Chùa và Sư sãi trong quan niệm của người Khmer Nam bộ

Chùa Khmer là nơi tôn nghiêm đồng thời là nơi dạy chữ Pali và giáo lý của đạo Phật cho thanh thiếu niên Khmer tu học, để trở thành những người “tốt đời đẹp đạo”, có tri thức và đức hạnh phục vụ cộng đồng xã hội. Chùa Khmer được coi như một thiết chế văn hóa trong phum sóc, là nơi sinh hoạt văn hóa Phật giáo, văn nghệ, thể thao và các trò chơi dân gian cho bà con Phật tử vào các dịp lễ, Tết.

Đại bộ phận người Khmer theo Phật giáo Nam tông, lấy chùa làm nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần và tâm linh. Phật giáo Nam tông từ lâu đã trở thành báu vật tinh thần vô giá của dân tộc Khmer. Chúng ta dễ dàng nhận thấy các giá trị tinh thần, những tinh hoa của đạo Phật luôn gắn chặt với bản sắc văn hóa dân tộc Khmer trong cộng đồng phum sóc. Chùa là sợi dây vô hình nối kết với đồng bào và bổ sung cho nhau trong quá trình tồn tại và phát triển. Trước xu thế tác động của nền văn hóa ngoại lai thời hội nhập, thì chùa là nơi giữ gìn ngôn ngữ, chữ viết, phong tục và lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc Khmer.

sausai_6.jpg

Chùa Kheleng

Mỗi ngôi chùa Khmer có một sư cả và hai sư phó (cả nhì). Vị sư cả là người tu lâu năm nhất trong chùa (có thể là Hòa thượng, Thượng tọa hay Đại đức). Nếu vị sư cả viên tịch, chuyển sang làm sư cả chùa khác, hoặc hoàn tục thì sẽ tấn phong vị cả nhì lên thay. Việc tấn phong sư cả mới do Ban Quản trị và các nhà sư trong chùa quyết định. Trong trường hợp nội bộ sư sãi trong chùa không nhất trí thì nhờ đến Giáo hội cấp trên thuyết phục hoặc điều động vị sư cả mới, các cấp Giáo hội ít khi ra quyền chỉ định. Hai vị cả nhì có hai chức năng nhiệm vụ khác nhau: Một vị chuyên quản lý nhân sự và chăm lo việc học hành của sư sãi, phân công các vị sư đi làm lễ tại các gia đình Phật tử và tiến hành xử phạt các vị sư không theo quy chế hoặc phạm giới cấm nhẹ mà chưa cần đưa ra hội đồng kỷ luật. Còn vị cả nhì thứ hai có trách nhiệm phân phối tài sản của nhà chùa cho các sư sãi sử dụng, đồng thời trông coi việc trùng tu chùa chiền. Có chùa thì giao một số công việc cho vị Achar (cư sĩ thành viên Ban Quản trị chùa).

sausai_3.JPG

Chư Tăng đi khất thực

sausai_2.JPG

Phật tử cúng dường quý Sư năm mới

Theo phong tục, thiếu niên Khmer từ 12 tuổi trở lên mới được phép tu học. Có thiếu niên vào chùa tập sự xuất gia vài tháng đến một năm rồi xin về làm ruộng rẫy hoặc đi bộ đội, nhưng cũng có thiếu niên chịu khó tu học cho đến lúc được thọ giới Sa di. Theo giới luật, vị Sa di thọ 10 giới cấm, nếu vị Sa di nào vi phạm một trong 10 thì phải thọ giới trở lại. Vị Sa di còn tuân theo 110 uy nghi, tức cách đi đứng nói năng và ứng xử đúng phong cách người tu hành. Hàng tháng, nhà chùa giao cho vị cả nhì huấn thị hai lần các vị sư trẻ mới tu. Các nhà sư trẻ tu đủ 20 tuổi có thể làm lễ lên bậc Tỳ khưu và tiếp tục thọ 227 giới, gồm 4 nghiêm luật và 13 cấm luật. Nếu vị Tỳ khưu nào vi phạm một trong 4 nghiêm luật thì coi như bị trục xuất khỏi Tăng đoàn và vĩnh viễn không được thọ giới lại để trở thành Tỳ khưu. Còn nếu vị Tỳ khưu vi phạm một trong 13 cấm luật, thì tạm thời cách ly Tăng đoàn, không cho ra khỏi chùa và không được tiếp xúc với tín đồ trong một thời gian.

sausai_1.JPG

Các vị sư chúc phúc cho Phật tử

sausai_5.jpg

Các vị sư trẻ học điêu khắc

Nhà sư Khmer được phép “ăn mặn”, trừ mười loại thịt như: cọp, khỉ, mèo, chó, chồn…, được phép dùng bữa cơm từ lúc sáng sớm đến giờ ngọ, còn từ giữa trưa đến chiều tối chỉ được dùng sữa, bánh ngọt, nước giải khát. Mục đích là để tiết dục, nhà sư nào vi phạm sẽ bị tín đồ coi như con quỷ đội lốt đi tu. Tất cả sư sãi đều đi khất thực. Hàng ngày có sự phân công luân phiên nhau trong chùa đi vào các phum sóc, mỗi nhóm có hai vị sư mang bình bát đến từng hộ, hộ nào đã ăn cơm xong thì khỏi, thức ăn được để trong các ngăn của cà-mên do 1-2 thiếu niên mang theo đi cùng nhà sư, giờ khất thực vào khoảng 9-10 giờ sáng. Có chùa Khmer tự sản xuất lúa hoặc quyên gạo trong dân thì các sư phân công nhau nấu cơm, còn thức ăn thì người dân trong phum sóc mang đến cúng dường. Tóm lại, cuộc sống của nhà sư do người dân trong phum sóc nuôi dưỡng và gia đình các vị sư trẻ đang tu học cung phụng.

sausai_4.JPG

Các vị Sư chúc phúc đến Phật tử nhân năm mới

Người Khmer quan niệm thanh niên tu học đến bậc Sa di là để đền ơn cha, đến bậc Tỳ khưu là để đền ơn mẹ. Có người cho là đi tu để được học hành nhiều hơn, nâng cao thêm trình độ. Còn trong quan niệm tôn giáo cho là người đi tu để tu tâm, dưỡng tánh, tích thiện và cao hơn là đạt giải thoát, Niết bàn. Dù quan niệm nào đi nữa, cộng đồng người Khmer ở nông thôn vẫn thích cho con trai mình đi tu một thời gian, do mấy nguyên nhân: Các lễ hội và vui chơi giải trí đều được tổ chức tại chùa, nhà sư là biểu tượng để các em chiêm ngưỡng, là một trong ba ngôi báu thiêng liêng mà bà con luôn tôn kính. Hơn nữa, thanh niên Khmer đi tu đều được học cả hai thứ chữ (Khmer-Việt). Ngoài chữ Pali và Vini, có chùa còn tạo điều kiện cho các nhà sư trẻ học bổ túc văn hóa, ngoại ngữ, tin học, hội họa, điêu khắc gỗ, thuốc Nam … Sư sãi Khmer học chữ Pali là để nghiên cứu kinh luật của đạo Phật.

Việc tu hành của các nhà sư trẻ không bắt buộc về thời gian, vị nào muốn tu bao lâu cũng được, trừ ba tháng nhập hạ (từ rằm tháng 6 đến rằm tháng 9 hàng năm) không được vào tu hoặc hoàn tục. Thường thì các nhà sư trẻ phải tu từ ba năm trở lên mới học thuộc lòng hết những bài kinh Phật thông dụng. Cũng với thời gian này thì các nhà sư trẻ mới thạo cung cách của người tu hành: cách ăn, nói, đi, đứng, nằm, ngồi, khi tiếp xúc với đồng bào Phật tử trong phum sóc. Cộng đồng người Khmer tin tưởng rằng, sau một thời gian tu học tại chùa, các thanh thiếu niên sẽ được trang bị một kiến thức và nền tảng đạo đức căn bản để sống tốt hơn.

Nguồn: Giác Ngộ Online

VĂN BẢN VIẾT TRÊN KINH LÁ BUÔNG (SATRA) CỦA NGƯỜI KHMER TẠI TRÀ VINH

  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Satra Slất Rịt hay còn được gọi là kinh lá buông là loại tài liệu cổ của người Khmer được lưu giữ tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Đây là nguồn tài liệu quý báu của dân tộc Khmer, chứa đựng rất nhiều tri thức về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử,… Văn bản Satra cũng là nguồn tài liệu văn học của người Khmer tập trung nhiều nhất là những bản giáo huấn ca bao gồm như tục ngữ, luật răn dạy con người (Satra Chbắp). Tuy tài liệu lá buông được lưu giữ tại hầu hết các chùa Khmer tại Nam Bộ nói chung và tại tỉnh Trà Vinh nói riêng nhưng Satra vẫn chưa được nhìn nhận đúng đắn về giá trị, chưa được nghiên cứu với qui mô rộng, sâu nhằm thống kê cụ thể số lượng vẫn được lưu giữ và chưa thể sắp xếp phân loại để nghiên cứu về phần nội dung được khắc chép trên các lá buông. Hơn thế nữa, Satra Slất Rịt cần được nhìn nhận là di sản văn hóa của người Khmer.

  1. VÀI NÉT VỀ KINH LÁ BUÔNG

Kinh lá buông là tên gọi chung của tài liệu được khắc trên lá buông. Nếu theo tiếng Khmer gọi là Satra Slất Rịt, “Satra” có nghĩa là kinh và sách hay gọi chung là tài liệu, “Slất” là lá, “Rịt” là ép lại cho chặt. Người Khmer thường gọi tắt kinh lá buông là “Satra”. Còn loại lá được dùng để chép Satra được lấy từ cây “T’răn” (theo tiếng Khmer), loại cây này có hình dáng khá giống với cây thốt nốt, cả thân cây và lá. Do đó, không nên hiểu nghĩa hẹp của kinh lá buông là chỉ các kinh Phật giáo mà nên hiểu rộng hơn là nó bao gồm tất cả các kinh, sách của người Khmer.

Satra được lưu giữ tại các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, tuy nhiên số lượng lưu giữ tại các chùa khác nhau. Một số chùa hiện còn lưu giữ lại rất nhiều bộ Satra, còn đối với một số chùa chỉ lưu lại các mảnh ghép từng lá chứ không phải bộ Satra trọn vẹn. Theo khảo sát tại chùa Kompong Đôn, xã Hiếu Tử, huyện Tiểu Cần hiện còn lưu giữ các bộ Satra: Ma-hô-sat, Kao-va-đa, Thom-ma-sam-phôt, Lbơk Chhu-chuôk, A-ni-song-phi-đan, Chbắp Vithu-ban-đit, Chbắp Maha-nết-sua-sđây, A-ni-song Phrah,A-ni-song-phnum-khsach, Chbắp Krom, Vi-va-ră-thomabot, Kompi Phrah Viney, Neak-khă-sên, Mia-lai-khìa-tha, Phrah A-phi-thom, Vê-son-đo Chea-đok, A-ni-song Vê-son-đo Chea đok và còn một số bộ Satra chưa được sắp xếp theo từng loại; tại chùa Chum Nit, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú hiện lưu lại được một bộ Satra đó là Satra A-ni-song Vê-son-đo Chea đok; tại chùa Kosla, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú có lưu giữ một bộ Satra nhưng không phải bộ trọn vẹn mà là các lá Satra của các cuốn khác nhau, được chùa cất giữ để trưng bày. Qua đó cho thấy, Satra được lưu giữ tại các chùa có số lượng khác nhau, một số chưa được nghiên cứu để sắp xếp, phân loại phù hợp và công tác nghiên cứu nhằm thống kê, phân loại Satra hiện hữu tại các chùa là rất cần thiết.

  1. PHÂN LOẠI KINH LÁ BUÔNG

Các nhà nghiên cứu thường chia Satra thành bốn nhóm:

Satra Rương (Satra truyện): những mẩu truyện được ghi trên lá buông được các nhà sư đọc cho tín đồ nghe, hoặc do người kể lại dưới ánh đèn dầu, dưới ánh trăng. Ngoài ra, những tác phẩm văn học thuộc loại này thường được các nghệ nhân dựa vào để soạn thành kịch bản sân khấu nên nó còn được gọi là truyện tuồng Lô-khôn.

Satra Lơ-beng (Satra giải trí): ghi chép về các trò chơi dân gian, các trò thể dục thể thao cổ truyền. Ngoài ra, nó còn bao gồm những câu chuyện phản ánh những sinh hoạt lao động, vui chơi (đá gà, đánh cầu, đấu vật, đá kiện, thả diều), việc cưới xin, hội hè.

Satra Chơ-bắp (Satra luật giáo huấn): giáo huấn ca bao gồm giáo huấn ca cho người tu hành và giáo huấn ca cho người bình thường.

Satra Tes (Satra kinh, kệ): ghi chép Phật thoại và kinh Phật. [1; tr. 128,129]

Thông qua việc xem xét nội dung được khắc trên kinh lá buông và theo lĩnh vực sử dụng, Satra có thể chia theo ba nhóm sau đây: Satra tôn giáo, Satra Pa-vê-ney, Satra sêch-sa.

Nhóm thứ nhất: Satra viết về kinh Phật và Phật tích, bao gồm những cuốn kinh lá buông được khắc chép các kinh liên quan đến Phật giáo cũng như những mẫu truyện kể về cuộc đời Phật Thích Ca được gọi là Chea-đok. Satra này gốm có: Satra Tray-bi-đok (Kinh tam tạng), Satra Thom-ma-bot-that-thă-ka-tha (Kinh pháp cú), Satra Chea-đok (Phật tích).

Nhóm thứ hai: Satra Pa-vê-ney bao gồm các bộ kinh lá buông nói về văn hóa truyền thống của người Khmer gồm các lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng, lễ hội, phong tục, tập quán, chuyện kể, sử tích, thần thoại. Gồm có: Satra rương (truyện), Satra Cha-bắp (lời giáo huấn), Satra Khă-tês-lôk, Satra Lbơk, Satra lbeng, Satra tha-nam (thuốc chữa bệnh), Satra tục thờ niệm khác, Satra Chmuos-sat (Kinh lá buông tên các động vật). Những bộ Satra thuộc nhóm này là các tác phẩm văn học độc đáo của người Khmer, trong đó có thể kể đến các Satra nói về lời giáo huấn như Cha-bắp Pros (lời giáo huấn người đàn ông) và Cha-bắp Sa-rây (lời giáo huấn người phụ nữ), Cha-bắp Hay-Ma-ha-chun (Luật dạy dân chúng), Cha-bắp Bon-đam-âu-phụt (Luật dạy của người cha), Cha-bắp Kuon-chau-lbơk (Luật con cháu), Cha-bắp Thul-mean-khluon (Luật tu thân dưỡng tính), Cha-bắp Vi-thu-banh-đit (Luật dạy bảo người trí thức), Cha-bắp Pheak-chas (Luật người xưa), Cha-bắp Kê-kal (Luật dạy bảo kinh nghiệm nghề nghiệp). Riêng đối với Lbơk gồm có: Lbơk Chhuch Nưng Trây, Phê Nưng Cho-chot, Chke-cho-chot Nưng Kuon Chiem,… Thông thường nhất trong loại hình này sẽ có hai con vật đảm nhiệm vai chính, cốt lõi của các câu chuyện này thường xoay quanh một tuyến nhân vật tham lam, nóng nảy, cậy quyền thế và tuyến nhân vật còn lại thường là những trường hợp lương thiện, không biết tham lam, thích giúp đỡ người khác, đặc biệt luôn đề cao sự trong sạch. Còn đối với Satra Lbeng là bộ kinh lá buông viết về những câu truyện ngắn hoặc vừa để người đọc đọc hiểu nhằm giải trí, thư giản. Satra loại này cũng chứa đựng nhiều bài học kinh nghiệm trong cách đối nhân xử thế, lòng dạ con người. Một số câu chuyện trong Satra lbeng như: Hăng-don, Khdon-săng, Phôk-kul-ko-mar, Ka-kây, Phres-lek-sin-na-vong, Chin-na-vong,…Một số truyện dựa trên cốt lõi của kinh phật giáo, nêu cao tinh thần hành thiện, diệt ác, người tốt luôn hưởng được phúc lành, ngược lại người xấu phải gánh chịu nhiều án trừng phạt. Qua đó có thể thấy, Satra lbeng ảnh hưởng rất sâu rộng đến tinh thần của người Khmer từ nhỏ đến già, vì những câu truyện không dài, không ngắn vừa đủ để đọc hay kể lại bằng miệng cho nhau nghe mỗi khi có cơ hội. Do đó, người Khmer đã hình thành nhận thức về cách ứng xử trong cuộc sống là làm điều tốt, tránh xa điều ác.

Nhóm thứ ba: Satra sêch-sa là kinh lá buông sử dụng trong giáo dục, bao gồm các cuốn Satra ghi chép sách giáo khoa phục vụ trong việc giảng dạy và học tập. Satra sêch-sa có Satra Vai-dia-ko Pali (Ngữ pháp Pali), Theat-tu-sang-kros (Ngữ căn Pali).

  1. THỰC TRẠNG SỬ DỤNG KINH LÁ BUÔNG

Satra Slất Rịt được lưu giữ lại tại các chùa là khối tài sản vật chất của văn hóa Khmer, nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống tinh thần của người Khmer Nam Bộ nói chung và đối với người Khmer Trà Vinh. Người Khmer coi Satra là một vật linh thiêng trước khi họ nhận lấy giá trị giáo của nó. Trong các dịp lễ hội thường niên, đặc biệt lễ hội Chol Chnam Thmây, người Khmer thường tìm đến chùa để nghe sư thuyết pháp về lịch sử Phật Thích Ca và tài liệu dùng để thuyết pháp chính là các cuốn Satra được lưu giữ. Qua đó, có thể thấy Satra ảnh hưởng rất lớn đối với lĩnh vực tôn giáo của người Khmer, nói cách khác Satra đóng góp một phần trong việc truyền bá triết lý đạo Phật, điều khiển một phần lớn sinh hoạt tôn giáo. Mặt khác, văn học Khmer được viết trên lá buông là kho tàng văn học dân tộc quý báu. Đó là những câu chuyện được gọi chung là Satra rương, đa phần đều là những câu chuyện mang ý nghĩa giáo dục cho con người sống tốt, tránh xa cái xấu, xây dựng một xã hội lành mạnh.

Việc đọc Satra hiện nay là một việc rất khó khăn, vì đa số người Khmer không thể đọc chữ được viết trên kinh lá buông. Trong số những người biết chữ Khmer hiện nay, bao gồm học sinh, sinh viên, tăng sinh tại các trường Phật học, trường Trung cấp Pali-Khmer, các sư là trụ trì, phó trụ trì, Achar tại các chùa phần lớn chỉ biết đọc một phần chữ viết trên lá buông, có những từ ngữ có thể hiểu nghĩa và có từ ngữ không hiểu ý nghĩa. Các sư được đào tạo, chỉ dẫn để đọc Satra rương (bao gồm Phật tích, các loại Satra kể về tiền kiếp của Phật Thích Ca) có thể đọc rành rọt chữ viết trên lá buông để thuyết giảng trong dịp lễ Chol Chnam Thmây hằng năm trong chùa đến Phật tử được nghe. Cách sử dụng các từ ngữ trong Satra có phần rất khác so với văn phong Khmer hiện tại, vay mượn nhiều từ ngữ có nguồn gốc tiếng Pali, San-Krit vẫn rất khó đọc và hiểu ý nghĩa. Qua đó, cho thấy việc mở lớp dạy đọc chữ trên Satra cũng là công việc cần được quan tâm thực hiện.

  1. CÔNG TÁC BẢO TỒN KINH LÁ BUÔNG

Hiện nay, Satra được lưu giữ nhiều nhất trong các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, một phần được lưu giữ tại nhà người dân, bảo tàng. Như đã trình bày, Satra tại các chùa có số lượng không giống nhau, thậm chí chênh lệch nhau rất nhiều. Một điểm chung của công tác bảo tồn Satra trong chùa là chỉ là cất giữ tài liệu cổ mà việc đọc chữ trên Satra hay việc nghiên cứu nội dung được khắc chép vẫn chưa được thực hiện. Tại chùa, nếu bộ Satra được giữ gìn nguyện vẹn từ trước đến nay thì các nhà sư vẫn giữ lại nguyên bộ, riêng các lá Satra bị rời rạc thì chưa được nghiên cứu sắp xếp. Các Satra có tuổi thọ khác nhau cũng chưa được phân loại rõ ràng, một số việc cất giữ không đảm bảo chất lượng, dễ dẫn đến tình trạng mục nát.

  1. MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ TRONG CÔNG TÁC BẢO TỒN KINH LÁ BUÔNG HIỆN NAY

Đối với nhà chùa

Ngoài lưu giữ cũng cần quan tâm đến việc đào tạo cho các sư trẻ mới vào tu tập đọc và hiểu ý nghĩa trong Satra để tiếp tục thuyết giảng, truyền đạt đến tất cả các phật tử được hiểu biết nhiều hơn. Những chùa đã có truyền thống đọc kinh lá buông vào mỗi dịp lễ Chol Chnam Thmây cần phải giữ gìn và không ngừng đào tạo các lớp sư sãi tiếp theo để tập đọc chữ trên Satra. Các chùa không còn hình thức đọc kinh lá buông nên có biện pháp phục hồi phong tục đọc kinh lá buông trong dịp Chol Chnam Thmây. Vì trong niềm tin của người Khmer, những gì họ được nghe từ những dòng chữ được các sư đọc từ Satra là những điều thiêng liêng, những bài học cần học tập theo, do đó có thể việc thuyết giảng thông qua kinh lá buông cũng là một hình thức truyền đạt lời dạy của Phật Thích Ca, làm cho các đạo lý của nhà Phật được truyền bá rộng rãi hơn trong cộng đồng. Mặt khác cũng tạo được các lớp sư sãi đọc được chữ Khmer viết trên lá buông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu kinh phật, tri thức dân tộc được khắc chép trên lá buông.

Nhà chùa cần tranh thủ sự hỗ trợ của ngành văn hóa địa phương và trung ương để có thể sưu tầm, thu gom tất cả kinh lá buông trong chùa kết hợp với các ngành chức năng có cách giải quyết cụ thể cho từng cấp độ: sưu tầm và lưu giữ, học tập, nghiên cứu, mà nhất là học cách đọc.

Đối với các ngành chủ quản về quản lý văn hóa

Đối với các cấp ngành liên quan đến văn hóa cần nghiên cứu xây dựng Đề án nhằm mở một cuộc tổng điều tra số lượng Satra còn được lưu giữ tại các chùa Khmer hay tại hộ gia đình người Khmer. Sau đó mới đến bước nghiên cứu phân loại từng cuốn Satra để có thể tìm hiểu một cách khoa học và cũng có thể nghiên cứu được những vốn hiểu biết, kiến thức sâu rộng có trong kinh lá đã bị bỏ quên nhiều thập kỉ vừa qua. Qua đó cũng mở ra một bước đầu trong công tác nghiên cứu di sản độc đáo của người Khmer.

  1. KẾT LUẬN

Satra Slất Rịt là tài liệu cổ, có giá trị trong văn hóa người Khmer Nam Bộ nói chung trong đó có người Khmer Trà Vinh. Văn bản Satra phần lớn mang nội dung giáo dục đạo đức con người trong xã hội, lời răn dạy thực hành tôn giáo Phật, đặc biệt nhất là khuyên răn con người sống tốt, tránh xa những điều ác. Mặt khác, Satra cũng là một trong những di sản văn hóa của người Khmer, nó mang cả giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Tuy nhiên, do sự ảnh hưởng của chiến tranh, một phần lớn Satra đã bị phá hoại chỉ lưu giữ được một phần nhưng một vấn đề đáng quan tâm đó là các lá Satra rời rạc hiện còn rất nhiều. Do vậy, cần phải có những hành động quyết liệt trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Satra. Trong đó, cần nhất phải làm cho Satra được nhìn nhận là một di sản văn hóa của dân tộc. Mặt khác, việc giữ gìn và phát huy giá trị kinh lá buông cần được thực hiện đồng bộ giữ nhà chùa và các cơ quan quản lý văn hóa.

Tóm lại, song song với sự phát triển của thời kỳ công nghệ - kỹ thuật, các giá trị văn hóa truyền thống đã có từ lâu cũng cần được quan tâm nghiên cứu và phát huy giá trị hợp lý.

 

Tác giả: ThS. Kim Chane Tha

(Chùa Kós Sla, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Thạch Dương Trung. Kinh lá buông: Giá trị và giải pháp bảo tồn. Kỷ yếu Hội thảo Khoa học cấp Quốc gia: Văn hóa trong phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ - Thực trạng và giải pháp. Đại học Trà Vinh; 2020.

VĂN HÓA TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG CỦA NGƯỜI CHĂM Ở NAM BỘ

TÓM TẮT

Văn hóa tổ chức cộng đồng là một trong những thành tố quan trọng của văn hóa, là các giá trị văn hóa được xây dựng trong suốt quá trình tồn tại, phát triển và trở thành các giá trị, các quan niệm, tập quán ăn sâu vào hoạt động của cộng đồng. Cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ với các hình thức tổ chức: gia đình-dòng tộc, nơi cư trú, tôn giáo và nghề nghiệp... chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong cộng đồng. Văn hoá tổ chức cộng đồng người Chăm Nam Bộ có những đặc trưng riêng, được cộng đồng người Chăm cùng chia sẻ, chấp nhận và ứng xử theo các giá trị đó.

Từ khóa: Văn hóa Chăm, người Chăm, văn hóa tổ chức cộng đồng, cộng đồng Chăm Nam Bộ

ABSTRACT

The community organizational culture is one of the important components of culture, and the cultural values which have built during existent, development process and become the values, perceptions and practices of community activities. Chăm community in South Việt Nam with organizational forms such as clan-family, resident, religion and profession... control emotions, thoughts and behaviors of all members of community purposes. The community organizational culture of Chăm people in South Việt Nam has own characteristics, and the Cham community to share, accept and behave according to those values.

Keywords: Camp culture, Camp people, community organizational culture, Camp community in South Việt Nam.

 

Người Chăm là một trong 54 thành viên dân tộc Việt Nam, sinh sống lâu đời trên mảnh đất Việt Nam, cư trú khá tập trung ở các tỉnh của Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Người Chăm có nền văn hóa phong phú, đặc sắc và có di sản văn hóa như cụm tháp ở Mỹ Sơn được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Người Chăm ngày nay tiếp tục lưu giữ những giá trị truyền thống, đồng thời tiếp thu những giá trị văn hóa mới, góp phần tạo nên sự thống nhất trong đa dạng của văn hóa Việt Nam.

Nghiên cứu văn hóa tổ chức cộng đồng của người Chăm ở Nam Bộ, tìm ra nét đặc trưng văn hóa tổ chức của cộng đồng nói riêng và văn hóa Chăm nói chung luôn được các nhà nghiên cứu trong khoa học xã hội và nhân văn quan tâm. Nghiên cứu góp phần làm rõ đặc điểm văn hóa tổ chức cộng đồng của người Chăm ở Nam Bộ trong quá trình hình thành và phát triển người Chăm ở nước ta. Kết quả nghiên cứu cung cấp thêm cứ liệu giúp cho việc tiếp tục nghiên cứu văn hóa Chăm, văn hóa tổ chức cộng đồng dưới góc nhìn văn hóa. Trên bình diện thực tiễn, nghiên cứu văn hóa tổ chức cộng đồng của người Chăm  ở Nam Bộ không chỉ dừng lại cái nhìn sâu hơn hoặc làm rõ những nội dung đặc trưng văn hóa tổ chức cộng đồng. Nghiên cứu này góp phần tìm hiểu quan hệ văn hóa tổ chức cộng đồng của người Chăm ở Nam Bộ với các cộng đồng tộc người khác trong cùng khu vực. Đối tượng nghiên cứu của bài viết là văn hóa người Chăm  ở khía cạnh văn hóa tổ chức cộng đồng. Phạm vi nghiên cứu vì thế được xác định cụ thể là người Chăm ở Nam Bộ, bao gồm cộng đồng người Chăm cư trú tập trung ở các tỉnh An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay.

Tổng điều tra dân số và nhà ở gần đây nhất (năm 2009), người Chăm ở Việt Nam có dân số 161.729 người, cư trú tại 56 tỉnh trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Chăm cư trú tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận (67.274 người, chiếm 41,6 % tổng số người Chăm tại Việt Nam), Bình Thuận (34.690 người, chiếm 21,4 % tổng số người Chăm tại Việt Nam), Phú Yên (người), An Giang (14.209 người), Thành phố Hồ Chí Minh (7.819 người), Bình Định (5.336 người), Đồng Nai (3.887 người), Tây Ninh (3.250 người), các tỉnh thành khác (5.319 người) [1].

Người Chăm ở Nam Bộ có một cuộc hành trình dài với nhiều thời điểm và nhiều con đường khác nhau. Sự hiện diện cộng đồng Chăm ở Nam Bộ được nêu trong “Gia Định thành thông chí” qua việc Trịnh Hoài Đức (1765-1825) đề cập đến người Đồ Bà. Bức tranh về cộng đồng Chăm ở đây được rõ dần vào cuối thế kỷ XIX với những công trình nghiên cứu của các tác giả A. Cabaton, Marcel Ner, Manguin…

Trước đây, do nguyên  nhân  lịch  sử, một bộ phận người Chăm đã di cư sang Campuchia, Malaysia, Thái Lan, Indonesia,... vào những thế kỷ trước. Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, một bộ phận người Chăm ở Campuchia đã tìm về cư trú ở An Giang và Tây Ninh cùng với một bộ phận người Chăm đã an cư trước đó. Sau những năm 30, 40 của thế kỷ XX, do chiến tranh ở vùng biên giới Tây Nam nên một bộ phận người Chăm ở đây đã  di cư vào Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh), Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu để lập nghiệp.

Nghiên cứu văn hóa tổ chức cộng đồng Chăm ở Nam Bộ còn góp phần vào việc hiểu biết một nếp sinh hoạt văn hóa độc đáo, pha trộn giữa tôn giáo và phong tục tập quán dân tộc, góp phần làm giàu cho văn hóa Chăm và văn hóa Việt Nam. Trong văn hóa tổ chức cộng đồng chúng ta không thể không quan tâm đến tổ chức gia đình - dòng tộc, tổ chức cư trú, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức tôn giáo. Trong từng hình thức tổ chức đều có những đóng góp tích cực của từng thành viên trong cộng đồng người Chăm và của xã hội trong quá trình xây dựng cuộc sống mới văn minh, hiện đại.

1.   TỔ CHỨC GIA ĐÌNH,  DÒNG TỘC

Gia đình là một nhóm xã hội được gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân và huyết thống. Các thành viên trong gia đình có quan hệ tình cảm mật thiết với nhau bởi trách nhiệm và quyền lợi, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Từ trước đến nay, quy mô của gia đình vẫn tồn tại theo hai kiểu: Gia đình truyền thống (có 3 thế hệ trở lên gồm ông bà, bố mẹ, con cái) và gia đình hạt nhân (có hai thế hệ gồm bố mẹ, con cái).

Gia đình của người Chăm ở Nam Bộ, do chi phối bởi tập tục Islam nên được xây dựng trên nền tảng phụ hệ. Vai trò chủ thể trong kinh tế xã hội thuộc về người đàn ông, họ quyết định mọi vấn đề trong gia đình. Sinh con trai được xem là may mắn, con cái theo họ cha. Vì vậy cấu trúc gia đình của người Chăm Islam ở Nam Bộ khác so với gia đình người Chăm ở Trung Bộ.

Trong gia đình người Chăm Nam Bộ, về lý thuyết, người đàn ông làm chủ và có quyền quyết định các công việc, kể cả việc dựng vợ gả chồng cho con cái họ. Đối với con cái, con trai trưởng có quyền thay cha tiếp khách khi không có cha mẹ, hay có thể dựng vợ gả chồng cho các em. Quyền hạn của con gái trong gia đình hơi mờ nhạt và như bị thu hẹp lại khi mà trong gia đình vẫn còn có cha mẹ và các anh, em trai đã trưởng thành. Họ cũng không được quyền tự do tiếp xúc với những người lạ hoặc người khác phái không cùng huyết thống.

Nghiên cứu thực tế cho thấy, gia đình người Chăm ở Nam Bộ thuộc kiểu gia đình mở rộng, gồm nhiều thế hệ, mỗi gia đình ở đây thường đông người. Trong gia đình, người lớn tuổi luôn được tôn trọng. Người chồng, người đàn ông có vai trò trụ cột trong gia đình. Vợ chồng có sự bình quyền, tôn trọng lẫn nhau, cùng trao đổi, bàn bạc trong các vấn đề liên quan đến gia đình. Trước đây, người chồng là người trực tiếp tạo ra nguồn thu nhập chính cho gia đình, người vợ chỉ lo quán xuyến công việc trong nhà, nuôi dạy con cái và nội trợ. Hiện tại người vợ trong cộng đồng Chăm cũng ra ngoài làm việc để có nguồn thu nhập cho gia đình. Xu hướng gia đình truyền thống với đặc điểm chung là nhiều thế hệ cùng chung sống trong một mái nhà được thay thế bằng những gia đình hạt nhân, để có cuộc sống tự lập sau kết hôn của giới trẻ Chăm Nam Bộ ngày càng tăng.

Ngoài các hôn nhân giữa người Chăm với nhau, còn có các trường hợp lấy vợ hoặc lấy chồng là người ngoài cộng đồng Chăm. Các con họ sinh ra đều khuyến khích thành người Chăm. Sự quan tâm và trách nhiệm đối với phúc lợi của trẻ em luôn là vấn đề được cộng đồng Chăm ưu tiên. Dù là cha mẹ chúng còn sống hay đã qua đời, hiện diện hay vắng mặt, mọi đứa bé trong cộng đồng Chăm đều được chăm sóc. Khi có người thân lo phúc lợi cho đứa trẻ, thì những người thân này chịu trách nhiệm chăm sóc cho chúng. Trong trường hợp không có người thân, họ hàng thì việc chăm sóc đứa bé trở thành trách nhiệm chung của cộng đồng. Tại Nam Bộ, những đứa trẻ Chăm mồ côi (cha, mẹ hoặc cả hai) luôn được đại diện các jammaah (tổ chức cộng đồng cơ sở) lập thành danh sách riêng để có ưu tiên trong việc nhận quà từ các cá nhân và các tổ chức từ thiện trong và ngoài cộng đồng người Chăm.

Tổ chức gia đình của người Chăm ở Nam Bộ được hình thành từ sự kết hôn của một đôi nam nữ. Trong hôn nhân, con trai Chăm Nam Bộ phải chủ động đi hỏi vợ. Trừ anh chị em ruột (hoặc con nuôi cùng bú chung một bầu sữa mẹ), cha mẹ và con cái (cả con nuôi, con vợ, con chồng) và người ngoài đạo Islam không được phép kết hôn với nhau, còn tất cả các trường hợp khác đều kết hôn được đối với người Chăm.

Gia đình của người Chăm Nam Bộ thường có nhiều con cháu. Số con trong mỗi gia đình thường hơn 2 con, có khi đến 4, 8 hoặc 10 con. Mặc dù kế hoạch hóa gia đình với chủ trương mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con đã đến với đồng bào Chăm ở Nam Bộ cùng lúc với những đồng bào các dân tộc khác ở trong vùng, nhưng do cách thức tuyên truyền ở địa phương về ưu điểm của nó “chưa thắng” với “cái thế mạnh truyền thống(quan niệm xưa) của người Chăm cho là “Thượng đế Allah cho đẻ bao nhiêu, Thượng đế nuôi và không được quyền ngăn cản việc sinh đẻ theo ý của Thượng đế”. Quan niệm này tương  tự như một số cộng đồng khác theo kiểu “Trời sinh voi, sinh cỏ”.

Đối với những thành viên trong gia đình, mối quan hệ được hình thành với từng vai trò, cấp bậc khác nhau. Người đàn ông lớn tuổi nhất trong gia đình sẽ có quyền quyết định các vấn đề từ việc hôn nhân của con cháu, đến những hoạt động kinh tế của gia đình. Người lớn tuổi có nhiệm vụ nhắc nhở vợ con và các thành viên trong gia đình làm tốt nghĩa vụ đạo đức. Người nhỏ tuổi hơn luôn kính phục và nghe theo lời khuyên bảo của người lớn. Các gia đình và đại gia đình sẽ hình thành nên tập thể cộng đồng sinh sống chung trong cùng một khu vực cư trú và tạo nên một cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ.

Trong đời sống gia đình, vai trò của phụ nữ Chăm Nam Bộ không phải chỉ giữ vị trí như việc trông nom nhà cửa, săn  sóc con cái mà luôn luôn được người cha, người chồng bảo vệ. Phụ nữ Chăm không chỉ quanh quẩn với việc nhà mà còn có quyền tìm các công việc phù hợp như dạy học, buôn bán nhỏ,… trong lĩnh vực có thể. Người phụ nữ Chăm Nam Bộ có nghĩa vụ tôn giáo (Islam) không khác gì nam giới. Trong một vài trường hợp như vào các thời kỳ kinh nguyệt hoặc thời gian chăm sóc con trẻ (cho con bú), phụ nữ Chăm được tạm hoãn lễ nguyện (sambahyang) hằng ngày hoặc nhịn chay có tính bắt buộc (trong suốt tháng Ramadan), và có thể bù lại vào những ngày thuận lợi sau đó. Cộng đồng Chăm cho phép phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới như quyền quyết định chọn lựa người chồng của mình và quyền quyết định ly dị.

Ở Nam Bộ, mặc dù chịu sự chi phối của tôn giáo Islam nhưng cộng đồng người Chăm vẫn còn bảo lưu những tàn dư của chế độ mẫu hệ như một vai trò quan trọng trong đời sống gia đình, nắm giữ tài chính, quản lý chi tiêu, mua sắm đồ dùng cho gia đình (có thể tham khảo ý kiến của người đàn ông nhưng đa phần do người phụ nữ lo liệu). Một số gia đình người Chăm ở Nam Bộ, người phụ nữ giữ vai trò chủ hộ và có quyền quyết định các vấn đề trong gia đình, mặc dù người chồng, người đàn ông chủ động và giữ vai trò chủ đạo trong việc kiếm tiền nhưng thường giao tiền cho người phụ nữ (vợ) quản lý.

Quá trình sống cộng cư với người Việt và một số dân tộc khác, phụ nữ Chăm ở Nam Bộ khó giữ lại nguyên vẹn nếp sống truyền thống, cuộc sống hiện tại đã ảnh hưởng nhiều đến việc hạn chế những tập tục. Do vậy, người phụ nữ Chăm ở Nam Bộ ngày nay được đi lại, giao tiếp, được đi ra ngoài làm việc và tham gia các hoạt động xã hội. Các thiếu nữ Chăm, ngoài việc học kinh Qur’an theo yêu cầu của tôn giáo Islam còn được học ở các trường phổ thông, và trình độ văn hóa của phụ nữ Chăm cũng đã bắt đầu được nâng cao hơn. Ngoài công việc gia đình và học hành, phụ nữ Chăm Nam Bộ còn được ra ngoài, đi thăm bà con hay đến nhà bạn bè. Ngày nay phụ nữ Chăm đã bắt đầu làm quen với các tổ chức xã hội, đến với các đoàn thể quần chúng, nói lên tiếng nói của người phụ nữ trong cộng đồng mình, hăng hái tham gia vào các công việc xã hội cùng với những cộng đồng xung quanh. Thực tế cho thấy là cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ đã có một cái nhìn mới, tích cực hơn đối với vai trò và vị trí của người phụ nữ Chăm thời đại ngày nay.

2.  TỔ CHỨC CƯ TRÚ

Cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ thường cư trú tập trung thành từng nhóm gia đình có quan hệ gần gũi với nhau như cùng huyết thống, cùng nghề nghiệp, cùng tôn giáo. Tính cộng đồng đã làm cho tình đoàn kết dân tộc Chăm được đề cao và cùng hướng đến nhiệm vụ chung của cộng đồng, trở thành một đặc trưng tiêu biểu trong văn hóa tổ chức cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ.

Người Chăm sống tập trung thành các nhóm cộng đồng gần các khu chợ, gần kinh, rạch, hoặc các bến sông. Việc quần tụ thành những cụm dân cư để tiện cho việc sinh hoạt tín ngưỡng cộng đồng và giúp đỡ lẫn nhau; việc cư trú ven sông, kênh, rạch,… một mặt giúp cho công việc làm ăn buôn bán của họ trên sông nước được dễ dàng, mặt khác tạo điều kiện thuận lợi để họ đi lại, làm ăn, nối kết cộng đồng với nhau. Nên vô hình chung các điểm cư trú của người Chăm hội tụ cả hai điều kiện thuận lợi là “Thứ nhất cận sông, thứ nhì cận chợ”.

Các khu vực cư trú của người Chăm Nam Trung Bộ thường được gọi là palei, puk được hiểu như là đơn vị cư trú tương đương làng, ấp hoặc thôn (Việt Nam) hiện nay. Khu vực cư trú của người Chăm ở Nam Bộ được gọi là jammaah. Mỗi jammaah thường có một masjid (thánh đường), và cũng có thể có một hoặc nhiều surau (tiểu thánh đường). Cũng có cách hiểu jammaah đồng nghĩa như palei. Đôi khi họ cũng dùng thuật ngữ palei như là thuật ngữ liên quan đến nơi cư trú còn cụ thể tên các palei sẽ kèm theo đó. Ví dụ: palei Châu Đốc, palei Phan Rang, palei Bingor, palei Tây Ninh,…

Hiện nay, mỗi palei Chăm thường mang hai tên gọi: một là tên gọi theo tiếng Chăm và hai là tên gọi theo tiếng Việt (theo đơn vị hành chính). Tên palei gọi theo tiếng Việt có thể thay đổi do thay đổi địa danh hành chính, nhưng tên gọi palei theo tiếng Chăm do người Chăm tự đặt luôn lưu giữ lâu bền, ít thay đổi trong cộng đồng Chăm. Tên palei bằng tiếng Chăm vừa gắn truyền thống, vừa mang tình cảm thân thiết, vừa có ý nghĩa thiêng liêng.

Cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ được cấu trúc theo hình thức xã hội của jammaah. Tên gọi các jammaah này cũng do người Chăm tự đặt trên cơ sở các tên gọi của các thánh đường nơi họ cư trú. Phần lớn tên gọi các jammaah đều có nguồn gốc ngôn ngữ Arab [2] được người Chăm sử dụng hoặc đã Chăm hóa để gọi tên jammaah bên cạnh tên gọi gắn với địa danh hành chính.

Mỗi nhóm cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ do các yếu tố về nghề nghiệp, tập quán, do khả năng kinh tế,... đã hình thành nên những đặc điểm riêng trong việc cư trú của các cộng đồng này. Chẳng hạn, số người Chăm cư trú ở các địa phương tại tỉnh Đồng Nai đều là những cư dân Chăm đến tìm đất đai để làm ăn sản xuất nông nghiệp. Cộng đồng Chăm ở Long Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đến làm công nhân cao su, người Chăm làm công nhân Hãng sữa (Thủ Đức trước đây) hình thành nơi cư trú ở Quận 2 (Thành phố Hồ Chí Minh) hiện nay.

Nhiều masjid và surau có lối kiến trúc làm nổi bật vị trí các khu vực cư trú của người Chăm. Phần nội thất trong các masjid không trưng bày bất cứ hình tượng nào cũng như không đặt bàn thờ như một số tôn giáo khác. Điều này đã ảnh hưởng đến lĩnh vực mỹ thuật, kiến trúc và việc trang trí trong các masjid và nhà ở. Hầu hết các masjid thường được trang trí (viết, vẽ, khắc…) các câu bằng chữ Arab được trích từ Kinh Qur’an hoặc câu Kalimah Saadat mang nghĩa đề cao lòng tin đối với Allah. Các masjid luôn được cộng đồng người Chăm trong cùng jammaah ra sức chăm sóc, trùng tu để xứng đáng với vị trí thiêng liêng của nó, xứng đáng với bộ mặt “đại diện” của cộng đồng jammaah của mình.

Đứng đầu của các jammaah là một ông Hakim (tạm dịch là trưởng cộng đồng jammaah). Hakim còn được gọi là Hakem, Hakêm hoặc là giáo cả. Người Chăm hiểu Hakim ở đây là người đứng đầu jammaah, tương đương trưởng jammmah do tập thể người Chăm trong một jammaah bầu lên. Là người có nhiều hiểu biết về cộng đồng và về tôn giáo Islam cũng như có thêm về điều kiện gia đình ổn định, đạo hạnh cá nhân tốt. Ông có quyền chọn một vị trong cộng đồng jammaah của mình để cử làm phụ tá gọi là Naeb. Một vài jammaah của cộng đồng Chăm Nam Bộ có thể thêm một Ahly. Ahly này có thể do cộng đồng đề cử hoặc do ông Hakim và Naeb chọn để chăm lo một số công việc thuộc về công tác xã hội trong phạm vi cộng đồng jammaah. Một vài jammaah còn có thêm thư ký và thủ quỹ. Để giúp việc cho các vị chức sắc của jammaah còn có một người gọi là Saik. Saik trong cộng đồng người Chăm được hiểu như “ông Từ”, có nhiệm vụ trông coi masjid hoặc surau và giúp việc cho các chức sắc, chức việc trong jammaah.

Các vị Hakim, Naeb, Ahly, thủ quỹ và thư ký của các jammaah lập thành Ban quản trị thánh đường. Ban quản trị này có nhiệm vụ theo dõi các hoạt động của cộng đồng mình, làm cầu nối giữa chính quyền địa phương và cộng đồng người Chăm trong cùng một jammaah. Những năm  gần đây, nhiều vị Hakim của các jammaah còn tham gia làm thành viên của Mặt trận phường, xã, là đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp phường, xã hoặc quận, huyện. Cũng có người Chăm ở Nam Bộ là thành viên ủy viên Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh, thành phố và cấp Trung Ương.

Bên cạnh các vị chức sắc, chức việc, trong các jammaah còn có Tuan. Tuan là người có hiểu biết về đạo Islam, có nhiệm vụ giảng dạy kinh Qur’an cho các thành viên trong cộng đồng người Chăm. Các vị Hakim, Naeb, Ahly, kể cả Tuan thường là đàn ông. Gần đây, một số phụ nữ Chăm ở Nam Bộ cũng được cộng đồng jammaah cho phép tham gia dạy kinh Qur’an và giáo lý Islam tại tư gia hoặc tại trường học giáo lý trong khuôn viên thánh đường của cộng đồng.

Chức danh Haji và Imam cũng rất được cộng đồng Chăm Nam Bộ tôn trọng. Haji là người Chăm đã ít nhất một lần   đặt chân lên đất Medina, Mecca Arab trở về. Còn Imam là người được Hakim chỉ định điều hành buổi lễ cầu nguyện trong thánh đường. Imam là người có hiểu biết nhất định về giáo lý Islam, có khả năng thể hiện hoàn chỉnh trong các nghi lễ cầu nguyện tại thánh đường theo đúng nguyên tắc Islam, có đạo hạnh tốt, được cộng đồng chấp nhận và được Hakim ủy nhiệm.

Như vậy, về tổ chức cộng đồng, mỗi jammaah là một tập thể gồm những người cùng sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng chung trong một masjid hoặc surau trong cùng một địa bàn cư trú. Jammaah là đơn vị cư trú, đồng thời là đơn vị kinh tế, văn hóa và xã hội cổ truyền mang tính tự quản. Trong các jammaah vùng người Chăm ở Nam Bộ, các tổ chức truyền thống như tổ chức quản lý jammaah, tổ chức Ban quản trị, tổ chức các hội nhóm chức sắc, bô lão thường song song tồn tại hoặc chuyển thành tổ chức mới thích hợp với tổ chức quản lý hành chính và xã hội hiện tại. Các hình thức tổ chức như Ban Quản lý thôn (ấp, xóm làng,…) hoặc các ban ngành địa phương như công an, đội du kích, Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Hội Bảo Thọ, Hội Phụ Nữ, Hội Khuyến Nông,… cũng có trong các jammaah Chăm. Ngoài nhiệm vụ thực hiện chỉ thị cấp trên và các chính sách của chính quyền nhà nước, các tổ chức này tại các jammaah còn quan tâm thực hiện các nhiệm vụ quản lý tài sản jammaah, giữ gìn trật tự an ninh, tổ chức phát triển nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của người dân trong jammaah. Những nơi không có sự tham gia của người Chăm vào các tổ chức hành chính, các cán bộ quản lý ở đó thường phối hợp chặt chẽ với các chức sắc, các bô lão, các vị Hakim để huy động người Chăm thực hiện các công việc hành chính xã hội trong cộng đồng. Các cán bộ quản lý tại địa phương có người Chăm cư trú cũng vận động quần chúng trong việc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và phát triển cộng đồng jammaah.

Trong các jammaah, các tổ chức tín ngưỡng tôn giáo, tổ chức xã hội, và tổ chức chính quyền song song tồn tại, liên kết với nhau để điều hành những vấn đề liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng và xã hội trong cộng đồng Chăm. Trong công tác xây dựng nhà nước pháp quyền hiện nay, cơ chế quản lý hành chính nhà nước có vai trò chủ đạo trong vận hành xã hội. Song quá trình xây dựng và cải biến cơ chế quản lý xã hội, có sự quan tâm thích đáng những yếu tố của tổ chức xã hội truyền thống được kết hợp và vận dụng hợp lý tổ chức xã hội truyền thống với những yếu tố tích cực trong phong tục tập quán, trong truyền thống văn hóa cộng đồng, trong văn hóa tổ chức cộng đồng người Chăm.

3.  TỔ CHỨC NGHỀ NGHIỆP

Tại địa bàn Nam Bộ, do có những đặc thù riêng về điều kiện tự nhiên nên đã tạo ra những khác biệt trong lao động, nghề nghiệp và thu nhập kinh tế giữa các cộng đồng cư trú khác nhau của người Chăm. Người Chăm ở Tây Ninh, Đồng Nai chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, người Chăm ở An Giang vừa buôn bán, dệt thủ công và làm ruộng, trong khi người Chăm ở Thành phố Hồ Chí Minh đa số hành nghề buôn bán và làm công.

Nghề dệt truyền thống của người Chăm Nam Bộ đã trải qua thời gian phát triển lâu dài, nó mang lại nguồn thu nhập quan trọng của cộng đồng. Một số hộ người Chăm nhờ ngành nghề này đã trở nên khấm khá, tuy thế, nghề dệt đã bị mai một trong một thời gian và sau nhiều cố gắng của địa phương cũng như của chính cộng đồng, nghề dệt ở đây đã khởi sắc trở lại với nhiều sản phẩm đa dạng hơn trước.

Ngày nay thổ cẩm do chính người Chăm Nam Bộ dệt cũng đang có những bước cố gắng để thuyết phục người sử dụng bằng những sản phẩm đa dạng hơn trong việc cải tiến mẫu mã và chất liệu   để kích thích thị hiếu người sử dụng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng ngày càng đa dạng trong khi các loại vải dệt từ khung dệt truyền thống của người Chăm còn thô sơ, không cạnh tranh nổi với giá cả vải trên thị trường hiện nay rẻ hơn, chất lượng cao hơn.

Hoạt động nương rẫy, đồng áng của người Chăm Nam Bộ  đều  không  khác so với người Việt cùng sinh sống chung vùng. Nổi bật trong hoạt động này là ở chỗ hầu hết nông dân Chăm đều không phải là người thông thạo nghề nông như cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận. Cộng đồng Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận xem việc làm nông là hoạt động kinh tế hàng đầu, là nguồn thu nhập chính. Ở Nam Bộ, cụ thể là ở An Giang, người Chăm chủ yếu canh tác lúa mỗi năm 2 vụ. Ở Tây Ninh, phần lớn các hộ chỉ canh tác 1 vụ và canh tác thêm các loại cây công nghiệp ngắn ngày như đậu phộng, mía,… và trồng cây ăn trái. Do điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, thủy lợi và kinh nghiệm sản xuất mỗi nơi, lịch thời vụ canh tác lúa ở An Giang (Tây Nam Bộ) và Tây Ninh (Đông Nam Bộ) là không trùng nhau. Ở An Giang, thời vụ lệ thuộc vào mùa nước nổi hàng năm, còn ở Tây Ninh vì khu vực đất canh tác tại địa phương phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cũng chính vì vậy mà phần lớn nông hộ người Chăm ở Tây Ninh, như người Chăm ở xã Suối Dây (huyện Tân Châu) chỉ canh tác mỗi năm một vụ lúa mùa. Năng suất lúa cả năm của người Chăm An Giang nói chung cao hơn ở Tây Ninh [3].

Về kỹ thuật canh tác, cả An Giang và Tây Ninh đều đã được cơ giới hóa một bước trong khâu làm đất (dùng máy cày, máy xới) và phần lớn các hộ người Chăm ở An Giang đều thuê dịch vụ máy phóng để thu hoạch trong khi ở Tây Ninh vẫn thu hoạch bằng thủ công. Về mặt tổ chức sản xuất, do hoạt động dịch vụ và làm thuê khá phát triển nên người Chăm An Giang thường thuê người làm khi thời vụ yêu cầu, còn người Chăm ở Tây Ninh thường giúp nhau hoặc vần đổi công cho nhau.

Trước năm 1975, người Chăm Nam Bộ gắn bó với nghề đánh cá trên sông. Nghề đánh cá hiện nay cũng không còn thịnh hành do gần những khu vực người Chăm sinh sống ở Châu Đốc, An Giang cũng cạn dần tài nguyên cá tôm, đòi hỏi ngư dân đánh bắt cá phải trang bị công  cụ đánh bắt xa bờ hoặc chuyển sang nuôi cá bè, cá basa. Với cách chuyển đổi này người Chăm chịu thua thiệt do cần phải có vốn đầu tư nhiều hơn trong khi đó đa số nông dân Chăm đều nghèo.

Còn việc buôn bán hiện nay vẫn theo kiểu buôn bán rong. Mỗi “thương nhân” người Chăm thường có rất ít vốn chỉ đủ lấy hàng của đại lý nào đó ở Thành phố Hồ Chí Minh đi bán lẻ tại các tỉnh hoặc lấy hàng từ Campuchia đem về phân phối tại các chợ ở An Giang và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo cách làm này, sau mỗi chuyến đi, có thể trong ngày, vài ngày, hoặc một tháng trở lên, đôi khi một năm những “thương nhân” người Chăm chỉ về quê một đôi lần vào các dịp lễ, tết của cộng đồng. Và mỗi chuyến đi như vậy người Chăm thường lập thành nhóm theo gia đình, theo nhóm hai ba người cùng bỏ vốn, cùng chi phí chung và lời chia đều. Trong cộng đồng cũng bắt đầu có người làm công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nhưng số lượng còn ít do chưa quen với hình thức lao động tập thể này. Buôn bán tự do, buôn bán lẻ, bán hàng rong vẫn còn phổ biến trong cộng đồng Chăm nhưng cũng không ổn định về thu nhập và việc làm.

Thu nhập của người Chăm ở Thành phố Hồ Chí Minh được cho là cao nhất và người Chăm ở Tây Ninh có thu nhập thấp nhất. Những hộ có thu nhập thuộc nhóm thấp nhất tuyệt đại bộ phận là những hộ thuần nông và tập trung chủ yếu ở Tây Ninh. Ở Tây Ninh, mặc dù có bình quân thu nhập đầu người thấp nhưng lại có mức chênh lệch giữa nhóm thu nhập cao nhất và nhóm thu nhập thấp nhất (9,44 lần) [4]. Sự chênh lệch này do cơ cấu thu nhập giữa hộ thuần nông và hộ kết hợp kinh tế nông nghiệp và phi nông nghiệp. Sự phân hóa giàu nghèo hay sự phân tầng xã hội của cộng đồng người Chăm ở các địa bàn khảo sát nói chung chưa diễn ra một cách gay gắt. Tình trạng giàu nghèo như vậy chưa tạo được sự khác biệt trên nhiều khía cạnh của đời sống cộng đồng giữa tầng lớp nghèo và giàu. Tuy nhiên, nếu so sánh với mức nghèo chung của cả nước và từng địa phương thì người Chăm Nam Bộ nói chung có mức thu nhập tương đối thấp, tỷ lệ hộ sống dưới ngưỡng nghèo còn tương đối cao. Giải quyết vấn đề nghèo, các giải pháp nâng cao đời sống xã hội ở người Chăm Nam Bộ là vấn đề cần đến sự hỗ trợ về nhiều mặt của Nhà nước đồng thời có lưu ý đến tính đặc thù của cộng đồng dân tộc.

4.  TỔ CHỨC TÔN GIÁO

- Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam

Trước ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), vào năm 1961, tại miền Nam Việt Nam, chính quyền Sài Gòn cho phép thành lập tổ chức Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam theo Nghị định số 490 BNV/ KS ngày 10/8/1961 của Bộ Nội vụ. Trụ sở chính của Hiệp hội này đặt tại địa chỉ TK 10/23 bến Chương Dương - nay thuộc phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam hoạt động với các mục đích “Duy trì và phát huy trong người Chăm Islam tinh thần đạo đức theo tập tục cổ truyền quy định trong Kinh Qur’an; giúp phương tiện cho người Chăm Islam thực hiện luật đạo trong các dịp hôn, tang lễ” [5]. Từ lúc Hiệp hội này được thành lập cho đến khi không còn tiếp tục hoạt động (từ sau năm 1975), ông Haji Ly Ôssaman là vị chủ tịch duy nhất (ông đã qua đời vào tháng 04/1986 tại Thành phố Hồ Chí Minh).

Ngoài Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam, trước 30/04/1975 phải kể đến Hội Thánh đường Masjiddir Rahim của cộng đồng Hồi giáo Indonesia - Malaysia được chính quyền Pháp cho phép hoạt  động vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX cùng với việc xây dựng thánh đường Masjidir Rahim vào năm 1885 (nay tại số 45 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1) [6].

Riêng cộng đồng Hồi giáo Ấn Độ thì có Hiệp hội Ấn kiều Hồi giáo Nam Kỳ, là tổ chức quản lý toàn thể cộng đồng Hồi giáo Ấn kiều. Những thánh đường nổi bật góp phần xây dựng Hiệp hội này là Mosque Musulman (nay ở số 66 Đông Du, quận 1), Jamia Masjid (nay ở 641 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5), Masjid Al Noor (số 12 phố Hàng Lược - Hà Nội).

Tuy Hội thánh đường Masjidir Rahim và Hiệp hội Ấn kiều Hồi giáo Nam Kỳ không phải là tổ chức của cộng đồng người Chăm song do có mối quan hệ đồng đạo và thường xuyên có những sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng chung nên một số người Chăm ở Nam Bộ đã tham gia như tổ chức của cộng đồng mình.

- Hội đồng giáo cả Hồi giáo Việt Nam

Riêng tại tỉnh Châu Đốc (nay đã nhập vào tỉnh An Giang từ 30.4.1975), nơi có người Chăm ở Nam Bộ cư trú đông có Hội đồng Giáo cả Hồi giáo Việt Nam được sự thừa nhận của chính quyền tỉnh trước năm 1975 chuyên trách về giáo lý Islam tại Việt Nam. Ông Mufti Haji Omar Aly giữ chức vụ chủ tịch. Sau năm 1975, hội đồng này không còn hoạt động. Hội đồng giáo cả Hồi giáo Việt Nam gồm thành viên là  các

Hakim của các masjid và surau thuộc các jammaah chịu sự lãnh đạo chung của một vị chủ tịch Hội đồng giáo cả (Mufti). Tổ chức này có chức năng hòa giải các tranh chấp trong sinh hoạt tín ngưỡng, thống nhất trong sinh hoạt giáo lý Islam, góp phần củng cố cộng đồng người Chăm. Sau năm 1975, tuy tổ chức Hội đồng giáo cả không còn danh nghĩa để hoạt động song vai trò vị mufti vẫn có ảnh hưởng nhất định trong việc hòa giải các tranh chấp giáo lý, tín ngưỡng cũng như góp phần củng cố cộng đồng và bảo vệ văn hóa trong cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, cũng như Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam, các Hiệp hội Ấn kiều Hồi giáo Nam Kỳ, Hội Thánh đường Masjiddir Rahim và Hội đồng Giáo cả Hồi giáo Việt Nam đều tự giải tán. Tín đồ Islam Ấn kiều về nước, giao sự quản lý thánh đường Jamia Masjid cho người Chăm; những người gốc Ấn còn lại đa số là tín đồ Islam mang quốc tịch Việt Nam là con lai của những cuộc hôn nhân thực tế giữa mẹ Việt và cha là Ấn kiều Hồi giáo. Họ đã cử ra Ban Quản trị thánh đường Musulman để tự quản lý, trông coi các sinh hoạt cộng đồng trong thánh đường. Hội Thánh đường Masjiddir Rahim cũng thế, họ cử ra một Ban Quản trị thánh đường và lãnh đạo cộng đồng của họ. Các tổ chức cộng đồng này đều có sự tham gia của người Chăm nhất là trong việc điều hành tín ngưỡng Islam.

- Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo

Vào những năm đầu sau giải phóng, một số người Chăm ở Nam Bộ muốn thành lập lại tổ chức tương tự như Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam trước đây. Ngày 18/4/1988, chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thành lập Ban Quản lý Tài chính Lâm thời Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí Minh, đặt văn phòng tại địa chỉ số 148 Duy Tân, phường 15, Quận Phú Nhuận, nhận bàn giao từ ông Haji Apdalha Liêm ngân phiếu 10.000 USD trước đây được quy đổi thành tiền là 6.950.000 đồng Việt Nam. [7]

Vào ngày 07/01/1992, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có Quyết định số 28/QĐ-UB công nhận Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh. Văn phòng đặt tại số 52 Nguyễn Văn Trỗi, phường 15, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với việc đó, Ban Tôn giáo Thành phố Hồ Chí Minh cũng công nhận bộ phận nhân sự văn phòng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố. Hoạt động bên cạnh Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố còn có Ban cố vấn để hỗ trợ ý kiến trên các lĩnh vực giáo lý Islam cũng như các hoạt động xã hội trong phạm vi cộng đồng người Chăm và Islam.

Tổ chức cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh được hoạt động với chức năng là cầu nối giữa cộng đồng người Chăm theo Islam tại Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền trong những vấn đề liên quan đến tín ngưỡng và hoạt động trong khuôn khổ luật pháp quy định. Ngoài Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh thành khác ở Nam Bộ vẫn duy trì Ban Quản trị Hồi giáo khu vực jammaah, hoạt động gắn với địa phương và quan hệ với đồng đạo Islam ở jammaah khác. Đến năm 2005, một tổ chức tương tự được thành lập tại An Giang với tên gọi Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh.

Đối với sinh hoạt văn hóa - xã hội, tổ chức Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo duy trì và phát huy tinh thần đạo đức trong các sinh hoạt tín ngưỡng và trong đời sống cộng đồng người Chăm cho phù hợp với giáo lý Islam và luật pháp của Nhà nước, như việc cấm bài bạc, rượu chè, hút xách và các tệ nạn xã hội khác; khuyến khích, giúp đỡ, tạo điều kiện để con em người Chăm được đến trường học nhiều hơn, từng bước nâng cao trình độ dân trí hầu theo kịp tiến bộ chung của dân tộc; tổ chức các hoạt động tương trợ giữa các cộng đồng khu vực jammaah. Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo từng bước xây dựng một hệ thống quan hệ giao dịch với các cơ quan có chức năng để phản ánh tâm tư nguyện vọng, tình cảm, tín ngưỡng, các vấn đề cần được quan tâm giải quyết thỏa đáng về sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Chăm; tổ chức những cuộc gặp gỡ giữa các chức sắc, chức việc và người Chăm với lãnh đạo một số cơ quan chức năng, chính quyền địa phương để tăng thêm sự hiểu biết gắn bó, đồng thời giải quyết các vấn đề phù hợp với tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm; kết hợp xây dựng nề nếp sinh hoạt có trật tự trên cơ sở phát huy tinh thần đoàn kết giữa cộng đồng người Chăm với đồng bào các dân tộc và các tôn giáo bạn; tổ chức thông tin các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng và Nhà nước; lấy các thánh đường và tiểu thánh đường làm điểm trung tâm để phối hợp và phổ biến chính sách, đường lối, chủ trương tôn giáo của Đảng, Nhà nước và những vấn đề có liên quan đến sinh hoạt tôn giáo của cộng đồng người Chăm.

Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh làm việc theo kế hoạch dựa vào phương hướng từng nhiệm kỳ đã được các cơ quan chức năng góp ý và thông qua Đại hội đại biểu cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh biểu quyết ở từng Đại hội, cụ thể hóa kế hoạch bằng những chương trình hoạt động được triển khai đến Ban Quản trị các khu vực jammaah. Trong mọi hoạt động của mình, Ban đại diện Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở tỉnh An Giang xác định trọng tâm là phục vụ cho cộng đồng người Chăm, luôn có quan hệ thường xuyên với Ban Quản trị các khu vực jammaah trên địa bàn hành chính tỉnh, thành phố của mình.

Từ năm 2005, ở An Giang sau khi Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo được thành lập các nội dung hoạt động cũng theo cách làm của Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh và từng bước phối hợp với tổ chức này trong hoạt động chăm lo cho đồng bào Chăm Nam Bộ.

Đứng đầu các Ban đại diện hiện  nay luôn là một vị đứng tuổi, có uy tín, đạo hạnh và đều là các Hakim của một jammaah. Bên cạnh đó còn có các chức vụ khác như Phó ban, Thư ký các Uỷ viên. Hầu hết các thành viên trong Ban đại diện hiện nay đều là các chức sắc, chức việc được tiến cử từ các jammaah, có sự xem xét của chính quyền địa phương và được cộng đồng Chăm đồng thuận.

Hoạt động của Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh và Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang tương tự như hoạt động Hiệp hội Chàm Hồi giáo Việt Nam trước đây. Là các tổ chức đại diện cho tín đồ Hồi giáo mà cụ thể là cho cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ, Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo có hai chức năng cơ bản là chức năng tôn giáo và chức năng xã hội.

  • Chức năng tôn giáo của Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo là duy trì và phát huy giáo luật của đạo Islam, cung  cấp tài liệu học tập về giáo lý cho tất cả các thành viên trong cộng đồng, giúp đỡ các jammaah tổ chức lễ hội, tang tế theo đúng nghi thức của đạo, tổ chức thi đọc Kinh Qur’an, khuyến khích việc hành hương đối với đồng bào dân tộc theo đạo Islam.
  • Chức năng xã hội của Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo là các tổ chức làm cầu nối, quyên góp để trợ giúp cho đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, kiến nghị với chính quyền để giúp đỡ con em người Chăm được hưởng chính sách ưu đãi về học tập và nghề nghiệp, giải quyết những vấn đề bất hoà trong cộng đồng người Chăm với nhau, tổ chức đưa, đón những tín đồ Islam người Chăm đi hành hương ở Mecca,…[8].

Với hai chức năng trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng Ban đại diện cộng đồng Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh hoặc ở tỉnh An Giang như là tổ chức xã hội của người Chăm Nam Bộ. Tuy là tổ chức của cộng đồng Chăm tại tỉnh, thành phố riêng song có những gắn kết truyền thống với người Chăm thuộc các địa phương khác chưa có tổ chức đại diện (như Tây Ninh, Đồng Nai,…) nên ngoài việc chăm lo về tôn giáo, tổ chức này còn quan tâm đến việc phát triển văn hóa, giáo dục và những vấn đề liên quan đến xã hội của cộng đồng Chăm ở Nam Bộ.

***

Cộng đồng Chăm ở Nam Bộ ngày nay cùng chung nguồn gốc với người Chăm ở Ninh Thuận và Bình Thuận, và là con cháu của cư dân vương quốc Champa cổ. Quá trình sinh sống của người Chăm ở Nam Bộ đã để lại nhiều dấu ấn văn hóa riêng trong nền văn hóa Việt Nam. Cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ, đa số người có chung tôn giáo Islam nên chất kết dính cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ với nhau thành một khối cộng đồng mang tính Islam, và lấy kinh Qur’an làm kim chỉ nam cho mọi lĩnh vực của đời sống tập thể và đời sống cá nhân của người Chăm nơi đây.

Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật cũng như sự hội nhập của các nền văn hóa trên thế giới, lối sống cũng như cách sống hiện nay, người Chăm đã lưu giữ bản sắc văn hóa đặc trưng để hòa nhập mà không hòa tan. Trong quá trình chuyển đổi, nhiều tầng lớp văn hóa cũ, mới hội nhập, chuyển hóa lẫn nhau song những nét văn hóa truyền thống Chăm vẫn đang được lưu giữ, nỗ lực khôi phục và phát triển trong cộng đồng. Phát huy, phát triển bền vững các giá trị văn hóa tổ chức của cộng đồng người Chăm ở Nam Bộ đòi hỏi chúng ta không ngừng tìm hiểu, am hiểu thật tận tường văn hóa tổ chức cộng đồng của họ mang lại nét đặc trưng của cộng đồng tộc người trong một vùng đa dân tộc, vừa có điều kiện hòa nhập vào cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất.


Tác giả: ThS. Võ Thị Mỹ - Hội Mỹ thuật TP.HCM.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. wikipedia.org/wiki/Người_Chăm].
  2. Viện KHXH Việt Nam, Từ điển Inđônexia - Việt, Hà Nội, 1981, tr.308, 330.
  3. Phan Văn Dốp, Nguyễn thị Nhung 2006: Cộng đồng Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ trong quan hệ giới và phát triển, Nxb. Nông nghiệp, 96.
  4. Phan Văn Dốp, Nguyễn thị Nhung 2006: Cộng đồng Chăm Hồi giáo ở Nam Bộ trong quan hệ giới và phát triển, Nxb. Nông nghiệp, 107.
  5. Nguyễn Văn Luận 1974: Người Chăm Hồi giáo miền Tây Nam Phần Việt Nam, Bộ Văn hoá Giáo dục Thanh niên, Sài Gòn, 273.
  6. Võ Thị Mỹ 1997: Cộng đồng người Malay ở thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn tốt nghiệp Đại học Mở - Bán Công thành Phố Hồ Chí Minh, 20.
  7. Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo thành phố Hồ Chí
  8. Phú Văn Hẳn(chủ biên) 2005: Đời sống văn hóa và xã hội người Chăm thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Văn hóa dân tộc học, 90.

Vài nét về văn hóa tộc người Hoa ở Nam Bộ

-         Nhìn từ khía cạnh tín ngưỡng

(1) Trung Hoa là quốc gia đã từng tồn tại một nền văn minh rực rỡ. Điều này đã được kiểm chứng khi nhắc đến văn minh phương Đông, bên cạnh ba nền văn minh Ai Cập, Lưỡng Hà và Ấn Độ, giới nghiên cứu không thể không đề cập đến văn minh Trung Hoa.