Sơn Kim Hà

Trong hầu hết các nghi lễ tôn giáo của người Khmer Nam Bộ như lễ an táng, tân gia, cưới xin… có một nghi lễ luôn được cử hành trước nội dung chính của buổi lễ đó là “Prong Pali hay Krong Pali”. Lễ này được tổ chức để cầu xin chủ nước, chủ đất để cầu xin tài vận của họ diễn ra một cách lành mạnh, không có chướng ngại vật nào làm phiền họ.

Nguồn: Nguyễn Thành Lợi

Link: https://m.facebook.com/story.php?story_fbid=4076530115797605&id=100003219712220

Nhà vuông còn được gọi với những tên khác nhau: miếu Tiên Sư, võ Tiên sư, nhà võ, nhà thờ Tiên Sư, đền Tiên Sư, đền thờ Ông Tiên Sư, nhà võ, võ ca, võ ca Tiên Sư, nhà việc...) là thiết chế hành chính - tín ngưỡng ở Nam Bộ từ thuở khai hoang lập ấp. Trong các từ điển cổ là "dỏ", "dỏ điếm", "dỏ làng", về sau đọc trại thành "võ" như ngày nay. Nó được xem như "đình" của ấp.

                                                                 NCS. Lâm Quang Vinh[1]

Bài báo này đã được trình bày tại Hội thảo Quốc tế, ngày 27-28 tháng 8 năm 2015 tại Trường Đại học Trà Vinh, Việt Nam.

Tóm tắt

Theo thống kê từ Ban Dân tộc ở Trà Vinh và cũng từ kết quả nghiên cứu điền dã thực địa ( Miếu, chùa, nghĩa địa) thì người Hoa Trà Vinh có khoảng 11000 người[2], họ đến Trà Vinh từ những địa phương khác nhau của Trung Quốc nhưng căn bản nhất là từ : Phước Kiến, Triều Châu, Quảng Châu, Hải Nam và Quảng Đông; trong đó, người Triều Châu sống rải rác khắp tỉnh nhưng tập trung nhiều ở các huyện Châu Thành, Trà Cú, người Phước Kiến ở thành phố Trà Vinh, Càng Long, người Hải Nam thì ở vùng giáp giới Châu Thành, Tiểu Cần và Cầu Kè…

NCS. Phạm Thị Tố Thy

Bài báo đã được trình bày tại Hội thảo Quốc tế về Cơ sở Tôn giáo của Người Hoa (Hoa) tỉnh Trà Vinh vào ngày 27-28 tháng 8 năm 2015, tại Trường Đại học Trà Vinh.

 Tóm tắt

Bài viết được thực hiện dựa trên khảo sát Vạn Niên Phong Cung – cơ sở tín ngưỡng Ông Bổn của người Hoa ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Chuyến khảo sát được tiến hành vào tháng 8 năm 2013 và tháng 8 năm 2014, với việc phỏng vấn một số thành viên Ban Trị sự của cơ sở tín ngưỡng, trong đó thực hiện phỏng vấn sâu ông Diệp Xuân Hạnh – phụ trách mảng Nội vụ của Vạn Niên Phong Cung. Bài viết cũng tham khảo một số thông tin liên quan đến Vạn Niên Phong Cung và lễ Vu Lan Thắng Hội do Bảo tàng Trà Vinh cung cấp.

   ThS. Lê Văn Sao

Bài báo này được trình bày tại Hội thảo Quốc tế, ngày 27-28 tháng 8 năm 2015 tại Trường Đại học Trà Vinh, Việt Nam.

Tóm tắt

            Trong nội dung bài báo cáo về sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa của cộng đồng người Hoa tỉnh Trà Vinh, trường hợp tại Phước Minh Cung, chúng tôi vận dụng linh hoạt một số phương pháp trong nghiên cứu văn hóa học như điền dã dân tộc học, phỏng vấn sâu, tham dự, phân tích tổng hợp tài liệu trong nghiên cứu giao lưu và tiếp xúc văn hóa qua cơ sở thờ tự miếu Quan Đế. Bước đầu chúng tôi trình bày tổng quan về tín ngưỡng Quan Đế, khảo tả kiến trúc cơ sở thờ tự miếu Quan Đế, một công trình kiến trúc cổ của cộng đồng người Hoa tại Trà Vinh, Trên cơ sở đó, có thể so sánh chỉ ra sự sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa người Hoa với người Kinh, Khmer, Chăm rõ nét hơn qua việc thờ thần, lễ hội và kiến trúc cơ sở thờ tự tại đây. Đồng thời chỉ ra vai trò của sự giao lưu và tiếp thu văn hóa thật sự có giá trị về đời sống tinh thần, vừa có giá trị về đời sống tâm linh góp phần làm phong phú di sản văn hóa cổ truyền của người Hoa tại Trà Vinh.

            Từ khóa: Quan Thánh Đế, lễ vật, ông hổ, Neak Tà.

Dẫn luận

Tỉnh Trà Vinh là vùng đất nằm ở tiểu vùng Tây Nam Bộ, có miền châu thổ mới bồi, ven sông, ven biển và nhiều ao hồ. Có diện tích tự nhiên là 2.369,37 km2, nằm giữa 90 31’ đến 100 04’ vĩ Bắc và 1050 54’ đến 1060 36’ kinh Đông. Phía Đông và Đông Nam giáp biển Đông, có chiều dài bờ biển là 65 km. Phía Nam và Tây Nam giáp tỉnh Sóc Trăng có ranh giới là sông Hậu, dài hơn 60 km. Phía tây và Tây Bắc giáp tỉnh Vĩnh Long, có ranh giới là những rạch nước và giồng đất, dài 60 km. Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Bến Tre có ranh giới là sông Cổ Chiên (một nhánh của Tiền Giang), dài 60 km[1].

Người Hoa đến Trà Vinh từ rất sớm. Vì có những biến cố trong lịch sử Trung Hoa, một bộ phận người Hoa từ bỏ quê hương tới đến nhiều vùng đất khác trên thế giới. Trong đó, có miền Nam Việt Nam trở thành một bộ phận cộng đồng người ở Nam Bộ. Lí do cơ bản nhất là xin tị nạn chính trị. Người Hoa cư trú ở đây chủ yếu từ vùng phía Nam - Trung Quốc như người Triều Châu, Phúc Kiến, Quảng Đông, Hẹ và Hải Nam.

Hiện tại, tổng số dân cư người Hoa đứng hàng thứ ba sau người Kinh, Khmer tại tỉnh Trà Vinh. Theo số liệu của Cục Thống Kê tỉnh Trà Vinh năm 2009, dân số toàn tỉnh có khoảng: 1.003.012 triệu người, Kinh: 677.649 người, Khmer: 317.203 người, Hoa: 7.690 người, Chăm: 163 người, Thái: 66 người, Lào: 53 người, còn lại là các dân tộc khác.

Trong lịch sử, người Hoa vốn là tội đồ bị truy nã. Nhưng sau một thời gian cư trú tại Trà Vinh, cuộc sống dần dần ổn định, buôn bán được thuận lợi và ăn nên làm ra. Người Hoa bắt đầu xây dựng cơ sở tín ngưỡng để tạ ơn thần thánh, cầu mong bảo hộ cuộc sống yên bình, ấm no. Nhiều thế kỉ trôi qua, cộng đồng người Hoa cùng người Kinh, Khmer đoàn kết, chung sức khai phá, khẩn hoang đất đai; tiến hành sang lắp mặt bằng đào đắp kênh mương; chống thú dữ, lũ lụt, nước dâng; đoàn kết chống giặc ngoại bang, đế quốc xâm lược, ứng phó với môi trường tự nhiên và khai thác môi trường tự nhiên nơi đây để sinh tồn. Qua quá trình sống cộng cư lâu đời giữa tộc người Hoa - Kinh, Hoa - Khmer, Hoa – Chăm đã diễn ra sự tiếp xúc - giao lưu văn hóa trở nên sâu sắc hơn. Trên lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là hệ thống thần linh, lễ hội và nghệ thuật kiến trúc cơ sở thờ tự. Ngược lại người Kinh, Khmer cũng tiếp thu - biến đổi nhiều yếu tố văn hóa truyền thống của người Hoa.

1. Quan Thánh Đế - vị thần truyền thống của cộng đồng người Hoa Phước Kiến

            Quan Thánh Đế Quân là một nhân vật kiệt xuất thời Tam Quốc. Quan Thánh tên Quan Vũ (162-219), tự Thế Trường, sau đổi tên Vân Trường gốc người Hà Đông. Vì lòng nghĩa hiệp, ông đã đánh chết tên hào phú ở địa phương đang hành hạ dân cư trong miền. Sau đó, ông phải trốn khỏi quê hương, sống ẩn dật, lưu lạc năm, sáu năm làm nghề giữ ngựa và buôn bán đậu. Sau này, ông cùng Trương Phi, Lưu Bị kết nghĩa tại vườn Đào. Lễ vật tế sinh là một con ngựa trắng và một con bò đen dâng thần linh xin chứng giám.

Khi Lưu Bị lập nước Thục ở Tây Nam - Trung Quốc, xưng vương và phong cho Quan Công làm Phó Vương đóng đô ở Kinh Châu. Trong một trận đánh xích bích ở Kinh Châu nhằm thu phục nước Ngô thì Quan Công bị tướng nước Ngô bày mưu phục binh bắt sống, khuyên đầu hàng. Nhưng ông không hàng một mực giữ khí tiết trung nghĩa với anh em Lưu Bị, Trương Phi. Cuối cùng Quan Công bị Tôn Quyền chủ công nước Ngô chém đầu. Ông thọ 60 tuổi (có thuyết nói ông thọ 63 tuổi).

2. Tôn thánh và tôn hiệu Quan Thánh Đế

            Sau khi Quan Thánh mất được dân gian thờ phụng. Trải qua nhiều thời đại khác nhau, Quan Thánh được tôn xưng nhiều danh hiệu khác nhau: Quan Thánh, Quan Công, Quan Lão Gia, Quan Đế, Quan Thánh Đế Quân, Sơn Tây Quan Phu Tử, Quan Phu Tử, Ông Bổn, Trung Nghĩa Vũ Thần Đại Đế, Vũ Đế, Phật Già Lam,Thánh Tổ, Văn Tài Thần. Trong tâm thức của người Hoa luôn cho rằng Quan Công là người biết nhận trách nhiệm, trong giai đoạn xã hội không ổn định, hoạt động kinh tế khó khăn còn có nhân vật tài đức vẹn toàn.

Đương thời, Ông được nhiều triều đại phong kiến phong tước hiệu, Phật giáo phong thành Phật Già Lam Bồ Tát, Shaman giáo phong thần dẫn dắt chúng xanh cứu dân độ thế, Đạo Cao Đài phong vị thần trừ tà ma, Đạo Minh Sư thờ vì tính trung nghĩa vị thần đạo đức; Đạo giáo coi là vị thần trừ tà ma, vị nguyên soái, một phân thân của Ngọc Hoàng và dân gian xem là vị thần độ mạng hay là “Ông độ mạng” cho phái nam.

* Trong triều đại phong kiến Trung Hoa phong tước hiệu Quan Thánh Đế Quân

             Nhà Tống phong tặng ông là “Vũ Vương” (1102); Nhà Minh truy tặng ông “Đại Đế Trung Nghĩa Bảo Quốc” (1380); Nhà Thanh vua Kiến Long phong tặng ông là “Dũng Đức Đại Đế”. Thời hiện đại, nhân dân Trung Quốc xem ông là “Đức Thánh Quân” hoặc “Quan Đế”, “Xích Đế”. Trong lĩnh vực quân sự, nhiều triều đại phong kiến Trung Hoa xem ông là vị Thánh Tổ, Văn Tài Thần.

* Trong tôn giáo phong tước hiệu Quan Thánh Đế rồi tôn thờ

            Đạo giáo xem Quan Công là vị thần trừ tà ma, vị nguyên soái đứng giữ Nam Thiên Môn. Đồng thời, Quan Công là một trong 36 vị tướng dũng mãnh của Huyền Thiên Thượng Đế chuyên trừ tà ma, những thế lực xấu xa.

Shaman giáo xem Quan Công là vị thần bảo trợ trong công việc kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, chữa bệnh tà.

Đạo Minh Sư thờ Quan Công vì tính tiết liệt, trung nghĩa để người của Hội noi gương.

Phật giáo xem Quan Công là vị Già Lam Bồ Tát bảo vệ chùa chiền và cứu khổ cứu nạn.

            Đạo Cao Đài xem Quan Thánh Đế là vị thần dẫn đường, thần độ mạng, thần bảo hộ cho cộng đồng. Và là một trong 3 vị thuộc tam trấn: Quan Công, Quan Âm và Lý Thái Bạch.

            * Trong dân gian thờ Quan Thánh Đế Quân

            Quan Công là vị thần độ mạng cho nam giới. Trong đó,Quan Thánh được xem là vị thần “đạo đức” biểu tượng cho sự tín nghĩa - một yếu tố cần thiết cho các hội đoàn kinh tế.

Ngoài ra, Quan Thánh là vị thần chuyên lo việc chứng giám, chứng kiến có khả năng ban phúc, giáng họa cho những ai bội thất tín nên người Kinh, Khmer đồng nhất rất linh thiêng. Và Quan Thánh có khả năng trừ ma, quỷ quái, trừ ôn thần, dịch bệnh trong nhà, cộng đồng.

            3. Bố cục và nội dung của Miếu

            Cơ sở thờ tự Phước Minh Cung của người Hoa Phước Kiến xây dựng, tọa lạc trên đường Điện Biên Phủ, phường 2, Thành phố Trà Vinh cách Chợ Trà Vinh khoảng 400 mét về hướng Tây Nam phía bên phải, đối diện với siêu thị Vinatex Trà Vinh. Là ngôi miếu cổ mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của người Hoa theo kiểu “nội công ngoại quốc”, mái miếu xếp theo tầng bậc, lợp ngói theo kiểu âm dương. Theo Bia Ký ghi chép một bằng đá, một bằng gỗ (Phước Kiến toàn thể kiến thiết nhất ngũ ngũ lục niên) thì lịch sử Phước Minh Cung được xây dựng vào thế kỉ 16 (năm 1556). Ngoài cứ liệu trên thì không còn nguồn tư liệu nào xác nhận lịch sử di cư người Hoa và thời điểm dựng miếu. Nên đây là nguồn cứ liệu đáng để nghiên cứu.

Tiền điện: Trước cửa miếu là cổng rào, mặt chính có ba cửa, cửa chính có hai cánh, cửa tả hữu môn có hai cửa phụ đối diện nhau hợp thành “ngũ môn kính”.

Các vị thần ở tiền điện được bài trí gồm có: Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, Từ Mậu Công, Ngụy Trung chức năng trừ tà ma quấy phá. Hai bên vách là hai phù điêu tả Thanh long - hữu Bạch hổ đắp nổi hình tròn tượng trưng cho hai mắt thần. Trước tiền điện bố trí tượng Ngọc Hoàng, vị thần tối thượng tượng trưng cho công lý, chính trực và công bằng trên thiên đình chuyên trị kẻ gian ác, phù hộ chở che cho người lương thiện. Hai bên có hai vị thần tướng chờ sai việc chầu trực. Vật thờ gồm một bàn thờ, khám thờ, một bộ ngũ sự, hai bình gỗ, hai cây đèn cầy và phía trước có một lư hương lớn dùng để đốt nhang. Hai bên là bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền hướng mặt vào nhau, chữ được sơn son thép vàng. Có hai khám thờ, hai lư hương lớn, hai bình hoa thể hiện tính trang nghiêm, kính cẩn của hậu thế đối với tiền nhân.

Phía trên cửa chính là tấm biển đại tự viết bằng chữ Hán “Phước Minh Cung”. Hai bên trang trí các đề tài: song tiền kết nghĩa đào viên (Trương Phi, Lưu Bị và Quan Công) và tứ dân (sĩ, nông, công, thương). Tiền điện có ba hoành phi làm bằng gỗ, khắc bằng chữ đỏ sơn son thếp vàng với dòng Hán tự: tình trung đại nghĩa, nghĩa khí tam thiên, linh chiêu thiên cổ. Nội dung ý nghĩa đề cao tính trung nghĩa, nghĩa khí và được người đời mãi mãi lưu danh và có chức năng giáo dục.

Nhìn từ trung điện ra tiền điện có hai vách tường đắp nổi bằng xi măng, với các mảng phù điêu: đào hạc trường thọ, tùng hạc trường xuân và những bức tượng nhỏ như Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa là những vị tiên trong hệ thống thần Tiên đạo. Đó là vật tượng trưng cho sự trường sinh bất tử; trên các cây cột, kèo khắc họa các con vật long, lân, hoa lá tượng trưng cho sự may mắn, thinh vượng, và khát vọng mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.

            Trung điện: Trung điện bố trí các vị thần tiên của Đạo giáo, với hai bức phù điêu bát tiên đắp nỗi bằng xi măng. Trong đó, bên tả bố trí các vị thần: Lam Thái Hòa cưỡi phụng cầm giỏ hoa, Tào Quốc Cựu cưỡi hu cầm ngọc quyển, Hà Tiên Cô cưỡi phụng cầm đóa sen; bên hữu: Hàn Tương Tử cưởi công thổi sáo, Lã Đồng Tân cưỡi hạc cầm phất trần, đeo kiếm; Hán Chung Ly cưỡi sư tử cầm sênh.

Phía dưới trang trí hai hồ nước hay gọi giếng trời. Trong giếng trời có nước, có sen, phía trên là không gian trống đón gió thổi vào. Đêm đến các vì sao trên trời và ánh trăng chiếu xuống mặt nước trông như một tấm gương phẳng sáng lắp lánh làm tăng tính linh thiêng nơi thờ cúng. Vừa là khu vực dùng để thoát không khí, khói bụi, khói nhang trong miếu. Ngoài ra, trung điện được xem là một bức tranh thiên nhiên độc đáo quen thuộc ở vùng quê Nam Bộ có nước, gió, sen tạo nên cảm giác thoải mái, không khí thoáng mát dễ chịu cho ngôi miếu. Về mặt phong thủy là nơi thủy tụ. Đồng thời, đây là vật biểu tượng của sự âm dương hòa hợp. Về mặt tâm linh, trung điện là nơi ngự trị, họp mặt của các vị tiên của Đạo giáo. Nơi gián trần của Quan Thánh mỗi khi ông về ngự lãm. Đó còn là biểu tượng của chặng đường tu luyện trở thành tiên đạo và được trường sinh bất tử của các vị tiên Đạo giáo.

Chánh điện: Chánh điện có ba gian thờ. Gian chính là tượng thờ Quan Thánh, hai bên tả hữu tùy tướng Châu Xương cầm Thanh Long, con nuôi Quan Bình tay cầm ấn Hán, phía trước thần Mã làm bằng dây mây (con Xích Thố cho Quan Thánh cưỡi).Trước khám thờ bài trí hai bộ khí tự tượng trưng cho binh ông, ba bàn gỗ thờ được sắp xếp từ thấp đến cao, trên bàn thờ là các pho tượng Quan Đế nhỏ, hoa quả và một lư hương lớn. Dưới khám có bài trí tượng ông hổ, cùng một lư hương nhỏ và ba chung trà.

Điện thờ Quan Thánh có tượng cốt bằng thạch cao, đất xốp và sành sứ cao khoảng 2m. Chân dung Quan Thánh là người mặt đỏ, râu dài 5 chòm, mặc triều phục màu xanh lá cây. Tượng cốt Quan Thánh đưa từ Trung Quốc sang, đặt ở tư thế ngồi thẳng lưng, mắt hướng ra cửa như đang giải quyết việc quân cơ. Qua đó cho thấy ông là người tài giỏi, siêng năng đức tính chịu khó và nhẫn nại, luôn lắng nghe chứng giám và giúp đỡ cộng đồng người Hoa khi có khó khăn.

Gian tả tùng tự Phước Đức Chính Thần cũng nguy nga lộng lẫy trang nghiêm. Phước Đức hay gọi Ông Bổn là vị thần cai quản đất đai bảo hộ làng xã, đôi lúc xem như vị Tài Thần. Điện thờ có tượng lớn cao khoảng 1,5m, đúc bằng xi măng đặt trong một khám thờ, phía trên bảng đại Hán tự “Phúc Đức Chánh Thần” sơn son thếp vàng. Tượng Phước Đức Chính Thần là một ông lão già, trang phục màu vàng khuôn mặt quắc thước, dáng ngồi thoải mái, đỉnh đạt, ung dung, râu bạc trắng buông dài, một tay cằm thỏi vàng, tay cằm cái cây rất độc đáo giống như ông luôn ban phát tài lộc cho cộng đồng. Phía trước khám có ba cái bàn gỗ, trên bàn thờ có một bộ tượng nhỏ, một bộ ngũ sự, hoa quả, đồ cúng hàng ngày. Tòng tự theo Phước Đức Chánh Thần có hai vị thần Hắc Vương và Bạch Vương phụ trách trông coi việc ban đêm và ban ngày của nhân gian đang đứng chờ trực.

Gian hữu Chúa Sanh nương nương (Mẹ Thai Sanh) hay còn gọi là Mẹ Sanh Mẹ Độ. Vị thần độ mạng chuyên đỡ đầu cho phụ nữ người Hoa trong thời kì mang thai, sinh nở. Đồng thời, Bà luôn độ trì “mẹ tròn con vuông” và trẻ em từ khi sinh cho đến trưởng thành. Việc bài trí Mẹ Thai Sanh giống Phước Đức gồm một tượng lớn, hai tượng nhỏ Kim Đồng và Ngọc Nữ đứng chầu. Trước khám thờ là ba bàn gỗ thờ, một bộ ngũ sự, một pho tượng Bảo Mẫu, ba tranh thờ, một tranh ảnh màu trắng đen. Chúa Sanh nương nương đang ngồi và một tượng nhỏ, tay bế một bé trai nước da trắng, bên trái phải hai đứa trẻ khác đứng hầu, phía trước có một chậu nước và một khăn tắm trắng. Hình tượng một đứa trẻ vừa sinh, sau khi tắm xong nữ thần Mẹ Thai Sanh ẩm bế như bà mẹ bế con của mình được nâng niu, phấn khởi vui mừng vì sự khỏe mạnh của đứa trẻ sau khi sinh.

Trước đây, người Hoa có tục, sau khi sinh một tháng tuổi bà mẹ bế đứa bé đến đứng trước bàn thờ khấn vái tạ ơn vì sinh nỡ được thành công, đứa bé mạnh khỏe, mẹ tròn con vuông, chính là nhờ sự phù hộ của Mẹ Thai Sanh. Từ đó, họ (người Hoa) tin vào sự linh thiêng của bà, luôn cầu mong bà tiếp tục bảo trợ cho bà mẹ và đứa trẻ sau này.

4. Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa giữa người Hoa, Kinh, Khmer và Chăm

Phước Minh Cung là cơ sở thờ tự mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Trung Hoa lẫn văn hóa của người Việt, Khmer và người Chăm.

4.1. Tiếp xúc và giao lưu văn hóa qua hệ thống thần linh

Bên cạnh tín ngưỡng truyền thống, người Hoa du nhập tín ngưỡng dân gian ông Hổ (ông Cọp) của người Việt đưa vào bên trong cơ sở thờ tự của mình. Họ cho rằng tín ngưỡng ông hổ có cùng thời điểm dựng ngôi miếu. Dưới điện là khám thờ hai con hổ. Thân mình màu vàng, sóng lưng đen, tượng cốt bằng xi măng tư thế ngồi, lưng thẳng, hai chân sau quỵ hai chân trước thẳng, mắt nhìn ra trước, miệng không mở, cặp mắt tròn xoe là hổ mẹ. Tượng hổ con nhỏ, lưng màu vàng xanh, miệng mở nhe cặp răng nanh sắc nhọn dài đang gầm thét trông rất hung dữ. Di vật được thờ một lư hương để đốt nhang thơm, ba chung trà, năm bát nước đầy đặng đặt theo trục ngang để cúng ông hổ. Năm bát nước tượng trưng ngũ phúc và có giá trị tăng tính linh thiêng, trang trọng, thành kính của con người và vật linh giáo.

Về tự nhiên, hổ là loài động vật ăn thịt, nhưng có đặc tính hung dữ sống nơi hoang dã nơi có địa hình thấp thời tiết khí hậu nóng ẩm như ở Đông Nam Á, Tây Á và Đông Bắc Á. Và loài hổ được dân gian coi là vua của muôn thú, chúa sơn lâm. Riêng ở Việt Nam, hổ có mặt nhiều ở Nam Bộ, do địa hình thấp, rừng rậm hoang du cỏ cây um tùm. Hơn nữa, đây là vùng ngập mặn, thức ăn phong phú thích hợp loài hổ sinh sống.

Về tâm lí, hổ là nổi ám ảnh đối với cư dân người Hoa, Kinh, Khmer thời kì khai phá, khẩn hoang. Họ khiếp sợ khi hổ lảng vãng quanh làng. Hổ có mặt khắp nơi từ trong cánh rừng, cửa sông rạch,.v.v. Thậm chí ở những cánh đồng mới khai phá.

Về tâm linh, trong tâm thức người Việt sùng bái ông hổ như họ không dám gọi đúng tên “hổ” mà gọi là “ông”. Con vật linh được tôn thờ, một tàn dư của hình thức tôtem giáo cổ xưa của người Việt. Ví dụ như Phước Minh Cung là ngôi miếu thờ đa thần. Trong đó, hổ với vai trò bảo vệ cơ sở vật chất miếu, khử trừ ôn thần, côn trùng và dịch bệnh. Đôi lúc, ông hổ đồng nghĩa với vị thổ thần như trấn yểm bùa, lỡ đất, xói mòn và hấp thụ linh khí, âm khí nổi dậy. Từ xưa, nơi đây thờ Thần hổ ý nghĩa bảo hộ người Hoa khai hoang mở cõi nhưng ngày nay bảo hộ thương nghiệp, kinh doanh, buôn bán phát triển.

Về giá trị nghệ thuật, hình tượng ông hổ hung dữ mang đậm phong cách nghệ thuật Trung Hoa. Nhưng sau nó vẫn cảm thấy một con vật hiền từ quen thuộc trong văn học, ca dao, tín ngưỡng, phong tục, hội họa trong miếu của người Việt ở Nam Bộ.

Ngoài ra, hổ được dân gian xem là “vật linh giáo” thông qua cách gọi trang trọng, tôn kính như “Ông hổ, ông Ba Mươi, ông Cả Cọp, ông Cả”. Không chỉ thế, hổ được cư dân tôn lên hàng thượng đẳng “hổ Đại Vương”. Bên cạnh đó, người Hoa xếp ông hổ vào hệ thống hàng trăm nam nữ thần linh truyền thống của người Hoa tại Nam Bộ. Hình tượng ông hổ đặt thờ dưới chánh điện, chức năng phò tá Quan Thánh. Từ khi khám thờ ông hổ có trong miếu người Hoa, trong dân gian truyền rằng cuộc sống mọi người bình yên, không còn chuyện cọp tấn công người và không bệnh dịch hoành hành.

Ngoài dung nạp tín ngưỡng dân gian ông hổ (cọp). Người Hoa còn du nhập hình thức thờ Tiền hiền, Hậu hiền của người Việt. Người Việt thờ Tiền hiền, Hậu hiền là để tri ân, thể hiện tình cảm trân trọng, kính mến, biết ơn những người có công khai hoang lập làng, lập ấp, đắp đường, xây chợ, hiến đất xây cầu, xây chùa chiền. Bàn thờ Tiền hiền, Hậu hiền phổ biến trong các đình, đền, miếu, miễu, chùa chiền của người Việt vùng Nam Bộ. Và người Việt coi đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của tầng lớp con cháu thực hiện vai trò uống nước nhớ nguồn, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc. Đó còn là thể hiện giá trị cao đẹp của văn hóa cổ truyền dân tộc Việt.

Việc người Hoa dung nạp hình thức tín ngưỡng thờ Tiền hiền, Hậu hiền vào cơ sở thờ tự của mình là kết quả của sự giao lưu - tiếp biến văn hóa một cách hoàn toàn tự nhiên. Đó còn là yếu tố mang tính quy luật nguyên nhân bởi yếu tố chủ quan cũng như quy luật khách quan mang lại. Vì họ đã sống gắn bó với nhau trên một thời gian dài trên dưới ba thế kỉ. Tuy Tiền hiền, Hậu hiền thờ tự ở miếu Phước Minh Cung (Chùa ông) vẫn chưa xác định chính xác đích danh hay giới tính. Nhưng các tộc người Hoa, kinh, Khmer xem Tiền hiền là những người có công đầu tiên chiêu mộ lưu dân, khẩn hoang mở rộng diện tích, lập làng lập xã (Tiền hiền khai khẩn). Hậu hiền là những người có công lập đình, miếu, miễu, chùa chiền, bồi lộ, tu kiều (Hậu hiền khai cơ).

Tiền hiền, Hậu hiền đặt trên hai khám thờ bằng gỗ, chữ được viết bằng Hán tự sơn son thếp vàng. Vị trí đặt ở tiền điện ngang với bàn thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, mục đích bố cáo kính cẩn những người có công. Khám thờ được chạm trổ, điêu khắc với các đồ án lưỡng phụng triều nhật, cỏ cây, chim chốc, hoa lá chạm khắc tinh xảo, rõ nét kỹ thuật độc đáo thể hiện trình độ, tư duy, tay nghề của nghệ nhân Trung Hoa đạt đến đỉnh cao. Di vật thờ tự gồm một bộ tam sự, lư hương bằng đồng lớn mạ vàng, chân đèn và bình hoa thể hiện sự tôn nghiêm, trang trọng, thành kính, linh thiêng đối với bậc tiền nhân vốn quen thuộc trong đình làng của người Việt ở Nam Bộ.

Một hình thức khác, người Hoa đã tiếp thu từ văn hóa người Việt một cách sáng tạo, khéo léo. Đó là coi Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công xây dựng, trông coi chùa chiền, đến những người có công trông coi cung, miếu, người lập nên Hội quán; người cưu mang, tập họp những người đồng hương, đồng tộc, người Hoa di cư sau đến đây khai phá. Đồng thời, người Hoa cũng coi những người đóng góp công sức, tài chánh vào việc cúng tế, lễ bái, tu bổ sửa chữa chùa, miếu hàng năm là Hậu hiền. Hình thức này được bằng cách lưu tên trên một danh sách viết bằng Hán tự mực đỏ, cùng số tiền ủng hộ bên ngoài viền khung gỗ hoặc nhựa, lộng kiến cẩn thận, nhưng không hương án thờ treo ở dãy tòa nhà kế bên nhà ăn.

Riêng Thiên Hậu Cung là ngôi miếu lớn của cộng đồng người Hoa Trà Vinh (Chùa Bà), tọa lạc trên đường Nguyễn Đán, Thành phố Trà Vinh, xây dựng năm 2007 thì không có hình thức thờ Tiền hiền hay Hậu hiền. Đối tượng thờ chính: Bà Thiên Hậu, Phước Đức Chánh Thần, Quan Thánh Đế Quân, Chúa Sanh nương nương và Quan Âm Bồ Tát, Ngọc Hoàng Thượng Đế. Vì đây là ngôi miếu vừa được xây xong qua thời gian gần đây nên không hương án thờ Tiền hiền, Hậu hiền. Nhiều ngôi miếu khác của người Hoa còn du nhập hình thức thờ Tả ban, Hữu ban trong tín ngưỡng dân gian của người Việt. Ví dụ điển hình như: Chùa Quan Thánh, xã hòa Lợi, huyện Châu Thành; Vĩnh Hòa Miếu, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú; Cổ Tông Miếu, Khóm 2, Thị trấn Châu Thành.

Ngoài ra, cộng đồng người Hoa còn tiếp thu tín ngưỡng dân gian của người Khmer và đưa hình thức tín ngưỡng này vào điện thờ của mình. Đó là hình thức thờ Neak Tà của người Khmer. Theo tiếng Khmer, Neak là chỉ con người nói chung và Tà là người đàn ông đứng tuổi. Neak Tà nghĩa là vị thần trông coi bảo trợ khu vực phum, sóc từ thửa ruộng, ao hồ, sông ngòi, kênh rạch, nguồn nước, mưa gió cho đến đường làng phum, sóc của cộng đồng người Khmer. Đôi khi Neak Tà được coi như là một vị phúc thần ngoài việc bảo hộ sức khỏe, chữa bệnh cho cộng đồng ra. Neak Tà còn là vị thần có khả năng ban phước giáng họa chuyên trị những kẻ gian ác, bội tín, sống thất đức phù hộ người nhân nghĩa, lương thiện, người tốt.

Neak Tà của người Khmer có nhiều tên gọi khác nhau đặt trong miếu tre, vách lá hoặc bằng mái ngói, nền xi măng hoặc nền đất như: tên động vật, thực vật, địa vực (bến đò,…) hay tên nhân vật lịch sử, nhân vật trong truyện cổ tích, huyền thoại, có khi là tên của vị thần thuộc Bà La Môn giáo… nhiều dạng Neak Tà Xam rông (cây Trôm), Neak Tà Dom Chey (cây Đa)[2]” trong phum, sóc.

Hình thức thờ Neak Tà của người Hoa đặt giữa miếu một cục đá to hoặc nhiều cục đá to hình bầu dục, hoặc một hòn đá to xung quanh là những hòn đá cuội làm biểu tượng thần. Họ coi Tà thần là vị thần bảo vệ đất thổ cư, bảo vệ cơ sở vật chất chùa chiền, trừ ta ma. Đồng thời, Neak Tà còn bảo hộ cho cộng đồng người Hoa trong việc hùn hạp, kinh doanh và buôn bán. Sau khi đốt nhang cúng tế Quan Thánh nhiều người Hoa đến đứng trước miếu Neak Tà đốt nhang, khấn vái, cầu bình an, gia đạo, tình duyên và cầu con cái. Nhưng Phước Minh Cung là một ngôi miếu không có khám thờ Neak Tà.

Còn nhiều miếu khác của người Hoa trên địa bàn tỉnh Trà Vinh thì hình thức thờ Neak Tà của ngườ Khmer phổ biến hơn. Ví dụ: Chùa Quan Thánh, tọa lạc ở Ấp Truôn, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành. Bên cạnh chánh điện thờ Quan Thánh, là tượng thờ Neak Tà bằng những cục đá hình bầu dục, miếu xây dựng bằng xi măng, nền lót gạch men, mái thiếc, màu vàng, bên phải sau cổng lớn của Chùa Quan Thánh. Ngoài ra, họ còn dung hợp Neak Tà với các vị thần Thổ Địa, Thần Tài vào chung một ngôi miếu. Vì việc thờ cúng Thần Tài là một tín ngưỡng dân gian (cầu tài) đặc thù, tồn tại phổ biến trong văn hóa Trung Hoa[3]. Nhưng trong “mỗi một cái ao, mỗi một chỗ lồi lõm của đất đều có sự ngự trị của một vị thần mà quyền lực của ông lan xa hoặc gần tùy theo vùng đất mà ông ta cai quản[4]. Trong khi đó, Ông Địa ở Việt Nam là một vị thần béo tốt, đầu hói, vẻ mặt vui vẻ, tay cầm quạt, đầu quấn khăn “đầu rìu”[5]. Và Ông Địa đóng vai trò là vị thần bảo vệ làng xã và trông coi nhà cửa đất đai. Chính vì thế, miếu Neak Tà du nhập cả hình tượng thờ Thần Tài và Thổ Địa. Di vật thờ gồm một lư hương và ba chung trà. Miếu Vĩnh Hòa Cung, tọa lạc xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú do cộng đồng người Hoa Triều Châu xây dựng. Bên ngoài là miếu Neak Tà xây dựng khang trang (năm 1964) trên sân miếu thờ Quan Công. Sau khi đốt nhang Quan Công, họ thường đến đứng trước miếu Tà thần cúng tế, khấn vái, cầu bình an, ấm no, mưa thuận gió hòa, trồng hoa màu tươi tốt, chăn nuôi thuận lợi. Hình tượng Neak Tà gồm nhiều cục đá hình bầu dục xếp chồng lên nhau chất thành hai đóng đặt hai bên ngôi miếu. Trong miếu còn phối tự các vị thần Quan Công, Bà Thiên Hậu, Thần Tài, Thổ Địa, và một lư hương nhỏ, một bình bông. Mái miếu bằng tole, vách tường, mái ngói, nền lót gạch men, trên tường có chữ “thần” viết bằng Hán tự. Vị trí miếu Neak Tà đặt ngoài sân nhìn từ trước ra sau bên phải miếu Quan Thánh. Theo cộng đồng người Hoa quan niệm Neak Tà là vị thần Tiền chủ của khu vực đất này. Hay Miếu Vạn Ứng Phong Cung, tọa lạc ở xã Hòa Ân, huyện Cầu Kè - Trà Vinh thờ Ông Bổn Nhì của người Hoa Triều Châu có miếu thờ Neak Tà. Miếu Neak Tà đặt ngoài sân, lợp mái ngói, nền gạch men, vách tường. Hình tượng Neak Tà gồm nhiều cục đá hình bầu dục, đặt theo hàng ngang, trên mỗi cục đá là tấm vải đỏ cột trên đầu. Vì có câu chuyện kể rằng“Neak Tà rất linh thường hay về cho số người dân trong vùng nên việc cột vải đỏ trên mỗi cục đá là chủ ý của Ông Bổn vào ngày vía ông, mục đích không cho Neak Tà lên cho số nữa” (Bà từ giữ miếu). Sự sùng bái Tà thần của người Hoa thông qua khâu chuẩn bị nghi lễ và mâm lễ vật cúng như quét dọn bàn thờ, rửa sạch các chung trà bằng nước hoa thơm, thay nhang khói lư hương cũ trong miếu được sắp xếp chu đáo tươm tất trước khi mang lễ vật lên cúng thần. Người quét dọn phải là người có uy tín, có am hiểu về khấn vái và cũng phải tắm gội sạch sẽ trước khi cúng. Mâm lễ vật được chuẩn bị đầy đủ: hai tô canh chua, bốn bát cơm trắng, hai chén nước tương, hai dĩa đậu xào, hai dĩa đồ kho, hai dĩa trầu cau gói sẵn (lộc) và rượu nhưng tất cả là “đồ chay”. Giá trị tâm linh, người Hoa rất sùng bái Neak Tà coi như là một vị thần thánh của mình.

Bên cạnh tiếp thu văn hóa người Việt, Khmer tại Nam Bộ. Người Hoa trên bước đường di dân, hành trang của cộng đồng người Hoa ngoài tâm thức thờ tự thần linh truyền thống của mình khi đến vùng đất mới khai phá. Họ còn tiếp thu văn hóa của người Chăm. Hình thức tín ngưỡng thờ thần Nam Hải Tướng Quân. Vị thần Nam Hải Tướng Quân vốn là Thần Nam Hải Cự Tộc Ngọc Lân Tôn Thần tức là Thần Cá Voi. Thần Nam Hải là vị thần chuyên phù hộ cho những cư dân đi biển hoặc cư trú ở vùng ven biển. Người Hoa tiếp nhận tín ngưỡng này qua quá trình di dân vào Nam thường chọn vùng ven biển cư trú. Và Trà Vinh là một Tỉnh nằm ven biển xung quanh đều giáp biển, có vị trí địa lí nằm giữa hai con sông Tiền và sông Hậu. Chợ Trà Vinh xưa gần bến cảng có tàu ghe đến đây buôn bán hàng ngày tấp nập. Mặt khác, trong số lưu dân người Hoa đến Trà Vinh cư trú, một bộ phận người Hoa sống bằng nghề đóng đặt đáy khai thác, đánh bắt thủy hải sản ở vùng cửa biển. Đó là cửa biển Đại An (huyện Trà Cú) rất thích hợp với tâm lí của lưu dân mới đến. Chính vì thế thần Nam Hải có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh tế, ổn định tinh thần và hoạt động văn hóa của cư dân.

Nam Hải Tướng Quân được tùng tự bên trong chánh điện. Bài vị gồm một bộ ngọc cốt (xương) đặt trên bàn cùng những tượng cốt nhỏ Quan Thánh Đế. Vai trò Nam Hải Thần Tướng là tiếp dẫn thần linh hoặc là vật đễ trang trí. Vì hiện tại không còn giáp biển hoặc biển đã lùi khá xa so với Thành phố Trà Vinh nên tâm lý của cư dân người Hoa không còn tin hoặc niềm tin bị hạn chế nên bàn thờ Nam Hải Tướng Quân không có lư hương, bình bông hoặc đồ cúng tế khác so với cư dân đang cư trú sống bằng nghề đi biển.

4.2. Tiếp xúc và giao lưu văn hóa qua lễ hội tại Phước Minh Cung của cộng đồng người Hoa

Tiếp bước lưu dân người Hoa, trong tâm thức luôn thờ tự hệ thống Thần chính thì lễ hội được xem là thứ hành trang khá quan trọng không thể thiếu trong đời sống tinh thần. Lễ hội tổ chức vào những ngày vía vị thần chính yếu tại Phước Minh Cung. Ngày vía trở thành ngày hội, ngày họp mặt, ngày tưởng nhớ của những lưu dân xa xứ luôn trong tâm trạng hồi tưởng về cố hương, khôi phục tiền triều tạo nên tính cố kết cao giữa người Hoa với nhau. Hơn thế nữa, là sự gắn bó đoàn kết với các dân tộc Kinh, Khmer luôn được quan tâm.

Từ xưa, lễ hội là dịp mọi người cúng tạ ơn thần linh, tạ ơn Quan Thánh. Là dịp mọi người vui chơi, thư giãn, ca hát nhảy múa bên nhau sau những ngày lao động vất vả. Giờ đây, mọi người có thể quay quần bên nhau không phân biệt giới tính, tuổi tác, địa vị, giàu sang gặp gỡ và trao đổi chia sẽ những ưu phiền, trò chuyện với nhau những khó khăn thiếu thốn, chuyện vui buồn, chuyện tình cảm, chuyện đau yếu bệnh tật, công việc kinh doanh, buôn bán của gia đình và những mong ước trong cuộc đời, v.v.

Mỗi khi lễ hội diễn ra, ngoài cộng đồng người Hoa tham gia nghi thức cúng tế Quan Thánh Đế hàng năm vào ngày 24/6 âl, vía tử ngày 09/9 âl, vía hiển thánh 04/01 âl, còn có người Kinh, Khmer tham gia tế thần. Họ đã quên tất cả sự khác biệt về văn hóa, sắc tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, ngôn ngữ, lễ hội và màu da để hòa nhập với cộng đồng. Trong không khí thăng hoa của lễ hội cúng ông, các tộc người càng trở nên thân thiện hơn bao giời hết, bỏ qua thói ít kỉ, hẹp hòi, tự tư tự lợi trong buôn bán, những thói hư tật xấu ở đời và tha thứ cho nhau, bỏ qua những hiềm khích trong cuộc sống. Lễ hội càng náo nhiệt, họ càng trở nên cởi mở hơn và sẵng sàn bỏ qua những bất đồng trong cuộc sống hướng đến tương lai tốt đẹp.

Lễ vật cúng hàng năm gồm món chay và món mặn. Món chay dùng để cúng ông, món mặn có con heo quay dùng cúng binh ông, cùng nhiều loại trái cây và hoa quả khác. Ngoài ra, vì tôn trọng văn hóa bản địa nên có món cháo (Kinh), cháo sử dụng nguyên liệu gạo tẻ nấu thành cháo loãng để ăn, nấu không mất nhiều thời gian tiện lợi trong khi tiếp đãi khách, tiệc tùng, vừa nhanh vừa tiện lợi, dễ ăn. Nồi bún nước lèo (Khmer) sử dụng loại mắm prohóc để chế biến là lễ vật cúng tế, tiếp đãi bá tánh. Những thứ lễ vật này, họ được ăn uống sau khi cúng tạ lễ thần linh mà trong dân gian coi đây là cái “lộc”. Ba món lễ vật heo quay, cháo và bún nước lèo trong một cơ sở tín ngưỡng là vật tượng trưng cho sự giao lưu – tiếp xúc văn hóa, biểu tượng cho tinh thần đoàn kết ba tộc người Kinh, Hoa, Khmer. Đồng thời, nó là lễ vật chính mang tính bắt buộc trong ngày tế vía Quan Thánh hay Châu Xương hàng năm.

Ngoài ra, thứ lễ vật không cúng tạ ơn Quan Thánh là “thịt gà”. Vì truyền thuyết kể rằng “cuộc đời Quan Thánh Đế được con gà cứu mạng” nên kiêng kị không cúng gà. Hình thức này tồn tại nhờ cư dân trong vùng gìn giữ, phát huy trên dưới 100 trăm năm. Có thể nói rằng đó là biểu hiện của sự thống nhất về mặt văn hóa, vì nó được xem như  một quy định cứng, một thứ quy định mang tính bắt buộc, một quy ước chung của cộng đồng ba dân tộc Kinh, Hoa, Khmer tại Trà Vinh. Qua đó, chúng ta có thể thấy thái độ ứng xử tôn trọng gìn giữ bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa của các dân tộc nơi đây.

Trong lễ hội, nghi thức tế thần của người Hoa thường thấy phổ biến trong một số đình làng của người Việt Nam Bộ. Đó là, lễ Túc yết (lễ Yết) và lễ Đoàn cả . Là nghi lễ mà thành viên Ban Trị sự họp lại để ra mắt thần, bố cáo với thần việc tổ chức lễ vía tại miếu. Lễ này chủ yếu mang tính nghênh thần. Ngoài lễ Túc yết, là lễ Đoàn cả biểu hiện đặc trưng qua nghi thức tạ ơn Quan Thánh Đế tại Phước Minh Cung, qua hình thức sắp xếp ban tế tự trong lễ Đoàn cả như: Hội Trưởng, các thành viên Ban Trị sự, Thầy lễ, Ban lễ nhạc sắp hàng trước tiền điện trong tư thế sẵn sàng làm lễ. Ông từ ngồi cạnh bàn thờ gõ chuông cho khách suốt lễ bái. Trong nghi thức lễ xướng có: niệm chủ tựu vị, cẩn niệm chơn hương, hưng bái, điểm trà và lễ sinh xướng các nghi thức củ soát lễ vật, tuần hương, đọc văn tế, hiến quả phẩm, hiến binh và tuần trà đều tiếp thu từ nghi lễ của người Việt.

Xưa kia mỗi khi lễ hội Quan Thánh được tổ chức, là lúc các hoạt động múa lân, múa cừu, múa rồng, biểu diễn võ thuật cùng những hoạt động văn hóa văn nghệ hát Tiều, hát Quảng thuê từ Sóc Trăng về phục vụ làm cho không khí lễ hội trở nên nhộn nhịp rộn ràng và ấm áp. Thậm chí, lễ vía Quan Thánh có hình thức đám rước kiệu Quan Công biểu diễn quanh Thành phố Trà Vinh. Họ rước, thỉnh Quan Công đi du hành mục đích cầu may mắn, ban phước lành, mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình yên và thịnh vượng phát tài cho cư dân cả vùng này. Tháp tùng theo đoàn người Hoa có người Kinh, người Khmer vỗ tay trong tiếng hò reo, rộn rã. Cùng những đoàn người nối tiếp theo sau vỗ tay hòa cùng nhịp điệu múa lân, múa cừu và múa rồng làm cho không khí lễ hội trở nên tưng bừng náo nứt nhộn nhịp sôi động của một miền quê yên bình. Nhưng ngày nay các hoạt động này đã bị xóa bỏ hoặc giản lược chỉ còn một số hoạt động như múa lân, biểu diễn võ thuật là chính yếu nên số lượng người tham gia của các dân tộc cũng ít đi.

4.3. Tiếp xúc và giao lưu văn hóa trong kiến trúc cơ sở thờ tự tại Phước Minh Cung

Đến vùng đất Trà Vinh, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở. Cộng đồng người Hoa xây dựng miếu, chùa chiền, Hội quán mục đích tạ ơn thần linh đã phù hộ trong công cuộc di dân thành công và bảo hộ trong quá trình định cư trên vùng đất này.

Do đó, Phước Minh Cung vừa là Hội quán, vừa là cơ sở sinh hoạt tín ngưỡng, vừa là trung tâm sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Hoa có chức năng giáo dục, vui chơi, giải trí, thực hiện nghi lễ. Đồng thời, miếu ông là nơi bảo lưu những giá trị nghệ thuật cổ truyền của người Hoa như hương án, liễn đối, hoành phi, bình phong và bao lam. Hơn nữa, nó là nơi phát huy phong cách nghệ thuật độc đáo của người Hoa, thông qua mãng nghệ thuật điêu khắc, hội họa, bài trí rất phong phú, đa dạng. Tại miếu ông chúng ta bắt gặp nghệ thuật chạm khắc gỗ với những con rồng, phụng, chim chóc, dơi, cỏ cây, hoa lá, bông sen trên những khám thờ, còn trên tiền sảnh đến bên trong chánh điện, trên vách, trên 16 cây cột, trên mái đều được điêu khắc chạm nổi, chạm thủng với kỹ thuật độc đáo. Cùng những đồ vật trang trí, bài trí hết sức phong phú như: hoành phi, liễn đối viết bằng Hán tự; phù điêu, lư hương, bàn thờ tạo nên tính trang nghiêm, linh thiêng huyền bí nơi thờ tự.

Bên cạnh nghệ thuật chạm khắc gỗ là nghệ thuật đắp nổi bằng sành sứ, xi măng, bằng vôi với những đồ án hoa văn độc đáo như: lưỡng long chầu nhật, song phụng tranh châu, song lân trên các gờ mái, bờ nóc; bát tiên kỳ thú, tùng hạc trường xuân bên trong sân thiên tỉnh; đào hạc trường thọ ở tiền điện; tứ dân: sĩ nông công thương trên tiền sảnh của miếu ông.

Ngoài ra, nghệ thuật đắp nổi trong miếu còn độc đáo ở chỗ là một bức tường dày hay gọi là Cửu Long Bích. Trên vách tường là một đồ án hoa văn đắp nổi chín con rồng nhiều màu sắc xanh, trắng, vàng, đen đang bay lượn phun nước. Bên dưới là một ao nước với chín con cá chép, tượng đúc bằng xi măng đầy đủ màu sắc vàng, đen, xanh, trắng.Biểu tượng của âm dương hòa hợp, mưa thuận gió hòa. Bên phải nhìn từ trước ra sau với đồ án cổ điển kết nghĩa đào viên Trương Phi, Lưu Bị và Quan Công được đắp nổi bằng xi măng. Tạo nên một bức tranh huyền bí vừa cổ điển xa lạ, vừa hiện đại gẫn gũi độc đáo. Nội dung thể hiện giá trị tinh thần thượng võ, vững kết đồng tâm, trường tồn vĩnh cữu, vừa có giá trị về tâm linh sâu sắc.

Những vật liệu gỗ, đá, mái ngói, cột trong miếu được đưa đến từ Trung Quốc. Thậm chí tượng cốt, lư hương, chuông đồng, liễn đối và kết cấu khung sườn. Do điều kiện thời tiết và môi trường tự nhiên, chiến tranh đã làm ảnh hưởng đến vật liệu, nội thất ngôi miếu bị hư hại, xuống cấp. Thậm chí không gian, vị trí của ngôi miếu cũng bị thu hẹp dịch chuyển lại do quá trình phát triển đô thị tại Trà Vinh. Ngôi miếu đã trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, lần trùng tu lớn nhất vào năm 1999, 2000. Trong quá trình trùng tu nhiều vật liệu, nội thất thay đổi bằng vật liệu có sẵn tại Nam Bộ. Ví dụ: những mô típ, trang trí, bài trí, đồ án hoa văn điển cố Trung Quốc, nghệ thuật chạm khắc rồng, phụng đều được trang trí mới.

Bên cạnh nghệ thuật trang trí cổ điển còn trang trí mới trên gờ mái ở hai dãy tòa nhà Đông Sương và Tây Sương. Vật trang trí gồm động vật, thực vật có sẵn phổ biến ở vùng Nam Bộ như cá chép vàng đang bơi lội quanh những bông sen, chim chóc đang hót líu lo, đàn gà (gà trống gà mái, gà con) đang nhặt thóc, bướm đang bay lượn trong vườn hoa, những rặng tre và bông hoa, hoa anh đào vốn quen thuộc gắn bó với đời sống cư dân vùng sông nước, ven biển Nam Việt Nam và vùng Hoa Nam Trung Quốc. Một bức tranh thiên nhiên trang trí trên ngôi miếu cổ thể hiện tư duy và sự sáng tạo độc đáo của người Hoa. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên với tâm linh, vừa dùng làm vật biểu tượng trang trí, vừa có ý nghĩa thoát tục làm cho chốn linh thiêng thanh vắng trở nên sinh động giảm bớt tâm lí cô đơn của những lưu dân trở nên yêu thích gắn bó miền quê, quê hương của những con người sống ở vùng sông nước chịu biết bao nổi vất vả, gian lao, khổ cực khai phá nơi đây đã bao đời nay. Và là niềm mong ước về một miền quê thanh bình, ấm no và hạnh phúc.

Sự ảnh hưởng của văn hóa người Việt biểu hiện qua tư duy, sáng tạo nghệ thuật chạm khắc gỗ của người Hoa “hình tượng con rồng trang trí trên các chi tiết kiến trúc ở cơ sở tôn giáo tín ngưỡng của người Hoa ở Nam Bộ không dữ tợn so với con rồng trong chùa, miếu của người Hoa ở Trung Quốc, mà nó mềm mại, uyển chuyển hơn, tạo cảm giác thân thiện và gần gũi với con rồng thời Nguyễn được trang trí trong đình chùa của người Việt ở phía Nam[6]”.

Ngoài chữ viết Hán tự trên các hoành phi, liễn đối, bảng đại tự là tính phổ biến của tiếng Việt như: bảng danh sách những cá nhân làm công đức, bia ký năm trùng tu miếu, tên gọi các vị thần linh đều kết hợp hai loại chữ viết Hoa - Việt. Hiện nay, bà từ giữ miếu cũng do người Việt trông coi, bảo quản di tích. Tuy đây là ngôi miếu của cộng đồng người Hoa Phước Kiến xây dựng nhưng hoạt động tín ngưỡng hàng ngày đa phần người Việt, người Khmer đến đây khấn vái cầu cúng, xin xăm, xin keo, cầu con cái, cầu duyên, gia đạo, công danh, sự nghiệp, sức khỏe cho cuộc sống, công việc buôn bán làm ăn nhiều hơn người Hoa. Người Hoa ít đến đây khấn vái, họ chỉ tập họp đông đầy đủ vào những ngày vía ông, ngày rằm, lễ hội, Tết, đón giao thừa hoặc họp Ban Trị sự khi cần thiết do buôn bán. Chùa ông Quan Đế nhưng trong dân gian hay gọi chùa Ông Bổn, chức năng giống như vị thần thành hoàng của người Việt, bảo hộ cho làng xã. Sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Hoa - Việt diễn ra một cách sâu sắc vì giữa hai nền văn hóa có nét văn hóa tương đồng giống nhau. Người Hoa giống người Việt, Khmer coi việc thờ tổ tiên vì mục đích nhớ ơn, sau đó qua thời gian tôn lên thành thánh thần. Trong sinh hoạt văn hóa dân gian, người Việt không phân biệt rạch ròi giữa miếu và miễu, đình, đền và chùa thường gọi lẫn lộn. Miếu, miễu là nơi thờ “thần” không thờ Phật còn chùa là nơi trang nghiêm thờ “Phật” không thờ thần. Đối với người Khmer thờ Phật là để “thoát khổ”. Chính vì thế nhiều “ngôi miếu” Hoa chuyển thành tên gọi khác “chùa Ông hoặc chùa Bà”. Ví dụ miếu Phước Minh Cung chuyển thành chùa Ông; Miếu Thiên Hậu Cung chuyển thành chùa “Bà Thiên Hậu”; Chùa Quan Thánh; Miếu Ông Bổn thành “chùa Ông Bổn”.

Chính vì ngôi miếu chung nên được các dân tộc Hoa, Kinh, Khmer bảo tồn, gìn giữ cho đến ngày nay.Từ một ngôi miếu sinh hoạt tín ngưỡng trở thành trở thành một trong những công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo ở tỉnh Trà Vinh. Ngày 16-11-2005, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) ra Quyết định số 76/2005/QĐ-BVHTT công nhận di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật.

Ngày nay, người Việt, Khmer cũng tiếp thu nhiều yếu tố văn hóa của người Hoa, qua hình thức thờ Quan Thánh Đế trong gia đình, đình, miếu, miễu, chùa chiền của mình. Chức năng làm thần độ mạng cho nam giới, vị thần trừ tà ma, vị thần bảo trợ cho cộng đồng và vị thần ban phúc hoặc giáng họa. Mặt khác, nhiều người Việt, Khmer trở thành ông từ, bà từ trực tiếp bảo quản gìn giữ di tích người Hoa.Và người Khmer còn du nhập phối tự Quan Thánh, Bà Thiên Hậu, Thần Tài ,Thổ Địa vào thờ chung miếu thờ Neak Tà. Ví dụ như: Miếu Neak Tà, tọa lạc trên đường Phạm Ngũ Lão, Khóm 3, Phường 1,Thành phố Trà Vinh.

Về lĩnh vực kinh tế, hình tượng nghệ thuật Quan Thánh bằng đá, gỗ, đồng được người Việt chạm khắc tinh xảo, đa dạng về kiểu dáng như: Quan Thánh đứng trên lưng rồng, cưỡi trên yên ngựa tay cầm Thanh Long đao được bày bán ở các siêu thị Trà Vinh. Nhiều cửa hàng khác dùng làm vật trang trí chiêm ngưỡng và làm phong thủy. Đặc biệt,từ một hình thức tín ngưỡng dân gian trở thành một sản phẩm trong lĩnh vực kinh doanh độc đáo được nhiều người yêu thích.

Kết luận

Qua tìm hiểu bước đầu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa qua tín ngưỡng thờ Quan Thánh Đế Quân của người Hoa ở Trà Vinh cho thấy có những đặc điểm sau:

Trải qua trên dưới ba thế kỉ, với biết bao biến thiên của lịch sử. Người Hoa cùng với người Việt, Khmer đã bảo vệ thành công thành quả khai phá và chinh phục vùng đất này. Đây được xem như là đã có công rất lớn vào việc góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội địa phương tại vùng đất Trà Vinh.

Sự giao lưu và tiếp thu văn hóa là nét đẹp truyền thống ngàn đời tạo nên sự hòa hợp, gắn kết dân tộc cao ở Trà Vinh. Chính điều đó, nó đã góp phần bổ sung vào di sản văn hóa của cộng đồng người Hoa trở nên phong phú và đa dạng.

Tiếp xúc và giao lưu văn hóa thông qua việc thờ thần, lễ hội và nghệ thuật kiến trúc của cộng đồng người Hoa tại Trà Vinh đã trở thành sợi dây nối kết sự đoàn kết các tộc người khác nhau chung sức chung lòng.

Bên cạnh đó, chính nhờ sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa góp phần làm phong phú thêm văn hóa của người Hoa tại Trà Vinh nói riêng, người Hoa Nam Bộ nói chung. Đồng thời góp phần vào việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam trong thời kì hội nhập quốc tế. Vì thế, cần có chính sách bảo tồn, tôn tạo những cơ sở tín ngưỡng tiêu biểu, để phục vụ cho việc phát triển du lịch trong Tỉnh.

Ngoài ra, đây còn là tư liệu có giá trị cho những nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ, cùng các Ban, ngành, Sở Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Ban Dân tộc, Bảo tàng, nghiên cứu để phát triển du lịch, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của người Hoa Trà Vinh.

  

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Đinh Hồng Hải (2015), “Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền

thống Việt Nam tập 2 (Các vị thần)”, Nxb Thế giới - Hà Nội

2.      Tsai Maw Kuey (1968), Người Hoa ở miền Nam Việt Nam, Paris.

3.      Trần Hồng Liên (2005), Văn hóa người Hoa ở Nam Bộ Tín ngưỡng&Tôn giáo,

Nxb KHXH.

4.      Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ Xưa và Nay,

Nxb Đồng Nai.

5.      Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Lê Hải Đăng, Phạm Hoàng Quân,

Lý Lược Tam, Cao Tự Thanh, Hồ Tường, Trần Tường Trân (2012), Đặc khảo văn hóa người Hoa ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Dân tộc.

6.      Vương Tuyển (2009), Lễ hội dân gian Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc.

7.      Hội dân tộc học (2006), Văn hóa các Dân tộc thiểu số ở Nam Bộ, Nxb KHXH,

Tp.HCM.

8.      Hội dân tộc học (2006), Dân tộc học và những vấn đề xã hội hiện đại, Nxb

KHXH, Tp.HCM.

9.      Hội Khoa học Lịch sử Tp.HCM (2012), Nam Bộ Đất & Người (tập IX), Nxb

ĐHQG Tp.HCM.

10. Hội Khoa học Lịch sử Tp.HCM (2014), Nam Bộ Đất & Người (tập X), Nxb

ĐHQG Tp.HCM.

11. Ban tư tưởng tỉnh Ủy tỉnh Trà Vinh( 1995), Lịch sử vùng đất Trà Vinh, Tập

một (1973-1945).

12. Sở Văn hóa Thông tin (2005), Báo cáo kết quả điều tra thực trạng Văn hóa phi

vật thể dân tộc Hoa tỉnh Trà Vinh.

13. Nhiều tác giả (2014), Lễ hội cộng đồng truyền thống và biến đổi,Nxb ĐHQG

Tp.HCM

 [1] Ban Tư tưởng Tỉnh Ủy Trà Vinh, 1995:8.

[2] http://lib.tvu.edu.vn/index.php/vanhoanghethuat/163-neakta.html

[3] Đinh Hồng Hải, Những biểu tượng đặc trưng trong văn hóa truyền thống Việt Nam, 2015, tr.107

[4] Sách dẫn lại từ Hội dân tộc học, Văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nam Bộ, 2006, tr.319

[5] Đinh Hồng Hải, sđd, tr.31

[6] Phan An, Phan Thị Yến Tuyết, Phan Ngọc Nghĩa, Trần Hồng Liên, Chùa Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Tp HCM, 1990, tr.140.