TÍN NGƯỠNG ÔNG TÀ ÔNG ĐỊA CỦA NGƯỜI TÂY NINH

Tín ngưỡng ông Tà ông Địa là một loại tín ngưỡng dân gian có từ rất lâu đời của người dân địa phương Tây Ninh. Hầu hết các thôn xóm hay các đình chùa trước đây, nơi nào cũng có miễu thờ ông Tà. Và hầu hết nhà ai dù giàu hay nghèo cũng đều có bàn thờ ông Địa. Đối với bà con, họ quan niệm rằng ông Địa là vị phúc thần có vai trò canh giữ nhà cửa, phù hộ cho gia đạo được bình anh, còn ông Tà là vị linh thần có vai trò cai quản trông coi làng xóm, đề phòng trộm cắp, xua đuổi tà ma. Chính vì vậy mới có câu “ Ông Địa giữ nhà, ông Tà giữ ruộng” là vậy.

Đầu tiên xin nói về ông Tà. Đối với người Việt, bà con không thờ ông Tà theo hộ gia đình mà đa phần lập miếu thờ chung cho xóm làng. Các vị trí thờ Tà thông thường là ở các đình chùa, đầu làng, bến đò hoặc các nơi khác như bờ sông suối, mé ruộng rẫy, cặp đường mòn trong rừng…Nếu như các miễu Tà trong đình chùa được quanh năm nhang khói do cơ sở thờ tự cúng bái, thì các miễu Tà ở những vị trí khác chủ yếu do người qua đường lễ cúng hoặc được bà con cúng theo định kỳ trong năm. Trong các miễu Tà ít khi người ta làm tôn tượng, mà chỉ thờ vài viên đá cuội to nhỏ, có nơi đắp, khắc chữ để thờ như “ Thạch Thần ; Thần Tà tọa vị, Thập nhị Tà thần, Tà công…” mà thôi. 

194836106 3803746996401222 7388595663369048709 n

Tục tờ ông Tà của người Việt có nguồn gốc từ tín ngưỡng Neakta của người Khmer. Trong tiếng Khmer, “ neak” là người nói chung, “ ta” là ông, là người niên trượng cao, hai chữ này hợp lại thành “Neakta” có nghĩa là thần linh. Đối với bà con Khmer, Neakta có rất nhiều loại khác nhau như Tà Ruộng, Tà Suối, Tà Cây Đa, Tà Chùa, Tà Vàm Sông, Tà Xóm Làng…hầu hết tất cả mọi công việc sinh hoạt như cất nhà mới, săn rừng, vào mùa, bắt cá…người Khmer đều làm lễ xin phép Neakta rồi mới làm. Người Việt cũng như người Khmer, khi cúng Tà thường là cúng mặn chứ không cúng chay. Lễ vật cúng Tà thông thường là nhang đèn, trái cây, xôi chè, gà luộc và rượu trắng. Đó là những sản vật cây nhà lá vườn do người dân làm ra đem dâng lên Tà. Trước khi cúng Tà thì phải ăn trước một miếng thì Tà mới chứng. Tương truyền xưa kia Tà bị trúng độc chết nên sợ ăn nhầm thức ăn có độc. Cúng Tà xong thì mọi người cùng nhau ăn uống vui vẻ ngay tại khu miếu, gọi là tiệc đoàn kết. Vì người Việt và người Khmer ở Tây Ninh sống rất gần gũi với nhau, nên có sự ảnh hưởng tín ngưỡng qua lại. Chính vì vậy mà nguồn gốc của những vị thần cũng có sự giao thoa trong văn hóa.

Bên cạnh ông Tà là ông Địa. Ông Địa là một phúc thần rất được yêu thích trong văn hóa Nam Bộ cũng như văn hóa Tây Ninh. Người ta làm tượng Địa khá đa dạng như Địa cưỡi cọp, Địa ngồi ngai, Địa đầu trọc.. Nhưng hầu hết tất cả những tượng Địa dù ở tư thế nào, của thời nào làm ra đi nữa thì đều có hai điểm giống nhau đó là cái bụng bự và miệng cười hết cỡ. Nói cho cùng ông Địa là sản phẩm văn hóa tâm linh của người dân Nam Bộ thời mở cõi, là sự kết hợp giữa tục thờ Tà của người Khmer và tục thờ Mẹ Đất, mẹ Xứ Sở của người Việt. Chính vì lẽ đó mà vị Nam thần này có một số đặc điểm của người nữ như cặp vú to và cái bụng bự tượng trưng cho nét phồn thực. Nụ cười rạng rỡ tượng trưng cho tánh khí dân Nam Bộ và việc mưu cầu hạnh phúc.

Nụ cười của ông Địa là nét nổi bật nhất, trông rất hồn nhiên vui vẻ, cái cười ấy giống y chang đức Phật Di Lạc vậy. Người dân Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng có cái bản tính rất riêng, vừa thoải mái mà cũng rất khảng khái. Họ chế tạo ra hình ông Địa với đầy đủ triết lý của nền văn hóa truyền thống và văn hóa bản xứ. Họ thờ Địa quanh năm, nhờ cậy van vái Địa đủ thứ chuyện, nhưng nếu gặp chuyện không may như mất trộm nhiều lần, làm ăn thua lỗ, mất mùa liên tiếp…thì họ sẵn sàng đổ thừa cho ông Địa không linh, không phù hộ cho gia đình họ…Thế là họ sẵn sàng ôm ông Địa quăng ra đường, bỏ Địa xuống sông, nhét Địa vào kẹt gốc cây…

Dù bị đối xử như vậy nhưng ông Địa vẫn cứ cười. Để giải thích vì sao Địa cười người ta bịa ra câu chuyện Địa bị Hà Bá đánh chết. Chuyện kể rằng : Ngày xưa ở một xóm nọ có một mụ đàn bà góa sống với đứa con gái. Mụ này miệng mồm hơi bẩn, hễ đứa con gái làm sai ý mụ là mụ chửi “ đồ thứ Hà Bá đéo mày”. Nhiều lần vậy ông Địa rình nghe. Bữa kia Địa qua nhà Hà Bá chơi. Địa nói với Hà Bá - anh coi xấu vậy mà tốt phước ghê, có bà kia cứ đòi gả đứa con gái đẹp cho anh kìa. Nghe vậy Hà Bá khoái chí, kêu Địa dẫn đến làm mai mối. Địa sẵn sàng dẫn Hà Bá đến nhà mụ ta. Vừa sáng sớm, mụ dậy quét nhà, đứa con gái còn ngủ. Thấy con chó cái nằm chình ình ngay giữa cửa mụ ta lấy chổi đập cho một cái và chửi luôn “ đồ thứ Hà Bá đéo mày”. Vừa lúc đó Địa và Hà Bá đi tới, Hà Bá nghe vậy cho rằng Địa chơi xỏ mình, kêu mình đi lấy chó cái. Địa thấy cảnh đó cũng cười híp cả mắt. Hà Bá tức điên lên liền co chân đạp cho Địa té xuống sông. Địa uống nước nhiều đến nỗi bụng phình to như bụng chửa, chết mà miệng vẫn còn cười….Nên về sau người dân thờ tượng Địa lúc nào Địa cũng có cái bụng to và cái miệng cười hả hê là vậy !

Đây chỉ là câu chuyện dân gian mang tính khôi hài, nhằm để giải thích vấn đề gần gũi trong cuộc sống. Trong suốt chiều dài lịch sử khẩn hoang vùng đất Nam Bộ, hình tượng Địa gắn liền với đời sống người dân. Họ tin vào Địa, có Địa trong nhà không sợ tà ma trộm cắp. Gia chủ đi vắng Địa canh giữ nhà. Cũng có nhiều người thấy Địa nhà ai linh quá thì tìm cách lấy trộm về. Có khi ở nhà này thờ Địa không linh, Địa bị quăng xuống sông, Địa lại nổi lên mặt nước, khách thương hồ hay trẻ chăn trâu vớt lên đem về thờ thì Địa lại rất linh. Chuyện về Địa có rất nhiều. Vị phúc thần này phải nói là rất gần gũi và dễ chịu. Ngày xưa người ta đa phần nặn tượng Địa bằng tay từ đất sét, những tượng này giờ còn lại đều rất quý hiếm. Tiếp theo đó người chế tạo ra hàng loạt Địa bằng khuôn để bán, đáp ứng cho nhu cầu thờ cúng ngày càng đông của bà con, loại này không quý lắm. Sau này những người giàu có làm Địa bằng vàng, bỏ Địa vào két sắt làm của – cái trò này hơi bị lạ nhưng cũng không thiếu người đã làm. Ngày nay người ta chế ra Địa điện tử, cắm điện vào Địa, bật công tắc là Địa cười thành tiếng suốt ngày. Dù thời thế có thay đổi thế nào đi nữa nhưng đối với tôi tượng Địa bằng đất sét nung vẫn là giá trị nhất. Nhìn ngắm ông Địa cũ xưa, ta thấy cả một khúc quanh lịch sử, cả một chuỗi dài văn hóa của vùng đất Nam Bộ yêu thương, trù phú, và đầy tình nghĩa này.

Ngày nay, dù xã hội đang trên đà phát triển hiện đại, bên cạnh những hủ tục dị đoan mê tín cần phải loại trừ thì những giá trị văn hóa dân gian cần nên lưu giữ lại. Không hẳn ông Tà ông địa đã phù trợ hay giúp đỡ gì cho mọi người một cách thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, mà đó là niềm tin. Niềm tin là sức mạnh của cuộc sống, có niềm tin thì con người ta tạo ra được nhiều năng lượng để làm tốt mọi công việc. Bên cạnh đó tục thờ Tà thờ Địa còn đánh dấu một thời khai hoang mở đất của người dân Tây Ninh nói riêng và Nam Bộ nói chung. Nó phản ánh những mong cầu ước vọng bình an, hạnh phúc và cũng là bệ đỡ tinh thần để cộng đồng tiến tới tương lai.

Tin, ảnh: NNC. Đào Thái Sơn

LỄ CÚNG MIỄU CỦA NGƯỜI TÀ MUN TÂY NINH

Bà con dân tộc Tà Mun ở Tây Ninh hiện nay đa phần theo tôn giáo Cao Đài và trong suốt quá trình cộng cư họ chịu ảnh hưởng khá sâu sắc văn hóa đời sống của người Khmer từ cách ăn mặc đến nếp sinh hoạt tinh thần. Nhưng không phải vì vậy mà họ hòa tan vào các dân tộc khác, mà ngược lại họ luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn những gì thuộc về bản sắc độc đáo riêng của mình - Cúng Miếu là một nghi lễ điển hình nhất của họ.

Lễ cúng miếu chính thức diễn ra vào ngày 16 tháng 11 âm lịch hàng năm ở các xóm bà con Tà Mun sinh sống. Đây là lễ cúng tạ ơn vị thần bảo hộ đất đai mùa vụ và các chiến sỹ trận vong giữ gìn cương thổ…Mặc dù chính thức là ngày 16-11 nhưng trước đó một ngày mọi người trong xóm đã chuẩn bị. Cúng miếu là công việc chung của mọi người trong xóm chứ không phải là việc riêng lẻ của từng hộ gia đình. Vì vậy mọi người mọi nhà đều có nghĩa vụ và trách nhiệm như nhau, cùng nhau góp tiền, cùng nhau làm, sắm sanh mọi lễ vật để cúng bái. Trong lễ cúng miếu của họ vị thần trung tâm là ông Tà. Ông Tà của người Tà Mun vừa là thần đất vừa là tổ tiên của họ. Miếu Tà của người Tà Mun thường được xây cất dưới gốc cây cổ thụ. Khu miếu thường có hai ngôi miếu một to một nhỏ đối diện nhau. Trước ngày cúng chính thức một ngày thì các cụ già trong xóm sẽ đến miếu quét dọn, rửa các vật thờ cúng cho sạch sẽ và làm lễ xin Tà cho phép làm lễ cúng vào ngày mai. Đó là một nghi thức không thể thiếu, vì họ quan niệm phải xin phép thì Tà mới chứng giám và phù hộ.

192150124 3783578465084742 6389410406525234200 n

Miễn Ông Tà của người Tà Mun xã Thạnh Tân TP Tây Ninh

Cũng trong ngày này các thanh niên tập trung lại tại nhà già làng để làm cây bông. Cây bông trong lễ cúng miếu cũng như cây cờ trong các lễ hội vậy. Bà con người Tà Mun chọn một cây tre nhỏ hoặc cây trúc to dài độ 1,5 mét, cắt bằng hai đầu. Đầu trên chẻ đều rồi banh ra giống như cái lồng hái trái cây vậy và họ để trầu cau têm sẵn vào đó. Trên thân cây cứ cách độ một tấc sẽ buộc một vòng dây, họ chẻ các nan trúc cho tưa mỏng ra như hình những cành hoa và cắm so le vào các vòng dây đó kèm theo một ít tiền lẻ. Đó gọi là cây bông. Cây bông có ý nghĩa tượng trưng cho việc báo hiệu lễ cúng, trầu cau và tiền lẻ có ý nghĩa là hóa cho những vong hồn lang thang không nơi nương tựa, thiếu ăn thiếu mặc.

Sáng sớm hôm sau, những người phụ nữ trong xóm với những bộ quần áo đẹp nhất sẽ đi ra chợ mua đồ cúng. Trong lễ cúng này có năm thứ quan trọng là hoa tươi, cái đầu heo, gà, xôi nếp…và voi ngựa làm bằng cây chuối. Ngoài ra còn có trái cây và rượu trắng. Đối với lễ cúng miếu, bà con Tà Mun lựa chọn hoa rất kỹ, họ quan niệm mua được hoa đẹp càng nhiều thì càng gặp nhiều điều may mắn. Voi và ngựa sẽ được một người khéo tay trong xóm làm ra bằng thân cây chuối và tàu lá chuối, họ cho rằng voi và ngựa là những con vật mà các chiến sỹ của họ ngày xưa trong quá trình giữ gìn cương thổ, chống giặc ngoại xâm đã sử dụng. Khi cúng thần thì cúng luôn họ như một sự tri ân sâu sắc….Sau khi đi chợ xong, về xóm thì tất cả mọi người cùng làm cho hoàn tất các lễ phẩm. Khoảng ba giờ chiều thì mọi người đến nhà già làng làm lễ rước cây bông và bưng các đồ cúng ra miếu. Họ đi thành hai hàng có trật tự từ nhà già làng ra đến miếu. Đi đầu đoàn cúng là một bé gái cầm bó hoa và một cụ bà, tượng trưng cái đẹp và sự sinh sôi kế tục tiếp nối trong cuộc sống, đây là một nét của tục thờ mẫu còn sót lại trong văn hóa của người Tà Mun xưa. Kế tiếp là già làng cầm cây bông và mọi người bưng bê mâm đầu heo, gà luộc, xôi và hoa trái cùng đi theo. Sau cùng là hai người cầm voi ngựa giả. Ra đến miếu họ bày trí các thức cúng vào trong miếu. Cái đầu heo ở vị trí trung tâm cúng cho Tà thần, còn gà xôi cúng cho các chiến sỹ trận vong, trái cây thì cúng cho những vong hồn xiêu lạc…Người thắp hương cúng đầu tiên bao giờ cũng là một cụ ông lớn tuổi nhất trong xóm, sau đó mới đến già làng…rồi đến tất cả mọi người…Nghi thức cúng đơn giản, lời cầu khấn chung quy là tạ ơn Tà bảo hộ đất đai mùa vụ, cầu cho mưa thuận gió hòa, lúa và cây trái được bội thu…Sau khi cúng xong thì mọi người bày biện thức ăn ra ăn uống tại sân miếu, vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ như một sự tổng kết mùa vụ sau một năm làm lụng của mọi người trong xóm…Xưa kia vào dịp này trai gái thường ăn mặc thật đẹp xếp thành vòng tròn ca múa vui chơi cho đến khi mặt trời lặn mới thôi. Nay thì đã mai một đi rất nhiều…

Năm nào cũng vậy cứ vào 16-11AL là bà con dân tộc Tà Mun làm lễ cúng miếu, cho dù năm đó trúng mùa hay mất mùa gì cũng vậy. Nếu năm trúng mùa thì mọi người góp tiền cúng cả con heo và nhiều gà xôi để tạ ơn thần, mong năm sau sẽ tiếp tục được bội thu, còn năm mất mùa thì chỉ có cái đầu heo và xôi gà ít lại, cầu mong cho năm tới sẽ được khá hơn. Mặc dù trong lễ cúng miếu Tà là nhân vật trung tâm, nhưng bà con còn tri ân luôn cả tổ tiên, những người hi sinh vì đất nước, những vong hồn hiu quạnh không chỗ tựa nương. Tính nhân văn cao cả nằm ở chỗ đó. Lòng trung thành, sự chân thật, không quên cội nguồn luôn ẩn chứa trong trái tim bà con dân tộc Tà Mun.

Tin - ảnh: NNC. Đào Thái sơn

Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có dân số khoảng 1,1 triệu người. Đây là vùng đất tụ cư lâu đời của người Khmer, người Việt, người Hoa và một số ít người Chăm. Trong đó, về dân tộc ít người, người Khmer chiếm một phần ba dân số toàn tỉnh Trà Vinh, còn người Hoa có khoảng 15.000 người và người Chăm có khoảng 100 người (1). Văn hóa dân gian của người Khmer Trà Vinh mang nhiều nét độc đáo, trong đó có tín ngưỡng thờ Neak Tà. Tín ngưỡng này được xem là một giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh nói riêng và Nam bộ nói chung.

TỤC CÚNG GHE ĐẦU NĂM Ở NAM BỘ

Ngày Tết của những người làm nghề kinh doanh vận tải trên sông nước không thể không có một bàn thờ trên ghe với mâm ngũ quả, bình hoa, cặp bánh tét và nhang đèn.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc điểm cơ bản nhất là sông ngòi chằng chịt. Cứ bước chân ra khỏi cửa nhà là gặp ngay kinh, rạch. Từ đó, ghe xuồng được ví như đôi chân, giúp con người rong ruổi khắp đó đây từ việc mưu sinh đến các chức năng khác.

Người miền Tây Nam Bộ nói chung và người dân Hậu giang nói riêng coi ghe như nhà. Từ những chiếc ghe tam bản, xuồng ba lá dùng để đi lại hàng ngày cho đến những chiếc ghe chài, ghe mui lớn dùng để đi buôn bán, vận chuyển hàng hóa, chủ nhân của nó đều thờ, cúng ghe.

Đối tượng được dân đi ghe thờ là Bà Cậu. Tuy thần tích không rõ ràng, đối với người bình dân, Bà Cậu là thần tốt, thân thiện, còn Hà Bá là ác thần chuyên gây tai họa cho con người.

Về hình tượng Bà Cậu có nhiều giả thuyết, nhưng đa số chủ ghe thường truyền tụng đó là bà già và hai người con trai là cậu Trài (Tài) và cậu Quý, chuyên cứu giúp người trên sông nước. Thờ cúng Bà Cậu là hướng tới hai đối tượng có quan hệ mẹ - con. Tran thờ Bà có luôn hình “nhị vị công tử” được đặt trang trọng phía trước. Mặt Bà và hai Cậu thường nhìn ngang.

Nơi tran thờ lúc nào cũng có dĩa trái cây, ba chung nước. Hàng ngày các ghe đều thắp nhang đều đặn vào lúc chạng vạng và bình minh.

Đến ngày mùng hai và mười sáu hàng tháng thì cúng thêm dĩa bánh, kẹo, bó hoa tươi...

Năm hết, Tết cận kề cũng là lúc người đi ghe xuồng tranh thủ kéo ghe lên bờ vừa chà rửa sạch sẽ vừa để sửa chữa, trét chai, lấp vò... Đây là lúc những chiếc ghe được... nghỉ ngơi.

Tác giả Nguyễn Thanh Lợi cho rằng: “Ngày Tết của những người làm nghề kinh doanh vận tải trên sông nước không thể không có một bàn thờ Bà trên ghe tàu với mâm ngũ quả, bình hoa, cặp bánh tét và nhang đèn (đôi khi là đèn điện màu nhấp nháy). Vào ngày mùng ba, mùng bốn hoặc mùng năm Tết thường có một ngày họ dùng cặp vịt cúng Bà. Món vịt chế biến là luộc nấu cháo (Nguyễn Thanh Lợi (2015), Tín ngưỡng thờ thủy thần ở Nam bộ, NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, tr.10).

Tìm hiểu thực tế trong đời sống dân gian miệt Hậu Giang, chúng tôi nhận thấy nếu như người chăn nuôi cúng ông Chuồng, bà Chuồng, người đi ghe cũng Tết ghe, cúng Bà Cậu.

Tết nhà, Tết vườn cúng gà để năm mới lên gà (chỉ sự phát triển), theo cánh gà bay cao, thì người đi sông nước cúng vịt để ghe nổi và chuyện mua bán cũng nổi (mọi thứ đều trôi chảy hay chỉ sự phất lên nhanh chóng) như vịt bơi trên mặt nước.

Đây là cách chơi chữ hết sức thú vị phản ánh tính hài hước nhưng cũng đậm chất trí tuệ dân gian.

Hai con vịt chéo cánh được luộc trong nồi cháo. Khi cúng để vịt ra dĩa, hai con cùng nằm song song, miệng vịt có thể vắt thêm nhánh mai hay bông vạn thọ, bông cúc, cạnh đó là ba chén cháo, dĩa gạo muối, giấy tiền vàng mã, chai rượu đế, bình trà mới và mấy cái chung, có người còn thêm ba miếng trầu đã têm vôi, ba miếng cau để trong dĩa.

unnamed

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Mâm cúng được bày ngay trên sạp lái hoặc sạp mũi ghe, hoặc cũng có người để mâm cúng trên cái ghế đẩu, cặp bờ sông, mũi ghe xuồng được cúng đậu sát nơi đó. Chủ ghe van vái Bà Cậu phù hộ độ trì cho năm mới việc mua bán được thuận buồm xuôi gió; chuyện đi lại được xuôi chèo mát mái...

Khi cúng xong, người ta cũng dán trước mũi ghe, dán trên bánh lái, cặp chèo... những miếng giấy vàng bạc cho ghe, chèo... ăn Tết.

Gạo muối được rải hết đi, lui nhang, vịt đem lên nhà chặt ra trộn gỏi rồi chủ ghe dọn mời anh em, bạn bè đi ghe hay bà con lối xóm cùng nâng những chung rượu đầu năm với hy vọng một sự thành công mới sẽ đến.

Nguồn: Zing new

Link truy cậphttps://zingnews.vn/tuc-cung-ghe-dau-nam-o-nam-bo-post1184158.html

Lời dẫn của Ban Biên tập

Theo số liệu thống kê hiện nay, ngời Khmer ở tỉnh Bình Phước là hơn 19.000 người([1]chủ yếu cư trú ở những địa phương: Lộc Ninh, Chơn Thành, Đồng Xoài, Bù Đốp,...Trong đó, Lộc Ninh là huyện có đông người Khmer cư trú nhất.

Trong đời sống văn hóa tâm linh của tộc người này, ta thấy có sự tích hợp mạnh mẽ giữa yếu tố tôn giáo (Phật giáo Theraveda) và các tín ngưỡng dân gian truyền thống, điều này được thể hiện rõ qua các lễ hội, nghi lễ như: Lễ Phật Đản, lễ Xuất gia tu học, lễ Sen Đolta, lễ cúng trừ tà ma (có nghi thức tương tự hầu đồng của người Kinh) và đặc biệt là lễ cúng Neakta (Sen Neakta) diễn ra tại các nhà Neakta trong Phum sóc người Khmer trên địa bàn. 

Nhà Neakta của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước là một ngôi miếu nhỏ, mái lợp ngói hoặc tôn, tường xi măng. Cao khoảng 1,5 mét, rộng 1,5-2 mét. Người địa phương, họ gọi là nhà Neakta.

Lễ cúng Neakta (Sene Neakta) của người Khmer ở xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước được tổ chức trước Chol Chnam Thmay khoảng 15 - 20 ngày. Người Khmer tin rằng ngày Sene (cúng) này, Neakta cho phép ma quỷ ở trong rừng được vào làng kiếm ăn. Vì vậy, mới có hiện tượng trẻ con lấy lọ nồi vẽ mặt đóng giả làm ma quỷ đi đến từng gia đình xin thực phẩm và tiền bạc. Một thanh niên đóng vai quỷ chúa dẫn "đám tiểu yêu" đi vào từng ngôi nhà hò hét vang động cả sóc. Gia chủ thấy ma quỷ đến lập tức bưng ra cho chúng chuối, bánh, xôi, kẹo và tiền lẻ. Ma quỷ còn rượt bắt cả gà, vịt nữa... trước đây khi đất đai còn rộng, người Khmer nuôi heo thả lang, bọn "tiểu yêu" còn rượt bắt cả heo con. Chỉ có chó là chúng không dám bắt vì sợ bị cắn. Chủ hộ vô cùng vui tươi khi thấy bọn "tiểu yêu" đến nhà mình. Ngoài cho quà, họ còn té nước làm mát cho bọn "tiểu yêu".

 z2417743290373 0c5956187056e72772ab2d32b626edd7

Tượng Neakta của người Khmer ở xã Lộc Khánh

 z2417728009409 215c8e851083baf2d17252920682813c

Trẻ con lấy lọ nồi vẽ mặt đóng giả làm ma quỷ

Tín ngưỡng của người dân ở đây cho rằng những ai tiếc của mà đòi lại những con vật bị ma quỷ bắt đi thì năm đó, gia súc, già cầm sẽ chết cả đàn. Những người đi đường cũng bị ma quỷ chặn lại hò hét in ỏi để xin tiền. Chúng nhảy lên ngồi sau yên xe, ôm hông, chọc lét các bà các cô nhột chịu không nổi mà phải cho chúng tiền.

Sau khi đến cuối làng bọn "tiểu yêu" liền quay về nhà cộng đồng. Chúng ngồi phệt xuống đất đếm số lượng "chiến lợi phẩm" thu được. Quỷ chúa sai mấy tên "tiểu yêu" chạy ra quán mua nước ngọt. Vì bọn chúng chưa đủ tuổi để nhậu. Uống nước ngọt xong, chúng mở nhạc, nhảy múa hỗn loạn. Đến giờ cúng lễ, theo lệnh già làng, chúng bỏ lại "chiến lợi phẩm" cho người lớn lo, kéo nhau ra nhà Neakta làm lễ. Tại nhà Neakta, già làng khấn lễ xong, ném gạo ba lần về phía rừng. Sau lần thứ ba ném gạo, già làng hô to, bạn quỷ tháo chạy về phía rừng.

Chạy mệt, chúng dừng lại nghỉ ngơi, xuống suối rữa mặt cho sạch sẽ rồi kéo nhau về làng như những đứa trẻ ngoan hiền. Vai trò ma quỷ của chúng đã kết thúc. Trách nhiệm của người lớn là phải đãi chúng một bữa no nê từ những "chiến lợi phẩm" mà chúng thu được.

z2417752487753 527fff64d7a52d87a77ccfaaf50d1d40

Tác giả chụp ảnh với "Tiểu quỷ"

Tin & ảnh: TS.Phan Anh Tú