tre”, hay “Tôi hỏi nội tôi, dừa có tự bao giờ; Nội tôi nói khi nội còn con gái đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân”.v.v. Như vậy, có thể nói, cây dừa đã chiếm giữ tâm hồn con người Việt Nam mà nhất là con người ở vùng đất mà quanh xóm, quanh nhà cây dừa hiện hữu như người bạn thân thiết nhất của con người.

Dừa có nhiều loại như: dừa lửa (quả vàng đậm), dừa xiêm (trái nhỏ, nước ngọt), dừa sáp (loại dừa này chủ yếu là đặc sản của đất Trà Vinh, cơm dừa dẽo thơm ngon , giá mỗi trái có khi lên đến 100.000 đồng), dừa dâu (quầy có khi cả trăm trái nên trái rất nhỏ, nước rất ngọt), đặc biệt còn có dừa ba đọt (ở ấp Tràn Ban I, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu, hiện nay cây dừa đã chết do chủ của nó đi nơi khác ở không có ai chăm sóc) như một sự kì thú của tự nhiên khơi gợi sự tò mò, tìm kiếm muốn tận mắt chứng kiến của cư dân các vùng khác… Tuổi thọ cây dừa lên đến vài chục năm nên thường cây dừa lão gắn với một đời con người nếu ta chịu khó chăm sóc chúng. Tất cả các tỉnh vùng Tây Nam Bộ cây dừa được người dân trồng hầu hết ở tất cả các nơi, ở đâu có con người là gần như ở đó có cây dừa!

Truy nguyên nguồn gốc thật khó xác định, cây dừa có tự bao giờ và có nguồn gốc từ đâu? Chỉ biết rằng, đất Tây Nam Bộ xưa kia là vùng đất còn hoang vu, việc cây dừa hiện hữu ở đây hẳn là gắn với bước chân mở cõi của cha ông ta xưa kia đi mở đất. Các hoạt động đầu tiên chứng tỏ sự có mặt của con người ở vùng đất mới không gì khác là các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, cải tạo tự nhiên nơi con người đặt chân đến. Và cây dừa như ta đã biết gắn với làng, xóm, nếp nhà của con người Nam Bộ từ rất lâu đời. Thật khó để lí giải cây dừa có trước hay con người có trước ở vùng đất mới này. Nhưng những gì mà cây dừa để lại trong văn hóa của con người nơi đây đã minh chứng cây dừa có từ rất lâu đời; và vì thế, nó có vị trí văn hóa rất đặc biệt. Bước đầu khảo sát chúng tôi tìm thấy các biểu hiện rất đa dạng của văn hóa dừa trong sinh hoạt thường nhật. Con người đã tận dụng cây dừa một cách triệt để, từng bộ phận cây dừa không bỏ bất kì một thứ gì. Từ việc dùng cây dừa để khắc phục những ảnh hưởng của tự nhiên đến dùng công dụng của cây dừa vào phục vụ đời sống sinh hoạt hằng ngày.

2. Từ công dụng của cây dừa

a. Ở vùng đất lắm sông ngòi, ao hồ, các vùng sinh thái nước ngọt, nước mặn, lợ đan xen nhau. Việc ngăn mặn xâm nhập, chống xói mòn đe dọa đến vùng đất chuyên canh cây lúa, cây ăn quả là mục tiêu hàng đầu của cư dân nơi đây. Có thể nói, phương pháp truyền thống nhất để ngăn mặn là đấp đập, be bờ ngăn mặn. Người dân vùng này đã trồng cây dừa để giữ bờ đê, ngăn mặn xâm nhập vào vùng ngọt bằng cách sau khi đấp bờ đê, bao ngạn xong thì trồng cây để giữ đất. Trong cách ứng xử với môi trường tự nhiên này, cây dừa được người dân trồng để giữ bờ đê, bao ngạn cho chắc chắn. Rễ ây dừa ăn sâu có tác dụng giữ đất rất tốt và cũng nhờ đó mà có tác dụng ngăn mặn ít có loại cây nào bì kịp. Việc trồng cây dừa ngăn mặn chống xói mòn đã cho thấy văn hóa ứng xử của người dân nơi đây với môi trường tự nhiên một cách hiệu quả, thể hiện rõ tính chất dùng tự nhiên để khắc chế tự nhiên. Việc ứng xử này phải chăng cũng đã một phần thể hiện tính cách của con người Nam Bộ là dễ thích ứng với môi trường và cũng dễ dàng dung hợp, linh hoạt sáng tạo đối phó với tự nhiên và những tình huống khác trong đời sống bình dân? Điều này sẽ được thể hiện rõ ở việc tận dụng công năng của cây dừa vào đời sống sinh hoạt hằng ngày đến các hoạt động văn hóa khác mà nếu thiếu sự có mặt của cây dừa, các bộ phận của nó sẽ không cho ta thấy rõ đặc trưng văn hóa Nam Bộ.

b. Trồng dừa để bắt đuông: Ngày trước, khi chưa có dịch vụ bắt đuôn bán cho các nhà hàng, người trồng dừa của xứ Cửu Long chủ yếu là để ngăn mặn, chống lở đất, lấy quả và lấy lá. Tuy nhiên, trong sinh hoạt truyền thống họ còn trồng dừa để bắt đuông. Dừa con nhỏ, muốn bắt đuông thì để con kiến dương (loài côn trùng cánh cứng) bu vào cây dừa để hút chích và đẻ trứng sinh con. Thường mỗi cây dừa non bắt đuông đem xào hành, lăn bột chiên giòn, hay gói lá cách nướng… độ khoảng một dĩa bàn … đã trở thành món ăn đặc sản của vùng đất Cửu Long. Ngoài ra, cây dừa tơ hạ xuống, sau khi bắt đuông xong thì các bộ phận còn lại dùng vào việc khác chứ không bỏ đi. Riêng củ hũ dừa thì đem về hầm giò heo ăn cũng bổ vô song. Cũng có khi xóm làng có làm con heo, lấy củ hủ về hầm cái đầu heo cả nhà ăn không hết. Việc bắt đuông dừa đã thể hiện rõ một phần văn hóa của cư dân nông nghiệp lúa nước là tận dụng và khai thác tự nhiên một cách hiệu quả, triệt để; đồng thời đó cũng là cách ứng xử rất hài hòa với thiên nhiên quanh mình. Vì thật ra trước đây, do khoa học chưa tiến bộ, các loại thuốc trừ sâu chưa nhiều, việc diệt con kiến dương rất khó nên việc cây dừa bị đuông ăn dẫn đến việc bắt đuông và hình thành nên đặc sản của vùng miền cho thấy sự sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của cư dân nơi đây. Và để làm rõ thêm điều này, chúng ta còn thấy qua cây dừa khả năng tận dụng của con người vùng đất châu thổ Cửu Long là rất vô tận. Điều này là một thực tế chứng minh rằng, người Nam Bộ không phải là cư dân quá hoang phí trong việc tận dụng các thứ sẵn có xung quanh mình.

c. Ứng dụng thân dừa: Thân dừa là bộ phận tưởng chừng như vô ích nhưng thực ra trong khi đốn dừa xuống làm một việc gì, người dân vùng đất này cũng đã tính toán rất kĩ lưỡng. Thân dừa thường được người bình dân dùng vào các việc sau đây:

# Làm cầu đi lại: Việc tận dụng thân dừa trước hết ở chỗ người dân miền sông nước này dùng những cây dừa chặt làm mấy khúc bắc qua kênh, rạch làm cầu. Dừa làm cầu vừa chắc chắn lại rất dễ đi lại mà lại sử dụng được lâu. Nên có thể nói, tận dụng cây dừa làm cầu đã cho thấy tư duy sáng tạo trong việc định cư, đi lại của văn hóa sông Cửu Long thể hiện rõ bản chất vận dụng môi trường tự nhiên vào đời sống của mình.

# Làm nhà và làm ghế ngồi: Ngoài dùng làm cầu bắc qua sông để đi lại, cây dừa còn được người bình dân vùng đất châu thổ Cửu Long chọn những cây dừa có trên 10 năm tuổi, cao vút, xớ dừa đỏ au xẻ ra làm nhà. Thân dừa có khi làm cây xiêng, cây đòn tay hết sức chắc chắn. Muốn ở được lâu không để mọt ăn người ta cho uống dầu rồi phơi nắng ở có khi đến vài chục năm không bị hư hỏng gì. Bên cạnh đó, người dân quê mình còn dùng cây dừa cưa ra làm ghế ngồi cũng rất tiện dụng. Có thể nói, việc dùng cây dừa già làm nhà hay làm ghế ngồi đã cho thấy văn hóa tận dụng môi trường tự nhiên một cách triệt để. Ngoài ra những cây dừa non bị chết hay bị đuôn ăn cũng được dùng làm củi đốt cháy rất đượm.

# Đóng đáy: Là cư  dân vùng sông nước, các cửa sông là nơi đánh bắt các loại thủy, hải sản. Vì thế, các kiển đánh bắt truyền thống ra đời, trong đó tiêu biểu và qui mô là đánh bắt bằng cách đóng đáy. Người ta dùng cây dừa lâu năm dài đến 20 mét làm các cọc đóng đáy rất chắc và bền. Đóng cọc đáy bằng dừa có lợi thế hơn các loại cây khác như đước, mắm ở chỗ gỗ dừa vừa chắc vừa nặng, ngâm nước thì lâu lắm mới hư lại đảm bảo căng dây không bị đứt nếu cùng lúc căng nhiều miệng đáy. Do đó, từ xưa và cho đến ngày nay, người dân miền sông nước, đặc biệt là ở các cửa sông lớn hay dùng cây dừa để đóng đáy. Như vậy, trong đánh bắt cây dừa cũng để lại dấu ấn rất riêng bởi công dụng của nó.

d. Tận dụng lá dừa: Nếu thân dừa dùng vào những việc lớn như cất nhà, làm ghế…thì lá dừa là dùng để gói bánh, làm chổi. Lá dừa trước hết là để gói bánh dừa. Tên gọi loại bánh này có lẽ bắt nguồn từ lá dừa dùng để gói bánh nên người ta gọi hoán dụ là bánh dừa cho tiện. Lá dừa non dùng để gói bánh (người ta chặt ngọn dừa non gọi là cà bắp) mà gần như nhắc đến bánh dừa ai cũng ai ở đất Nam Bộ cũng đều biết cả. Ngoài ra, lá dừa khô dùng để nhóm lửa rất nhạy mà gần như nhà ở vườn nào của mãnh đất Cửu Long cũng để dành là dừa làm việc nấu nướng được nhanh hơn. Ngày trước, người mẹ chống đi coi mắt nàng dâu tương lai, ra bếp nhìn bó lá dừa là có thể cho điểm người trăm năm của con trai mình. Bên cạnh đó, người ta lựa những tàu dừa giá có lá cho sóng dừa cứng cáp, tước bỏ lá, lấy cọng dừa phơi khô, bó chổi quét nhà, quét lúa rất tiện ích, gọi là “chổi tàu dừa”. Loại chổi này cùng với chổi ráng, chổi rơm có lẽ là những loại chổi truyền thống lâu đời nhất của đất Nam Bộ. Có khi cha mẹ thăm con cái, hàng xóm thăm nhau quà là mấy cây chổi tàu dừa cũng nên.

Đặc biệt, trong cưới hỏi, người ta còn chặt. Nhà lợp lá trung quân ở miền Đông-Nam-Bộ nguyên mấy tàu dừa có lá thật đẹp tết thành từng búi, hoặc chẻ đôi trang trị cổng rạp đám cưới rất đẹp trước khi có cái cổng rạp bằng sắt ra đời như bây giờ. Ngày trước ở thôn quê Nam Bộ, đám cưới nào mà chẳng dùng bẹ dừa trang trí rạp. Thế nên có thể nói, cây dừa hiện hữu trong hạnh phúc lứa đôi của con người một cách mật thiết. Rồi khi thành vợ chồng, với cuộc sống gia đình, những ứng dụng của cây dừa lại hiện hữu trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của họ một cách thân thuộc.

e. Sử dụng bẹ (tàu) dừa: Trước hết, bẹ dùng làm củi chụm rất đượm. Việc sử dụng bẹ dừa làm củi thể hiện những công việc có liên quan trong vấn đề kỹ thuật trồng trọt của cư dân vùng đất mới này. Dừa lớn lên cho trái, muốn sai quả thì phải hạ bẹ dừa cho quả đậu sai, kinh nghiệm dân gian gọi là “sửa dừa”. Thật ra việc làm này rất có cơ sở là vì bẹ dừa được chặt dọn sạch sẽ sẽ không phải là môi trường cư trú của lũ kiến dương chích hút hay chuột cơm cắn phá, vì thế trái sai là phải. Từ công việc này đã hình thành nghề di động gọi là “nghề sửa dừa”. Nghề này có thể đi khắp vùng mà chẳng bao giờ thất nghiệp. Có thể nói  “nghề sửa dừa” rất thịnh hành ở đất Nam Bộ. Người làm nghề này đòi hỏi leo trèo giỏi với dụng cụ rất đơn giản chỉ là cây dao mác thật bén và đôi chân leo nhanh như mèo là được. Có người cả đời chỉ làm một nghề này mà nuôi sống cả gia đình. Thường, mỗi xóm hay có một người làm nghề đặc biệt này mà ít có người cạnh tranh vì không phải ai cũng leo dừa được.

Trong việc trồng lúa, bẹ dừa xanh chặt xuống, chẻ thành tựng cọng to cỡ ngón tay cái, dài khoảng nửa thước dùng làm cây cặm gò (gò đất được chia theo kiểu cứ hai hoặc ba tầm bằng năm sáu mét là một gò) trước khi xạ lúa cho lúa thẳng hàng và đảm bảo gieo sạ liền các gò với nhau để khi lúa lên khỏi phải tốn công dặm lúa (dặm lúa là nhổ lúa chỗ mọc dày cấy vào chỗ lúa thưa hoặc bị chết trong gieo mạ). Có nơi dùng lá dừa làm cây cặm gò cho dễ phân hủy, nhưng thường dùng bẹ nhiều hơn vì bẹ còn nguyên cho đến khi rải phân các loại sẽ còn cây gò mà liệng phân cho lúa tốt đều.

f. Vận dụng trái dừa vào ẩm thực:

# Dừa tươi: Làm nước uống giải khát có tính hàn, công dụng giải nhiệt rất tốt. Ngoài ra người ta còn dùng nước dừa tươi để khìa chuột, khìa thịt, kho thịt, nấu lẩu, chế biến các loại thức ăn uống khác rất ngon. Đặc biệt nước dừa xiêm mà pha rượu ST3 (rượu đế một lít 35.000 đồng tại Sóc Trăng) nhậu với mắm cá lóc chiên hay mắm cá rô không xương thì ngon hết chỗ nói.

# Dừa rám: Làm mứt dừa, kho dừa ăn với cơm còn nước dừa kho thịt heo với hột vịt ăn trong ba ngày tết, gọi là thịt kho tàu hay kho riệu làm nên đặc trưng trong ẩm thực Nam Bộ.

# Dừa khô: Công dụng quả dừa khô nạo ra lấy cơm làm các loại bánh, xác dừa khô làm nhưng gói bánh dừa, bánh ích, bánh tét. Cơm dừa khô vắt lấy nước cốt ăn với các loại bánh quen thuộc ở xứ sở tây Nam bộ như bánh chuối, bánh dứa, bánh lọt, bánh khọt…hết thảy đều sử dụng dừa khô mà nếu không có dừa khô thì ăn sẽ không có mùi vị đặc trưng của từng loại. Có thể nói, cây dừa có giá trị văn hóa rất tiêu biểu cho vùng đất châu thổ Cửu Long vốn vang danh với đặc sản kẹo dừa của xứ sở Bến Tre đã trở thành thương hiệu rất nổi tiếng mà trong vùng và cả nước đều biết đến.

Như vậy, trong văn hóa ẩm thực, trái dừa làm phong phú thêm cái khoái đầu tiên trong “tứ khoái” của con người. Phong phú bởi công dụng, đa dạng trong ứng dụng và vì thế trở thành biểu tượng văn hóa ẩm thực của vùng miền là điều có thể hiểu được.

Đặc biệt, vỏ trái dừa khô dùng làm bình đựng ấm trà rất độc đáo mà chỉ có văn hóa vùng Tây Nam bộ mới có loại ấm trà này. Tác dụng của loại ấm trà bằng dừa khô là giữ nhiệt rất tốt. Đây là một trong những ứng dụng của dân mình đối với vỏ dừa khô một cách hữu hiệu vào cuộc sống có tác dụng lưu giữ lâu đời. Có bình xài đến năm ba chục năm là chuyện rất bình thường. Người ta chọn những quả dừa mới vừa khô tới, hái xuống rồi dùng dao, cưa thật bén cưa dát mặt dừa một cách khéo léo, rồi sau đó lấy quả ra ngoài. Móc thân vỏ dừa sao cho vừa với kích cỡ của bình trà. Để làm được bình trà bằng vỏ dừa đòi hỏi người làm phải hết sức khéo tay và phải có đầu óc quan sát tinh tế nữa mới được. Quan trọng nhất là dát mặt vỏ dừa sao cho dùng phần trên vỏ trái dừa làm nắp đậy bình trà cho vừa vặn là điều không phải dễ. Vì thế, mặc dù nhà nào ở vùng Tây Nam bộ cũng có dừa nhưng theo quan sát của chúng tôi, chỉ có những nhà có của ăn, của để hay những nhà có người khéo tay mới có loại bình trà này vì chúng không dễ làm chút nào.

Đáng chú ý hơn trong giao thông, ngày nay, tại Cần Thơ, người ta còn có sáng kiến dùng quả dừa khô làm nón bảo hiểm nữa. Và hiện tại đã đăng ký bản quyền. Loại nón  bảo hiểm bằng quả dừa khô quả thật là một sáng tạo hết sức độc đáo của cư dân miền sông nước Cửu Long. Nó chứng tỏ, quả dừa đã trở nên không thể thiếu trong đời sống văn hóa của họ xưa cũng như nay. Tại Sóc Trăng, đã có những sáng kiến trong việc giải quyết vấn đề môi trường là, dùng xơ dừa khô hút dầu tràn ra môi trường sông, rạch một cách hữu hiệu. Vì xơ dừa không chỉ có công dụng làm chất đốt trong sinh hoạt như nấu nướng un muỗi cho vật nuôi như trâu, bò, heo… mà còn có công dụng hút nước rất tốt. Vì đặc tính này mà người ta dùng nó giải quyết vấn đề môi trường rất hiệu quả.

3. Biểu tượng dừa trong văn hóa

a. Trong ngày lễ, tết quan trọng như mừng năm mới: dừa dùng làm đồ trưng bày trong mâm ngũ quả: “cầu, dừa, đủ, xài (xoài), xung”. Dừa là một trong năm thành tố tạo nên mơ ước được phồn thịnh của con người nơi vùng đất châu thổ Cửu Long. Cách nói sử dụng biến âm của phương ngữ Nam Bộ đã vô tình đưa quả dừa góp mặt vào mâm ngũ quả thể hiện rõ mong muốn của con người qua sự tương hỗ về màu sắc một cách rõ nét của năm loại quả này. Tính biểu tượng của quả dừa (vừa) thể hiện rõ khát vọng vươn lên của tầng lớp bình dân mà có thể trong cuộc sống lao động vất vả quanh năm thiếu thốn mọi bề nên năm mới tết đến trưng “dừa” để cầu mong vừa đủ xài (xoài) – tức là khỏi thiếu hụt. Ý nghĩa này quả thật rất độc đáo khi ta nhìn quả dừa tưởng chừng rất đổi bình thường.

dua

Mân ngũ-quả : Cầu ( Mãn cầu ), Vừa ( Dừa ), Đủ ( Đu đủ ), Xài ( Xoài ), Sung ( Sung )

Ngoài ra, quả dừa còn cho thấy nó có vị trí quan trọng trong những thời điểm có ý nghĩa nhất của đời người là trong cưới hỏi. Trong sự việc trọng đại này, ngoài những lễ vật như ta đã biết, người ta còn sang nhà gái lễ vật là mứt dừa, rồi trong đãi khách, nhà cô dâu, chúa rể cũng mang mứt dừa ra mời họ hàng trong ngày vui của mình. Việc chuẩn bị mứt dừa cho tiệc vui đã làm cho đám cưới thêm phần chờ đợi, hấp dẫn bởi không khí rộn ràng chuẩn bị bẻ dừa ngào đường làm mứt đãi khách trong ngày tân hôn hay vu quy của mình. Ngoài ra, trong ba ngày tết, nhà nào cũng có mứt dừa với các màu sắc xanh, trắng, đỏ, vàng trông rất bắt mắt, làm cho không khí ngày tết thêm rộn ràng.

b. Trong âm nhạc: Lá dừa dùng làm kèn cho trẻ con thổi cũng rất độc đáo. Đây là trò chơi dân gian mang đậm dấu ấn văn hóa miệt vườn. Làm kèn chính là thú vui của trẻ nhỏ nhất là trẻ nhỏ ở nông thôn vốn có đời sống văn hóa tinh thần rất thiếu thốn. Ngoài làm kèn, ta còn dùng lá dừa làm chong chóng hay thắt các vật chơi hình con cá, con rết rất đẹp mà gần như đứa trẻ nào ở quê cũng biết làm. Rồi trong sinh hoạt văn hóa của loại hình cải lương, người ta dùng trái dừa khô lấy quả của nó làm một bộ phận của cây đàn cò rất độc đáo.

c. Trong điêu khắc: Các hình tượng được các nghệ nhân dùng thân dừa để khắc như hình người, mục đồng chăn trâu, bộ ấm trà, làm lược chải tóc, làm các loại dụng cụ lưu niệm khác cho khách thập phương đến tham quan vùng văn hóa này cũng đã làm cho đời sống văn hóa người dân xứ miệt vườn có dịp giao lưu và thể hiện mình.

Có thể nói, cây dừa có giá trị văn hóa rất tiêu biểu và rất đặc biệt cho vùng đất chín rồng đang vườn mình trổi dậy và hứa hẹn bay xa, bay cao, để từ đó, góp phần đưa kinh tế – xã hội của vùng đất mới này ngày càng phát triển. Với cuộc sống ngày càng hiện đại, sự hiện hữu của cây dừa trong đời sống văn hóa của người dân vùng Nam Bộ đã góp phần củng cố thêm những giá trị văn hóa đặc sắc của một miền đất trẻ và làm đậm thêm dấu ấn của “văn hóa miệt vườn”./.

Tác giả: Tiền-Văn-Triệu ( vanchuongviet )

Blog: Trang về người Miền Tây