Từ xưa, người Khmer Nam Bộ sống chủ yếu bằng nguồn thực phẩm do săn bắt, hái lượm. Do dân số ngày càng tăng, việc săn bắt, hái lượm không còn đảm bảo nhu cầu hằng ngày nữa, vì thế người Khmer bắt đầu chế tạo các công cụ sản xuất, gieo lúa, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghề dệt tơ, dệt vải xuất hiện, cung cấp nguyên vật liệu cần thiết cho cuộc sống con người. Do tập quán sản xuất nông nghiệp nên người Khmer có lối sống định cư, gắn bó với thiên nhiên. Vì vậy, phong tục và lễ hội của người Khmer đều liên qua đến đất, trời, sông nước…

Trong quá trình phát triển, văn hóa Khmer Nam Bộ đã có sự giao thoa với văn hóa Ấn Độ chủ yếu qua Bà La môn giáo và Phật giáo. Trong quá trình truyền đạo, các nhà truyền giáo Ấn Độ đã mang tiếng Sancrit, Pali vào Việt Nam, các nhà truyền giáo đã ra sức giảng giải, ghi chép bằng tiếng Khmer vốn có. Trong quá trình tiếp thu giáo lý, kinh Bà la môn, người Khmer Nam Bộ đã tiếp nhận những từ ngữ mới, làm giàu thêm vốn từ ngữ của họ. Ngoài việc ảnh hưởng từ kinh sách, giáo lý Ấn Độ, một số yếu tố khác của văn hóa như mỹ học, văn học, nghệ thuật…cũng dễ dàng du nhập và được tiếp nhận vào đời sống của người dân. Do quá trình cộng cư cùng các dân tộc Việt, Hoa… nên đã diễn ra sự giao thoa trong văn hóa Khmer, cần có một cái nhìn đa chiều từ các di sản văn hóa mang giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể còn tồn tại đến ngày nay.

Văn hóa vật thể

Nhà ở: Người Khmer ở nhà sàn theo phong cách truyền thống. Theo quan niệm của người Khmer, ở nhà sàn là do ảnh hưởng của chế độ mẫu hệ ngày xưa, bởi họ rất tôn trọng các nữ thần đất. Họ cất nhà cao hơn dể tránh chạm với mặt đất. Ngày nay, nhà sàn truyền thống của người Khmer chỉ còn tồn tại trong vài ngôi chùa cổ kính.

Ẩm thực: Người Khmer đã tạo nên một nét văn hóa ẩm thực độc đáo bằng cách tận dụng nhiều sản phảm của tự nhiên như thịt, cá, rau, củ, quả… chế biến ra các món ăn phong phú và đa dạng, đặc biệt là món mắm. Bữa ăn của người Khmer thường gồm hai món chính: canh hoặc rau cải xào và đồ mặn như cá kho, thịt kho… Ngoài ra người Khmer còn tận dụng sản phẩm của tự nhiên để chế biến các loại bánh, như bánh tét (num chruôk), bánh ít (num tean), bánh ghế (num tăng), bánh gừng (num khnhây)…dùng trong những lễ hội truyền thống.

Trang phục: Phụ nữ Khmer mặc váy (xăm pốt). Đó là tấm vải rộng quấn từ hông xuống ngang đùi, phần vải phía sau kéo luồng giữa hai chân ra trước rồi giắt ở hông giống như chiếc quần ngắn rộng. Phụ nữ lớn tuổi thường mặc áo dài tới gối, bít tà, cổ áo xẻ trước, hai tay áo chặt, trên cổ quàng khăn vải trắng chéo ngang người. Tuy nhiên, trang phục này ngày nay chỉ còn thấy trên sân khấu, hoặc thỉnh thoảng xuất hiện trong lễ cưới theo nghi lễ truyền thống.

Trang phục truyền thống của nam giới trong lễ hội là xà rông và áo ngắn, hoặc quần đen, áo bà ba trắng (cũng có khi màu đen), quàng khăn trắng trên vai trái. Chiếc khăn rằng của người Khmer cũng có thể dùng để quàng cổ, quấn đầu, thắt lưng hoặc dùng làm bao đựng lương thực khi đi đường, làm võng cho trẻ em nằm, thậm chí có khi dùng làm khăn choàng tắm.

Chùa Khmer: Ngôi chùa có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Khmer. Một số chùa xây dựng cách đây hàng trăm năm, là nơi hội tụ những giá trị điêu khắc, kiến trúc, hội họa, tiêu biểu của cộng đồng người Khmer. “Mỗi ngôi chùa Khmer là một công trình kiến trúc đặc sắc, là sự tập hợp những tinh túy, toàn vẹn của những giá trị văn hóa tạo hình, những yếu tố kết chặt, hòa quyện vào nhau tạo thành một thể thống nhất có giá trị cao về mặt thẩm mỹ” (1). Có nhiều khu vực kiến trúc trong một ngôi chùa như chánh điện (pres vihe), nhà hội (sala), nhà hỏa tang, tháp cốt,… Trong đó, chánh điện là nơi dùng để thờ Phật, nằm ở trung tâm ngôi chùa, cách mặt đất ở bậc tam cấp. Nhà hội có bàn thờ Phật quay về hướng đông, là nơi tổ chức các nghi lễ dâng cơm và một số nghi lễ sinh hoạt của dân tộc. Tháp cốt với kích cỡ lớn nhỏ khác nhau dùng để đựng hài cốt của sư sải và người dân theo đạo Phật.

Chùa Khmer còn là nơi lưu giữ những sản phẩm điêu khắc độc đáo của nghệ nhân Khmer. Nhiều chùa thường dành riêng một phòng làm nơi để các nghệ nhân hoặc các sư sãi Khmer điêu khắc. Sản phẩm điêu khắc khá phong phú về đề tài, thể loại cũng như chất liệu. Các vị sư sãi ở chùa thường sử dụng gốc cây cổ thụ để chạm khắc, tạo nên những sản phẩm tuyệt đẹp như hình hưu, nai, chim, bình bông… Ngoài ra, những bức tranh về sự tích Phật Thích Ca, về cõi niết bàn hay trần gian và địa ngục… cũng được chạm khắc trên bức tường, trần chánh điện, nhà hội của chùa Khmer tinh xảo về đường nét rực rỡ sắc màu. Nơi đây còn tập trung nhiều tượng Phật với những kích cỡ, kiểu dáng khác nhau như Phật ngồi thiền định, Phật cứu vớt chúng sinh, Phật nhập niết bàn, Phật ngồi trên rắn thần Muchalinda…

Nhạc cụ: Người Khmer Nam Bộ còn lưu truyền một hệ thống nhạc gõ (phlêng pinpeat), hay còn gọi là nhạc Ngũ âm, được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ quan trọng như đám cươi, đám tang và các lễ hội khác. Dàn nhạc gồm 5 bộ: hơi, da, đồng, sắt, mộc. Trong những ngày lễ hội hay sinh hoạt truyền thống, tiếng nhạc ngũ âm vang lên trong các ngôi chùa như thúc giục người người, nhà nhà đến chùa tham dự các nghi lễ truyền thống của dân tộc mình.

Văn hóa phi vật thể

Tín ngưỡng: Trong đời sống tinh thần, người Khmer tin rằng vị thần Arăk, thần Neak Tà sẽ bảo hộ cho gia đình, dòng họ, phum, sóc cũng như cuộc sống và sức khỏe con người. Những vị thần này là sức mạnh, chỗ dựa tinh thần đối với người Khmer.

Arăk là vị thần bảo hộ theo tín ngưỡng của người Khmer Nam Bộ. “Arăk là linh hồn của người chết, là nhân vật hiển linh hoặc lực lượng tự nhiên linh thiêng thường phù hộ cho con người” (2). Thần Arăk gồm nhiều vị: Arăk dòng họ (Arăk chou buô), Arăk bảo vệ khu đất (Arăk phum), Arăk rừng (Arăk preay), Arăk bảo vệ nhà (Arăk phtes)… Arăk dòng họ thường là bà tổ của dòng họ, hoặc một người chết oan. Ở Nam Bộ, Arăk thường không có bàn thờ cố định. Theo lời thầy bói, người Khmer chỉ bày lễ vật ở ngoài sân để cúng thần Arăk khi nhà có việc. Lúc người thân trong gia đình đau ốm hoặc gặp chuyện chẳng lành, người Khmer cúng thần Arăk để cầu mong tai qua nạn khỏi và tin rằng, sau khi cúng, mọi điều mong ước của họ sẽ trở thành hiện thực.

Theo quan niệm của người Khmer, Neak Tà là một vị thần đứng tuổi, có trách nhiệm bảo hộ con người và đất đai trong một khu vực, tương tự như tín ngưỡng Thành Hoàng của người Việt. Khi bị bệnh hay mong ước điều gì, người Khmer thường đến miếu Neak Tà để cầu xin. Khi có những ý kiến bất đồng mà không hòa giải được, người ta cũng đưa nhau đến miếu Neak Tà xin chứng giám cho lễ ăn thề. Neak Tà cũng có nhiều loại thần, tùy theo phạm vi ảnh hưởng, mà người Khmer phân thành Neak Tà của phum, sóc, rạch,… Mỗi Neak Tà thường có miếu thờ và có một tên gọi riêng. Tên gọi này thường gắn liền với một truyền thuyết hay một sự tích liên quan như Neak Tà Tachhay ở ao Bà Om Trà Vinh, Neak Tà bến đò, Neak Tà bến Bình An… Mỗi năm vào khoảng tháng 5 dương lịch, thời điểm bắt đầu mùa mưa, người Khmer cúng Neak Tà một lần, với ý nghĩa cầu an cho mọi người, cầu mưa thuận gió hòa, thời tiết thuận lợi cho mùa màng tốt tươi. Lễ vật dâng cúng liên quan đến phạm vi ảnh hưởng của Neak Tà. Neak Tà chủ sóc, lễ dâng cúng có thể là đầu heo, còn các Neak Tà xóm, rạch, hoặc gia đình thì lễ vật  thường là gà, vịt, bánh trái…

Neak Tà và Arăk đều là những vị thần bảo hộ đối với người Khmer, nhưng phạm vi bảo hộ của thần Arăk thường hẹp hơn, chỉ giới hạn trong phạm vi gia đình, dòng họ, còn ảnh hưởng của thần Neak Tà mở rộng ra phạm vi xã hội, giải quyết các vấn đề của cả cộng đồng, phum sóc. Ngày nay, tín ngưỡng này một phần đã bị Phật giáo hóa, một phần do trình độ nhận thức của con người thực tế hơn.

Tôn giáo: Trước đây, người Khmer theo Bà la môn giáo. Hiện nay, Bà la môn giáo không còn tồn tại, mà chỉ để lại những dấu vết văn hóa ở các loại hình kiến trúc, điêu khắc, văn học dân gian, “ẩn tàng trong tín ngưỡng dân gian, thể hiện thông qua thờ các vị thần: thần bốn mặt Maha Brum (tức Brahma), thần Nôrê (tức Visnu), thần Pờ Rặc In (tức Indra)”(3).

Đa số người Khmer Nam Bộ theo Phật giáo Nam tông, còn lại một số ít theo đạo Thiên chúa hoặc Tin lành. Từ thế kỷ XIII - XIV trở về sau, trước sự suy tàn của chế độ Ăngkor, người Khmer chấp nhận Phật giáo Nam Tông từ Xrilanca truyền đến Myanmar, Campuchia, Lào và vùng Nam Bộ của Việt Nam. Tuy nhiên, những ngôi chùa theo Phật giáo Nam tông đã có mặt ở Nam Bộ từ rất sớm, từ “thế kỷ IV ở Trà Vinh, thế kỷ VI, VII ở Vĩnh Long”(4). “Người Khmer theo Phật giáo Tiểu thừa, không đánh chuông, gõ mõ, không ăn chay. Xóm nghèo nhưng chùa chiền rất tráng lệ, giới sư sãi xuất gia được cung phụng đầy đủ về vật chất” (5). Đời sống văn hóa tinh thần của người Khmer gắn chặt với Phật giáo, với ngôi chùa từ lúc lọt lòng cho đến khi từ giã cõi đời. Đối với người Khmer. Con trai lớn lên thường vào chùa tu trả hiếu cho cha mẹ và học giáo lý để trở thành người có học thức, có ích cho xã hội. Những người bình thường cũng thường xuyên lên chùa học giáo lý, học chữ Khmer, nghe các vị sư thuyết pháp. Đến lúc chết, người Khmer cũng muốn được gửi tro cốt của mình lên chùa, đoàn tụ với tổ tiên. Phật giáo tiểu thừa có vai trò gần như độc tôn ở nông thôn Khmer, sư sải đặc biệt được kính trọng. Những ý kiến của các sư sãi, nhất là các hòa thượng, đại đức, các sư cả được đồng bào rất coi trọng và gần như phục tùng vô điều kiện.

Lễ hội: “là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, là cuộc sống được tái hiện dưới hình thức một trò diễn, phản ánh một cuộc sống lao động sản xuất, vui chơi, giải trí của đồng bào dân tộc”(6). Qua lễ hội của mỗi dân tộc, người ta có thể hiểu phần nào về diện mạo và đặc điểm của dân tộc ấy. Chẳng hạn như nói đến lễ hội Ok Om Bok, người ta có thể liên tưởng nay đến một lễ hội lớn trong năm của người Khmer. Không chỉ có người Khmer tham gia vào lễ hội này, mà có cả sự góp mặt của nhiều tộc người khác trong khu vực. Lễ hội của người Khmer thường có hai phần: phần lễ và phần hội. Những nghi lễ diễn ra theo một trình tự nhất định, trang nghiêm thể hiện thái độ của người được cử lễ, cũng như những người hành lễ.

Phong tục: Người Khmer Nam Bộ kết hôn theo chế độ một vợ một chồng. Hôn nhân dựa trên mối quan hệ huyết thống trực hệ là một điều cấm kỵ, nhưng không cấm kỵ hôn nhân theo huyết thống bàng hệ. Hôn nhân không chỉ là việc hệ trọng của một người mà còn là vấn đề có ý nghĩa rất lớn đối với dòng họ, thân tộc và phum sóc. Vì vậy lễ cưới của người Khmer được tổ chức gồm nhiều nghi lễ như vào làm lễ, làm lễ và chung giường. Người Khmer xem trọng tình cảm gia đình. Hôn nhân giữa những người trong thân tộc cũng thường xảy ra nhằm mục đích bảo vệ tài sản của gia đình, dòng họ, không thất thoát ra ngoài. Tập quán ở rể rất phổ biến đối với người Khmer Nam Bộ.

Trong tang ma, người Khmer quan niệm cái chết không phải là biểu hiện của sự chấm dứt, mà sau khi chết, linh hồn người đó vẫn tiếp tục tồn tại trong một trạng thái khác ở thế giới bên kia. Khi chết, người Khmer không mong mỏi gì hơn là được gửi xương cốt lên chùa, được về với Phật. Đại đa số người Khmer có tục hỏa táng, một số rất ít thì thổ táng như người Việt. Tang lễ cũng được tổ chức long trọng với nhiều nghi thức và có sự tham gia của các thầy tế (Acha), sư sãi.

Văn học nghệ thuật: Người Khmer hiện nay còn lưu giữ được nguồn truyện cổ tích, thần thoại, tục ngữ, câu đối, thơ trên lá thốt nốt khá phong phú về nội dung và hình thức. Đây là những nguồn tư liệu phản ánh đời sống, sinh hoạt của người Khmer, là đề tài, nội dung của những vở diễn trên sân khấu dù kê, rô băm… Nguồn gốc lễ hội truyền thống của người Khmer cũng được giải thích bằng những câu chuyện, những tác phẩm văn học được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Người Khmer Nam Bộ có những sáng tạo riêng trong các loại hình nghệ thuật thanh sắc, phổ biến nhất là điệu múa ram vông, lâm leev và saravan. Các điệu múa như quăng chài (chriêng boong som nanh), giã gạo (chriêng bók srâu), quét chiếu, cắt hoa cau…tạo nên đời sống âm nhạc riêng của người Khmer. Đặc biệt, người Khmer có hai loại hình nghệ thuật sân khấu chính là rô bămdù kê. Cả hai hình thưc nghệ thuật sân khấu này, là sự kết hợp hài hòa giữa các lĩnh vực nghệ thuật khác nhau như múa, hát, nhạc, thơ, mỹ thuật …

Như các tộc người khác, người Khmer ở Nam Bộ cũng có công trong việc khai khẩn đất hoang, rừng rậm, đào kênh thoát nước, vượt qua những thử thách khắc nghiệt, chinh phục thiên nhiên, ổn định xã hội, phát triển kinh tế và góp phần hình thành nên những nét văn hóa đặc thù ở Nam Bộ. Diện mạo văn hóa Khmer ngày nay, là kết quả của một quá trình lao động sáng tạo và quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa người Kinh, người Hoa, người Chăm cùng sinh sống trên địa bàn.

-------------------------------------

  1. Nguyễn Mạnh Cường, Vài nét về người Khmer Nam Bộ, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002, tr.107.
  2. Vũ Ngọc Khánh, Phạm Minh Thảo, Từ điển Việt Nam văn hóa tín ngưỡng phong tục, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2005, tr.20.
  3. Trần Văn Ánh, Văn hóa phum sóc của người Khmer Nam Bộ ở xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Hà Nội, 1997, tr.16.
  4. Nguyễn Mạnh Cường, Phật giáo Khmer Nam Bộ: những vấn đề nhìn lại, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2008, tr.62.
  5. Sơn Nam, Đồng bằng sông Cửu Long, nét sinh hoạt xưa, Nxb TPHCM, 1985, tr.40.
  6. Nguyễn Việt Hùng, Văn hóa lễ hội của dân tộc Khmer trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Đồng bằng sông Cửu Long, trong Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ thực trạng những vấn đề đặt ra, Nxb Chính tri Quốc gia, Hà Nội, 2004, tr.244.

 ---------------------------------

Hiệu đính:

  1. Trang phục: phụ nữ Khmer mặc váy (xăm pốt) (K’binh) . Đó là tấm vải rộng quấn từ hông xuống ngang đùi, phần vải phía sau kéo luồng giữa hai chân ra trước rồi giắt ở hông giống như chiếc quần ngắn rộng.
  2. Nhạc cụ: người Khmer Nam Bộ còn lưu truyền một hệ thống nhạc gõ (phlêng pinpeat), hay còn gọi là nhạc ngũ âm, được sử dụng phổ biến trong các nghi lễ quan trọng như đám cươi (Nhạc Ngũ âm không sử dụng trong đám cưới), đám tang và các lễ hội khác.