Người Khmer Nam Bộ có cơ cấu xã hội theo phương thức sản xuất châu Á, đời sống văn hóa phong phú trên cơ sở tích hợp giữa văn hóa nông nghiệp và văn hóa có nguồn gốc Ấn Độ như Bà La môn giáo, Phật giáo theo suốt dọc chiều dài lịch sử hình thành phát triển của mình. Quá trình cộng cư với các tộc người Việt, Hoa, Chăm... đã làm cho đời sống văn hóa – xã hội của người Khmer Nam Bộ có sắc thái riêng so với không chỉ các tộc người khác và mà còn với người đồng tộc người ở Campuchia.

Từ khóa: Khmer Nam Bộ, Khmer Campuchia, Phật giáo, Bà La môn giáo, văn hóa – xã hội, đồng bằng sông Cửu Long.

1.Về đặc điểm tên gọi, nguồn gốc tộc người Khmer Nam Bộ

Người Khmer thường có bề ngoài điển hình của người Đông Nam Á, trông gần giống người Thái và người Lào. Tuy nhiên, người Khmer không thuần chủng, bề ngoài có nhiều nét khác nhau. Đó là kết quả của nhiều thế kỷ pha trộn với người Ấn Độ, người Mã Lai và người Trung Quốc. Các hoạt dộng văn hóa tâm linh của người Khmer phần lớn gắn với nông nghiệp bởi họ là cư dân có tổ chức xã hội và hoạt động kinh tế theo phương thức sản xuất Châu Á điển hình. Theo các tư liệu lịch sử, tên tộc người vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay (hay còn gọi là Khmer Nam Bộ) được gọi tương đối thống nhất, từ xa xưa đến nay là dân tộc Khmer.

Tuy nhiên, để phân biệt người Khmer Việt Nam với người Khmer Campuchia, Lào, Thái Lan... triều đình phong kiến nhà Nguyễn và các chế độ trước đây (Pháp, Việt Nam Cộng hòa) đã từng gọi là người Khmer ở Việt Nam bằng những tên gọi khác nhau1. Tên đó phụ thuộc vào cách nhìn nhận và quan điểm của giai cấp cầm quyền, nó thể hiện cả trong văn bản pháp lý cũng như trong thực tế cuộc sống hằng ngày. Thời nhà Nguyễn gọi là Miên. Đây là cách gọi xuất phát từ âm tiếng Hán được Việt hóa, theo cách gọi của người Hoa, họ gọi người Khmer là Khám – Miến – Nám, sau đọc trại thành Miên. Miên, thực không có ý nghĩa xấu, chữ Miên trong văn bản triều Nguyễn còn có nghĩa là lụa. Còn chế độ cũ gọi họ là Thổ. Thời kỳ đấu tranh chống chế độ thực dân, phong kiến, Đảng Cộng sản Việt Nam, trong các văn bản chính thức của mình, gọi là người Miên, Thổ là người Khmer đồng bằng sông Cửu Long. Tên này được đồng bào người Việt cũng như giới sư sãi, người Khmer đồng tình và hiện đang được sử dụng rỗng rãi.

Về phía nước ngoài, người Campuchia hiện nay gọi người Khmer đồng bằng sông Cửu Long là Khmer Krôm tức là Khmer vùng dưới, để phân biệt với Khmer Lơ (Khmer vùng trên) tức là những người Khmer sống ở vùng cao (Đông Bắc Campuchia) và Khmer Konhđal (vùng giữa) tức là những người Khmer sinh sống tại miền Trung Campuchia hiện nay.

Tùy từng giai đoạn và hoàn cảnh lịch sử, mà người Khmer có những tên gọi khác nhau. Nhìn chung từ 30-4-1975 đến nay, người ta thống nhất gọi người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là người Khmer đồng bằng sông Cửu Long hjay người Khmer Nam Bộ.

Tuy nhiên, để “minh định rạch ròi” vấn đề nguồn gốc và tên gọi (như chữ dùng của nhà nghiên cứu Thạch Voi)2 chúng tôi xin dẫn lại một bằng chứng khoa học đã được công       bố trên tạp chí Khoa học và đời sống xuất bản ở Pháp (tháng 10 năm 1974, số 585, trang 84-87) để làm rõ vấn đề. Trong bài viết của mình, tác giả Pere Rosion đã giới thiệu thành tự của khoa huyết chủng học, nghiên cứu về tính chất di truyền của máu. Nhờ đó mà nhà nghiên cứu Rufié đã khám phá ra lịch sử của các sắc dân còn nằm trong nhiều nghi vấn phức tạp bởi thiếu cứ liệu, chứng tích lịch sử. Không phải phạm quy cá nhân, mà trong mức độ của một dân tộc đã cho phép xác định, lập những dấu ấn của dân tộc đó. Những yếu tốp máu đã được phát hiện là ABO, RHÉSUS, KELL, DIÉGO, SUT, TER, UIA, HBE, HBC.

Từ đó, ông thành lập bản đồ chủng loại máu này (có đính kèm bản đồ) hoàn toàn mới và thấy loại huyết cầu HBE rất dồi dào trong người Khmer đến 28%. Bằng cách xác định sự phân phối và tỉ lệ của nó, người ta tìm lại được những biên giới của đế quốc xa xưa đã chiếm cứ Lào ở thế kỷ 12, Nam Việt Nam, Thái Lan, Mã Lai (Malaysia bây giờ - LQV) và hạ Miến Điện (Nam Myanmar hiện nay – LQV). Người ta ghi nhận huyết cầu này đã hiện diện ở miền Nam Việt Nam nhiều hơn ở Miền Bắc Việt Nam. Chứng minh khoa học này cho phép xác định người Khmer ở đòng bằng sông Cửu Long hiện nay và người Khmer ở Campuchia là cùng một nguồn gốc3.

2. Vài nét về dân số người Khmer Nam Bộ

Hiện chưa có công trình nào thống kê dân số ở Nam Bộ nói chung và người Khmer nói riêng qua các thời kỳ, nhưng có thể chắc chắn rằng trong thời kỳ khai khẩn vùng đất Nam Bộ, quá trình cộng cư lâu dài và liên tục của các dân tộc người vùng này cùng với yếu tố sinh thái môi trường đã tạo nên những nét độc đáo mang tính bản sắc của người Khmer Nam Bộ so với các tộc người khác và với những người đồng tộc ở Campuchia. Dưới triều nhà Nguyễn tổng số người Việt gốc Miên (Khmer) không quá 150.000 người.

Trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Miền Nam Việt Nam, theo thống kê của Pháp năm 1862 thì tộc người Khmer đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 147.718 người so với người Việt là 1.732.316 người4.

Năm 1905 có 209.225 người, năm 1915 có 242.157 người. Theo báo cáo của Tỉnh đường và Ty Thông tin năm 1965 của chế đọ cũ, các tỉnh có đông người Khmer như sau: 

STT

TÊN TỈNH TRƯỚC 1975

DÂN SỐ/người

TÊN TỈNH

HIỆN NAY

1

Vĩnh Bình

237.330

Trà Vinh

2

Ba Xuyên & Bạc Liêu

156.951

Sóc Trăng, Bạc Liêu

3

Châu Đốc và An Giang

62.593

An Giang

4

Kiên Giang

52.865

Kiên Giang

5

Chương Thiện

31.377

Hậu Giang

6

Phong Dinh

7.134

Cần Thơ

7

Vĩnh Long

4.500

Vĩnh Long

8

An Xuyên

3.058

Cà Mau

9

Tây Ninh

4.315

Tây Ninh

10

Bình Long

4.731

Bình Phước

11

Phước Long

1.095

12

Sài Gòn

1.166

Tp. Hồ Chí Minh

Tổng cộng

567.115

Bảng 1.1. Thống kê dân số Khmer Nam Bộ năm 1965

Nguồn: Lê Hương (1965), Người Việt gốc Miên, Nxb. Lá Bối, Sài Gòn, tr.30

Theo kết quả điều tra dân số năm 1979, tổng số người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long là: Hậu Giang (nay là Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang) 290.000 người, Cửu Long (nay là Trà Vinh và Vĩnh Long) 270.000 người, Kiên Giang 120.000 người, An Giang 90.000 người. Minh Hải (nay là Cà Mau và Bạc Liêu) 30.000 người. Ngoài ra còn ở Tây Ninh khoảng 10.000 người và rải rác ở các tỉnh Bình Phước, Bà Rịa – Vũng Tàu và Tp. Hồ Chí Minh khoảng vài ngàn nữa5.

Như vậy, sự đa dạng về dân số cũng như văn hóa tộc người ở Việt Nam thêm phong phú do sự góp mặt của văn hóa cư dân Khmer nam Bộ, người Khmer Nam Bộ là một bộ phận thống nhất hữu cơ trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

3. Vài nét về văn hóa – xã hội của người Khmer Nam Bộ

3.1. Đặc điểm cư trú

Người Khmer Nam, Bộ chủ yếu là cư trú trên những giồng đất cao, ở đó cứ từ 5 – 10 gia đình họ lập thành một sóc, một phum, sóc này vừa ít nhiều có quan hệ với nhau về mặt thân tộc và huyết thống6, “phum”, “sóc” (là những đơn vị cư trú truyền thống, không phải là đơn vị hành chính)7 thường là những vùng nông thôn nên kinh tế chủ yếu là nông nghiệp lúa nước.

Hiện nay có khoảng 90% số dân người Khmer sống bằng nghề nông, họ chủ yếu sản xuất lúa gạo và các loại hoa màu như bắp, khoai, dưa, đậu… các loại nông sản này vừa là nguồn cung cấp lương thực vừa là những cây mang lại nguồn thu nhập chính của gai đình, một số còn chăn nuôi (gia cầm, gia súc), nuôi trồng thủy sản (cá, tôm), sản xuất thủ công nghiệp như (đan thúng, rổ, đan đệm, dệt chiếu…) và nghề vẽ, chạm, đúc tượng…

Ngoài ra, một số bộ phận người Khmer Nqam Bộ cư trú dọc theo các trục lộ giao thông, ven thị trấn, thị tứ đã mở những tiệm tạp hóa nhỏ hoặc buôn bán theo thời vụ. Hiếm thấy những cửa hàng lớn, sản xuất của họ vẫn gắn chặt với canh tác nông nghiệp của mình. Một số cư dân sống ở miền Duyên Hải Long Toàn, Long Vĩnh của hyện Duyên Hải, Định An của huyện Trà Cú tỉnh Trà Vinh, và vùng Bạc Liêu, Rạch Giá, Hà Tiên… đều biết làm nghề đan lưới, đánh cá biển và làm muối. Tuy nhiên số này không niều nhưng họ cũng đã định hình một số nét tín ngưỡng văn hóa gắn với sông biển.

Nhà ở của người Khmer vùng Nam Bộ là những ngôi nhà trệt nền đất được lợp bằng lá dừa nước – loại nguyên liệu mọc tại chỗ, ven các sông rạch, dễ kiếm. có thể thấy chính môi trường sinh sống đã tạo thành dấu ấn văn hóa Khmer vùng Nam Bộ khác biệt so với người Khmer ở Campuchia (phổ biến là nhà sàn kiểu truyền thống).

Từ xưa, người Khmer đã chủ động cư trú thành một khu vực riêng nhưng về sau do áp lực dân số và kinh tế nên họ ở xen kẽ với người Việt và người Hoa. Quá trình cộng cư, gaio lưu, tiếp biến văn hóa đã làm cho đời sống văn hóa – xã hội của người Khmer thêm phong phú đa dạng.

3.2. Đặc điểm xã hội

Về mặt xã hội, hiện tại người Khmer Nam Bộ hiện theo phụ hệ, nhưng tàn dư của chế độ mẫu hệ vẫn còn tồn tại; điều này thể hiện qua huyền thoại lập quốc, vai trò của các nữ thần trong các thực hành tín ngưỡng dân gian; vai trò của nữ giới trong quan hệ xã hội, tục ở rể và các vấn đề khác như: bình đẳng trong các sinh hoạt cộng đồng, trong gia đình và phân chia tài sản,…

Theo truyền thống, người con trai Khmer đến khoảng 11 – 12 tuổi phải vào chùa tu hành một thời gian để báo hiếu cha mẹ, rèn luyện đạo đức và trình độ. Thời giant u hành có thể ngắn hoặc dài tùy theo khả năng của mỗi người. Người có nhiều thời gian tu hành là người có nhiều uy tín và được người dân trong sóc quý trọng. Ngày nay, theo dòng chảy của sự phát triển tập tục này có phần bị mai một do sức ép về kinh tế, việc làm và di cư lao động của người Khmer đến các thành phố lớn.

Về cách ăn mặc, theo truyền thống, y phục thường ngày của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long là áo dài “tampong” (còn gọi là áo “srây” hay áo “quện”) mặc với “sampot” dài tới gót chân, giắt mối bên hông. Áo tampong (có nơi gọi là áo tầm vông) là một loại áo dài đen may bít, không xẻ và không cài nút ở thân, ở cổ áo có khoét một lỗ tròn đủ để choàng qua đầu khi mặc sau đó cài một nút ngay cổ áo; phụ nữ Khmer mặc áo và quần bà ba màu đen thích hợp cho công việc đồng áng, khi đi ra ngoài, phụ nữ đội đầu bằng chiếc khan ràn; đàn ông mặc quần ngắn, ở trần hoặc mặc áo bà ba. Hiện nay, trang phục của người Khmer Nam Bộ không khác gì của người Việt, người Hoa. Ngày nay, âu phục vẫn là trang phục thường nhật, các trang phục truyền thống chỉ xuất hiện trong các lễ hội như: CholChnamThmay, Sel Dolta, Ok Om Bok, nhiều nhất là trong nghi thức hôn nhân và lễ xuất giá.

4. Đặc điểm văn hóa

Người Khmer Nam Bộ hầu hết theo Phật giáo Theraveda, tôn giáo này chi phối đời sống văn hóa tâm linh của họ, thể hiện qua các lễ hội như: Lễ vào năm mới (Chol Chnam Thmay), Lễ cúng ông bà (Sel dolta), Lễ cúng trăng (Ok Om Bok)…

Các ngày lễ của người Khmer Nam Bộ được tính theo Phật lịch. Mỗi năm người Khmer Nam Bộ cử hành 8 lần lễ. Tất cả các buổi lễ đều tổ chức tại chùa, chương trình do vị sãi cả trong chùa soạn thảo, đồng bào quy tụ tại ngôi chùa trong phum, sóc để dự lễ và vui chơi trong nhữngdo vị sãi cả trong chùa soạn thảo, đồng bào quy tụ tại ngôi chùa trong phum, sóc để dự lễ và vui chơi trong những ngày lễ. Có 3 lễ hội được người Kmer tổ chức trọng thể là Chol Chnam Thmay, Sel Dolta và Ok Om Bok. Sau đây là danh sách cụ thể các buổi lễ:

  1. Meakabauchia, lễ đức Phật cho biết 3 tháng nữa sẽ nhập niết bàn (tính theo dương lịch thì vào lối đầu tháng 2).
  2. Chol Chnam Thmay, lễ vào năm mới (tết) vào giữa tháng 4.
  3. Visakaubuchia, lễ Phật đản (nhập niết bàn) vào đầu tháng 5.
  4. Chool vô sa, lễ các sư sãi nhập hạ (ở trong chùa tu 3 tháng không ra ngoài) vào đầu tháng 7.
  5. Phchum ben hay Dolta, lễ xá tội vong nhân, vào tháng 9.
  6. Chanh vô sa, lễ sư sãi ra hạ (mãn thời kỳ nhập hạ) vào đầu tháng 10.
  7. Ok Om Bok, lễ cúng trăng, vào cuối tháng 10.
  8. Ka thanh, lễ dâng y cà sa cho sư sãi, không nhất định ngày, từ đầu tháng 10 đến giữa tháng 118.

Ngoài các lễ hội trên, người Khmer Nam Bộ còn thực hành một số nghi lễ mang đậm tín ngưỡng dân gian mà ngày nay, các nghi lễ này dần dần bị tích hợp vào Phật giáo đồng hóa ít nhiều như lễ cúng Neak Tà (Nak Tà), Arak9.

Người Khmer Nam Bộ có một nền văn học và nghệ thuật đặc sắc như các câu chuyện dân gian, các bài dân ca, hát đối đáp và các câu tục ngữ được mọi người ưa chuộng. Nội dung ca ngợi cái thiện phê phán cái ác, ca ngợi tình yêu nam nữ, ca ngợi cây lúa và cuộc sống nông nghiệp.

Kết luận

Người Khmer là một trong các thành phần tộc người cơ bản (Việt, Khmer, Hoa Chăm…) hợp thành cơ cấu dân cư của đồng bằng sông Cửu Long. Văn hóa – xã hội của người Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long được tích hợp trên nền tảng kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước là chính. Phật giáo Theravada chi phối hầu như toàn bộ mọi mặt trong đời sống văn hóa xã hội, đời sống văn hóa tinh thần, tâm linh đến thuyết chế chính trị - xã hội cổ truyền của người Khmer. Quá trình cộng cư với người Việt, người Hoa và người Chăm…đã làm cho văn hóa tộc người này thêm phong phú và đa dạng, tạo nên một diện mạo văn hóa mới đặc sắc mang tính “địa – văn hóa” rõ rệt, đặc biệt so với văn hóa - xã hội của người Khmer ở Campuchia.

Tài liệu tham khảo

  1. Phan An (2009), Dân tộc Khmer Nam Bộ, Nxb. Chính trị Quốc gia Hà Nội.
  2. Nguyễn Mạnh Cường (2008), Phật giáo Khmer Nam Bộ những vấn đề nhìn lại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.
  3. Nguyễn Đức Dũng, Lê Tâm Đắc (2001), Quần thể chùa Khleáng ở Sóc Trăng trong Tôn giáo và mấy vấn đề về Tôn giáo Nam Bộ, Đỗ Quang Hưng, Nxb. KHXH Hà Nội.
  4. Nguyễn Đức Dũng, Danh Lắm (2013), “Phật giáo Khmer Nam Tông ở tỉnh Kiên Giang trong xu hướng biến đổi văn hóa, tín ngưỡng và tôn giáo”, Tạp chí Nghiên cứu Ấn Độ và châu Á, số 1 (4).
  5. Lê Hương (1969), Người Việt gốc Miên, Nxb: Lá Bối, Sài Gòn.
  6. Nguyễn Thanh Luân (2004), “Văn hóa gia đình người Khowme ở Trà Vinh”, Tạp chí Văn hóa Nghệ Thuật, số 4.
  7. Đoàn Thanh Nô (1995), Người Khmer ở Kiên Giang, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  8. Đinh Lê Thư (chủ biên) (2005), Vấn đề giáo dục vùng đồng bào Khmer Đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
  9. Viện Văn hóa (1993), Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.
  10. Lâm Quang Vinh (2011), Tín ngưỡng Thờ Neak Tà trong cộng đồng Người Khmer Trà Vinh, trong Nam Bộ Đất và Người, tập VIII, Nxb. Đại học Quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh.
  11. Sorya (1988), Lễ hội Khmer Nam Bộ, Nxb. Văn hóa Dân tộc, Hà Nội.

Tin: NCS.Lâm Quang Vinh (Trường Đại học Trà Vinh)

Nguồn: Tạp chí Ấn Độ và Châu Á, từ trang 64 – 70.